Jean-Guilhem Xerri: các bậc thầy tâm linh của tôi, những người ngoài hè phố

133

Jean-Guilhem Xerri: các bậc thầy tâm linh của tôi, những người ngoài hè phố

lavie.fr, Jean Guilhem Xerri, 2009-06-04

Thánh Vinh sơn Phaolô đã khẳng định: “Người nghèo là thầy của chúng ta”. Tuy nhiên,chúng ta phải cẩn thận, không nên thần thần tượng hóa họ. Những người ngoài hè phố là những người đã nếm thất bại rất nhiều, có khi cuộc đời họ đã phải đi qua các giai đoạn nghiện ngập và đau khổ khủng khiếp. Họ không phải là thầy vì họ là thánh, nhưng vì những gì họ sống đưa chúng ta trở về với điều thiết yếu. Tiếp xúc với sự đau khổ trần trụi của họ, chúng ta ý thức  được sự mong manh của con người, về nhu cầu cơ bản của con người là tình yêu, về sự cận kề với cái chết mà tất cả chúng ta rồi sẽ đối diện.

Hơn nữa, họ là thầy chúng ta khi chúng ta nhận ra mình cũng là người nghèo và khi chúng ta dấn thân trong mối quan hệ với họ, đây không phải là quan hệ giữa người cứu và người được cứu, mà là cuộc gặp gỡ của hai người nghèo. Câu chuyện hai tông đồ trên đường Ê-mau cho chúng ta thấy, Chúa mạc khải cho chúng ta trên con đường. Ngài cũng mạc khải như thế trong quan hệ trung thành với những người ngoài hè phố.

Vào một đêm, một thanh niên làm điếm gọi cho tôi, anh hỏi tôi vì sao không ai đến vỉa hè để nói với anh Chúa là Chúa Cha của tình yêu, anh không phải là người thầy thiêng liêng theo nghĩa của từ này, nhưng tôi tin chắc Chúa đã nói chuyện với tôi và với anh qua cuộc trao đổi của chúng tôi. Chính qua trung gian cuộc đối thoại này, anh chỉ ra cho tôi con đường tôi nên đi. Và đó là lý do vì sao tôi đề tặng quyển sách này cho anh. Tôi tin chắc, chính anh sẽ đón tôi vào Nước Trời.

Gặp những người hè phố, Jean-Guilhem Xerri (Nxb. Nouvelle Cité)

Qua các cuộc trao đổi này, với lời nói đầu của Đức Hồng Y Jean-Marie Lustiger (1926-2007), tác giả Jean-Guilhem Xerri đưa ra một cái nhìn mới về vấn đề loại trừ. Chúng ta có bằng lòng chỉ vào việc nuôi sống và cung cấp nhà ở cho người ngoài hè phố không? Chúng ta có phải chờ khi họ có căn hộ, có người bạn đời, có bạn bè để đáp ứng nhu cầu tâm linh cho họ không? Ngay từ đầu, Hiệp hội Giải phóng cho những người bị Giam hãm đã hiểu được sự cần thiết phải đặt quan trọng các chiều kích bản thể này để đưa những người bị loại ra khỏi con đường mòn. Hiệp hội từ thiện này dựa trên nền tảng nhân học kitô giáo, qua sự nhất quán của mình, họ đã được các cơ quan công quyền quan tâm đến. Quyển sách là lời mời gọi chúng ta tham gia vào cuộc đấu tranh cho đời sống của những người nghèo nhất.

Lời của những người bị loại trừ

“Ở Paris, chúng tôi không chết vì đói, nhưng chết vì thiếu tình yêu”.

“Tôi không phải là người tin Chúa nhưng tôi thích những người tin vào Chúa, vậy đâu đó tôi cũng tin Chúa”.

“Ở nông thôn, chúng tôi ở trong thiên nhiên; ở ngoài đường, chúng tôi ở trong bản chất con người”.

“Chúng tôi, những người ngoài đường phố, điều chúng tôi thiếu là cái nhìn”.

“Tôi thiếu tình yêu”.

“Thế giới ngày nay không còn đạo đức: người ta tôn trọng chó hơn con người!”

“Điều quan trọng là phải nói chuyện với những người ở một mình. Vì điều này có thể nâng họ lên, thậm chí có thể cứu họ vì họ xuống tinh thần rất nhanh. Có những người sống người hè phố tuy sống mà như đã chết! Họ không còn ham muốn gì nữa”.

“Tôi, tôi luôn đi tìm sự mật thiết, và tôi không tìm ra, vậy thì đúng, tôi bị giam hãm ngoài đường phố”.

Marta An Nguyễn dịch