Lạm dụng tình dục: “Báo cáo McCarrick là mô hình để theo”
la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2020-11-18
Theo Linh mục Dòng Tên người Đức, Hans Zollner, chuyên gia tại Vatican về vấn đề lạm dụng tình dục trong Giáo hội, báo cáo McCarrick được Vatican đưa ra ngày 10 tháng 11 về cựu hồng y người Mỹ Theodore McCarrick là bước quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của hiện tượng này trong thể chế.
Linh mục Hans Zollner, một trong các chuyên gia của Vatican về vấn đề lạm dụng tình dục. Gabriel Bouys / AFP
La Croix: Báo cáo của Vatican về cựu hồng y McCarrick có thể có tác động gì?
Linh mục Hans Zollner: Báo cáo McCarrick là một thông điệp rất rõ ràng gởi cho toàn hệ thống cấp bậc: nếu Rôma thể hiện sự minh bạch như thế, mọi người cũng phải làm như vậy, kể cả ở cấp thấp hơn. Và nếu quy trình không thành công thì sớm muộn gì nó cũng sẽ được công khai. Hai năm trước, không ai tưởng tượng có thể có một báo cáo như vậy.
Cuộc điều tra này, đáng kể là sự việc ba giám mục Mỹ đã không nói tất cả những gì họ biết về hành động của McCarrick, việc này đáng đặt ra các câu hỏi rất cụ thể: ai có chân trong việc lựa chọn các giám mục tương lai? Ai quyết định? Như thế nào? Các vấn đề phải được đặt ra cho họ và cho người xung quanh họ không? Làm thế nào để đảm bảo được mức độ trung thực và minh bạch cao nhất trong chính quá trình này?
Sẽ có nhiều báo cáo như vậy được công bố trong tương lai không?
Tôi cho rằng báo cáo này là báo cáo đầu tiên, nhưng sẽ không phải là báo cáo cuối cùng. Loại công việc này không phải chỉ do Vatican làm, mà ở tất cả các cấp của thể chế. Từ quan điểm này, báo cáo McCarrick là mô hình để noi theo.
Một trong các hiện tượng nổi bật của tài liệu này là văn hóa của “những bỏ sót nhỏ”, dẫn đến việc các bỏ sót này, các bỏ sót kia đã không được báo cáo về các hành vi của McCarrick. Đây có phải là một hoạt động chung phổ biến trong Giáo hội không?
Có, văn hóa này đã ăn sâu vào một số môi trường nhất định, kể cả trong Giáo hội công giáo. Nhưng báo cáo này giúp nhận thức và vì thế làm thay đổi não trạng này. Đó là đưa ra ánh sáng các khiếm khuyết này để chúng ta không cho phép chúng xảy ra nữa.
Bằng cách không đưa ra các giám chức có trách nhiệm rõ ràng, báo cáo này có làm thuận lợi cho một loại văn hóa trút trách nhiệm không?
Chúng ta phải cẩn thận để không đọc báo cáo này theo con mắt bây giờ cho một sự việc đã xảy ra cách đây hai mươi hoặc ba mươi năm. Những gì đã xảy ra với cựu hồng y Theodore McCarrick sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Các người có trách nhiệm sẽ bị phạt. Kể từ năm 2019, với các tiêu chuẩn được Vatican ban hành, bất cứ giám mục nào có hành vi lạm dụng hoặc che đậy sẽ có thể bị đưa ra pháp luật.
Các biện pháp được áp dụng cách đây hai năm đã đưa khái niệm “trách nhiệm giải trình” (accountability) vào Giáo hội. Tôi dùng chữ tiếng Anh vì không có từ nào tương đương trong tiếng Pháp, tiếng Ý hoặc tiếng Tây Ban Nha – đó là một chỉ dẫn quan trọng cho sự hiểu biết về vấn đề này trong lãnh vực ngôn ngữ. Thuật ngữ này có nghĩa là tôi không chỉ chịu trách nhiệm cho những gì tôi làm mà còn cho những gì tôi không làm. Tôi phải đối diện với một hình phạt nếu tôi không làm những gì tôi phải làm. Đây là một quy tắc rất quan trọng để chống lạm dụng.
Như thế có đủ để tránh một vụ McCarrick khác không?
Trên giấy tờ, các điều khoản chỉ định rõ ai là người chịu trách nhiệm và hình phạt nào họ phải chịu, vì đã vi phạm hoặc đã che đậy một trọng tội. Những gì ngày nay chúng ta thiếu, đó là áp dụng các biện pháp này và giám sát chúng.
Bên trong Giáo hội công giáo cũng như trong các xã hội hoặc thể chế khác, một số người nghĩ rằng tuân theo các luật tốt là đủ và các vấn đề sẽ được giải quyết. Nhưng không: chúng vẫn phải được áp dụng. Đối với tôi, đó là vấn đề của thế hệ, đã có ít nhất là đã ba mươi năm.
Báo cáo cho thấy vào thời điểm đó, tội ác của McCarrick đã bị đánh giá thấp, nó được xem là các mối quan hệ giữa người lớn trưởng thành và đồng ý. Cha có nghĩ có một nhận thức, các lạm dụng không những chỉ với trẻ em mà còn với người lớn nữa không?
Có chứ, tôi nhận thấy rõ điều này. Sáng nay, tôi đã can thiệp qua cuộc họp video với những người có trách nhiệm của Giáo hội ở Slovenia, và tất cả các câu hỏi đều tập trung vào việc lạm dụng người lớn. Đó là một nhận thức nhanh chóng và vững chắc.
Linh mục Hans Zollner, 54 tuổi, là một trong các chuyên gia của Vatican về vấn đề lạm dụng tình dục. Nhà trị liệu tâm lý và tu sĩ Dòng Tên người Đức đã làm việc với một nhóm trong nhà cầm quyền nước Đức để đánh giá tầm mức rộng lớn của các vụ lạm dụng tình dục trong Giáo hội và trong xã hội.
Năm 2012, Linh mục thành lập Trung tâm Bảo vệ Trẻ vị thành niên, được giáo phận Munich tài trợ với sự hỗ trợ của Giáo hoàng Học viện Greorian Rôma. Trung tâm này đào tạo các chuyên gia, có cấp bằng thạc sĩ để loan truyền một văn hóa phòng ngừa các vụ lạm dụng trong Giáo hội.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Năm điểm hàng đầu trong bản báo cáo McCarrick