Dẫn nhập sách Bảy căn bệnh thiêng liêng (2/2)
Các phương thuốc chung cho tất cả các căn bệnh thiêng liêng
Trích sách Bảy căn bệnh thiêng liêng, Sept maladies spirituelles, Sơ Catherine Aubin.
Định danh, chỉ định, đưa ra
Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú (St 2, 20).
Trong số các phương thuốc chung cho các bệnh tâm linh, có một sức mạnh rất lớn mà tất cả chúng ta đều có, đó là đặt tên những gì xảy ra trong các chuyển động nội tâm của mình. Việc định danh rõ ràng giúp chúng ta ý thức, một hình thức khoảng cách, khách quan, bỏ cái tôi ra khỏi những gì đang xảy ra. Các Giáo phụ cho rằng, một số người được chữa lành khi hiểu được các biểu hiện và các hệ quả của căn bệnh. Hiểu rõ các chuyển động giúp chúng ta ra khỏi hoang mang, một dạng bóng tối như các phản xạ hoặc các thói quen có hại. Chẳng hạn khi nghe giải thích về giận dữ, chúng ta hiểu được căn bệnh giận của mình, hiểu được các hình thức biểu lộ, trách nhiệm của nó trên các hành vi hung hăng, giúp chúng ta thấy và làm sáng tỏ các phản ứng thiếu suy nghĩ, các thái độ quá lố của chúng ta và nguồn gốc của các hành vi này. Định danh là “sức mạnh” đầu tiên mà Chúa cho con người trong sách Sáng thế: “Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế” (St 2, 19). Các Giáo phụ cho rằng đoạn giải thích các động vật được đặt tên này có thể giải thích thú tính bên trong của chúng ta, các lệch lạc, các tội lỗi, các căn bệnh tâm linh. Đó là lời cầu nguyện và mong muốn mà tôi nung nấu khi viết quyển sách này: mong rằng mỗi độc giả có thể nhận ra, xác định và đặt tên cho các chuyển động bên trong mà cho đến bây giờ còn xa lạ với mình, và ý thức này được trải nghiệm như một sự giải thoát bình yên và vui vẻ.
Tạo không gian
Một cách “chữa trị” hữu ích khác cho tất cả căn bệnh thiêng liêng của chúng ta là để chúng ta sống trong thiếu thốn, một hình thức trống rỗng để có một không gian nội tâm nơi Thần Khí đến thăm chúng ta. Các căn bệnh thiêng liêng đều liên quan đến mối quan hệ của chúng ta với các nhu cầu, các mong muốn, các hụt hẫng, các bù đắp, thậm chí cả các lệ thuộc. Chúng ta lo lắng về sự mất mát, ham muốn, thèm khát quá độ về mọi thứ, về con người. Mất, thiếu, bị tước đi có thể làm cho chúng ta có cách hành xứ quá độ; phải làm mọi cách để được công nhận, được an toàn. Chúng ta đang lầm trên con đường khám phá nội tâm. Thật vậy, ưu tiên là lắng nghe một tiếng nói khác, tiếng nói để chúng ta được Chúa Thánh Thần dạy dỗ, cộng tác với Ngài để loại các tin tưởng sai lầm hoặc các an toàn. “Sự thánh thiện không phải là hoàn tựu hay sung mãn cho bản thân mà mình tự cho mình. Trước hết, đó là khoảng trống mà người ta khám phá và chấp nhận rằng Thiên Chúa đến để lấp đầy trong chừng mực mà mình mở lòng ra cho sự sung mãn của Chúa.” Đó là câu trả lời của Thánh Phanxicô cho người anh em Léon về sự thánh thiện.
Trong quyển sách Minh triết của một người nghèo (Sagesse d’un pauvre, Eloi Leclerc, nxb. Franciscaines), tác giả viết: “Dứt khoát là không giữ gì cho riêng mình. Quét hết. Ngay cả nhận thức đau nhói về sự đau khổ của chúng ta. Phải làm sạch. Chấp nhận nghèo. Từ bỏ tất cả những gì nặng nề, ngay cả sức nặng của các lỗi lầm chúng ta. Chỉ thấy vinh quang của Chúa và để cho vinh quang này tỏa rạng. Chỉ có Chúa là đủ. Khi đó tâm hồn trở nên nhẹ nhàng. Mình không còn chỉ thấy có mình, như con chim chiền chiện say đắm trên bầu trời xanh thẳm. Tâm hồn bỏ hết mọi lo âu lo lắng. Chỉ khao khát sự hoàn hảo được thay đổi trong ý chí đơn sơ và thuần khiết của Chúa.”
