Tuy phải giãn cách nhưng năm 2020 là năm Đức Phanxicô gần gũi với giáo dân

87

Tuy phải giãn cách nhưng năm 2020 là năm Đức Phanxicô gần gũi với giáo dân

vaticannews.va. Andrea Tornielli, 2020-12-29

Năm 2020 không có các chuyến tông du và ít có các buổi tiếp kiến chung với giáo dân nhưng Đức Phanxicô cùng đồng hành với nhiều tín hữu cũng như không tín hữu trên thế giới qua thánh lễ ở Nhà nguyện Thánh Marta.

Cũng như chúng ta, năm 2020 của Đức Phanxicô được đánh dấu sâu đậm bởi đại dịch. Không có các chuyến đi, ít có các buổi tiếp kiến chung với một số ít giáo dân vào cuối hè, sau đó lại bị gián đoạn vì đợt sóng truyền nhiễm thứ nhì, các buổi lễ chỉ còn với một nhóm nhỏ giáo dân. Không còn tiếp xúc hàng ngày với mọi người, không còn tiếp xúc qua bắt tay, qua các vòng ôm, qua lời thì thầm nước mắt lưng tròng, làm dấu chúc phúc được trên đầu, không còn những ánh mắt nhìn nhau gặp nhau. Theo cách của mình, Đức Phanxicô thực hiện sứ mệnh của ngài ở nhà, qua mạng, qua kết nối ảo, nói chuyện qua điện thoại nhiều hơn.

Năm 2020 của ngài được đánh dấu qua tông huấn Querida Amazonia của  Thượng Hội Đồng tháng 10 năm 2019 và được công bố vào ngày hôm trước khi đại dịch bùng phát: một lời nhắc nhở mạnh mẽ để nhìn lại những gì đang xảy ra ở vùng bị lãng quên này. Những phương cách cụ thể cho một hệ sinh thái nhân văn quan tâm đến người nghèo, nâng cao giá trị các nền văn hóa và để khuôn mặt truyền giáo của Giáo hội được thấy rõ ở vùng Amazon. Từ đó Covid-19 đã làm ngưng các sinh hoạt, ít nhất là ở Ý, Đức Phanxicô tiếp tục các buổi tiếp kiến chung với giáo dân, tiếp tục các buổi giáo lý về tương lai mà chúng ta muốn xây dựng sau đại dịch. Và tháng 10 vừa qua, ngài công bố Thông điệp Tất cả anh em Fratelli tutti, nói lên tình huynh đệ và tình bạn xã hội là câu trả lời cho bóng tối của hận thù, bạo lực và ích kỷ, điều khiển nổi trội trong thế giới giao động của chúng ta, không những vì coronavirus mà còn do chiến tranh, bất công, nghèo đói, biến đổi khí hậu.

Sự kiện biểu tượng trong ký ức của mọi người vẫn là ngày 27 tháng 3, ngài cầu nguyện xin Chúa can thiệp và giúp đỡ nhân loại đang bị đại dịch tác hại: một mình trong mưa, ở Quảng trường Thánh Phêrô chưa bao giờ hoang vắng như ngày hôm đó, và đồng thời cũng chưa bao giờ có hàng triệu triệu người trên toàn thế giới theo dõi buổi cầu nguyện trong im lặng. Ngài chầm chậm bước lên từng bậc thang rộng lớn để đến sân nhà thờ và nhắc nhở chúng ta, tất cả chúng ta đều ở trên cùng một con thuyền, chúng ta không thể tự mình cứu mình; ngài hôn chân Thánh giá San Marcello, ngày xưa được người dân Rôma rước để chống dịch hạch; ngài ban phép lành Urbi et Orbi, cho thành phố Rôma và thế giới với Thánh Thể, trong khi còi báo động vang lên khắp thành phố Rôma đang bị tê liệt vì cách ly.

Nhưng có một sự kiện hàng ngày khác, ít nổi bật hơn nhưng lại quan trọng hơn, đã cho phép Đức Phanxicô đồng hành với hàng triệu người trên thế giới trong suốt thời kỳ đầu của năm 2020 này, thời gian sợ hãi và mất mát. Đó là thánh lễ hàng ngày được cử hành tại Nhà nguyện Thánh Marta lúc 7 giờ sáng: trong ba tháng, người kế vị Thánh Phêrô đã nhẹ nhàng gõ cửa nhà chúng ta, ngài xin chúng ta đừng nghe những bài diễn văn lớn hay những bài giáo lý dài, nhưng trước hết nên lắng nghe lời Kinh Thánh, được chú giải qua những bài giảng ngắn gọn và được theo dõi, sau khi cử hành thánh lễ, bằng vài phút im lặng chầu Mình Thánh Chúa. Mỗi buổi sáng, mỗi buổi trưa hoặc mỗi buổi tối, tùy theo múi giờ, rất nhiều người, kể cả người không giữ đạo, người không có đạo theo dõi đài phát thanh, đài truyền hình phát trực tuyến để nghe sứ điệp Tin Mừng và giọng đọc của Giám mục giáo phận Rôma, người đã trở thành cha xứ của toàn cầu. Qua hình ảnh của Đức Phanxicô ở Quảng trường Thánh Phêrô ngày 27 tháng 3, nhiều giáo dân còn quỳ gối trước màn hình hoặc trước điện thoại thông minh trong giờ cầu nguyện, từ châu Mỹ đến châu Âu, từ Trung quốc đến châu Phi. Sự trang nghiêm cần thiết của buổi cầu nguyện, lời cầu nguyện ngắn cho những người bị ảnh hưởng Covid nặng nề nhất, luôn đồng hành, mang lại hy vọng, giúp cầu nguyện để chúng ta bớt cảm thấy cô đơn, bớt cô lập, ít bị bỏ rơi. Sự gần gũi giáo dân, cùng đồng hành qua các thánh lễ được chia sẻ trên các màn hình ở mọi nơi trên thế giới, cho thấy rõ ý nghĩa vai trò mục tử của Giáo hội hoàn vũ, một người cầu bàu cho nhân loại bị tổn thương, một chứng nhân cho Tin Mừng đang hoạt động cho gia đình nhân loại theo nhiều cách ẩn giấu và thường không đoán trước được.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch