Edgar Morin: “Chúng ta phải sống với nỗi bất an”

283

Edgar Morin: “Chúng ta phải sống với nỗi bất an”

lejournal.cnrs.fr, Francis Lecompte, 2020-04-06

Triết gia Edgar Morin. “Tôi không nói tôi đã thấy trước dịch bệnh hiện nay, nhưng tôi đã nói trong nhiều năm qua, chẳng hạn với sự xuống cấp của sinh quyển, chúng ta phải chuẩn bị cho các thảm họa.” Ian Hanning/REA

Cách ly trong căn nhà của ông ở Montpellier, triết gia Edgar Morin vẫn trung thành với tầm nhìn toàn cầu của mình về xã hội. Theo ông, cuộc khủng hoảng dịch bệnh phải dạy chúng ta hiểu hơn về khoa học và sống với sự không chắc chắn. Và để khám phá lại một hình thức của chủ nghĩa nhân văn.

Đại dịch coronavirus đã tàn nhẫn đưa khoa học trở lại trọng tâm xã hội. Xã hội sẽ biến đổi khi thoát ra khỏi nạn dịch này?

Edgar Morin: Điều gây ấn tượng với tôi là phần lớn công chúng xem khoa học là tiết mục của những sự thật tuyệt đối, những khẳng định không thể bác bỏ. Và mọi người đều yên tâm khi thấy tổng thống có hội đồng khoa học cố vấn bên cạnh. Nhưng chuyện gì đã xảy ra? Rất nhanh chóng, chúng tôi nhận ra các nhà khoa học này bảo vệ các quan điểm rất khác nhau và đôi khi trái ngược nhau, dù đó là các biện pháp phải được thực hiện, các biện pháp mới có thể đáp ứng với tình trạng khẩn cấp, tính hợp lệ của thuốc này hay thuốc kia, hoặc về thời gian phải phải thử nghiệm lâm sàng được thực hiện… Tất cả các tranh cãi ngược nhau này gieo nghi ngờ vào tâm trí người dân.

Triết gia muốn nói dân chúng có thể có nguy cơ mất niềm tin vào khoa học?

Không, nếu họ hiểu khoa học sống và tiến bộ nhờ tranh cãi. Chẳng hạn các cuộc tranh luận xung quanh chloroquine đã đặt ra câu hỏi về hai phía, một bên khẩn cấp và một bên thận trọng. Thế giới khoa học đã biết đến kinh nghiệm này qua các cuộc tranh cãi dữ dội trong những năm 1980 khi bệnh sida xuất hiện. Tuy nhiên, điều cho chúng ta thấy các nhà triết học về khoa học, chính xác là các tranh cãi luôn là một phần của nghiên cứu. Thậm chí cần có nó để tiến bộ.

Nhưng không may, rất ít nhà khoa học đọc Karl Popper, người đã cho rằng, một lý thuyết khoa học là một lý thuyết có thể bác lại được, Gaston Bachelard, người đã đặt ra vấn đề về sự phức tạp của kiến thức, hay Thomas Kuhn, người đã chỉ ra làm thế nào lịch sử khoa học là một quá trình không liên tục. Quá nhiều nhà khoa học bỏ qua sự đóng góp của các nhà nhận thức luận vĩ đại này và vẫn làm việc từ góc độ giáo điều.

Nghiên cứu về Covid-19 tại Viện Pasteur ở Lille. Những tranh cãi khoa học gần đây đã làm lung lay niềm tin của công chúng vào khoa học?

Sylvain Lefevre / Hình ảnh Getty / AFP

Cuộc khủng hoảng hiện tại về bản chất có thể sẽ sửa đổi tầm nhìn của khoa học?

Tôi không thể dự đoán được, nhưng tôi hy vọng nó sẽ phục vụ để cho thấy khoa học phức tạp đến chừng nào, hơn người ta tưởng – rằng chúng ta đặt mình ở phía những người xem nó như một danh mục các giáo điều, hoặc bên phía những người chỉ nhìn thấy các nhà khoa học như những người làm bùa phép (nhân vật bùa phép Diafoirus trong vở kịch Bệnh Tưởng của Molière, chú thích của biên tập viên) liên tục mâu thuẫn với chính họ…

Tôi hy vọng cuộc khủng hoảng này sẽ cho thấy khoa học phức tạp hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ. Đó là một thực tế của con người, giống như dân chủ dựa trên các cuộc tranh luận về ý tưởng, dù các phương pháp kiểm chứng khoa học nghiêm ngặt hơn. Dù vậy, các lý thuyết lớn được chấp nhận có xu hướng trở thành giáo điều, và các nhà sáng tạo vĩ đại luôn khó khăn đấu tranh để các khám phá của họ được công nhận. Do đó, thời mà chúng ta đang sống hiện nay là thời thích hợp để chúng ta ý thức điều này cho cả người dân lẫn các nhà khoa học, cần thiết phải hiểu các lý thuyết khoa học không phải là tuyệt đối, cũng như các giáo điều của các tôn giáo, nhưng là những chuyện giống như chất sinh học có thể phân hủy …

Thảm họa sức khỏe, hoặc tình huống cách ly chưa từng có mà chúng ta đang sống: theo triết gia, điều gì đáng kể nhất?

