Jean-Guilhem Xerri: “Ai quan tâm đến tâm  hồn của những người bị loại trừ?”

236

Jean-Guilhem Xerri: “Ai quan tâm đến tâm  hồn của những người bị loại trừ?”

famillechretienne.fr, Luc Adrian, 2006-08-12

Ông Jean-Guilhem Xerri, nhà sinh học 38 tuổi (bài năm 2006), kế vị Linh mục Patrick Giros, qua đời tháng 11 năm 2002, đứng đầu hiệp hội “Giải phóng cho những người bị Giam hãm” (Aux Captifs, la Liberation). Đánh giá nhân kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Hội.

25 năm sau khi được Linh mục Patrick Giros thành lập, Hiệp hội tiếp tục sứ mệnh của mình. Làm thế nào để tóm tắt? Đơn giản là thể hiện sự hiện diện mang tinh thần Tin Mừng và Giáo hội cho những người ngoài hè phố. Sứ mệnh này hoạt động ở ngã tư đường phố nơi chúng ta làm việc, của Giáo hội gởi chúng ta đi hoạt động, của xã hội nơi chúng ta đang sống. 

Ba từ ngữ chính hướng dẫn ông?

Gặp gỡ: sẽ không có sự tái hòa nhập vào xã hội nếu không có tương quan. Một cách cụ thể, đó là các “chuyến đi ngoài đường”, tiếp xúc lâu dài với những người sống trong hoàn cảnh bấp bênh, những người làm nghề mại dâm, trẻ vị thành niên lang thang.

Tháp tùng: tháp tùng họ về mặt vật chất cũng như tinh thần.

Mặc khải: chúng ta nói cho họ biết Tin mừng của Chúa Kitô; chính họ là lời kêu gọi chúng ta hoán cải. Vì mục đích của Hiệp hội là giúp những người sống ngoài đường phố nhưng cũng giúp chính chúng ta. Họ là triệu chứng hữu hình của xã hội rối loạn chức năng chúng ta và của chính sự nô lệ của chúng ta. Một lời kêu gọi kêu gọi chúng ta thay đổi mối quan hệ của chúng ta với tình dục, với tiền bạc và với quyền lực, v.v.

Trong hai mươi lăm năm, xã hội đã phát triển, và nạn nghèo đói cũng vậy. Ông đã thấy các thay đổi quan trọng nào?

Một sự bùng nổ về số lượng: số lượng người sống trong đường phố và ngoài đường phố không ngừng gia tăng. Mặt khác, sự đa dạng cực độ của nhiều trường hợp. Cách đây 25 năm, biểu tượng của tình trạng bấp bênh là các ông vô gia cư cao lớn, sau đó chúng ta gọi họ là “những người nghèo mới.”

Bây giờ tình trạng này vô cùng phức tạp nên công việc của chúng tôi ngày càng khó hơn. Càng ngày càng có nhiều thanh niên và trẻ em cơ nhỡ đi lang thang; người lớn tuổi; phụ nữ đơn thân có con; người nhập cư không có giấy tờ; người lao động có việc làm nhưng lương không đủ trả tiền nhà. Chúng tôi nhận thấy có sự gia tăng nghiêm trọng các vấn đề tâm thần: 40% người dân sống ngoài đường phố bị rối loạn tâm thần (tâm thần phân liệt, trầm cảm, lo âu cực độ, nghiện ma túy, v.v.).

Lối sống đô thị và tình trạng toàn cầu hóa tạo ra một hình thức loại trừ đa hình. Chúng ta không còn có thể suy luận trong giới hạn biên giới quốc gia của mình. Mọi sự kiện trên thế giới đều được thấy trên hè phố chúng ta. Ví dụ, 50% trẻ em mà chúng tôi chăm sóc hiện nay là các trẻ em Afghanistan.

Còn nạn mại dâm thì sao?

Về khía cạnh này cũng vậy, một thế giới với nhiều khuôn mặt đa dạng và luôn tiến hóa. Hoạt động mại dâm truyền thống của hai mươi năm trước đang giảm mạnh. Các mạng lưới bị toàn cầu hóa một cách hung bạo không thể tưởng tượng được. Cứ mỗi ba tháng, các phụ nữ bị đuổi từ thành phố này qua thành phố kia, làm họ tan hàng và ngăn chặn mọi mối quan hệ. Đó là không nói đến mại dâm đồng tính đang bùng nổ. Linh mục Giros lặp lại điều này: giải phóng phong tục tập quán không phải là không có nạn nhân của nó, chính những người dễ bị tổn thương nhất phải gánh chịu hậu quả này.

Có thể giải thoát họ khỏi cuộc sống ngoài đường không?

Có. Nhưng điều này đòi hỏi các thiện nguyện viên một lòng kiên nhẫn vô bờ, một lòng trung thành vô tận. Đương sự có thể nói: “Dù tôi vấp té nhiều lần, dù các cơn khủng hoảng của tôi, tôi biết, tôi có thể tin tưởng ở bạn.” Đó là con đường không thể đi mà không có tha thứ.

Một con số đánh giá các hoạt động của ông?