Trái tim: Nơi tôi ở, nơi tôi là
Chính trong quả tim, nơi chúng ta được tạo và được tái tạo theo hình ảnh của Chúa là nơi xác định lựa chọn của chúng ta cho sự sống và cho tự do. Cho dù đó là tính tham ăn, hà tiện hay kiêu ngạo, tất cả là các biểu lộ bên ngoài của các căn bệnh đang xảy ra trong lòng. Khám phá các căn bệnh thiêng liêng là trước hết và trên hết khám phá các chuyển động sâu thẳm bên trong nhất và định danh nó, để có quyết định hay không cho sự sống, cho tự do. Đó là cả một công việc không bao giờ hết, mỗi ngày mỗi đều phải làm vì các cám dỗ luôn còn đó. Các ảo tưởng và ảo ảnh thì rất nhiều, chúng muốn chúng ta nghĩ rằng niềm vui, sự trọn vẹn hay hoàn tựu ở ngoài sự hiệp thông của cuộc sống và niềm vui với Chúa. Chúng ta phải học cách để ở lại trong khoảng không gian này, ý thức để chúng ta không ngừng ngạc nhiên, ngưỡng mộ và tạ ơn.
Cuộc chiến thiêng liêng
Theo học thuyết của các Giáo phụ thì cuộc chiến thiêng liêng là để Chúa Kitô rọi sáng các tăm tối của chúng ta, giúp chúng ta tái định hướng về Ánh sáng và Sự sống. Con đường tâm lý là một con đường đi từ các bóng tối, đi từ thấp để đi đến một cái nhìn thật sự về bản thân mình. Hai con đường này không tương phản, vì không thể có mâu thuẫn giữa quy luật thiêng liêng và quy luật tâm lý. Khoa tâm lý dọn dẹp sạch sẽ mảnh đất giúp các xáo trộn bên trong có các chữ để nói; giúp chấn chỉnh lại ý tưởng sai lầm có về Chúa nhưng không nhất thiết phải dẫn đến Thiên Chúa thật của Chúa Giêsu Kitô, bởi vì mục đích của tâm lý không phải là trở lại cũng không phải là giao ước với Chúa.
Cơ bản là phải biết cơ chế các suy nghĩ trong trái tim chúng ta vì chúng là nguồn gốc của các lệch lạc và các căn bệnh. Cuộc chiến thiêng liêng có nhiều điểm chính: trước hết bản thân chúng ta có các khuynh hướng quy về một phần theo cuộc đời riêng của mình; rồi theo thế giới với tất cả cám dỗ của nó; sau đó về người mà Chúa Kitô gọi là Satan, là ma quỷ, là người đi cám dỗ nhưng cuối cùng, Chúa Kitô trong lòng chúng ta đã thắng nó (Mt 4, 10).
Cơ chế của các suy nghĩ hủy hoại hay chiến thuật của nó diễn ra qua nhiều giai đoạn, chúng tôi xin nêu ra ngắn gọn. Trước hết các suy nghĩ chỉ là đề nghị có thể lén lút xuất hiện. Rồi chúng ta đối thoại với chúng, tiếp nhận chúng và chúng ta quyết định, có nghĩa là chúng ta đồng ý. Nói cách khác, chúng ta chấp nhận những gì mới chỉ là đề nghị và chúng ta đem ra thực hành. Lúc đó chúng ta bị đầu độc, thậm chí có thể gọi là bị giam hãm, không có gì ngăn chúng ta thốt lên lời hủy hoại hay bước qua hành động. Trong chiến thuật này, điều quan trọng là ngay lập tức nhận ra nguồn gốc của tư tưởng này, để một cách nào đó có thể đặt câu hỏi, ví dụ: “Nhưng bạn đến từ đâu? Bạn nói tôi phải đi canh ông chủ của tôi hay bà hàng xóm của tôi?” Hai giai đoạn đầu đòi hỏi một quyết tâm rất lớn, bởi vì chúng ta vẫn còn tự do; khi chúng ta bắt đầu đồng ý và đối thoại với các tư tưởng xấu, thì khi đó chúng ta đang rơi xuống hố. Chúa Giêsu giải thích cho chúng ta một cách cụ thể khi Ngài nói: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5, 28). Quyết định làm điều xấu của chúng ta đã bắt đầu từ trong lòng, hành động chỉ là phần thể hiện bên ngoài những gì chúng ta đã quyết định trong lòng. Vì thế phải hiểu bản thân mình, phải học để định danh và phải luôn canh chừng quả tim mình.
