Đối thoại của Đức Phanxicô với nhóm Ladarô: “ Đôi khi phải để cả một đời để tha thứ (3)

132

Đối thoại của Đức Phanxicô với nhóm Ladarô: “ Đôi khi phải để cả một đời để tha thứ ” (3)

fr.zenit.org, Anita Bourdin, 2020-06-08

Một nhóm thành viên của tổ chức Nhà Ladarô, một tổ chức gồm các người trẻ ở chung với người vô gia cư, Nhóm bắt đầu ở Pháp và bây giờ lan ra cả Âu châu. Nhóm được Đức Hồng y danh dự giáo phận Lyon, Philippe Barbarin hướng dẫn đến Nhà Thánh Marta ngày 29 tháng 5 – 2020. Trong buổi gặp này, Đức Phanxicô nói chuyện qua video với các bạn “cùng thuê nhà” của Nhà Ladarô trên thế giới.

Các bạn cùng thuê nhà của Nhà Ladarô đặt cho Đức Phanxicô 10 câu hỏi. Đây là câu hỏi thứ 5 về tha thứ. Trong hội thảo-video, Đức Phanxicô giải thích cho các bạn trong Nhà Ladarô: “Đôi khi phải để cả một đời để tha thứ.”

Tha thứ, câu hỏi thứ 5

Félicie ở Vaumoise – Trọng kính Đức Thánh Cha, con xin chào Cha và con cám ơn Đức Thánh Cha nhiều. Chúng con có một bạn cùng thuê nhà đã trải qua nhiều năm sống khó khăn. Anh mất lòng tin vào Chúa và vào con người. Làm sao anh có thể giữ hy vọng và có thể tha thứ được?

Đức Phanxicô: Cha bắt đầu ở đoạn cuối: tha thứ. Tha thứ là một chuyện rất khó. Cha đã 83 tuổi mà nhiều khi cha vẫn thấy khó tha thứ cho một số chuyện. Cha xin Chúa ban cho cha ơn để cha có thể tha thứ. Cha xin nói với các con một khiếm khuyết về khả năng xây dựng: khả năng tha thứ. Bởi vì hận thù, cay đắng, việc không thể tha thứ là một cái gì rất dồi dào. Nhưng sự dồi dào này không tốt! Một sự dồi dào không sinh ích cho các con. nhưng đáng tiếc, chúng ta lại sống lâu ngày trong giới hạn này cho đến ngày tâm hồn chúng ta thay đổi. Điều này giúp chúng ta suy nghĩ về tất cả những lần chúng ta đã được tha thứ. Cha nghĩ đến, “người khác đã tha thứ cho mình, Chúa đã tha thứ cho mình chuyện này chuyện kia, xã hội đã tha thứ cho mình; như thế mình phải tha thứ!” Lý luận này giúp cha rất nhiều. Nhưng đó là ý tưởng phải thấm dần trong tâm thức như cơn mưa thầm lặng nhẹ giọt thấm vào đất. Và đôi khi phải để cả một đời để tha thứ.

Đó là lý do tại sao điều quan trọng là đi trên con đường tha thứ. Có nghĩa là đi trên con đường tin rằng mình đã được tha thứ. Và để đi trên con đường này, chúng ta phải xin ơn có thể tha thứ. Khi chúng ta đọc Kinh Lạy Cha, chúng ta đọc: “Và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.” Như tấm vé khứ hồi. Tha để được tha. Tôi đã được tha, lòng tôi tràn ngập niềm vui, và làm cho tôi tha thứ. Và đôi khi phải để cả đời để tha thứ. Đó là con đường khiêm nhường và lặng lẽ nhưng đó là con đường chữa lành tâm hồn. Đây là những gì cha nói với các con về tha thứ.

Cha xin đi ra khỏi câu hỏi. Cha có ba chữ kỳ diệu vừa đến trong đầu cha. Khi các cặp vợ chồng trẻ đến đây gặp cha, họ hỏi cha: “Làm thế nào chúng con có thể sống được đời sống vợ chồng? Cha trả lời cho họ: “Chà, có ba câu kỳ diệu mà anh chị phải nói và phải sống mỗi ngày: câu thứ nhất, xin vui lòng, tôi có thể làm được không? Câu thứ nhì: cám ơn. Câu thứ ba: xin lỗi.

Câu thứ nhất: xin phép để không xâm lấn quá trong đời sống vợ chồng. Câu thứ nhì – cám ơn – vì lòng biết ơn mở tâm hồn của hai vợ chồng. Sẵn cha nói với các con, trong cuộc sống có những người không biết nói cám ơn. Và câu thứ ba: xin lỗi về một chuyện mình đã làm không đúng, vì mình cư xử không tốt, vì đã gây nhau. Tất cả đều nói với cha: “Câu thứ ba là khó nhất”. Thỉnh thoảng cha hỏi họ: “Vì sao lại khó?” “Bởi vì bây giờ không thể nào không có gây gổ!” Nhưng cha nói với họ: “Gây gổ là chuyện bình thường trong hôn nhân. Và cũng bình thường nếu gây nhau mãnh liệt. Đôi khi chén đĩa có thể bay, cũng là chuyện bình thường. Nhưng với một điều kiện: mình làm hòa trước khi đêm về. Điều này có nghĩa: xin tha thứ. ‘Nhưng thưa Cha, chúng con xấu hổ khi xin tha thứ. Con không biết làm sao làm!’ Các con làm mà không cần phải nói, một vuốt ve và như vậy là đủ! Quan trọng là phải làm hòa trước khi đi ngủ vì Chiến tranh Lạnh ngày hôm sau sẽ rất nguy hiểm.

“Đó là vì sao xin lỗi là khó khăn”, họ nói.

Nhưng có một điều kiện khác, khi các con cãi nhau, đừng cãi nhau trước mặt con cái! Các con không hình dung được tâm trạng lo âu của một em bé khi thấy cha mẹ cãi nhau. có một phim ngày xưa của Ý của đạio diễn Vittorio de Sica có tên là “Trẻ con săn sóc cha mẹ” (I bambini ci guardano) nhưng cha đi ngoài đề rồi. Bây giờ chúng ta trở lại với tha thứ. Tha thứ là con đường của cả một đời. Cha đã nói nhiều rồi.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Đối thoại của Đức Phanxicô với Nhóm Ladarô: Phẩm giá là gì? (2)

Đức Phanxicô đối thoại với Nhóm Ladarô: Vùng ngoại vi là trọng tâm trái tim của Chúa (1)