Không có sự phân cấp giữa hai tình huống này, vì trình tự của chúng đã theo trình tự thời gian và dẫn đến một cuộc khủng hoảng có thể nói là khủng hoảng văn minh, vì nó buộc chúng ta phải thay đổi hành vi và thay đổi cuộc sống ở cấp độ địa phương cũng như ở cấp độ toàn cầu. Tất cả điều này là một tổng thể phức tạp. Nếu chúng ta muốn nhìn nó từ quan điểm triết học, thì chúng ta phải cố gắng tạo kết nối giữa tất cả các cuộc khủng hoảng này và suy nghĩ trước hết về sự không chắc chắn, đó là đặc điểm chính.

Điều rất thú vị trong cuộc khủng hoảng coronavirus, là chúng ta vẫn không có gì chắc chắn về nguồn gốc của loại vi-rút này, cũng như về các dạng khác nhau của nó, quần thể mà nó tấn công, mức độ độc hại của nó.. Nhưng chúng ta cũng đang trải qua một sự bất an lớn về tất cả các hậu quả của dịch bệnh trong tất cả các lãnh vực xã hội, kinh tế…

Theo triết gia, các chuyện bất an này dựa trên cái gì để tạo mối liên kết giữa tất cả các khủng hoảng?

Bởi vì chúng ta phải học chấp nhận và sống với chúng, trong khi nền văn minh mang đến cho chúng ta nhu cầu cần nhiều sự chắc chắn hơn về tương lai, thường là ảo tưởng, đôi khi là phù phiếm, khi người ta mô tả chính xác cái gì xảy đến vào năm 2025 cho chúng ta! Sự xuất hiện của con vi-rút này nhắc chúng ta sự bất an vẫn là một yếu tố bất khả xâm phạm về tình trạng của con người. Tất cả các bảo hiểm xã hội chúng ta mua sẽ không bao giờ đảm bảo rằng, chúng ta sẽ không bao giờ bị bệnh hoặc sẽ hạnh phúc mãi mãi với gia đình! Chúng ta cố gắng bao chung quanh mình tối đa những gì là chắc chắn, nhưng sống là bơi trong đại dương của những chuyện không chắc chắn, đi qua các đảo nhỏ và quần đảo của những chuyện bấp bênh mà trên đó chúng ta được tiếp sức…

Đó có nguyên tắc sống của triết gia không?

Đúng hơn đó là kinh nghiệm của tôi. Tôi đã chứng kiến rất nhiều sự kiện không lường trước được trong đời – từ cuộc kháng chiến chống Liên Xô trong những năm 1930 đến khi Liên Xô sụp đổ, đó là chỉ nói đến hai sự kiện lịch sử tưởng không thể xảy ra trước khi chúng xảy ra – và đó là một phần trong cách sống của tôi. Tôi không sống trong lo lắng thường trực, nhưng tôi chờ các sự kiện ít nhiều thảm khốc sẽ xảy ra. Tôi không nói tôi đã thấy trước dịch bệnh hiện nay, nhưng như tôi đã nói trong nhiều năm qua, chẳng hạn với sự xuống cấp của sinh quyển, chúng ta phải chuẩn bị cho các thảm họa. Đúng, đó là một phần trong triết lý của tôi: “Bạn hãy chờ những điều bất ngờ.”

Chúng ta cố gắng bao chung quanh mình tối đa những điều chắc chắn, nhưng sống là bơi trong đại dương của những chuyện không chắc chắn, đi qua các đảo nhỏ và quần đảo của những chuyện bấp bênh mà trên đó chúng ta được tiếp sức…

Ngoài ra sau khi đọc Heidegger vào năm 1960, tôi lo ngại cho số phận của thế giới khi hiểu rằng chúng ta sống trong kỷ nguyên hành tinh, rồi năm 2000 khi toàn cầu hóa là một quá trình có thể gây tác hại nhiều hơn là có lợi. Tôi cũng nhận thấy sự thả lỏng không kiểm soát của phát triển kinh tế kỹ thuật, được thúc đẩy bởi một khát khao lợi nhuận không giới hạn và được giới chính trị tân tự do tổng quát hóa đã trở nên có hại và gây ra khủng hoảng đủ loại … Từ lúc đó, về mặt tinh thần tôi chuẩn bị để đối diện với những điều bất ngờ, để đương đầu với các biến động.

Edgar Morin, sociologue

Nhà triết học Edgar Morin trong ngôi nhà của ông ở Montpellier, tháng 11 năm 2018. Ian Hanning / REA

Còn về nước Pháp, triết gia đánh giá cách quản lý nạn dịch của chính quyền như thế nào?

