“Làng thương xót” dành cho người vô gia cư
fr.zenit.org, Ban biên tập, 2020-11-14
Cộng đồng Sant’Egidio: “Làng Thương xót” dành cho người vô gia cư, một sáng kiến phát sinh từ Năm Thánh Lòng Thương Xót
Trong số các sáng kiến nhân Ngày Người nghèo, chúa nhật 15 tháng 11 năm 2020, Đài phát thanh Vatican (Francesca Sabatinelli) cho biết, trong khuôn viên của Trung tâm Bệnh viện Đại học Gemelli ở Rôma, một tòa nhà nhỏ của Cộng đồng Sant’Egidio đón nhận người nghèo và người vô gia cư.
“Ngôi nhà nhỏ của lòng thương xót” đón nhận “người vô gia cư, người sống ngoài đường vì nghèo đói, vì tâm thần, vì yếu đuối của một xã hội không muốn đối diện với họ”: “Ngủ trên băng ghế không phải là một lựa chọn, cũng như ngủ ở tầng hầm, hành lang hoặc phòng cấp cứu của bệnh viện cũng không phải là một lựa chọn”.
Bà Gianna Iasilli cùng với nhiều thiện nguyện viên đã làm thiện nguyện cho Cộng đồng Sant’Egidio cho biết, “Làng là nơi ẩn náu cho những người mà thường thường họ không được gọi bằng tên của mình”.
Làng được thành lập vào năm 2016, trong Năm Thánh ngoại thường của Lòng Thương Xót để đáp lại lời mời thực hiện một hành động cụ thể của Đức Phanxicô.
Vì thế ông Andrea Riccardi, nhà sáng lập Cộng đồng Sant’Egidio đã xin ban giám đốc Bệnh viện Đại học danh tiếng Gemelli sử dụng một cơ sở bỏ hoang trong khuôn viên trường để làm chỗ ở cho người vô gia cư nhờ sự hợp tác giữa Cộng đồng Sant’Egidio, Hiệp hội Phòng khám Đa khoa Gemelli, Viện Toniolo (chủ nhân tòa nhà) và Đại học Công giáo Thánh Tâm. Hiện Làng có thể chứa 20 người, không phân biệt giới tính, tuổi tác hay quốc tịch.
Ngoài được ăn và ngủ ở đây, họ còn được hỗ trợ y tế, bảo vệ liên tục, tư vấn thực tế và hành chính; một tinh thần đoàn kết không bị tạm ngưng vì đại dịch.
Bà Gianna Iasilli cho biết: “Kể từ tháng 9 năm 2016, hàng chục người này đến hàng chục người khác đã vào Làng La Villetta, hiện nay một số người còn ở trong các nhà khác, một số được khá hơn. Đó là các trường hợp thành công. Chúng tôi cũng có một số các bệnh nhân nặng đã không qua khỏi, nhưng không ai phải chết ngoài đường phố. Đó là lý do vì sao chúng tôi có thể nói, dù trong trường hợp này, họ không ở trong tình cảnh bị loại trừ, vì họ đã được đồng hành cho đến giây phút cuối cùng.”
Theo bà, Làng La Villetta như “chiếc bàn đạp”, “như chiếc cầu nối giữa đường phố và căn nhà, là niềm ao ước, là ước mơ, là mong chờ của nhiều người.”
Bà thừa nhận có những vấn đề, nhưng nó không là gì so với ý nghĩa của việc “nhìn thấy một người tìm lại được phẩm giá của mình”, người “cám ơn và xin được đền đáp”, và được mời gọi “để giúp đỡ những người nghèo nhất, để cùng nhau khám phá ơn phúc không ai quá nghèo để không giúp được người khác”.
Và đó là kinh nghiệm của Làng Thương xót Villetta della misricordia, kinh nghiệm được tái xác nhận “không có gì là không thể, và niềm vui cho đi thì lớn hơn là nhận.”
Marta An Nguyễn dịch
Sinh hoạt ở Làng Thương xót
Năm nay vì đại dịch, Ngày Thế Giới Người nghèo không có bữa ăn truyền thống với Đức Phanxicô như thường lệ, thay vào đó người nghèo có thức ăn “đem đi” được phát ở Quảng trường Thánh Phêrô.