Ronald Rolheiser, 2021-01-04
Ngày nay, câu hỏi thường thấy trong giới tâm linh không phải là, “Bạn thuộc nhà thờ nào, tôn giáo nào?” Mà là, “Bạn thực hành việc gì?”
Bạn thực hành việc gì? Việc thực hành cầu nguyện thể hiện rõ ra bên ngoài cụ thể của bạn là gì? Là Kitô giáo? Phật giáo? Hồi giáo? Thế tục? Bạn có chiêm niệm? Bạn có cầu nguyện hướng thần? Bạn có chánh niệm? Bạn làm những việc này bao lâu một ngày?
Đây là những câu hỏi có lý và những việc cầu nguyện này đều tốt đẹp, nhưng tôi thấy có một vấn đề. Xu hướng trong những chuyện này là đồng hóa bản chất việc giữ đạo và cương vị môn đệ với một thực hành cầu nguyện rõ ràng duy nhất, và như thế có thể sa vào tối giản hóa. Cương vị môn đệ đâu chỉ gói gọn trong một việc cầu nguyện.
Một người bạn của tôi đã chia sẻ câu chuyện như thế này. Ông đi dự một hội nghị tâm linh, ở đó hầu như ai cũng hỏi, anh thực hành việc gì? Một bà trả lời, “Việc thực hành của tôi là nuôi con!” Có lẽ bà chỉ đang cố giễu cợt, nhưng câu châm biếm của bà có một thấu suốt có thể đem lại sự chỉnh đốn quan trọng cho xu hướng đồng hóa bản chất cương vị môn đệ với một việc thực hành cầu nguyện duy nhất.
Các tu sĩ có những bí quyết đáng để chúng ta học hỏi. Một trong số đó là sự thật rằng bất kỳ thực hành cầu nguyện nào muốn đem lại sự biến đổi đều phải được đặt trong một tập hợp nhiều việc thực hành lớn hơn, một “lệ thường đời tu”, trong đó người tu sĩ cam kết với rất nhiều điều chứ không chỉ là việc cầu nguyện mà thôi. Với một tu sĩ, mỗi việc cầu nguyện đều nằm trong lệ thường của tu viện, và lệ thường đó trở thành lệ thường của người tu sĩ. Hơn nữa, để lệ thường tu viện thật sự có giá trị, nó phải dựa trên sự trung thành với những lời khấn.
Do đó, câu hỏi “bạn thực hành gì?” là một câu hỏi hay, nếu nó không chỉ nhắm riêng đến một việc cầu nguyện rõ ràng duy nhất. Câu hỏi đó còn để hỏi xem bạn có giữ các điều răn hay không? Bạn có trung thành với lời khấn và những kết ước của mình không? Bạn có nuôi dạy con cái đàng hoàng? Bạn có sống giữa cộng đoàn Kitô? Bạn có tìm đến người nghèo? Và, giờ tôi mới nói đến, bạn có thực hành cầu nguyện rõ ràng, thường xuyên, như một thói quen không?
Việc thực hành của tôi là gì?
Tôi chủ yếu dựa trên sự quy củ và nghi thức, “lệ thường tu viện”. Lệ thường của tôi là thế này: Mỗi sáng, tôi đọc Kinh Sáng (thường là chung với cả cộng đoàn). Rồi tôi về văn phòng mình, đọc sách thiêng liêng trong ít nhất 20 phút. Đến trưa, tôi chầu Thánh Thể, và thỉnh thoảng, tôi đi dạo dài giờ và cầu nguyện một tiếng (chủ yếu là dùng kinh mân côi và cầu nguyện cho nhiều người cụ thể). Nhiều hôm, tôi không đi dạo, mà ngồi suy niệm hoặc cầu nguyện hướng thần trong khoảng 15 phút. Mỗi tối, tôi đọc Kinh Chiều (cũng là chung với cả cộng đoàn). Một tuần một lần, tôi dành một tối viết một bài về chủ đề thiêng liêng nào đó. Một tháng một lần, tôi đi lãnh nhận Phép Hòa giải, lúc nào cũng với một cha giải tội duy nhất, và khi có thể, tôi cố dành một tuần mỗi năm để tĩnh tâm. Việc thực hành của tôi dựa vào lệ thường, nhịp điệu và nghi thức. Chúng giữ tôi vững vàng và giúp tôi ở lại với cương vị môn đệ và các lời khấn của mình. Chúng giữ tôi hơn là tôi giữ chúng. Dù có bận rộn đến đâu, dù có phân tâm đến đâu, và dù có cảm thấy thích cầu nguyện hay không, thì chính những nghi thức này đưa tôi vào tâm tình cầu nguyện và trung thành.
Làm môn đệ chính là đặt mình vào khuôn khổ. Do đó, phần lớn việc thực hành của tôi là việc mục vụ và khuôn khổ ăn sâu vào máu này. Tôi xin thú thật, việc mục vụ thường hấp dẫn hơn việc cầu nguyện, nhưng nó cũng đòi hỏi nhiều hơn nơi bạn, và nếu bạn trung thành, nó có thể có sức biến đổi vô cùng, đem lại cho bạn sự trưởng thành và vị tha.
Carlo Carretto, ngòi bút thiêng liêng lừng danh, đã dành phần lớn cuộc đời ở Sa mạc Sahara, sống đời tu sĩ trong cô tịch, dành nhiều giờ để cầu nguyện theo nghi lễ. Tuy nhiên, sau nhiều năm cô tịch và cầu nguyện trong sa mạc, ngài đến thăm mẹ già, người đã dành nhiều năm cuộc đời để nuôi dạy con cái và ít có thời gian để cầu nguyện theo nghi lễ. Khi thăm bà, ngài nhận ra mẹ mình còn chiêm niệm hơn bản thân mình! Từ đó, Carretto rút ra bài học rằng, việc ngài đã làm trong sự cô tịch của sa mạc bao năm trời chẳng có gì là sai, nhưng trong cuộc sống bận rộn nuôi dạy con cái suốt bao năm trời của mẹ ngài có điều gì đó vô cùng đúng đắn. Cuộc đời bà chính là tu viện của bà. Việc thực hành của bà là “nuôi dạy con cái”.
Tôi luôn thích dòng này của Robert Lax: “Bổn phận trong đời không phải là tìm được lối mòn trong khu rừng, cho bằng tìm một nhịp điệu để bước đi”. Có lẽ nhịp điệu của bạn “phi tu viện”, là “tại gia”. Việc thực hành cầu nguyện thể hiện rõ ràng ra bên ngoài là điều quan trọng trong hành đạo, nhưng các bổn phận hiện thời của chúng ta cũng vậy.
J.B. Thái Hòa dịch
Bài đọc thêm: Mười quyển sách hàng đầu của tôi trong năm 2020