Chuẩn bị ráo riết trước khi Đức Phanxicô gặp ayatollah Iraq
apnews.com, Qassim Abdul-Zahra và Samya Kullab, 2021-03-03. Nhà văn Nicole Winfield của Associated Press ở Rôma đã đóng góp cho bài viết này.
Bagdad (AP) – Tại thành phố linh thiêng nhất của Irak, một giáo hoàng sẽ gặp một ayatollah được tôn kính và sẽ làm nên lịch sử với thông điệp về sự chung sống ở một đất nước bị cản trở vì có những chia rẽ cay đắng.
Một là mục tử của Giáo hội công giáo toàn thế giới, một là nhân vật nổi tiếng của hồi giáo shiite, người có quan điểm ảnh hưởng mạnh trên Irak và cả bên ngoài Irak. Cuộc gặp của hai người sẽ tạo tiếng vang trên khắp Irak, ngay cả vượt biên giới để qua nước láng giềng, với người hồi giáo shiite ở Iran.
Đức Phanxicô và ayatollah Ali al-Sistani sẽ gặp nhau vào ngày thứ bảy, tối đa 40 phút, một phần thời gian hai người sẽ ở một mình ngoại trừ thông dịch viên, tại ngôi nhà khiêm tốn của giáo sĩ shiite ở thành phố Najaf. Trong quá trình chuẩn bị, mọi chi tiết đều được cân nhắc kỹ từng chi tiết một, kể cả nơi để giày dép đến sắp ghế ngồi.
Các yếu tố địa chính trị đè nặng lên cuộc gặp, cũng như các đe dọa kép từ đại dịch vi-rút và từ căng thẳng triền miên giữa các nhóm khủng bố được Iran hậu thuẫn bắn tên lửa vào.
Với thiểu số tín hữu kitô Iraq ngày càng giảm, việc thể hiện tình đoàn kết với ayatollah al-Sistani có thể giúp đảm bảo vị trí của họ ở Iraq sau nhiều năm di cư – và cũng hy vọng giảm bớt sự đe dọa từ các dân quân shiite chống lại cộng đồng của họ.
Nhà cầm quyền Irak, cũng như nước láng giềng Iran đều đánh giá cao sức mạnh biểu tượng của cuộc gặp.
Giáo chủ al-Sistani 90 tuổi là đối trọng liên tục chống ảnh hưởng của Iran. Với cuộc gặp này, Đức Phanxicô ngầm công nhận ông là người đối thoại chính của hồi giáo dòng shiite so với đối thủ của ông là nhà lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei. Tin tức về cuộc họp đã làm dấy lên sự cạnh tranh lâu đời giữa phái shiite ở Najaf và thành phố Qom của Iran, nơi là trung tâm của thế giới shiite.
Một viên chức tôn giáo ở Najaf tham dự vào kế hoạch cho biết: “Đây sẽ là một chuyến thăm riêng tư chưa từng có trong lịch sử, và nó sẽ không giống với bất cứ chuyến thăm nào trước đây”.
Đối với Vatican, đây là cuộc gặp đã được chuẩn bị từ hàng chục năm nay, một cuộc gặp mà các vị tiền nhiệm của Đức Phanxicô đã không thực hiện được.
Một viên chức kitô giáo thân cận với ban tổ chức kế hoạch phía Vatican cho biết: “Tổ chức ở Najaf thật không dễ dàng gì”, viên chức này xin ẩn danh vì chuyến thăm tế nhị.
Vào tháng 12, hồng y thượng phụ Giáo hội công giáo Can-đê Louis Sako nói với hãng tin Associated Press, Giáo hội cố gắng sắp xếp một cuộc gặp giữa Đức Phanxicô và ayatollah. Cuộc gặp được đưa vào bản dự thảo đầu tiên của chương trình, “nhưng khi phái đoàn Vatican đến thăm Najaf đã gặp nhiều vấn đề”, ngài cho biết như trên nhưng không nói thêm chi tiết.
Giáo hội nhất quyết tiếp tục tiến hành.
