François Cheng: “Thánh Phanxicô Assisi đã thay đổi đời tôi”
lefigaro.fr, Astrid De Larminat, 2014-11-27
Nhà văn gốc Trung hoa François Cheng kể câu chuyện gặp gỡ của ông với Thánh Phanxicô trong lần ông đến thăm Assisi năm1961. Và khi nhận quốc tịch Pháp, ông chọn tên riêng François là tên của mình. Eric Fougere/© Eric Fougere/VIP Images/Corbis.
Nhà hàn lâm người gốc Trung hoa đầu tiên trong Hàn Lâm Viện Pháp. Tác giả François Cheng nhận các tước vị cao quý của nước Pháp, nhiều giải thưởng văn chương Pháp. Ông làm việc trong nhiều lãnh vực, nhà khảo luận, thi sĩ, người viết thư pháp, tiểu thuyết gia, dịch giả, giáo sư đại học, nhà hàn lâm.
Báo Le Figaro – Lần đầu tiên ông đến Assisi khi ông 32 tuổi và ông đã ở Pháp được 12 năm. Xin ông cho biết tâm trạng của ông lúc đó như thế nào?
François Cheng – Tôi là người đàn ông trẻ khá lạc lõng và băn khoăn. Tôi để các bạn đưa tôi đến Assisi, dĩ nhiên là tôi bị mặt trời nước Ý thu hút mà cũng có thể là một mong muốn mơ hồ nào đó để được biết một vị thánh. Từ một thời gian, tôi ý thức các sự thật của cuộc sống thể hiện ít hơn trong ý tưởng hơn là trong chính con người. Các ý tưởng quan trọng sẽ khô héo nếu các ý tưởng này không được con người sống.
Và thế là ông ở Assisi…
Đó là một cú sốc và trước hết là cuộc gặp với nơi này của một người Trung hoa đắm mình trong truyền thông phong thủy Trung hoa, tôi thấy ngay lập tức đây là một nơi huy hoàng tráng lệ. Vào thời đó, tôi đã biết tôi không thể trở về Trung quốc và tôi xem tôi người lưu vong. Nhưng khi đến đây, vừa ra khỏi nhà ga, tôi thấy Assisi ở lưng chừng núi, nó như mở rộng vòng tay chào đón, tôi cảm thấy tôi có thể ở vùng đất châu Âu này. Tôi lặn lội tất cả những nơi Thánh Phanxicô đã sống trước hết là với bạn bè, sau là đi một mình. Qua Thánh Phanxicô, tôi hiểu các thánh ở đó để chỉ cho chúng ta, làm thế nào để sống tốt trong khi bao nhiêu là tội phạm cho chúng ta thấy con người có khả năng như thế nào trong tội ác. Sự thánh thiện đích thực không phải là chủ nghĩa luân lý rầu rĩ, nhưng là điều cần thiết để làm cho chúng ta ý thức trọn vẹn số phận của chúng ta trong vũ trụ.
Vì sao ông gọi Thánh Phanxicô là “Người Cao cả Đang sống”?
Vì ngài đã ôm sự sống trong trong tổng thể của nó, phần tươi sáng hứng khởi cũng như phần đen tối bi thảm của nó. Như Chúa Kitô, Thầy của Thánh Phanxicô, ông biết con đường sống thực phải thông qua việc cáng đáng các bất hạnh đang tràn ngập thế giới. Ngài không nghi ngờ, cuộc phiêu lưu mênh mông của Cuộc sống, một của phiêu lưu trên đường trở thành, luôn cần mỗi người chúng ta, những người sống trong đói khát vô hạn để tiếp cận một thứ trật khác của cuộc sống.
Vì sao ông nghĩ Thánh Phanxicô là vị thánh phi thường nhất?
Người “anh em hoàn vũ” này, qua con người và qua hành vi của ngài, qua Bài ca Tạo vật với – “anh mặt trời, mẹ và chị quảng đại”, ..v.v, đã thay đổi sắc thái thế giới phương Tây của chúng ta, bỗng nhiên chúng ta cảm thấy ấm cúng hơn, có tình anh em với nhau hơn, cảm hứng hơn. Chúng ta nhìn lại, thế kỷ 13 là thế kỷ đen tối, bị chiến tranh và các nạn dịch tàn phá, khi người dân còn coi thường thiên nhiên, còn xem thiên nhiên là nơi phá đổ, thì khi đó thiên nhiên bị suy đồi. Thánh Phanxicô đã đổi ngược nhãn quan, ngài loan báo trước cho thời Phục Hưng. Bài ca Tạo vật của ngài đã mở đầu cho một triều đại lớn của các nhà thơ trữ tình với đại danh hào Dante, người đã viết Thánh Phanxicô là “mặt trời đã sinh ra cho chúng ta”. Được cảm hứng từ Thánh Phanxicô, Thần Khúc của ông kết thúc với lời gợi lên “sức mạnh tình yêu làm di dời mặt trời và các ngôi sao khác”.
Ông viết, Thánh Phanxicô không phải là người ngây thơ trong trắng như hình ảnh đại chúng có trong đầu về ngài. Ngài không viết Bài ca Tạo vật khi đang đi dạo trong cánh đồng mùa xuân nhưng vào cuối đời. Làm thế nào ngài có tầm nhìn vũ trụ này khi ngài đã mù và chịu đau khổ vì tử đạo?
Thánh Phanxicô đã mặc lấy cái nghèo và cái nghèo này là sức mạnh của ngài. Nghèo khó nơi ngài là trần trụi, không những trần trụi về của cải vật chất, nhưng còn trần trụi về mặt tinh thần, không biết sợ, không thành kiến, không ghê tởm, không lo cho mình. Trở thành một người “không có gì khác ngoài lòng tốt”, ngài hoàn toàn tự do, ngài tỏa ra một ánh sáng không đến từ ngài. Chính sức mạnh lột hết vũ khí này, sức mạnh không còn cách nào tự vệ này, ngài mới ôm được người cùi, mới vô hiệu hóa kẻ cướp, mới thuần phục con chó sói Gubbio. Những động vật hoang dã chưa thuần, thỏ rừng, cừu con theo bản năng đến với ngài, chúng bị thu hút bởi sức mạnh này. Người dân cũng vậy, họ tìm an ủi và tin tưởng nơi ngài, biết rằng ánh sáng ngài tỏa ra đến từ sự siêu việt không phản bội, không làm hư hỏng. Sau tất cả các tổn thương bầm dập, chính ngài lại nói lên niềm vui trọn hảo. Niềm vui của dâng hiến trọn vẹn, gần giống như niềm vui của Đấng Tạo hóa, đi từ Không Có Gì đến Toàn Thể.
Điều gì Thánh Phanxicô đã làm thay đổi đời sống của ông?
Cuộc gặp này là bước khai sáng và thay đổi đời sống của tôi. Mười năm sau chuyến đi đầu tiên đến Assisi, khi nhập tịch, tôi chọn tên François làm tên riêng. Thánh Phanxicô không để ai thờ ơ với ngài được. Tất cả những ai đã từng đến Assisi – Goethe, Chateaubriand, Julien Green, Simone Weil – đều bị ngài chinh phục. Nơi chúng ta, ngài vạch một con đường của một Đời sống Đích thực là có thể được. Tôi có thể nói ngài làm cho con đường của Chúa Kitô là con đường “có thể đi được”. Từ đó tôi luôn có cảm tưởng tôi có một người anh đi bên cạnh, một người bạn ngăn không để tôi tự mãn, tự phụ, giữ tôi luôn say mê cái đẹp và sự thật. Tôi không thích tự cho mình là tín hữu kitô vì tôi luôn đi tìm và trong lòng tôi luôn có ý tưởng cho một sự Mở Ra.
Và tôi không tự hỏi như nhà văn Emmanuel Carrère tự hỏi nếu mình có đức tin hay không. Nhưng qua Thánh Phanxicô, tôi hiểu Chúa Kitô hơn và đi theo Con đường của Ngài. Tôi mang khái niệm của Đạo Lão, nhưng dường như con đường của Chúa Kitô dẫn tôi đi xa hơn, trong quan hệ của tôi với các bản thể và trong kinh nghiệm thần nghiệm của tôi trong lãnh vực thi ca. Nghèo khó nội tâm, trần trụi và làm cho việc đón nhận được dễ dàng, giúp cho tôi có thể trở thành thi sĩ. Sự nghèo khó này được trau dồi bằng thiền định. Chúng ta có thể cầu nguyện gần như mọi lúc, mọi nơi, trong phòng chờ… Cầu nguyện là cách mở ra với các bản thể, với Con người, để giải mã và để kết nối.
Ông đã thấy những gì Thánh Phanxicô thấy chưa?
Dù gặp thử thách, các năm tháng tuổi già của tôi không bị đánh dấu bằng cay đắng nhưng bằng lòng biết ơn, nhất là với những người mà các bài viết đặt trên con đường của tôi. Về việc này tôi muốn nói đến sự kinh ngạc của tôi, vì nước Pháp có một kho thông minh, nhạy cảm và tâm linh ấn tượng, một dân tộc tỉnh ngộ, họ sẽ phát triển ngay khi có cơ hội. Tôi cảm thấy có một nhu cầu lớn lao cho sự vui mừng này. Tập thơ tôi đang chuẩn bị có tên Vinh quang thực sự là ở đây (La vraie gloire est ici).
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Và nếu giai đoạn hiện nay dành hết để trở về với tâm hồn?
Cái đẹp đến từ đâu? Lời giải thích sáng rõ của François Cheng
Bài gốc ở đây.