Tôi rất tiếc một số nhu cầu đã bị phủ nhận, chẳng hạn việc mang khẩu trang, chỉ để … che giấu sự thật mình không có khẩu trang! Chúng ta cũng nói: các thử nghiệm không có tác dụng gì, chỉ để ngụy trang thực tế chúng ta cũng không có. Chấp nhận sai lầm là chuyện tự nhiên của con người, và chúng ta sẽ sửa chữa. Trách nhiệm là ở chỗ nhận lỗi. Điều đó cho thấy, và tôi đã quan sát thấy, từ bài phát biểu khủng hoảng đầu tiên của ông, Tổng thống Macron không những chỉ nói về các công ty, ông còn nói đến các nhân viên và công nhân. Đó là thay đổi đầu tiên! Hy vọng cuối cùng ông sẽ tự giải phóng mình ra khỏi thế giới tài chính: ngay cả ông cũng đề cập đến khả năng thay đổi mô hình phát triển …

Có phải chúng ta sẽ hướng tới một thay đổi kinh tế không?

Hệ thống của chúng ta dựa trên cạnh tranh và lợi nhuận nên thường có hậu quả nghiêm trọng về các điều kiện làm việc. Việc làm việc hàng loạt theo cách viễn thông do cách ly có thể giúp các công ty thay đổi cách làm việc còn quá phân cấp hay độc đoán. Cuộc khủng hoảng hiện nay cũng có thể đẩy nhanh việc quay trở lại sản xuất tại địa phương và loại bỏ toàn bộ ngành công nghiệp dùng một lần rồi vứt, cùng lúc mang lại công ăn việc làm cho các thợ thủ công và thương mại địa phương. Trong thời kỳ này, khi các công đoàn rất yếu, tất cả các hành động tập thể này có thể cân nhắc để cải thiện điều kiện làm việc.

Có phải chúng ta đang trải qua sự thay đổi chính trị, nơi mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể đang thay đổi?

Trước đây lợi ích cá nhân chi phối tất cả, và bây giờ là lúc phải thức tỉnh để đoàn kết. Chúng ta hãy liếc nhìn môi trường bệnh viện: lãnh vực này trước đây ở trong tình trạng bất đồng và không hài lòng sâu sắc, nhưng, đối diện với dòng bệnh nhân lớn lao, nó cho thấy sự đoàn kết phi thường. Dù đang cách ly, dân chúng cũng hiểu và vỗ tay cám ơn vào buổi tối, tất cả những người này tận tâm phục vụ và làm việc vì dân. Không chối cãi, đây chắc chắn là thời điểm của tiến bộ, ít nhất là ở cấp quốc gia.

Tôi không nói khôn ngoan là ở trong phòng của mình suốt đời, nhưng nếu chỉ nói về chế độ tiêu thụ hoặc thực phẩm của chúng ta thì thời gian cách ly này là thời gian để loại bỏ tất cả những điều tác hại mà loại văn hóa công nghiệp này mang lại.

Nhưng đáng tiếc chúng ta không thể nói một sự thức tỉnh của tình đoàn kết nhân loại hoặc trên mặt toàn cầu. Dù vậy chúng ta cũng đã ở đó, là con người của tất cả mọi nước, đối diện cùng các vấn đề xuống cấp của môi sinh hay hoài nghi về kinh tế. Vậy mà bây giờ từ Nigeria đến Tân Tây Lan, chúng ta đều cách ly, chúng ta phải ý thức, dù muốn dù không, số phận của chúng ta liên hệ với nhau. Đây là lúc làm mới lại chủ nghĩa nhân văn của chúng ta, bởi vì cho đến khi chúng ta vẫn cho nhân loại là một cộng đoàn của định mệnh, thì chúng ta sẽ không thúc đẩy các chính quyền hành động theo cách sáng tạo.

Chúng tôi có thể học được gì từ triết gia, triết gia đã vượt qua thời gian dài cách ly này?

Đúng là rất nhiều người trong chúng ta đã sống một phần lớn đời mình… ngoài nhà mình, việc đột ngột cách ly này đối với họ là một chuyện bực mình khủng khiếp. Tôi nghĩ dịp này có thể là dịp để suy nghĩ, để tự hỏi trong đời sống chúng ta, cái gì là phù phiếm, là vô ích. Tôi không nói khôn ngoan là ở trong phòng của mình suốt đời, nhưng nếu chỉ nói về chế độ tiêu thụ hoặc thực phẩm của chúng ta thì thời gian cách ly này là thời gian để loại bỏ tất cả những điều tác hại mà loại văn hóa công nghiệp này mang lại, đây là lúc giải độc nó. Và cũng là dịp để nhận thức lâu dài về các sự thật của con người mà tất cả chúng ta đều biết, nhưng bị kìm nén trong tiềm thức: rằng tình yêu, tình bạn, sự hiệp thông, tình đoàn kết là những gì tạo nên giá trị cho cuộc sống.

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc thêm: “Cuộc khủng hoảng này chạm đến trong tận sâu thẳm tâm hồn chúng ta”

Bài đọc về Cuộc Khổ Nạn thay đổi quan điểm của chúng ta