Trụ vững chính mình trong Đời sống Thiêng liêng (9/10)
Chương 10 – Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality, Ronald Rolheiser
Họp nhau quanh nghi thức Lời Chúa và Bẻ Bánh…
Ví dụ thứ hai cũng lấy từ kinh nghiệm riêng của tôi, một tín hữu Công giáo La Mã, nhấn mạnh vào một nghi thức khác, Bí Tích Thánh Thể hàng ngày. Tôi là linh mục hai mươi lăm năm nay và một trong những đặc ân là hàng ngày tôi được làm một việc mà người Công giáo La Mã gọi là Phép Thánh Thể hay dâng thánh lễ. Qua nhiều năm, tôi đã gặp nhiều kiểu người khác nhau trong việc gặp nhau mỗi ngày này. Tôi gọi là “kiểu” vì có rất nhiều thành phần khác nhau đi lễ mỗi ngày.
Vậy ai là người đi lễ hàng ngày? Theo kinh nghiệm của tôi, không có một cách phân loại nào đúng ở đây. Xét bề ngoài, thì họ có ít điểm chung với nhau. Đó là sự pha trộn kỳ lạ: vài nữ tu, vài người thất nghiệp, rất nhiều các ông các bà về hưu, một ít người trẻ, vài bà nội trợ, một ít y tá, doanh nhân, thư ký, và các nghề khác trong giờ ăn trưa của họ.
Họ không có một điểm nào giống nhau về mặt tính tình, nhưng có một điều gì đó giữa họ (tôi chỉ nói về những người có thói quen đi lễ mỗi ngày) giữ được sự chung nhất, cụ thể là cuối cùng, họ đến đó vì một lý do giống nhau. Lý do đó là gì? Đó là một điều sâu sắc và ít rõ ràng hơn là những gì hiển nhiên trước mắt. Đơn giản, họ đi lễ mỗi ngày để không bị tách riêng ra. Họ đi lễ vì biết rằng không có thánh lễ, họ sẽ tự mãn hoặc chán chường và không thể đối đầu với cuộc sống riêng của họ.
Tôi ngờ rằng hầu hết những người đi lễ hàng ngày sẽ nói với bạn như vậy. Nhiều khả năng họ sẽ nói với bạn mục đích họ đi lễ là để cầu nguyện với Chúa, để được Chúa nuôi dưỡng và nâng đỡ, để chạm đến Chúa và đón nhận ân sủng xuống trên ngày sống, vì họ cảm thấy hợp lý khi dâng lên Chúa một phần ngày sống của mình. Xét bề ngoài, đó là các lý do của họ. Nhưng với những ai duy trì thói quen đi lễ hàng ngày trong một thời gian dài, thì luôn luôn có một lý do sâu sắc hơn. Đi lễ hàng ngày là một nghi thức, một uy quyền sâu sắc nâng đỡ đời sống con người theo thói quen mà các thành viên hội Nghiện Rượu Ẩn Danh đem lại cho những ai đi tìm một tiết độ.
Một người bạn đang cai rượu có lần giải thích cho tôi tại sao anh thường xuyên đến hội Nghiện Rượu Ẩn Danh: “Tôi biết, và biết chắc chắn nếu tôi không đi thường xuyên, tôi sẽ uống lại. Buồn cười là tất cả những buổi gặp đó luôn luôn giống nhau, nói đi nói lại cùng chuyện. Tất cả đều đoán trước được, tôi biết tất cả những gì người ta sẽ nói. Ai đến đó cũng biết như vậy. Tôi cũng không đến đó để thành người tốt đẹp. Tôi đến đó để sống. Bởi tôi biết, nếu không đến đó, thì cuối cùng tôi sẽ hủy hoại đời tôi!”
Cái gì đúng cho thành viên hội Nghiện Rượu Ẩn Danh thì cũng đúngcho những người đi lễ hàng ngày. Cứ coi đó như lời cầu nguyện, người Kitô đến với nhau như lời Chúa Giêsu dặn. Phép Thánh Thể là chính những điều đó, nhưng còn hơn thế nữa: Đó cũng là một nghi thức, một hàm chứa, một xác nhận, một sự đến với nhau, giữ chúng ta khỏi việc tách rời nhau theo cách mà chúng ta không thể nào giải thích theo lối duy lý.
Có một điều quan trọng chung nữa đối với những người đi lễ hàng ngày là họ không muốn một thánh lễ quá dài hay quá sáng tạo. Họ muốn một nghi thức rõ ràng, như cũ và ngắn gọn. Vì điều này mà họ thường bị phê phán một cách không thương xót, cũng vì đơn giản nên người ta không thấy có gì khác hơn là nghi thức trống rỗng, cầu nguyện thuộc lòng, đi lễ máy móc gần như không có tâm hồn. Cũng không xa sự thật, sự quy kết này cho thấy, không phải chỉ những người ngoài cuộc mới hiểu lầm, mà cả những người không hiểu rõ về nghi thức cũng hiểu lầm.
Có những nghi thức, đặc biệt là nghi thức khai tâm, một đời chỉ làm một lần, nó mang một năng lực biến đổi một phần do sự thăng hoa tâm hệ và nung nấu cảm xúc đến một nhiệt huyết mới. Nhưng các nghi thức hỗ trợ đời sống thường nhật của chúng ta không phải như vậy. Thật vậy, các nghi thức hỗ trợ đời sống làm việc theo một cách khác. Chúng không phải là trải nghiệm của sinh lực tràn đầy hay sáng tạo, nhưng chính là những điều xưa cũ, lặp đi lặp lại, đơn giản, cởi mở và ngắn gọn. Bất cứ cộng đoàn hay gia đình nào duy trì một đời sống thường nhật với việc cầu nguyện chung, ăn cơm chung, có chia sẻ chung trong những lúc khác nhau, thì họ sẽ hiểu được điều này, giống như các tu sĩ. Các nghi thức hỗ trợ đời sống hàng ngày không hành động thông qua tính mới lạ hay tìm cách nâng cao tính khí bốc đồng của chúng ta. Điều mà nghi thức đó cố để tác động lên chúng ta không phải là sáng tạo, mà là nhịp độ, không phải hiện tại mà là mãi mãi, không phải xúc cảm mà là nguyên hình nguyên tướng.
Những buổi họp nhau bình thường ở nhà thờ, những lúc chúng ta họp nhau để cầu nguyện và chia sẻ đức tin, giữa vợ chồng, trong gia đình, chính là hình thức của tụ họp nghi thức. Khi họp lại với nhau, chúng ta không tìm kiếm mới lạ, nhộn nhịp, thông tuệ, hay trị liệu cho các mâu thuẫn gia đình. Những lời chúng ta dùng (một bài Kinh Thánh, Thánh vịnh, kinh Lạy Cha, các lời cầu nguyện theo sách hoặc một thánh ca) xét cho cùng sẽ giúp chúng ta có được sự thinh lặng xa xưa, vì những gì xảy ra giữa Thiên Chúa với chúng ta, giữa chúng ta với nhau, thì sự mới lạ, nhộn nhịp, thông tuệ, và các trị liệu khác thực sự không thể đạt đến được. Chúng ta họp nhau lại quanh nghi thức Lời Chúa và Bẻ Bánh mà Ngài để lại cho chúng ta, chúng ta đến với nhau không phải để có một buổi họp mặt gia đình hay cộng đoàn, không phải để bàn về các cảm nghĩ hay vấn đề của chúng ta, cũng không phải để tìm kiếm các liệu pháp chung, thậm chí cũng không phải để củng cố đức tin chao đảo trong một xã hội ngoại giáo. Chúng ta họp nhau để cùng nhau thờ phượng Thiên Chúa và để Ngài thực hiện trong chúng ta những gì chúng ta không thể tự mình làm được, cụ thể là, mang đến cho chúng ta đức tin và định hình định dạng chúng ta trong cộng đoàn, vượt trên các mâu thuẫn cảm xúc và trên tất cả những gì chúng ta cần được chữa lành.
Kitô giáo đã tự khẳng định mình trong hai ngàn năm. Việc đó được thực hiện như thế nào? Khi cố gắng trả lời câu hỏi này, chúng ta biết được một bí mật đáng giá. Đức tin tự khẳng định qua việc quy tụ trong nghi thức, chung quanh Lời Chúa và Bẻ Bánh. Như trong một cuộc hôn nhân hay trong một gia đình, chúng ta tránh tan vỡ bằng cách: Sẽ ở nhà vào những giờ thường lệ, ăn một ngày hai bữa với nhau, ngồi với nhau trong phòng khách ít nhất một ngày một lần… dù chẳng thích thú gì, chẳng có hứng nói chuyện với nhau, ai cũng chán, dù một nửa người trong gia đình phản đối rằng chẳng bõ công. Chúng ta vẫn sẽ làm vì nếu không làm thì chúng ta sẽ tan rã và gia đình chúng ta sẽ chết. Gia đình Kitô cũng như gia đình nhân loại đều cần đến các nghi thức rõ ràng, lặp đi lặp lại, xưa cũ, không nhộn nhịp. Không họp nhau bên nghi thức, thì cũng như bất cứ gia đình nào, sớm muộn gì gia đình chúng ta cũng sẽ tan vỡ.
Trong thời đại khó khăn cho việc khẳng định đức tin và duy trì cộng đoàn, lời khuyên tốt nhất cho chúng ta là lời khuyên của chính Đức Giêsu: Họp nhau quanh Lời Chúa và bẻ bánh với nhau. Chúng ta không cần phải hiểu những gì đang làm, không cần phải thông tuệ, sáng tạo hay phấn khích. Chúng ta chỉ cần họp nhau trong danh Ngài quanh nghi thức đơn giản rõ ràng mà Ngài đã ban cho chúng ta. Ngài hứa phần còn lại Ngài sẽ làm cho chúng ta.
Nguyễn Kim Long dịch
(Còn tiếp)
Xin đọc thêm: Trụ vững chính mình trong Đời sống Thiêng liêng (1/10)
Trụ vững chính mình trong Đời sống Thiêng liêng (2/10)
Trụ vững chính mình trong Đời sống Thiêng liêng (3/10)
Trụ vững chính mình trong Đời sống Thiêng liêng (4/10)
Trụ vững chính mình trong Đời sống Thiêng liêng (5/10)
Trụ vững chính mình trong Đời sống Thiêng liêng (6/10)