Maryse Turcotte – Mỗi bệnh nhân là một thử thách

106

Maryse Turcotte – Mỗi bệnh nhân là một thử thách

ici.radio-canada.ca, Maryse Turcotte 2020-04-30. Alexandra Piché ghi lại.

Tác giả Maryse Turcotte, nữ lực sĩ cử tạ đại diện Canada trong Thế vận hội Sydney năm 2000 và Athens năm 2004. Bác sĩ tâm thần chuyên về người lớn tuổi.

“Làm việc trong lãnh vực y tế là thiên chức, cũng giống như thể thao ở cấp cao”

Gần đây các người lớn tuổi thường kể cho tôi nghe họ bị ác mộng. Một vài người bị suy thoái tinh thần vì họ cách ly một mình trong phòng của nhà già. Họ không thể ra ngoài, họ nhận khay thức ăn và thuốc ngoài cửa.

Họ rất sợ, họ biết tỷ lệ tử vong vì Covid-19 rất cao ở độ tuổi của họ, vì thế họ lại càng căng thẳng hơn. Nhưng đa số thì bình thản và tích cực. Họ bận rộn với các việc cho qua giờ và họ gặp nhau… Như các bạn biết, có một số người đã sống trong thời chiến.

Với độc giả chưa biết tôi, tôi xin tự giới thiệu, tôi là Maryse Turcotte. Tôi tham dự Thế vận hội hai lần, tôi là lực sĩ cử tạ. Sau đó tôi học y khoa chuyên ngành tâm thần của những người lớn tuổi. Tôi chữa các bệnh nhân bị suy thoái tinh thần, các rối loạn do lo âu, các vấn đề về nhận thức, và tất cả những gì liên quan đến sức khỏe tinh thần. Rất ít bác sĩ chọn chuyên ngành này. Có lẽ đó là lý do làm tôi thích. Phải rất thích thử thách và phải có một chút lập dị mới là vận động viên thể thao cấp cao, nên những người chung quanh nói tôi chọn một chuyên ngành cũng hơi lập dị sau khi đã đạt thành tích thể thao.

Ngành tâm thần cho người lớn tuổi là một chuyên ngành không có ở thành phố Drummondville nơi tôi ở. Tôi là chuyên gia duy nhất trong vùng. Tôi làm việc ở bệnh viện, ở các Nhà Hưu dưỡng và trong một dưỡng đường về trí nhớ.

Là bác sĩ tâm thần tổng quát, tôi cũng phải trực gác ở phòng cấp cứu. Buổi tối tôi phải làm sổ sách hay đọc để cập nhật trong lãnh vực chuyên môn. Tôi làm việc bao nhiêu giờ một tuần? Tôi khó nhớ, tôi phải làm việc 300 trên 365 ngày.

Maryse Turcotte tại Thế vận hội Pan American ở Winnipeg năm 1999. Ảnh: Getty Images / AFP / Jeff Haynes

Làm việc trong lãnh vực y tế là thiên chức, cũng giống như thể thao ở cấp cao. Cũng như tôi, đa số các bác sĩ làm việc không đếm giờ, họ muốn làm nhiều hơn. Khó để ngừng khi mạng sống của nhiều người phụ thuộc vào mình. Chúng tôi thường là những người băn khoăn từng chi tiết, muốn làm tốt mọi chuyện. Muốn làm nhiều, không muốn làm ít, đó là DNA của chúng tôi.

Y khoa không phải là một nghề. Nó là cả một cuộc đời.

Theo nghĩa này, cuộc sống của các chuyên gia y tế giống như cuộc sống của các lực sĩ cấp cao. Khi được huấn luyện để tham dự Thế vận, thì đó không phải là một công việc đơn giản. Đó là trọn cả một đời.

Chính xác như vậy đối với nghề của tôi.

Hiện tại, với cuộc khủng hoảng Covid-19 thì tình trạng thật đặc biệt. Công việc hàng ngày của chúng tôi bị đảo lộn hoàn toàn.

Từ nhiều tuần nay, chúng tôi chuẩn bị một cái gì đó mà chúng tôi chưa biết. Tình trạng thay đổi quá nhanh, khi nào chúng tôi cũng ở trong trạng thái phải tổ chức lại. Đôi khi thật khó để tìm ra giải pháp và nó làm cho một số người lo lắng.

Với bệnh nhân lớn tuổi của tôi, điều này khá đau đầu. Tôi không còn có thể đưa bệnh nhân vào bệnh viện và tôi cố gắng giảm thiểu đến tối đa các lần vào thăm Nhà Hưu dưỡng để tránh đem vi-rút vào đó. Nhưng khó để quản lý, và sự cô lập không giúp ích gì cho các vấn đề tâm lý.

