“Vẫn còn quá ít linh mục da đen ở Mỹ”

358

“Vẫn còn quá ít linh mục da đen ở Mỹ”

 

Biểu tình chống bạo lực cảnh sát trước nhà thờ chính tòa Thánh Gioan tại New York 5 tháng 6-2020

la-croix.com, Alexis Buisson, 2020-06-09

Cái chết của ông George Floyd ngày thứ hai 25 tháng 5 đã tạo một mối xúc cảm lớn nơi cộng đồng người công giáo da đen ở Mỹ. Họ xin Giáo hội và tín hữu da trắng đặt lại vấn đề.

Cảm xúc vẫn còn trong giọng nói của Tiến sĩ Ansel Augustine người Mỹ gốc Phi, ông là người có trách nhiệm mới về sự đa dạng văn hóa ở Tổng giáo phận Washington. Vừa hồi phục sau khi bị Covid-19 tàn phá cộng đồng người da đen ở thành phố New Orléans thân yêu của ông, bây giờ ông phải đối diện với video mà người xem không thể chịu đựng được về cái chết của ông George Floyd, người Mỹ Da đen ở Minneapolis bị một cảnh sát da trắng giết ngày 25 tháng 5. Ông cho biết: “Thật khó khăn về mặt cảm xúc khi đứng trước hành động bạo lực của cảnh sát đối với Người Da đen. Phản ứng đầu tiên của tôi là ghê tởm. Sau đó tôi tự hỏi không biết giây phút này sẽ là một giai đoạn khác trong hiệp thông với các buổi tụ họp và cầu nguyện không. Hay nó sẽ giúp chúng ta giải quyết công việc khó khăn của một sự thay đổi thể chế?”

Bị chấn động, người công giáo Mỹ gốc Phi làm nhiều hơn là chỉ lên tiếng chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có hệ thống ở Mỹ: họ kêu gọi Giáo hội và giáo dân da trắng phải đối diện với nạn phân biệt chủng tộc của chính họ. Trong một buổi hội thảo trực tuyến do trường đại học Dòng Tên Georgetown tổ chức ngày thứ sáu 5 tháng 6, nữ giáo sư lịch sử người Mỹ gốc Phi Marcia Chatelain, thành viên của ủy ban về quá khứ nô lệ của đại học đã lên án mạnh mẽ: “Không ai ở đây sẽ đốt thánh giá (ám chỉ các việc làm của nhóm siêu quyền lực da trắng Ku Klux Klan). Nhưng một số trong quý vị không muốn tài trợ cho các trường học ở các khu phố khó khăn. Một số sẽ chê bai các học sinh da đen trong các trường công giáo…” Bà thẳng thắn nói với cử tọa trên mạng gồm các giáo dân và các nhà lãnh đạo công giáo. Dù đã có các lá thư mục vụ chống kỳ thị và có các lời hứa cải cách, người Mỹ gốc Phi công giáo cho rằng Giáo hội có thể làm nhiều hơn thế. Cộng đoàn của họ có 3 triệu người công giáo, 13 giám mục Mỹ gốc Phi (267) trong số này có 8 giám mục đang hoạt động. Năm giáo phận được người da đen điều hành trong đó có tổng giáo phận Washington. Nhà xã hội học Tia Noelle Pratt chuyên về vấn đề kỳ thị trong Giáo hội công giáo Mỹ phân tích: “Chúng ta phải xem cộng đồng nào bị ảnh hưởng nhiều nhất trong việc đóng cửa các giáo xứ. Phải xem lại việc tuyển nhân viên trong các trường học công giáo. Trong các chương trình học, chỗ đứng của người công giáo da đen hay vai trò của Giáo hội trong chế độ nô lệ là quá ít ỏi, chỉ có tính cách liệt kê. Bây giờ là lúc để qua một bên các chuyện nhạt nhẽo và cải cách cấu trúc Giáo hội. Chắc chắn các nhịp cầu của chúng ta không còn bị tách chia, nhưng nói như thế không có nghĩa là nạn kỳ thị đã chấm dứt. Vẫn còn quá ít linh mục da đen ở Mỹ. Điều này ảnh hưởng đến việc dấn thân của thanh niên trẻ Da Đen trong Giáo hội. Họ không có gương mẫu.”

Bốn ngày sau cái chết của ông George Floyd, bảy giám mục điều khiển các ủy ban (phân biệt chủng tộc, hoạt động ủng hộ đời sống, đa dạng văn hóa…) trong Hội đồng Giám mục Mỹ kêu gọi các mục tử “đồng hành xác thực hơn với các người mà trong lịch sử họ đã bị tước đi quyền của mình, lắng nghe câu chuyện cuộc đời của họ, học hỏi từ họ và tìm cách đáng kể để thực hiện sự thay đổi hệ thống.”

Về phần mình, Đức Giám mục Roy Campbell, chủ tịch Hội đồng Công giáo Quốc gia Da Đen bao gồm các giám mục người Mỹ gốc Phi đã kêu gọi một cuộc điều tra minh bạch về cái chết của ông George Floyd và lưu ý, tình trạng nô lệ đã có trước sự ra đời của nước Mỹ cho đến thời Nội chiến, và bây giờ vẫn còn tồn tại.”

Tiến sĩ Ansel Augustine xác nhận: “Các khóa lắng nghe là tốt. Nhưng chúng ta cần phải làm hơn. Chúng ta phải đảm bảo lịch sử công giáo của người Da Đen phải được đưa lên ngang tầm với lịch sử công giáo của người Da Trắng. Chúng ta không có vị thánh người Mỹ gốc Phi. Các đóng góp của người công giáo Da Đen không phải lúc nào cũng được công nhận.” Hiện tại một số nhóm công giáo tham gia các cuộc biểu tình chống bạo lực cảnh sát trên toàn quốc gia. Đây là trường hợp của phong trào hòa bình Pax Christi USA. Phong trào kêu gọi đầu tư hơn vào các chương trình xã hội. Ông Johnny Zokovitch, chủ tịch của Pax Christi USA lên tiếng: “Năm 2020 là năm bầu cử. Chúng ta phải đảm bảo, vấn đề phân biệt chủng tộc sẽ là một phần của cuộc tranh luận quốc gia”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: “Lạy Chúa, Ngài quên con mãi tới bao giờ?”

Linh mục da đen Josh Johnson: “Phục sinh của Chúa ở bên cạnh thập giá”

Đức Giám mục Phi châu Frank Nubuasah, giáo phận Botswana khóc George Floyd, bạn của ngài