Làm thế nào để biết đó là lời quỷ nói
fr.aleteia.org, Kathleen Hattrup, 2020-06-15
Phân biệt được tiếng nói của Chúa và tiếng nói của Satan là dấu chỉ của sự tăng trưởng tâm linh. Sau đây là tám chìa khóa để phân biệt các tiếng nói khác nhau qua nhận thức của chúng ta.
Một vài tuần trước đây, nhân ngày chúa nhật lễ Chúa Chiên Lành, Đức Phanxicô đã đưa ra một số lời khuyên để phân biệt tiếng nói của Chúa và tiếng nói của sự dữ.
Tin Mừng chúa nhật hôm đó nói: “Và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra“ (Ga10, 3). Chúa gọi chúng ta bằng tên chúng ta, Ngài gọi chúng ta vì Ngài yêu thương chúng ta. Nhưng Tin Mừng còn nói, có những tiếng nói khác chúng ta không nên nghe: đó là tiếng nói của những người lạ, những kẻ trộm, kẻ cướp, họ không muốn điều tốt cho đàn chiên.
Những tiếng nói khác cũng vang lên trong tâm hồn chúng ta. Có tiếng nói của Chúa, nói nhẹ nhàng với lương tâm chúng ta và cũng có tiếng nói của Satan cám dỗ kích động sự dữ. Nhưng làm sao để nhận ra tiếng nói của Mục tử Nhân lành với tiếng nói của kẻ trộm, làm thế nào để phân biệt cảm hứng của Chúa với đề nghị của kẻ ác? Chúng ta có thể học để phân định hai tiếng nói này: rõ ràng là hai ngôn ngữ khác nhau, có những cách đối nghịch nhau đến gõ cửa trái tim chúng ta. Họ nói các ngôn ngữ khác nhau. Cũng một cách này, chúng ta có thể phân biệt tiếng nói của Chúa và tiếng nói của thần dữ. Chúng ta chỉ cần đặt vài câu hỏi đơn giản:
Tôi có tự do không?
Tiếng nói của Thiên Chúa không bao giờ ép buộc: Thiên Chúa tự hiến, Ngài không áp đặt. Mặt khác, tiếng nói của sự dữ lôi cuốn, tấn công, gò bó: nó làm nảy sinh các ảo tưởng chói lọi, các cảm xúc hấp dẫn nhưng thoáng qua.
Tiếng nói có tìm cách xu nịnh tôi không?
Mới đầu nó xu nịnh, nó làm cho chúng ta nghĩ chúng ta cực mạnh, nhưng sau đó nó để lại trong tâm hồn chúng ta một cảm giác trống rỗng và buộc tội chúng ta: “Bạn không có giá trị gì?” Ngược lại tiếng nói của Chúa rất kiên nhẫn, sửa đổi chúng ta và tiếng nói này luôn khuyến khích, an ủi chúng ta: nó luôn mang hy vọng.
Tôi có hướng tới đàng trước không?
Tiếng nói của Chúa là tiếng nói có một chân trời, ngược lại tiếng nói của kẻ xấu luôn dẫn đến bức tường, nó dẫn bạn đến góc tường.
Tôi có sống trong giây phút hiện tại không?
Một điểm khác biệt nữa: tiếng nói của kẻ thù quay lưng với hiện tại, nó muốn chúng ta quay lưng với hiện tại, muốn chúng ta tập trung vào những sợ hãi cho tương lai hay buồn bã cho quá khứ – kẻ thù không muốn ở trong hiện tại: nó mang lại cay đắng, ký ức về các sai lầm phải chịu, về những người đã làm tổn thương chúng ta… với bao nhiêu là kỷ niệm xấu. Ngược lại, tiếng nói của Chúa nói về hiện tại: “Bây giờ con có thể làm điều tốt, con có thể sáng tạo với tình yêu, bây giờ con có thể bỏ qua các hối tiếc, các hối hận làm trái tim của con bị giam hãm”. Tiếng nói của Chúa thúc đẩy chúng ta, đưa chúng ta đi đến đàng trước, tiếng nói này nói với chúng ta trong hiện tại: bây giờ.
Có phải là vấn đề bản ngã của tôi không?
Thêm nữa, hai tiếng nói này đặt ra trong lòng chúng ta những câu hỏi khác nhau. Tiếng nói của Chúa sẽ là: “Cái gì làm cho tôi cảm thấy tốt?” Còn kẻ cám dỗ thì nhấn mạnh đến câu hỏi khác: “Tôi muốn làm gì?” Tôi ham muốn cái gì: tiếng nói xấu luôn quay chung quanh tôi, các xung năng, các nhu cầu của tôi và ngay lập tức. Tiếng nói này như các chướng khí của trẻ con: muốn tất cả mọi thứ và ngay bây giờ. Mặt khác, tiếng nói của Chúa không bao giờ hứa hẹn niềm vui rẻ tiền: tiếng nói này mời gọi chúng ta vượt lên chính mình để tìm thấy điều tốt lành thực sự, bình an thực sự.
Các tiếng nói này để lại hương vị gì?
Chúng ta nhớ sự dữ không bao giờ để lại bình an, trước hết nó khơi dậy sự cuồng nhiệt, kế đó là nó để lại hương vị cay đắng. Đó là phong cách của sự dữ.
Tôi có đi tìm ánh sáng hay tôi đang trốn ánh sáng?
Cuối cùng, tiếng nói của Chúa và tiếng nói của kẻ cám dỗ nói chuyện ở các “môi trường” khác nhau: kẻ thù thích bóng tối, giả dối, tin đồn; Chúa yêu ánh sáng mặt trời, sự thật, sự minh bạch chân thành.
Tôi có được mời gọi để tin tưởng không?
Kẻ thù sẽ nói: “Hãy khép kín bạn lại, không ai hiểu bạn cũng không ai nghe bạn, đừng tin tưởng ai!” Ngược lại, tiếng nói của Chúa mời gọi mở lòng ra, trong sáng và tin tưởng vào Chúa và vào người khác.
Trong giai đoạn này, khi có quá nhiều suy nghĩ và mối lo âu làm chúng ta chỉ muốn co cụm lại, chúng ta hãy chú ý đến các tiếng nói chạm đến trái tim mình. Chúng ta hỏi những câu hỏi này đến từ đâu, chúng ta xin ơn để nhận ra tiếng nói của Chúa Chiên Lành dẫn chúng ta ra khỏi vòng vây của tính ích kỷ, dẫn chúng ta đến đồng cỏ của tự do thực sự.
Xin Đức Trinh Nữ Maria hướng dẫn và cùng đồng hành với chúng ta trên con đường phân định.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch