Theo Giáo sư Delgado, Covid-19 đòi chúng ta phải chuyển hướng    

333

Theo Giáo sư Delgado, Covid-19 đòi chúng ta phải chuyển hướng    

cath.ch, Jacques Berset, 2020-04-08

Giáo sư thần học Mariano Delgado, người Thụy Sĩ gốc Tây Ban Nha, Khoa trưởng phân khoa Thần học Đại học Fribourg, Thụy Sĩ.

Trong một suy tư gởi đến các thành viên của phân khoa Thần học của Đại học Fribourg, Thụy Sĩ, vào kỷ nguyên coronavirus, giáo sư khoa trưởng Mariano Delgado chủ trương một sự “thay đổi lâu dài cho lối sống của chúng ta.” Nhà thần học và sử học của Giáo hội biện hộ cho một chủ nghĩa nhân văn mới và một linh đạo mới.

Giáo sư Delgado nói về “thần học trong kỷ nguyên coronavirus” giáo sư khẳng định “chắc chắn chúng ta sẽ vượt lên cuộc khủng hoảng này như chúng ta đã vượt qua trong các lần khác nhưng chúng ta phải trả một giá rất đắt.”

Theo nhà sử học của Giáo hội, chuyên gia về truyền giáo học và đối thoại liên tôn thì khi chúng ta vượt qua được cuộc khủng hoảng này, vấn đề là liệu “chúng ta có rút tỉa được các bài học và từ đó có bắt đầu thay đổi hay không.”

“Thần học trong thời kỳ khó khăn”

Trước hết giáo sư cho rằng, thần học đang sống trong thời kỳ khó khăn: “Nhà thờ đóng cửa, không có các nghi lễ phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh và Phục Sinh… Đức Phanxicô đơn độc trong Quảng trường Thánh Phêrô trống vắng, ngài cầm mặt nhật ban phép lành cho “thành phố và thế giới”, cho toàn nhân loại, tuyên bố chúng ta ở trên cùng chiếc thuyền và Chúa không bỏ chúng ta kể từ khi Ngài dựng nên chúng ta (…)  Vì, nếu con người tồn tại, là vì Chúa đã tạo nên con người bằng tình yêu, và tình yêu này, Ngài luôn ban cho con người.”

Giáo sư nhắc lại, trong những lúc khó khăn như lúc này, Chúa không phải là người duy nhất hỏi con người: “Ngươi ở đâu?” (St 3, 10). Từ sâu thẳm lòng con người, con người cũng hỏi: “Chúa ở đâu?” Chắc chắn các linh mục tuyên úy theo gương Thánh Charles Borromée ở trong các bệnh viện, các nhà hưu dưỡng cũng hỏi câu này.

Văn hóa lòng thương xót của kitô giáo

“Nhưng các anh hùng thời buổi này của chúng ta là các người cứu cấp, các nhân viên y tế hết sức hết lòng cứu tha nhân một cách bất vụ lợi, đến mức họ liều cả mạng sống của mình. Chúng ta có thể thấy ở đây di sản thế tục của văn hóa lòng thương xót kitô giáo, trên mảnh đất trước kia xây bệnh viện, xây nhà cho người nghèo, nhà hưu dưỡng: chúng ta hãy vui mừng vì thông điệp kitô giáo đã rất phong phú trong lãnh vực này!”

Giáo sư nói tiếp: “Điều tương tự như trên cũng xảy ra với suy nghĩ về thế giới ‘duy nhất’, về gia đình nhân loại ‘duy nhất’, và nó đã thành chuyện hiển nhiên, trong trường hợp tai ương lại tạo nên một làn sóng tương thân tương trợ toàn thế giới.”

Các cuộc khủng hoảng lẽ ra dạy chúng ta bài học “khiêm tốn”

Sau các khủng hoảng tương tự, lẽ ra chúng ta phải học bài học khiêm nhường, hiểu biết về bản thân, cũng như phải có một lối sống mới , “nhân loại đã có một bước nhảy vọt, rồi lại rơi vào hố kiêu ngạo quá đỗi”, không chừng mực, tham vọng chết người, mù quáng nguy hại. Và đó là dịch đen của thế kỷ 14, sau đó là thời Phục Hưng, khi con người tự coi mình là đỉnh cao của sáng tạo, cho mình có nhiệm vụ khai thác thiên nhiên.

Chiến tranh Ba Muơi Năm và các dịch bệnh của thế kỷ 17 và thế kỷ 18, sau đó là thời Khai Sáng với triết lý của triết gia Kant “phải có can đảm dùng đầu óc của mình!” và chủ nghĩa thực chứng kỹ thuật của thế kỷ 19. Các thế chiến và các nạn dịch của thế kỷ 20, theo đó là các chuyến du hành trên không gian và cách mạng kỹ thuật-số. Giáo sư Delgado tự hỏi: “Chuyện gì sẽ xảy ra bây giờ?”

Hướng tới một “chủ nghĩa nhân văn mới”

Liệu câu phương châm của Thế vận hội “nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn” có tiếp tục áp dụng cho nhân loại và các nước cạnh tranh kinh tế không? Hay cuối cùng có đưa đến một ngã rẽ như Câu lạc bộ Rôma năm 1972 nhắc chúng ta với bản báo cáo Các Giới hạn của tăng trưởng, và với Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato si‘ của Đức Phanxicô năm 2015 không?

Thông điệp đã viết, “ngày nay con người không có một nền đạo đức vững chắc nào, không có văn hóa cũng không có một linh đạo nào … để con người thực sự bám vào đó với các giới hạn và chận nó lại trong sự tự kiềm chế rõ ràng (Laudato si’ 105). Ở đây thông điệp nói đến sự “tăng trưởng trong chừng mực, trở về với sự đơn giản, thanh đạm và khiêm nhường” giã từ siêu tốc độ của thời buổi chúng ta.

Đi tìm một linh đạo mới

Giáo sư phân tích: “Đây sẽ là một vài bước tiến tới một chủ nghĩa nhân văn mới được  nhiều người tìm tòi, để một bên tính kiêu ngạo và khiêm tốn nhận biết mình.” Ai chủ trương một chủ nghĩa nhân văn, dù dưới hình thức thế tục, đều được đánh dấu bởi các giá trị nền tảng của kitô giáo: quan tâm đến một đời sống phong phú (Ga 10, 10) cho tất cả mọi người, đặc biệt cho những người yếu đuối nhất, xây dựng một thế giới có công chính và sự thật, có tự do và hòa bình, có tình tương trợ và huynh đệ.”

Thần học ngày nay mời gọi tham dự vào việc đi tìm con đường linh đạo mới này, và linh đạo này trong nhiều văn hóa và tôn giáo khác nhau trên thế giới. “Thế giới hậu coronavirus phải không được để thói kiêu ngạo giết người hướng dẫn! Thử thách khó khăn này phải dẫn đến việc thay đổi hướng!”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: Đức Phanxicô xem giai đoạn hiện nay là giai đoạn “mất ổn định lớn”

Fabrice Hadjadj: “Đối diện với nạn dịch, trần trụi chỉ còn mỗi một đức ái.”