Biểu tượng sâu đậm của giây các phép Đức Phanxicô nhận ở Bagdad
aciprensa.com, Ban biên tập, 2021-03-05
Đức Phanxicô đọc Kinh Lạy Cha với giây các phép làm ở Qaraqosh.
Trong ngày đầu tiên chuyến tông du lịch sử đến Iraq, thứ sáu 5 tháng 3, Đức Phanxicô nhận giây các phép làm bằng tay thật đẹp do các nghệ nhân ở Qaraqosh, đồng bằng Ninivê làm.
Đức Phanxicô xướng Kinh Lạy Cha với giây các phép ngài nhận sau buổi gặp các giám mục, linh mục, nữ tu, chủng sinh và giáo lý viên tại Nhà thờ công giáo Syria “Đức Mẹ Cứu rỗi” ở Baghdad.
Giây các phép được trang trí bằng cây cọ, biểu tượng của Iraq, biểu tượng này cũng ở trên logo chuyến tông du. Bên trái là hình Đức Trinh Nữ Maria, bên phải là hình Chúa Kitô với các nhành nho.
Giây các phép được trao cho Đức Phanxicô. Ảnh ACN
Về phần mình, Đức Phanxicô tặng chén thánh cho Thượng phụ công giáo-syria, Ignacio José Ignazio III Younan, Thượng Phụ cũng tặng một món quà lưu niệm cho Đức Phanxicô và ngài đã hôn trước khi kết thúc cuộc họp.
Ngoài ra, ngày chúa nhật sắp tới, 7 tháng 3, khi Đức Phanxicô đến thăm nhà thờ Al Tahira, ngài cũng sẽ nhận một giây các phép khác do các nghệ nhân ở Qaraqosh làm.
Cả hai giây các phép đều được linh mục Yako Ammar, cha xứ giáo xứ Al-Tahira đặt làm. Các giây này đều làm băng tay, vải do nghệ nhân Khaya Bakter dệt với màu sắc truyền thống đặc trưng (đen và tím) của Qaraqosh, bà Gorjia Kapo thêu và tô điểm cho giây các phép”.
Linh mục Ammar giải thích: “Một bên là Kinh Lạy Cha trong ngôn ngữ syriac của chúng tôi, xuất phát từ tiếng A-ram, ngôn ngữ của Chúa Giêsu, bên kia là Kinh Kính Mừng.”
Thêm nữa, giây các phép có thêu hai thánh giá ở hai bên đầu giây là “những thánh giá của nhà thờ Al Tahira, cùng với thánh giá ở bên trong nhà thờ đã bị ISIS phá hủy trong thời gian họ chiếm đóng.”
Linh mục Ammar nói: “Bây giờ những cây thánh giá này là biểu tượng của một đời sống mới. Vì giây các phép là phẩm phục phụng vụ mang tính biểu tượng cao với các linh mục, bánh và rượu, biểu tượng của mầu nhiệm Thánh Thể cũng được thêu.”
Trước khi bị Nhà nước Hồi giáo Tự xưng xâm chiếm, thành phố Qaraqosh là thành phố kitô giáo lớn nhất ở Iraq. Nhưng từ năm 2014 đến năm 2016, thành phố này ở dưới sự cai trị của quân khủng bố hồi giáo nên hàng chục ngàn tín hữu kitô đã phải bỏ nhà cửa ra đi.
Nhà thờ Al-Tahira được dâng hiến cho Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội và trong cuộc xâm lược, linh mục Yako Ammar giải thích: “Nhà thờ đã bị hư hại nặng và bốc cháy, các vật dụng và đồ đạc có giá trị bị cướp phá. Tháp chuông nhà thờ bị nổ mìn, nhiều bức tranh, vật dụng thờ phụng bị hư hai nặng.”
Tháng 10 năm 2016, các lực lượng Iraq và đồng minh đã chiếm lại vùng lãnh thổ này và từng bước một, công việc tái thiết đã được thực hiện, một số tín hữu kitô đã trở về quê hương.
Theo số liệu mới nhất của cơ quan Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ, có 43% gia đình tín hữu kitô ở Qaraqosh trước khi ISIS xâm lược đã có thể về lại đây.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm:“Đức tin giúp tôi sống bình an nội tâm dù bên ngoài không có hòa bình”