Mặt tối của ông Jean Vanier

834

Mặt tối của ông Jean Vanier

jacquesgauthier.com, 2020-02-24

Ông Jacques Gauthier nhà viết khảo luận, giáo sư thần học Đại học Ottawa, Canada trong hai mươi năm. Ông biết ông Jean Vanier ở cộng đoàn Arche Trosly năm 1973. Ông đã tê điếng và buồn vô hạn khi nghe các vụ lạm dụng tình dục của ông Vanier. Theo ông Gauthier, tang tóc này quá lớn lao “vì đã đụng đến hình ảnh mà chúng ta đã có về ông Jean Vanier, đến nỗi đau của các phụ nữ ông lạm dụng, đến nhân viên làm việc cho cộng đoàn Arche và cả đến những người khuyết tật. Với Giáo hội, với thế giới, ông Jean Vanier là một biểu tượng”.

Ngày 8 tháng 5 – 2019, khi Jean Vanier qua đời, tôi đã viết trên trang blog của tôi: Jean Vanier, một người điên đáng ngưỡng mộ. Năm 1973, tôi đã ở sáu tháng ở cộng đoàn Arche Trosly-Breuil khi tôi mới ngoài hai mươi. Tôi nhắc đến những lần tôi gặp con người đầy lòng thương xót và đức tin mà tôi rất quý mến, ông nói rất hay về Chúa Giêsu.

Và còn linh mục Thomas Philippe, người cha thiêng liêng của ông Jean Vanier và là tuyên úy của cộng đoàn Arche cho đến khi linh mục qua đời năm 1993. Tôi thường hay gặp linh mục, linh mục là người hướng dẫn quý báu cho tôi trong những bước hướng nội đầu tiên để cầu nguyện. Đối với tôi, ông Vanier và linh mục  Thomas là các chứng nhân của Chúa Kitô, là tông đồ tình yêu của Chúa. Như tôi đã viết trong bài vinh danh ông Vanier, tôi đã rất ngạc nhiên khi năm 2014 tôi nghe tin linh mục Thomas bị tố cáo lạm dụng tình dục các phụ nữ trưởng thành ở cộng đoàn Arche. Ông Vanier biết nhưng ông phủ nhận. Tệ hơn nữa, chính ông cũng tấn công tình dục và khống chế tinh thần các phụ nữ cho đến năm 2005. Điều này tôi không biết và tôi đã choáng váng khi biết các kết quả cuộc điều tra do cộng đoàn Arche đề xướng.

Hôm nay nỗi đau của tôi còn lớn hơn ngày ông qua đời vô cùng. Như nhiều người, tôi cảm thấy mình bị phản bội. Nỗi đau này là nỗi đau tập thể bởi vì nó đụng đến hình ảnh chúng ta có về ông, đến nỗi đau của các phụ nữ ông lạm dụng, đến nhân viên làm việc cho cộng đoàn Arche và cả đến những người khuyết tật. Với Giáo hội, với thế giới, ông Jean Vanier là một biểu tượng. Tôi hiểu và tôi cầu nguyện. Tôi chỉ còn lời cầu nguyện, nước mắt, thinh lặng và các chữ. Chiều thứ sáu 21 tháng 2 khi nghe tin, tôi tự nhủ: “Thêm ai nữa đây, và xin đừng là ông”. Vợ tôi và tôi rất thất vọng. Sáng hôm sau tôi chia sẻ trên trang Facebook và tôi nhận vô số phản hồi. Tôi xin trích một vài: xin thương xót và cầu nguyện, can đảm đã nói lên sự thật, mong các vụ này ngừng ngay, cẩn thận với cuộc chiến thiêng liêng, nguy hiểm khi để ai lên bệ thờ, quan trọng là phải phân định trong Giáo hội, có khuynh hướng làm việc tốt cũng như việc xấu, tôn trọng tự do lương tâm khi tháp tùng thiêng liêng, công nhận các chuyện tốt ông đã làm qua sách vở, qua các khóa tĩnh tâm, qua việc chăm sóc những người thấp bé ở cộng đoàn Arche.

Một bản báo cáo rụng rời

Tôi choáng váng khi đọc bản tổng hợp của cộng đoàn Arche Quốc tế đăng trên trang mạng của họ. Tôi biết một số người không muốn bản báo cáo này được công bố, nhưng sự thật luôn hiện trên bề mặt. Thà làm vỡ áp-xe bây giờ dù phải đau đớn. Tôi ca ngợi lòng can đảm và tính minh bạch của những người có trách nhiệm cộng đoàn Arche, quyết tâm này để đưa ra ánh sáng cho đến cùng sự thật, theo gương Chúa Giêsu: “Nhưng ai sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng” (Ga 3, 21).