Chúng tôi cố gắng làm việc với các công cụ, qua điện thoại, qua video. Nhưng trong một số trường hợp, tôi phải đến tận nơi để làm việc. Tôi không thể lượng định một nguy cơ tự tử qua điện thoại.

Chúng tôi phải đóng cửa phòng khám, các trung tâm ban ngày cho người lớn tuổi. Các nhóm hỗ trợ cho những người có vấn đề tâm lý cũng tạm ngưng. Thách thức bây giờ là hỗ trợ tất cả những người không có được dịch vụ thông thường, để tránh tình trạng họ bị nặng phải đưa vào cấp cứu.

Có rất nhiều chuyện để xem xét. Chúng tôi không thể chỉ tập trung vào vi-rút. Chúng tôi phải nghĩ đến các thiệt hại liên hệ. Các vấn đề hàng ngày không thể biến mất vì có đại dịch.

Chúng tôi làm việc theo nhóm và cố gắng tìm giải pháp. Chúng tôi muốn có quyết định tốt nhất cho bệnh nhân.

Sợ hãi thì tôi có rất nhiều. Nhưng cá nhân tôi, mối quan tâm lớn nhất là tôi không thể làm công việc của mình nữa. Không còn có thể giúp bệnh nhân của tôi.

Tôi không thể nào tránh khỏi vi-rút. Nếu tôi bị nhiễm, tôi phải ngừng công việc ít nhất 14 ngày. Ngoài ra bây giờ là mùa xuân thì cũng khó tránh được cảm cúm. Là bác sĩ, dù là cảm cúm thường tôi cũng phải thử nghiệm để biết chắc đó không phải là Covid-19. Trong khi chờ kết quả, tôi không được làm việc.

Tôi có ba đứa con còn nhỏ và tôi cũng lo như vậy. Nếu các con tôi có triệu chứng thì chúng sẽ không đến được nhà trẻ khẩn cấp, một loại nhà trẻ đặc biệt để nhân viên có thể làm việc giúp dân chúng.

Điều này rất đáng lo. Người dân cần chúng tôi, đó là nỗi lo khi nghĩ mình không thể làm việc được.

Maryse Turcotte tại Đại hội Thể thao Khối thịnh vượng chung ở Melbourne, Australia, năm 2006. Ảnh: Getty Images / Ross Land

Công việc bác sĩ của tôi cho phép tôi tận dụng nhiều phẩm chất mà tôi phát triển trong suốt sự nghiệp cử tạ của tôi: kỷ luật, tổ chức … nhưng trên hết là không chia trí với thế giới bên ngoài trong một thời gian cụ thể.

Trong cuộc thi, các vận động viên phải tránh suy nghĩ của mình bị phân tâm. Rất dễ rơi vào suy nghĩ của mình khi trải qua thời kỳ khó khăn trong cuộc sống cá nhân, nhưng chúng tôi làm việc rất cật lực để tránh điều này.

Trong y khoa cũng vậy. Phải đi ra khỏi cuộc sống của mình và đặt nó sang một bên khi bắt đầu làm việc, để tập trung vào những gì chúng ta làm, để không phạm sai lầm. Tôi nghĩ nó thậm chí còn quan trọng hơn cả trong thể thao.

Tôi đã sống kinh nghiệm này vào tháng 1 vừa qua. Con trai của tôi bị bệnh nặng và cháu phải nhập viện ở Quebec, xa nhà. Chồng tôi và tôi luân phiên nhau ở bên cạnh cháu. Thật khó cho tôi, khi tôi làm việc, tôi tập trung vào công việc và không nghĩ đến đứa con đang bị đau của mình.

Khi tôi ở với bệnh nhân, tôi không được để đầu óc ở nơi khác. Họ là con người và tôi phải hoàn toàn ở bên họ.

Một khía cạnh khác của thể thao mà tôi ứng dụng vào nghề y, đó là giữ khiêm tốn. Đây là một đức tính cao phải có trong y học, đặc biệt là trong khoa tâm thần học. Chúng tôi phải xem lại các mục tiêu của mình và không nhắm quá cao.

Là bác sĩ tâm thần, bệnh nhân của chúng tôi thường là những người có đời sống kinh tế kém, một tình trạng khó nghèo xã hội. Không phải ai cũng có thói quen giữ vệ sinh tốt. Họ có các bệnh rất nặng. Vì thế phải thực tế và phải đặt chỉ tiêu có thể đạt được.

Chắc chắn đây không phải là chuyện dễ hàng ngày. Có một bối cảnh cho công việc của chúng tôi và không phải lúc nào chúng tôi cũng có đủ các tài nguyên chúng tôi muốn. Tôi phải làm việc rất nhiều với việc  “từ bỏ” của tôi.