Luôn tế nhị: gặp một người chỉ một lần có thể rất quan trọng cho họ, nhưng không thể đưa vào bảng kết toán. Chỉ ở vùng Paris, Hiệp hội có sáu mươi nhân viên có lương và một trăm năm mươi tình nguyện viên. Năm 2005, chúng tôi gặp 4.500 người sống trong tình trạng bấp bênh, trong đó có 1.000 người thường xuyên sống trong cảnh này, nhờ 600 “chuyến đi ngoài đường” và 1.400 chuyến đi thường xuyên; 1.600 người (nam và nữ) làm điếm, trong đó có 250 người thường xuyên làm điếm, chúng tôi có 530 “chuyến đi ngoài đường” và 700 chuyến đi thường xuyên; 750 trẻ vị thành niên nước ngoài bị cô lập, trong đó có 200 em thường xuyên, với 1.500 “chuyến đi ngoài đường” và 250 chuyến đi thường xuyên.

Các nhu cầu của ông?

Chúng tôi mong có thêm tình nguyện viên. Dĩ nhiên là cũng mong được đóng góp thêm. Nhưng chúng tôi cũng cần có nhiều người tham gia “mạng lưới cầu nguyện” của chúng tôi, hiện nay chúng tôi có 150 thực thể, cá nhân và cộng đồng. Không phải ai cũng có ơn gọi làm việc ngoài đường, nhưng chúng ta có thể vào mạng lưới cầu nguyện một giờ nào đó trong tuần để cầu nguyện cho những người sống ngoài đường và những người đưa bàn tay ra cho họ.

Đâu là các quyết tâm của ông cho những năm tới?

Chúng tôi có hai định hướng: về mặt vật chất, chuyên nghiệp hóa trong việc tháp tùng; người tín hữu kitô phải có một dịch vụ xuất sắc. Và về mặt phát triển mục vụ đường phố. Theo tôi ngày nay mục vụ này quá thiếu, mà mục vụ này phải được Giáo hội đưa lên hàng đầu: ai lo cho tâm hồn của những người ngoài đường phố? Ai quan tâm đến việc loan báo sự Giải phóng của Chúa Kitô cho những người bị giam hãm trong xã hội chúng ta?

Đằng sau tất cả các bất công xã hội có thể nhìn thấy, còn có một bất công sâu đậm hơn, đó là bất công tâm linh: những người này có quyền đến với Chúa không? Chúng ta có thực sự được thuyết phục không? Đối với Giáo hội, đây là một thách thức truyền giáo lớn.

Nhưng người công giáo có quảng đại không?

Rất quảng đại. Hơn 2/3 số tiền quyên góp cho các tổ chức từ thiện, cũng như các thiện nguyện viên của các tổ chức từ thiện này là người công giáo. Tôi chỉ cho phép mình đặt một câu hỏi: người tín hữu kitô có dấn thân vì lòng vị tha, đơn thuần vì lòng quảng đại, là người được rửa tội, qua phép rửa và các bí tích họ đã lãnh nhận, họ có trở thành nhà tạm cho sự hiện diện của Chúa Kitô không? Chúng ta đứng bên cạnh những người bị loại trừ chỉ để giúp đỡ họ, hay đây là nền tảng cho dấu chỉ của một tình yêu cao lớn hơn chính chúng ta? Hành động xã hội là điều cần thiết; nó là hiện thân của tâm linh. Nhưng chính tâm linh là nguồn cung cấp và nhiên liệu cho hoạt động xã hội. Và chính trong cuộc sống của chúng ta với Chúa Kitô, chúng ta tìm được năng lực cho đời sống đức ái của chúng ta.

Còn riêng ông, ông đã vào hiệp hội như thế nào?

Tôi là thiện nguyện viên của tổ chức SOS Người tín hữu kitô lắng nghe (SOS Chrétiens à l’écoute). Một đêm trực, tôi nhận cuộc gọi của một thanh niên trong cơn khủng hoảng. Tôi nhớ một cuộc gọi đặc biệt. Đó là quá nửa đêm, khoảng 3 giờ sáng. Người thanh niên cũng khoảng 23 tuổi, bằng tuổi tôi lúc đó. Anh nói với tôi: “Tôi làm điếm, đêm đó tôi tìm thấy một quyển sách trong thùng rác, tôi mở ra đọc. Quyển sách nói về một Thiên Chúa, vừa là Người Cha vừa là Tình yêu. Đau lòng cho tôi quá: Tôi, tôi bị cha tôi đánh đập và hiếp dâm suốt thời thơ ấu của tôi. Và tình yêu là 100 quan một lần đi khách thường, 200 quan thì ‘phục vụ’ nhiều hơn. Vì vậy, những gì quý ông kể là chuyện tào lao không đúng và tín hữu kitô quý ông là những người khốn nạn vì muốn làm cho chúng tôi tin các điều này… hoặc đó là sự thật thì quý ông còn khốn nạn hơn, vì tôi đã ở vỉa hè từ bảy năm nay và không một ai đến nói cho tôi biết có Chúa hiện hữu, Chúa của tình yêu…” Cuộc điện thoại này làm tôi choáng váng. Tôi nghĩ, “Tôi, tôi biết đó là sự thật. Vì vậy, tôi sẽ cố gắng đến để nói với họ, những người cần đến Lời Chúa nhất.” Từ đó, cuộc gọi này luôn ở trong lòng tôi. Và xác tín này: qua chúng ta mà Chúa Kitô tự hiến mình.

 

“Giải phóng cho những người bị Giam hãm”, trụ sở ở 60, đường Rome, 75008 Paris.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Jean-Guilhem Xerri: Giải phóng cho những người bị Giam hãm