Các lạm dụng tình dục của ông từ năm 1970 đến năm 2005 là hoàn toàn không chấp nhận và ngược với những gì ông giảng, cũng như các giá trị công lý và tôn trọng mà cộng đoàn Arche chủ trương. Câu chuyện đen tối này cũng là một phần của câu chuyện cộng đoàn Arche, và qua đó Chúa Kitô sống lại dủ lòng thương xót. Có người đưa tin sai lầm và có tin nhắn cho tình huynh đệ và hòa bình; có người sáng lập mong manh và có cộng đoàn Arche tiếp tục công việc đón nhận và bảo vệ người khuyết tật.

Phần bóng tối

Có phần bóng tối và ánh sáng trong mỗi chúng ta, có đấu tranh giữa cái tốt cái xấu, có ân sủng và có tự do như Thánh Phaolô đã viết: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7, 19). Khía cạnh tối của ông Vanier càng nổi bật khi chúng ta quen nhìn ánh sáng của một hình ảnh biểu tượng: người nghèo và nhân từ hiến trọn cho cộng đoàn Arche, ngôn sứ Tin Mừng gần với những người đau khổ nhất, người diễn thuyết có lời an ủi và minh triết. Tất cả là đúng, và chuyện tốt ông làm trong suốt cuộc đời vẫn là chuyện tốt. Nhưng các câu hỏi vẫn còn đó.

Có phải vì trung thành với người cha thiêng liêng Philippe mà ông luôn phủ nhận, dù từ những năm 1950 ông đã biết Giáo hội đã kết án linh mục vì có các hành động tình dục và vì lý thuyết thần nghiệm lệch lạc của người cha thiêng liêng của ông không? Có phải tác động của cha Philippe quá mạnh mà ông bỏ qua các khuyến cáo của Giáo hội không mời linh mục đến cộng đoàn Arche, nơi linh mục tiếp tục các vụ lạm dụng không? Vì sao Giáo hội lại để linh mục tiếp tục làm mục vụ? Làm thế nào lại có thể đi lạm dụng phụ nữ khi họ ở trong tình trạng dễ bị tổn thương, rồi lại ngụy tạo một loại thần nghiệm lệch lạc để biện minh cho các lạm dụng của mình, nói là Chúa Giêsu yêu trong tôi? Một trong các nạn nhân đã làm chứng: “Tôi tê liệt, tôi không thể phân biệt cái gì tốt, cái gì xấu.” Các nạn nhân đã phá vỡ im lặng dù các hệ quả vẫn còn kéo dài, cả một sự cảm phục.

Sự cần thiết của các gương mẫu

Chúng ta quá cần các gương mẫu mà đôi khi chúng ta dựng lên các thần tượng không thể chạm đến. Chính tôi, tôi cũng xem ông Vanier là một vị thánh, nhưng bức tượng vừa bị rơi xuống. Chúng ta phải tập trung vào điều thiết yếu như bài Tin Mừng chúa nhật hôm nay Thánh Phaolô đã nói: “Vậy đừng ai dựa vào phàm nhân mà tự hào. Vì tất cả đều thuộc về anh em (…) tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa.” (1 Co 3, 21-23)

Trước mặt Chúa Kitô có quỷ, có tên chia rẽ, có tên cám dỗ. Chúa Giêsu đã đối diện trong sa mạc. Hình ảnh bí ẩn của sự dữ! Đôi khi chúng ta quên cuộc chiến thiêng liêng mà chúng ta phải chiến đấu ngày này qua ngày khác như Đức Phanxicô thường hay nói. Trong Kinh Lạy Cha Chúa Giêsu để lại, chúng ta xin: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con khỏi mọi sự dữ”.

Nỗi đau mà chúng ta cảm nhận ngày hôm nay là nỗi đau của Chúa, sỉ nhục của chúng ta cũng là sỉ nhục của Ngài. Ngài đau khổ trong chúng ta và chúng ta đau khổ trong Ngài vì chúng ta là tứ chi của nhiệm thể Ngài, tất cả chúng ta được gọi để nên thánh: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1 Co 3, 16).

Đức Phanxicô lặp lại: “Anh chị em đừng đánh mất hy vọng của mình.” Dù các xử sự sai lệch, dù các lệch lạc của ông Vanier, của linh mục Thomas và của nhiều người khác, tôi không đánh mất hy vọng vì tôi biết Phục Sinh ở cuối con đường, vì sự sống sẽ thắng cái chết. Cá nhân tôi, tôi sốt sắng cầu nguyện gấp đôi và cùng với Mẹ Maria, tôi hướng về Chúa Kitô trên thập giá, Đấng đã thắng sự dữ. Tôi không nói gì, chúng tôi hiểu nhau.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: Jean Vanier, một vị thánh quá con người

Có nên xóa tên Jean Vanier?

Các lạm dụng của ông Jean Vanier: Làm sao giải thích cho người khuyết tật?