Irak: Một lời mời khó từ chối

110

Irak: Một lời mời khó từ chối

Lo ngại về an ninh không ngăn Đức Phanxicô đi Irak, nhưng lo ngại về sức khỏe thì có.

international.la-croix.com, Robert Mickens, 2021-01-29

Tổng thống Irak Barham Salih (trái) trao quà với Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến riêng ở Vatican, ngày 25 tháng 1 năm 2020 (Ảnh của EPA / DOMENICO STINELLIS / POOL / MaxPPP)

Đức Hồng y Louis Sako đã quyết tâm mời Đức Phanxicô thăm Irak kể từ ngày hồng y gặp Đức Phanxicô lần đầu, đó là ngày 21 tháng 3 năm 2013,  chỉ hai ngày sau ngày Đức Phanxicô chính thức nhậm chức ngôi vị lãnh đạo tối cao của Giáo hội công giáo La Mã.

Hồng y Sako tương đối mới trong cương vị Thượng phụ Babylon của người Chalde có trụ sở tại Baghdad. Ngài chỉ mới được bầu vào vị trí này vài tháng trước đó và lấy xưng hiệu là “Raphael I”.

Hồng y Sako nói với hãng tin AsiaNews về buổi gặp đầu tiên với Đức Phanxicô: “Ngài xin tôi cầu nguyện cho ngài. Và tôi mời ngài đến thăm chúng tôi ở Irak.” Hồng y mừng khi nghe Đức Phanxicô nói: “Ngài nói ngài mong muốn đến thăm đất nước chúng tôi, đó cũng là nơi tổ phụ Abraham bắt đầu cuộc hành trình. Chuyến thăm của ngài sẽ truyền cảm hứng hy vọng và can đảm cho chúng tôi”.

Hồng y cũng xin Đức Phanxicô đến để nói chuyện với tín hữu hồi giáo ở Irak, giống như Thánh Phanxicô Assisi đã làm 800 năm trước đây khi ngài đến Ai Cập để gặp quốc vương hồi giáo. Hồng y Sako nói: “Khi người đứng đầu Giáo hội nói với với thế giới hồi giáo, tín hữu kitô chúng tôi được đánh giá cao và được tôn trọng”.

Chuyến đi từ tám năm bây giờ hình thành

Gần tám năm sau cuộc gặp đầu tiên và khoảng hai năm rưỡi sau khi Thượng phụ được Đức Phanxicô phong hồng y, chuyến đi của Đức Phanxicô đến Irak gần như sẽ được thực hiện.

Ngày 7 tháng 12-2019, Văn phòng báo chí Tòa Thánh cho biết Đức Phanxicô, 84 tuổi sẽ đến thăm đất nước bị chiến tranh tàn phá và khủng bố từ ngày 5 đến 8 tháng 3. Nhưng Văn phòng cho biết, chuyến đi tùy vào tình trạng khẩn cấp sức khỏe toàn cầu, ít nhất cũng đã có nghi ngờ không biết chuyến đi có thực hiện được hay không.

Một tháng sau thông báo của Văn phòng báo chí, Đức Phanxicô lo không biết chuyến đi có bị hủy không. Trên thực tế, đại dịch coronavirus đã buộc ngài bỏ một số chuyến thăm nước ngoài mà ngài đã lên kế hoạch năm ngoái.

Ngày 9 tháng 1, trả lời trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Đức Phanxicô cho biết: “Đúng vậy, tôi đã phải hủy các chuyến đi… bởi vì theo lương tâm, tôi không thể là nguyên nhân cho các cuộc tụ tập, phải không? Bây giờ tôi không biết chuyến đi Irak có được thực hiện hay không. Cuộc sống đã thay đổi”.

Lời tuyên bố này như tiếng chuông báo động cho hồng y Sako.

“Kiên trì đến mức như người gây hại”

Năm 2013, kể từ lần đầu hồng y Sako xin Đức Phanxicô đến thăm đất nước Irak bị tàn phá và bất ổn chính trị của mình, Thượng phụ 72 tuổi đã nỗ lực không ngừng để thực hiện cho được chuyến tông du này.

Các nguồn tin của Vatican cho biết, trong những năm gần đây, ngài nhắc lại lời mời gần như bất cứ lúc nào ngài gặp Đức Phanxicô. Hồng y Sako kiên trì đến mức gần như thành người gây hại. Điều này chỉ có ngài mới làm vì ngài cũng đã gây áp lực buộc chính phủ Irak phải gởi lời mời chính thức đến Đức Phanxicô.

Lời mời đầu tiên gởi đến Đức Phanxicô là tháng 11 năm 2014 của tổng thống Irak bấy giờ là Fuad Masum. Nhưng Tổ chức hồi giáo cực đoan ISIS còn kiểm soát nhiều thành phố của Irak, các nhà ngoại giao Vatican nhận thấy chuyến đi của giáo hoàng không an toàn.

Tuy nhiên, Đức Phanxicô rất quan tâm đến tình hình của nước Irak. Ngài cử hồng y Ferdinando Filoni đến thăm nước này hai lần, hồng y là sứ thần tại Irak trong cuộc xâm lược của Mỹ / Anh năm 2003. Mục đích là mang lại viện trợ nhân đạo cho những người đau khổ ở đất nước bị chiến tranh tàn phá, nhưng đây cũng là nhiệm vụ đầu tiên trong một số nhiệm vụ mà các giám chức Tòa Thánh thực hiện để đánh giá xem liệu tình hình có cải thiện đủ để giáo hoàng đến đó hay không.