Hồng y Sako nói: “Chúng tôi biết tầm quan trọng và ảnh hưởng của Najaf đối với tình hình ở Iraq. Họ xác định, thông điệp của giáo hoàng về việc chung sống ở Irak sẽ có giá trị gì nếu ngài không tìm sự ủng hộ của nhân vật tôn giáo quyền lực nhất và được kính trọng nhất ở Irak?
Cuối cùng hồng y Sako xác nhận trong cuộc họp tháng 1, vài tuần sau khi chương trình chuyến đi của giáo hoàng đã được hoàn thành.
Hiếm khi ayatollah al-Sistani can thiệp vào các vấn đề quản trị. Khi ngài làm thì điều này sẽ làm thay đổi tiến trình lịch sử hiện đại của Irak.
Một tự sắc của ngài đã làm cho nhiều người Irak có lý do để tham gia vào cuộc bầu cử tháng 1 năm 2005, cuộc bầu cử đầu tiên sau cuộc xâm lược của Hoa Kỳ năm 2003. Án lệnh fatwa năm 2014 của ngài kêu gọi những người đàn ông vững mạnh chiến đấu chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo Tự xưng đã làm tăng hàng loạt các lực lượng dân quân shiite. Năm 2019, khi các cuộc biểu tình chống chính phủ diễn ra khắp cả nước, bài giảng của ngài đã dẫn đến việc Thủ tướng Adil Abdul-Mahdi từ chức.
Hy vọng của Vatican là Đức Phanxicô sẽ ký một bản tuyên bố với al-Sistani cam kết tình huynh đệ nhân loại, giống như bản tuyên bố ngài đã ký với Hồi giáo sunnite ở al-Azhar, Ahmed el-Tayeb tại Ai Cập.
Việc ký kết nằm trong số nhiều yếu tố mà hai bên thương thuyết lâu dài với nhau. Cuối cùng, các nhà lãnh đạo phái shiite ở Najaf nói với hãng tin AP, việc ký kết không có trong chương trình nghị sự và thay vào đó al-Sistani sẽ đưa ra một tuyên bố bằng lời nói.
Mỗi phút của cuộc họp ngày thứ bảy sẽ diễn ra tỉ mỉ như kịch bản sân khấu đã được viết sẵn.
Đoàn xe của giáo hoàng 84 tuổi sẽ ngừng ở bên đường Rasool có hàng cột của Najaf, mà cao điểm là đền thánh Imam Ali, một trong những địa điểm được tôn kính nhất trên thế giới của người shiite.
Bên hông có con hẻm quá hẹp không có chỗ cho xe hơi đi vào. Tại đây, Đức Phanxicô sẽ đi bộ 30 mét đến ngôi nhà khiêm tốn của al-Sistani, nơi ayatollah đã thuê từ hàng chục năm nay. Chờ ngài ở lối vào là người con trai của al-Sistani, ông Mohammed Ridha.
Vào bên trong, và vài bước bên phải, giáo hoàng sẽ đối diện với ayatollah.
Mỗi người sẽ có một cử chỉ đơn giản tôn trọng lẫn nhau.
Đức Phanxicô sẽ cởi giày trước khi vào phòng của al-Sistani.
Al-Sistani, người bình thường vẫn ngồi khi khách đến thăm, nhưng sẽ đứng chào Đức Phanxicô ở cửa và đưa ngài đến chiếc ghế sofa màu xanh hình chữ L, mời ngài ngồi.
Một viên chức tôn giáo ở Najaf giải thích: “Điều này ngài chưa bao giờ làm với bất kỳ khách nào trước đây.”
Các viên chức tôn giáo cho biết, ayatollah sẽ đứng dù sức khỏe kém. Kể từ khi ngài bị gãy xương đùi năm ngoái, ngài chỉ ở trong nhà. Còn Đức Phanxicô thì đau thần kinh tọa.
Đức Giáo hoàng sẽ được mời trà.
Viên chức này cho biết: “Ayatollah sẽ chuyển đến Đức Phanxicô thông điệp về hòa bình và tình yêu cho toàn nhân loại”.
Trao đổi quà tặng
Không rõ bên phíaNajaf sẽ tặng quà gì, nhưng gần như chắc chắn, Đức Phanxicô sẽ tặng ayatollah al-Sistani bản sao các tác phẩm quan trọng nhất của ngài, nhất là Thông điệp Tất cả anh em Fratelli tutti mới nhất của ngài, nhấn mạnh sự cần thiết phải có tình huynh đệ lớn hơn giữa mọi dân tộc để có một thế giới hòa bình hơn, một sinh thái lâu bền và công bằng hơn.
Cho đến nay, các kế hoạch đi thăm Irak của các giáo hoàng trước đây đã thất bại
Năm 2000, Đức Gioan-Phaolô II đã không thể đi thăm khi các cuộc thương thuyết với chính phủ thời tổng thống Saddam Hussein bị thất bại. Hết tở ngại này đến trở ngại khác cũng suýt làm chuyến đi này thất bại.
Tháng trước, Irak rơi vào làn sóng dịch thứ hai do vi-rút biến thể mới dễ lây lan hơn lần bùng phát đầu tiên ở Anh. Đồng thời, một loạt các cuộc tấn công tên lửa lại tiếp tục nhắm vào sự hiện diện của người Mỹ ở đất nước này. Mỹ đã đổ lỗi cho các lực lượng liên kết với Iran.
Cũng chính những nhóm này, được củng cố sau án lệnh fatwa của ayatollah al-Sistani, họ bị cáo buộc khủng bố tín hữu kitô và ngăn không cho các tín hữu về lại quê hương. Chính quyền Irak và các nhà lãnh đạo tôn giáo lo ngại những dân quân này có thể tấn công bằng tên lửa đến Baghdad hoặc những nơi khác để thể hiện sự không hài lòng của họ về cuộc gặp của ayatollah al-Sistani với Đức Phanxicô.
Với tư cách là giáo hoàng, Đức Phanxicô đứng đầu hệ thống phẩm trật chính thức quản trị Giáo hội công giáo. Địa vị của ayatollah Al-Sistani về mặt truyền thống và danh tiếng thì không chính thức bằng. Nhưng ngài được xem là một trong những học giả tôn giáo shiite có uy tín nhất thế giới, là ánh sáng hàng đầu tại các học viện Najaf, làm cho ngài được cả thế giới tôn kính.
Các học viện Khamenei của Iran và các học viện Qom cạnh tranh để có được uy tín này. Trường phái tư tưởng của Al-Sistani phản đối sự cai trị trực tiếp của các giáo sĩ, một hệ thống được áp dụng ở Iran, nơi Khamenei có tiếng nói cuối cùng trong mọi vấn đề.
Một viên chức thứ hai ở Najaf cho biết: “Chuyến thăm có thể làm cho một số người khó chịu và họ có thể cố gắng trì hoãn hoặc hủy bỏ chuyến thăm, tôi vẫn lo chuyện này.” “Ai có thể bất bình? Hawza của Qom,” ông nói, ông dùng thuật ngữ Ả Rập để ám chỉ các học viện.
Ebrahim Raisi, chánh án Iran, được xem là có tiềm năng làm ứng viên tổng thống, ngay cả có thể là người kế nhiệm Khamenei, đã không thành công trong nỗ lực gặp al-Sistani trong một chuyến đi gần đây.
Quan chức này cho biết: “Điều này làm gia tăng căng thẳng với người Iran, vì ayatollah không gặp chánh án Raisi nhưng sẽ gặp giáo hoàng”.
Ngoài vấn đề chính trị và cạnh tranh, gần như tất cả mọi người trên khắp cơ sở đa phương Irak sẽ có được một điều gì đó thu được từ cuộc gặp gỡ ngắn ngủi này.
Gần đây Bộ trưởng Văn hóa Iraq Hassan Nadhem nói với báo chí: “Tôi xem chuyến thăm của giáo hoàng đến Najaf là đỉnh cao của phong trào toàn cầu theo truyền thống hồi giáo-kitô giáo nhằm thúc đẩy an ninh và hòa bình ở đất nước chúng ta. Vì chúng ta vẫn có xu hướng bạo lực và không khoan dung.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm:Quyết tâm đi Irak của Đức Phanxicô