Sự gần gũi của Đức Phanxicô qua các phương tiện truyền thông mới
weca.it, Alessandro Gisotti, 2020-05-27
Vài ngày sau Ngày Truyền thông Xã hội, cùng với ông Fabio Bolzetta, giám đốc ứng dụng WeCa, ông Alessandro Gisotti, tổng biên tập bộ Truyền thông Vatican nói về cách Đức Phanxicô đã dùng qua các phương tiện truyền thông mới để thể hiện sự gần gũi của ngài trong những tháng khó khăn, qua việc trực tiếp phát sóng hàng ngày các thánh lễ tại Nhà nguyện Thánh Marta và buổi cầu nguyện không thể nào quên được chiều thứ sáu 27 tháng 3 tại Quảng trường Thánh Phêrô vắng vẻ.
Ông Gisotti giải thích: “Dù ở trong tình huống đặc biệt chưa từng có và bất ngờ như tình huống cách ly, nhờ sử dụng công nghệ, Đức Phanxicô luôn xoay sở để hiện diện, để gần một cách đặc biệt, trong thời gian đặc biệt với những người đang đau khổ. Thánh lễ buổi sáng trở thành cuộc hẹn của nhiều người, không phải chỉ dành riêng cho tín hữu. Ngài không quên một ai trong lời cầu nguyện của ngài, từ người quản gia đến các nhân viên dọn dẹp trong bệnh viện. Một làn sóng tình yêu đã được tạo ra, một bùng nổ của lòng thương xót, chắc chắn còn mạnh hơn cả con virus.”
Ông Gisotti giải thích lý do về việc ngưng các buổi phát sóng trực tiếp ở Nhà nguyện Thánh Marta khi thánh lễ có giáo dân tham dự được mở ra trên nhiều nước: “Đức Phanxicô cảnh báo chống lại việc “ảo hóa” Giáo hội. Giáo hội dựa trên cộng đoàn chung quanh Thánh Thể: khi nước Ý cho phép dâng thánh lễ có giáo dân tham dự, ngài nói: “Bây giờ là lúc trở lại với cộng đoàn quen thuộc với Chúa, với bí tích Thánh Thể.”
“Giây phút ngôn sứ” của buổi cầu nguyện chiều thứ sáu 27 tháng 3 có tác dụng mạnh: “Một cách nào đó, Quảng trường Thánh Phêrô chưa bao giờ ‘đông’ như vậy. Nhờ các phương tiện truyền thông, quảng trường đã đến với tất cả mọi người trên toàn thế giới. Bên cạnh các hình ảnh mà chúng ta sẽ khó quên, một cường độ làm tôi nhớ đến hình ảnh của Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II ôm hôn thập giá trong lần ngài đi chặng Đàng Thánh giá cuối cùng ở nhà nguyện riêng của ngài, và câu nói của Đức Phanxicô thật sâu sắc: ‘Không ai có thể tự mình cứu mình.’ Con virus này đã làm cho chúng ta thấy, rằng tất cả chúng ta đều giống nhau.”
Một dịp để chúng ta trở lại với những chữ Đức Phanxicô dùng để chuẩn bị cho Ngày Truyền thông Xã hội mà chúng ta vừa kỷ niệm: “Tôi thật sự xúc động khi đọc lại các lời này, được công bố trước tình trạng khẩn cấp, trong bối cảnh của nhiều câu chuyện mà chúng tôi đã kể trong giai đoạn này. Đức Phanxicô đã nhắc lại, tất cả chúng ta chứ không riêng gì các ký giả, các nhân viên truyền thông, tất cả chúng ta đều cần các câu chuyện hay, có thật và điều quan trọng là nhấn mạnh các câu chuyện này là các câu chuyện thật so với một số sáo ngữ mà bây giờ người ta thường mô tả cái gì cũng tốt. Cái tốt là cái đẹp và cái đúng. Chúng tôi nghĩ về những chứng từ mà Đức Phanxicô gọi là ‘các vị thánh ở bên cạnh’, các y tá, bác sĩ, các nhân viên làm việc trong tình trạng nguy hiểm, nhiều linh mục đã chết ở miền bắc nước Ý. Đó là các câu chuyện của đời sống hàng ngày đáng được kể và đáng được nhớ.”
Các ứng dụng của WeCa sẽ được tiếp tục dành riêng cho trường hợp khẩn cấp của coronavirus để kể các kinh nghiệm mục vụ tích cực, các công nghệ mới của các giáo xứ, các tổ chức và các dòng.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Đức Phanxicô mời thế giới cùng cầu nguyện với ngài hôm nay, 27 tháng 3
Urbi et Orbi, cho thành phố Rôma và cho thế giới: Một “nghệ thuật tuyệt vời”