Mỗi lần như vậy, sứ thần Vatican đều đi về với kết quả không như ý. Nhưng hồng y Sako không bỏ cuộc. Và cả chính phủ cũng vậy. Bộ trưởng Ngoại giao của Tổng thống Masum đã đến Rôma tháng 12 năm 2016 và tiếp tục gởi lời mời của chính phủ đến giáo hoàng.

Tiếp tục các nhiệm vụ ở Vatican, liên tục gởi lời mời

Các chuyến đi đi về về tiếp tục. Đức Phanxicô gởi hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin đến Baghdad tháng 12 năm 2018 để thăm cộng đồng Công giáo và xem tình trạng an ninh có được cải thiện chưa. Câu trả lời là không. Khi về lại Rôma, ngài tuyên bố: “Để chuyến tông du đến Irak có thể được, thì phải có các điều kiện tối thiểu cho phép, nhưng tình hình hiện nay thì chưa đủ”. Ngài nói thêm: “Dĩ nhiên mọi người đều mong chờ: các người cầm quyền, một số người hồi giáo tôi may mắn được gặp và nhất là các cộng đồng tín hữu kitô cảm thấy họ cần Đức Phanxicô đến để nâng đỡ đức tin và khuyến khích họ trong tình trạng hiện nay của họ”.

Trong bài báo ngày 28 tháng 12 năm 2018, báo L’Osservatore Romano cho biết tổng thống Irak Barham Salih đã lại mời Đức Phanxicô đến thăm đất nước của ông. Thượng phụ Sako được phong hồng y vào tháng 6 trước đó, ngài tiếp tục cuộc chiến của mình. Trong chuyến đi Rôma tháng 6 năm 2019 dự cuộc họp với các nhà lãnh đạo các Giáo hội Đông phương, ngài lại có thêm một dịp để xin Đức Phanxicô đến thăm đất nước mình. Và Đức Phanxicô đã không làm hồng y thất vọng.

Cuối cùng Đức Phanxicô nói “đồng ý”

Trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Giáo hội Đông phương, Đức Phanxicô nói: “Tôi liên tục nghĩ đến Irak, nơi tôi muốn đến thăm sang năm”. Ngài nói, ngài hy vọng đất nước có thể “đối diện với tương lai qua việc theo đuổi lợi ích chung và hòa bình cho tất cả các thành phần trong xã hội, bao gồm cả tôn giáo, để đất nước không rơi vào tình trạng thù địch do các cuộc xung đột âm ỉ của các cường quốc trong khu vực.”

Trong vài ngày sắp tới, Tổng thống Salih sẽ tiếp tục gởi lại lời mời, ông hy vọng chuyến thăm của giáo hoàng sẽ giúp đất nước ông “hàn gắn” sau nhiều năm xung đột.

Đại dịch coronavirus đã làm Đức Phanxicô không thể đến Irak hay bất cứ nơi nào khác ngoài nước Ý trong năm 2020.

Nhưng bây giờ, chỉ còn hơn một tháng, ngài dự định cuối cùng sẽ đến Baghdad.

Tuy nhiên, có những dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy tình hình vẫn chưa đủ an toàn cho một chuyến đi như vậy.

Người Iraq nhấn mạnh, dù các vụ đánh bom khủng bố gần đây, tất cả các nhóm khác nhau ở đất nước của họ đều cam kết đảm bảo an toàn cho giáo hoàng và phái đoàn đi theo ngài.

Sẽ là một tổn thương nặng cho đất nước Irak và cho nỗ lực của người dân nhằm ổn định đất nước nếu Vatican hủy chuyến tông du vì lý do an ninh.

Một lý do đe dọa tính mạng có thể hủy chuyến tông du

Vẫn có khả năng đại dịch Covid có thể ngăn cản chuyến đi. Các nhân viên phụ trách lên kế hoạch cho chuyến đi đã hành động trên mọi phương diện, kể cả làm cho các nhà báo vẫn thường theo các chuyến tông du e ngại. Trước tiên, họ phải tiêm vắc-xin chống Covid, sau đó phải xét nghiệm vi-rút trước khi lên máy bay đến Iraq, cũng như khi về lại Rôma.

Nếu một số nhà báo tỏ ra tích cực, họ sẽ phải bị ở lại Baghdad tìm chỗ ở tạm thời, tuân theo các biện pháp cách ly của Irak và sau đó tìm đường về lại nhà. Đức Phanxicô đã nhiều lần nói, ngài không sợ cho an toàn riêng của ngài, nhưng ngài sẽ không muốn làm bất cứ điều gì làm cho người khác phải gặp nguy hiểm. Tuy nhiên có một số lo ngại chính đáng trong chuyến đi Iraq trong trường hợp này.

Nhưng, một lần nữa, việc hủy bỏ chuyến đi vì lý do an ninh sẽ là một tổn thương nặng cho người Irak, đặc biệt là với hồng y Sako, những người tiếp tục nhấn mạnh họ có thể giữ an toàn cho giáo hoàng.

Nhưng liệu họ có thể chữa chứng đau thần kinh tọa của ngài không?

Gần đây, Đức Phanxicô đã hủy bỏ một số sự kiện vì bị đau thần kinh tọa. Đó là cơn đau đôi khi có thể cực kỳ đau đớn và khá khó chịu, như người viết này đã có kinh nghiệm. Tạ ơn Chúa, cơn đau không nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng nếu Đức Phanxicô rất đau thì đây cũng có thể là một lý do hợp lệ để hủy chuyến đi đến một quốc gia có thể đe dọa tính mạng cho nhiều người khác.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Hồng y Sako: “Việc giáo hoàng đến Iraq là một hành động tiên tri”