Tôi là người việc gì đến trước mắt là phải giải quyết. Máy rửa chén xong, tôi dọn. Sẽ không sao nếu chờ, nhưng tôi là người không để việc lại.

Maryse Turcotte tại Thế vận hội Athènes, vào cuối năm 2004. Ảnh: Báo chí Canada / Ryan Remiorz

Rời công việc mà hồ sơ chưa làm đầy đủ là tôi chịu không được. Tôi khó từ chối một bệnh nhân tôi có thể gặp hôm nay. Và thường thường, lịch làm việc của tôi tràn ngập, tôi tự tạo áp lực không cần thiết cho mình.

Đó là khó khăn hàng ngày: không bao giờ hết. Khi vào bệnh viện, công việc không bao giờ xong. Tôi phải học để ấn định một số giới hạn, nếu không, sẽ không bao giờ hết.

Cũng vậy với các con tôi ở nhà, tôi phải học để chấp nhận mình không phải là người mẹ hoàn hảo. Tôi làm trong khả năng của mình, với những gì tôi có. Nhưng tôi là một cựu lực sĩ. Tôi đã quen làm việc hết mình. Tôi đã quen phải làm việc nhiều hơn. Nếu không thì phải giã từ Thế vận.

Tôi làm việc như thế nào với người lớn tuổi?Đó là câu hỏi nhiều người hỏi tôi.

Tôi nghĩ nó đến một cách tự nhiên. Tôi mất cha rất sớm, mẹ tôi nuôi tôi một mình, vì thế tôi ở với ông bà nhiều khi còn nhỏ. Ông bà trở thành người quan trọng đối với tôi. Tôi học rất nhiều từ kinh nghiệm của ông bà. Vì thế đối với tôi, người lớn tuổi là khách hàng rất hấp dẫn.

Mặt khác, về mặt nghề nghiệp, tôi tự hỏi điều gì sẽ thách thức tôi sau 25 hành nghề y. Chắc chắn là tâm thần.

Các trường hợp của người già thường phức tạp hơn vì họ có tất cả vấn đề sức khỏe của hành tinh, một danh sách thuốc dài nhất. Có rất nhiều vấn đề. Mỗi ngày, mỗi bệnh nhân, mỗi câu chuyện là một thử thách. Tôi nghĩ đó chính là khía cạnh phi thường và đầy thách thức này đã thu hút tôi.

Thành thật mà nói, tôi không bao giờ mơ tôi là bác sĩ sau sự nghiệp vận động viên. Tôi không nghĩ tôi là ứng viên cho ngành y. Nó đã xảy ra hơi tình cờ. Tôi muốn làm việc trong ngành quản trị bệnh viện, vì vậy tôi có  bằng cử nhân quản trị. Cũng xa ngành y!

Khi tôi học quản trị, tôi bắt đầu làm việc trong nhà bếp của một bệnh viện. Mới đầu tôi rửa chén, cuối cùng tôi là người giám sát nhân viên!

Một trong các người huấn luyện tôi là một bác sĩ gia đình, ông nói rằng y khoa sẽ thích hợp cho những người như tôi, thích các thách thức khác nhau.

Vì thế tôi cố gắng. Tôi vào y khoa sau khi tôi tham dự Thế vận hội lần thứ nhì ở Athènes năm 2004. Tôi bắt đầu tập trung vào việc học hơn là tập cử tạ, và đó là một dấu hiệu. Nếu muốn tiếp tục sự nghiệp thế vận thì phải tập luyện hết mình.

Mới đầu tôi ghi tên học y khoa để hiểu các bác sĩ nói gì trong các buổi họp của họ. Tôi nhận ra tôi thường không hiểu mấy lãnh vực của họ và quan trọng đối với tôi là phải tiếp tục học ngành quản trị.

Cuối cùng mọi thứ trở nên tốt đẹp và tôi chọn ngành tâm thần cho người lớn tuổi. Tôi đã làm theo cách của tôi, như người ta thường hay nói. Và tôi mở phòng khám về trí nhớ.

Bây giờ tôi cảm thấy vinh dự được hành nghề y. Phải cần rất nhiều năm học và học, nhưng đây là một nghề rất đẹp. Đầy cả thách thức mỗi ngày.

 

Nói về thách thức, thì chúng tôi đang chờ những thách thức khổng lồ sẽ tới trong những ngày sắp tới, những tuần sắp tới, những tháng sắp tới. Chúng tôi sẽ phải làm việc nhiều theo từng nhóm. Nhưng đừng sợ thử thách. Phải học cách để đối diện với nó.

Đó là điều tôi đã học như một cử tạ viên.

Đó là điều tôi đang học mỗi ngày như một bác sĩ.

Rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi.

Marta An Nguyễn dịch