Đại dịch, dịp để chúng ta đặt lại thứ trật trong đời sống của mình
vaticannews.va, Linh mục Dòng Tên Federico Lombardi, 2020-05-05
Bài thứ sáu trong loạt bài “Cái nhìn về cuộc khủng hoảng” của linh mục Lombardi: Tương lai đang chờ chúng ta, thời gian là của Chúa, chúng ta tái khám phá lại trong thời gian khẩn cấp, đâu là ý nghĩa cho khoảng không gian của sự tồn tại của chúng ta.
Một trong các ghi nhận đầu tiên của Đức Phanxicô trong Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato Si’ là nhìn “những gì đang xảy ra trong căn nhà chúng ta” liên quan đến sự “nhanh chóng hóa”, có nghĩa tiếp tục tăng tốc các thay đổi của nhân loại và của hành tinh, kết hợp với cường độ của nhịp sống, nhịp làm việc. Đức Phanxicô nhận xét tốc độ này mâu thuẫn với thời gian tiến hóa sinh học tự nhiên, và tự hỏi liệu các mục tiêu của những thay đổi có hướng đến lợi ích chung và hướng tới sự phát triển bền vững và toàn diện của con người không.
Tất cả những ai trong chúng ta đến một độ tuổi nhất định, họ nhìn vào đời sống ngắn ngủi của mình, nhớ lại không biết bao nhiêu chuyện đã thay đổi hoàn toàn, và chỉ sau một thời gian ngày, mọi chuyện lại thay đổi lại. May mắn thay, nhiều chuyện thay đổi để tốt hơn, như điều kiện sống của người nghèo, khả năng chữa trị và phẫu thuật, di chuyển tự do, giáo dục, thông tin và giao tiếp.
Nhưng đồng thời, nhiều vật dụng cũ chưa cần phải thay đổi cũng thay đổi nhanh, để thúc đẩy phát triển kinh tế và lợi nhuận trong một số lĩnh vực, và quảng cáo đẩy mạnh trên ham muốn cái mới phù du, cốt tạo một chứng nghiện, xem đó là chuyện cần thiết, phải có cái mới nhất, sản phẩm mới nhất…
Do đó, trong nhiều lĩnh vực, việc chạy theo thay đổi có nguy cơ trở nên cùng đích, tạo thành nô lệ chứ không phải tiến bộ. Rõ ràng là nó di theo con đường sản xuất cấp thời, sớm hay muộn sẽ chấm dứt và như Thông điệp đưa ra, sẽ tạo ra nhiều nguy cơ rất quan trọng cho môi trường.
Nhưng có những người rất tích cực, về phần họ, họ dấn thân hoạt động trong thế giới hiện đại với các vai trò thích ứng, họ thường tham gia nhiệt tình, nếu không muốn nói là sôi nổi. Thông thường, họ là những người đầu tiên tham gia với niềm thích thú đam mê, nhưng sau đó họ nhận ra, họ đang trả một giá rất đắt cho mối quan hệ nhân bản, gia đình, tác động đến thăng bằng chung cho cá tính của họ.
Bây giờ cuộc chạy đua tăng tốc này đã chịu một cú sốc lớn. Các chỉ số hoạt động kinh tế bị đảo lộn, các chương trình làm việc của chúng ta bị đảo lộn, các cuộc hẹn và chuyến đi bị hủy bỏ. Đối với nhiều người, thời gian trở nên trống rỗng và họ bị mất phương hướng.
Nhưng… thời gian… Làm thế nào để sống với thời gian? Rồi cuối cùng chúng ta dùng thời gian làm gì? Có thời gian để hoạt động, nhưng cũng có thời gian vui vẻ chờ đợi, thời gian để ở bên nhau, để yêu thương, để chiêm ngắm cái đẹp, thời gian của những đêm dài thức trắng, của chờ đợi trong đau đớn… Cũng có khả năng chúng ta mất thì giờ vô ích, bị chua cay vì cảm giác vô dụng và trống rỗng… và cũng có thời gian dành cho mình… Và chúng ta có thời gian ở bên Chúa không? Khi chúng ta tràn đầy sức sống, chúng ta thường bỏ thời gian ở bên Chúa qua một bên, vì chúng ta có bao nhiêu việc cần phải làm trước, gần như rất cấp bách và thích thú hơn, chúng ta tự nhủ thời gian cho Chúa để sau vậy.
Nhưng đối với nhiều người, khoảnh khắc kỳ lạ khi phải ở nhà vì đại dịch lại là thời gian họ trở về với cầu nguyện. Chúng ta cũng tự hỏi nếu việc không đi nhà thờ có ảnh hưởng tiêu cực đến đức tin và đời sống thiêng liêng không; nhưng đây cũng là thời gian – như Chúa Giêsu đã nói với người phụ nữ Samari – chúng ta học cách thờ phượng Chúa bằng tâm trí và bằng sự thật ở mọi nơi, ngay cả trong ngôi nhà nơi chúng ta bị buộc phải cách ly, ngay cả khi bị buộc không được ra ngoài làm việc. Chúa Giêsu nói thêm, Thần Khí thổi nơi nào và khi nào Ngài muốn, nhưng không loại trừ khả năng chúng ta có thể cho Ngài dịp và phương tiện để Ngài thổi, bằng cách giúp đỡ nhau qua bao nhiêu cách để duy trì sự hiện diện của Chúa trong đời sống, qua chứng từ, qua lời nói, qua sự gần gũi trong đức ái.
Thời gian dành cho Chúa có vẻ như ở bên lề đời sống hàng ngày của chúng ta, nhưng thực tế, đó là thời gian mang ý nghĩa và thứ trật làm nảy sinh cho khoảng không gian sống trong ánh sáng Tin Mừng. Điều gì là tốt cho tôi trong ngày này? Trong tinh thần nào tôi sống mối quan hệ với những người tôi gặp hoặc những người Chúa giao phó cho tôi? Chúng ta đều nghe nói đến “phút hồi tâm”, phút chúng ta đặt mình trước mặt Chúa và đặt lại thứ trật đời mình. Nhưng chúng ta thường quên phút hồi tâm này. Đại dịch đã làm đảo lộn nhịp sống có phải là dịp không thể có để tái tổ chức cuộc sống, để có thể tìm lại mục đích và ý nghĩa cho cuộc sống không? Chỉ cho một mình chúng ta hay cho toàn thể cộng đồng nhân loại?
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Chết trong Chúa