Khi Giáo hội đồng hành với các ân nhân tặng di sản

102

Khi Giáo hội đồng hành với các ân nhân tặng di sản

lavie.fr, Agnès Chareton, 2015-08-20

Giáo phận Paris, Pháp hỗ trợ tinh thần cho các ân nhân muốn làm di chúc cho Giáo hội công giáo. Khi cái chết đến gần, quá trình này có thể là khoảnh khắc xem lại đời mình và là chứng từ hy vọng vào công việc truyền giáo của Giáo hội.

Hành động tự do cuối cùng này thường là cùng đích của một cuộc sống hướng về người khác, thấm đậm giá trị kitô giáo.

Trong bốn năm qua, linh mục Jean-Jacques Launay của giáo phận Paris đã làm một công việc không điển hình: linh mục đồng hành với các ân nhân cam kết để lại di sản cho Giáo hội công giáo. Một linh mục nói về tiền bạc? Không hẳn như vậy. Đúng hơn công việc của linh mục Launay là ở bình diện thiêng liêng và mục vụ. Linh mục được giáo phận giao công việc nhận di sản của ân nhân, cha đã đến nhà khoảng ba mươi người – trong số hàng trăm người mở hồ sơ nhường di sản cho tòa tổng giám mục -, hầu hết họ là những người lớn tuổi và không có người thừa kế trực tiếp, linh mục lắng nghe họ. Linh mục Launay giải thích: “Tôi giúp họ phân biệt cách họ muốn giúp đỡ Giáo hội theo đức tin và xác tín của họ, tôn trọng tự do của họ.”

Sự hiện diện của cha đơn giản nhưng rất cần thiết: “Tôi lắng nghe họ, và chúng tôi cùng cầu nguyện. Các giáo dân này cần nói lên ý nghĩa cuộc đời họ và mong muốn tiếp tục công việc của cả một đời, bằng cách trao truyền nó một cách có ý nghĩa cho Giáo hội.”

Để lại cho Giáo hội mang một ý nghĩa đặc biệt

Với các tín hữu này, hoặc những người đã được đánh động qua cuộc gặp gỡ với một linh mục, việc để lại cho Giáo hội có một ý nghĩa đặc biệt. Một số ân nhân không có con cái, họ mong muốn trao truyền đức tin của mình bằng cách giúp đào tạo các linh mục và chủng sinh. Hành động tự do cuối cùng này thường là cùng đích của một cuộc sống hướng về người khác, thấm đậm giá trị kitô giáo.

Ông Hubert Gossot, người có trách nhiệm giữ quan hệ với các ân nhân ở giáo phận  Paris vui mừng cho biết: “Tôi hiếm khi gặp những người giàu có, nhưng tôi gặp những người quảng đại.” Ông giúp các ân nhân viết di chúc, để lại tài sản không phải là công việc với chưởng khế, nhưng là một dấn thân “hướng về người khác.” Chọn lựa này mang chiều kích thiêng liêng: “Người trao tặng tin tưởng vào các dự án sẽ thực hiện dù họ sẽ không nhìn thấy thành quả của nó. Đó là một hành động quảng đại, một hành động của đức tin.”

Linh mục Hervé Soubias, quản nhiệm vương cung thánh đường Notre-Dame-des-Victoires ở Paris tháp tùng hai nữ ân nhân muốn để lại di sản của họ cho giáo xứ, “để tỏ lòng biết ơn vì giáo xứ đã chào đón họ.” Linh mục Soubias kể: “Một trong hai bà thuộc về một viện thế tục. Đối với bà, quan trọng là phải để lại cho giáo xứ những gì mà bà đã tiết kiệm suốt đời. Bà nghe nói về di tặng, nhưng không biết cụ thể là gì. Bà sợ không để lại gì cho các cháu. Tôi giải thích cho bà hiểu, bà có thể để lại cho Giáo hội mà không làm tổn thương gia đình. Và bà yên tâm.” Để lại cho một hiệp hội của giáo phận, miễn quyền thừa kế mang lại ý nghĩa cho di sản của mình. Và điều này không ngăn cản việc để lại một phần cho gia đình mình.

Nhìn lại cuộc đời

Khi cái chết đến gần, việc để lại di sản cũng là giai đoạn quay về với bản thân. Linh mục Launay thường nghe các lời tâm sự sâu sắc, ngài cho biết: “Nhìn lại cuộc đời đôi khi là những giây phút dễ chịu, vì không phải cuộc đời nào cũng bi thảm, nhưng đôi khi cũng khó khăn, có những đau khổ được nguôi ngoai khi nhìn lại. Đôi khi có những người họ nói ra những điều họ chưa bao giờ nói. Một số bị bối rối lương tâm: họ cho rằng không phải lúc nào họ cũng làm những chuyện đáng phải làm, họ tìm cách bù đắp quá khứ bằng cách làm một việc tốt vào cuối đời.”

Tiến trình này đôi khi phải mất nhiều năm mới chữa lành… và cuối cùng mang lại niềm vui cho họ. Ông Hubert Gossot ghi nhận: “Mọi người đều cảm thấy nhẹ nhõm khi đã làm di chúc. Họ có thể ra đi thanh thản, điều này rọi sáng cho những ngày cuối đời của họ. Và họ sống thêm 10 năm! Sau khi di chúc được ký kết, giáo phận duy trì liên lạc với các ân nhân, họ được cộng đoàn kitô hữu cầu nguyện. Mỗi tuần, một thánh lễ được cử hành ở tòa tổng giám mục Paris, và mỗi năm một lần, Đức Hồng Y Vingt-Trois mời họ đến dự một thánh lễ lớn ở Nhà thờ Đức Bà vào dịp lễ Hiển linh. Linh mục Launay nhấn mạnh: “Buổi lễ cầu nguyện này rất quan trọng với họ.”

Làm thế nào để lại di sản cho Giáo hội?

Hầu hết các giáo phận đều có dịch vụ dành riêng cho việc trao truyền di sản hoặc dịch vụ pháp lý, các ân nhân có thể kín đáo liên hệ để tặng hoặc để lại di chúc. Giáo dân có thể tham khảo chi tiết ở cha xứ, ở trang mạng của giáo phận hay trực tiếp gọi đến giáo phận, giáo phận sẽ hẹn gặp họ tại nhà hay tại tòa giám mục. Có thể tải trên mạng xem các tài liệu thông tin về di chúc hoặc tặng di sản, và giáo phận cũng có thể gởi tài liệu đến nhà nếu có yêu cầu .

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Các thị trưởng tri ân các ân nhân quảng đại

Các Hiệp hội chăm sóc chu đáo các ân nhân di tặng

Điện ảnh gia Henri Clouzot để lại tài sản cho cơ quan Cứu trợ Công giáo Pháp