Để hướng dẫn và định hướng chúng ta, bài thơ của thi sĩ Jacques de Saroug Lối thoát, lộ trình và con đường phải theo (Issue, le Chemin, la Voie à suivre).
Tôi sẽ về nhà Cha tôi
như người con hoang đàng và tôi sẽ được đón nhận.
Như người con hoang đàng, tôi sẽ hỏi; Cha có tha thứ cho con không?
Tôi gõ cửa nhà Người Cha thương xót;
Xin mở cửa cho con để con vào, con sợ con đi lạc, con đi xa, con hư mất!
Cha đã cho con thừa kế di sản của Cha, con đã bỏ di sản của con, con đã hoang phí;
Con ước mong bây giờ con là người làm thuê, là tôi tớ!
Như người thu thuế, xin thương xót con và con sẽ sống trong ân sủng Chúa!
Như người đàn bà tội lỗi, xin Chúa tha tội cho con!
Như Thánh Phêrô, xin Chúa đưa con ra khỏi làn sóng.
Như người kẻ trộm lành, xin Chúa tha tội cho con và nhớ đến con!
Như con chiên đi lạc, xin Chúa đi tìm con, và Chúa sẽ tìm ra con; vác con trên vai đem con về nhà Cha.
Như người mù, xin Chúa mở mắt con để con thấy ánh sáng của Chúa.
Như người điếc, xin Chúa mở tai con để con nghe tiếng Chúa!
Như người liệt, xin Chúa chữa lành để con ca tụng danh Chúa!
Như người phung hủi, với trầm hương xin Chúa rửa sạch các tì vết của con!
Như cô gái Ja-ia, xin Chúa cho con sống!
Như mẹ vợ Thánh Phêrô, xin Chúa chữa lành cho con vì con bị bệnh!
Như người con trai của bà góa phụ, xin Chúa cho con đi trên con đường công chính!
Như ông Ladarô xin Chúa gọi con bằng chính tiếng của Chúa và tháo các băng quấn con.
Bởi vì con đã chết vì tội, như một căn bệnh; xin vực con dậy từ đống hoang tàn để con ca ngợi danh Chúa! Con xin Chúa, Đấng là chúa tể trời đất, xin đến giúp con và cho con biết đường đi để con đến với Chúa!
Xin đưa con đến với Chúa để con ở trong lòng thương xót Ngài!
Con sẽ đến với Chúa, con sẽ no đủ trong hân hoan.
Men sự sống, xin nghiền nát nó khi con kiệt sức!
Con đi tìm Chúa mà quỷ dữ theo dõi con như tên trộm.
Nó cột chặt và xích con trong thú vui của của thế giới xấu xa;
Nó giam hãm con trong các lạc thú của nó và đóng sầm cửa trước mặt con;
Không ai giải thoát con để con đi tìm Chúa!
Lòng thương xót Chúa xin đến với con!
Xin bẽ gãy ách đặt trên vai con, vì nó làm con ngộp thở!
Lạy Chúa, con mong muốn được đi với Chúa.
Mười điều răn của Chúa, con suy gẫm ngày đêm.
Xin cho con những gì con xin và xin nhận lời cầu nguyện của con, Chúa thương xót!
Xin Chúa đừng cắt đứt hy vọng của tôi tớ Chúa, vì tôi tớ Chúa đang chờ!
“Bài thơ về tình yêu” (Poème sur l’Amour, Lời cầu nguyện của các cha, nxb. Bayard) của Thánh Jacques de Saroug, giám mục người Syria sống ở thế kỷ thứ 4, là người rao giảng và dịch giả ngoại hạng.
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc thêm:Dẫn nhập sách Bảy căn bệnh thiêng liêng (1/2)
Sơ Catherine Aubin, nữ tu Dòng Đa Minh thần học gia, tác giả quyển “Bảy căn bệnh tâm linh” nói về bảy mối tội đầu.