Kết quả của Nhập Thể trong đời sống thiêng liêng  (4/6)

221

 Kết quả của Nhập Thể trong đời sống thiêng liêng  (4/6)

Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality, Ronald Rolheiser

Hiểu Về Hướng Dẫn

Đâu là sự khác biệt trong cách tìm kiếm sự hướng dẫn từ Thiên Chúa, có tùy thuộc vào chuyện chúng ta là kitô-hữu hay không?

Dưới khía cạnh này, cuộc trở lại đạo của thánh Phaolô là một mạc khải lớn, cũng như nhập thể nói chung. Cuộc trở lại của thánh nhân được mô tả trong Công Vụ Tông Đồ.

Thánh Phaolô (lúc đó có tên là Saolô) là người chân thành, mộ đạo, một tín hữu Do-thái. Vì thế, trên lãnh vực đức tin, ngài rất hăng say đến nỗi bắt bớ các kitô hữu, vì cho rằng họ phản bội đức tin chân chính. Nhưng trên đường đến Đamát để bắt giữ tín hữu kitô, ngài ngã xuống vì một luồng ánh sáng từ trời, và ngài nghe tiếng nói: “Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta?” Điều lạ là Saolô chưa bao giờ thấy Chúa Giêsu, nhưng lại bị kết tội là bắt bớ Đức Kitô. Thánh Phaolô hỏi: “Ngài là ai?” Có tiếng đáp: “Ta là Giêsu mà người đang bắt bớ.”  Hãy chú ý đến con người Giêsu lịch sử và nhiệm thể mà các tín hữu được nhận diện như một căn tính duy nhất.

Lập tức, quả tim của thánh Phao-lồ được chạm đến và rồi ngài hiến dâng cuộc sống mình cho Chúa Kitô… nhưng ngay lúc ấy ngài nhận ra bài học đầu tiên liên quan đến tất cả những chuyện này. Thay vì được hướng dẫn trực tiếp từ trời là đi đâu và làm gì, ngài được hướng dẫn là giao trọn con người của ngài, được nắm tay dẫn đến Đamát, nơi cộng đoàn kitô hữu sẽ nói cho ngài biết phải làm gì. Là kitô hữu, ngài nhận được sự hướng dẫn không những từ Thiên Chúa mà còn từ cộng đoàn.

Là Kitô hữu, chúng ta tìm thấy sự hướng dẫn “nhờ Đức Kitô”. Tuy nhiên, vì Đức Kitô vừa là con người lịch sử, bây giờ hưởng phúc trên trời, vừa là nhiệm thể của các tín hữu trong lịch sử, cụ thể ngay ở đây trên quả đất này, nên khi chúng ta tìm kiếm sự hướng dẫn trong nghĩa cần nhận định và quyết định, chúng ta không những hướng đến Chúa trên trời mà còn hướng đến nhiệm thể Chúa Kitô dưới đất, đó là gia đình, bạn bè, giáo hội, và cộng đoàn của chúng ta.

Đơn cử một ví dụ: Tôi làm linh hướng nhiều năm cho các chủng sinh. Tôi thường gặp trường hợp một thanh niên băn khoăn đến hỏi tôi anh nên ở lại chịu chức hay rời chủng viện. Bao giờ cũng thế, khi cố gắng nhận định, họ chỉ muốn dựa vào cảm nhận cơ bản trên việc cầu nguyện hay nguyện ngắm riêng tư. Hiếm khi họ muốn đưa ra một cán cân thăng bằng giữa đời sống chủng viện và người khác, những người họ có dịp gặp trong thời gian thực tập mục vụ ở các nơi. Nói thẳng, họ chỉ muốn phân định như người hữu thần– “Thiên Chúa trên trời muốn tôi làm gì?” – nhưng không làm những gì như thánh Phaolô được hỏi để làm, giao trọn con người mình, giao tay mình cho người khác và để cho người khác hướng dẫn mình.

Thánh Gioan Thánh Giá đã từng nói ngôn ngữ của Thiên Chúa là trải nghiệm của Chúa viết qua cuộc sống chúng ta. Đó là lời bình rất hay về nhập thể. Thiên Chúa không nói với chúng ta qua bóng ma, và những chuyện quan trọng nhất cũng không nói với chúng ta qua thị kiến.

Thiên Chúa nhập thể mặc lấy xác phàm dưới đất này nói với chúng ta qua cơm gạo hằng ngày, qua những chuyện vốn có tính lịch sử rõ ràng như gia đình, hàng xóm, giáo hội, và qua người bạn ở bờ đau đớn tinh thần nhắc chúng ta rằng chúng ta không phải là Chúa. Khi chúng ta tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa thì phải bổ túc những tiếng nói này vào với những tiếng nói từ trên trời.

Hiểu Về Cộng Đoàn

Sự kiện Thiên Chúa mặc lấy xác phàm có những hệ quả gay go về đời sống thiêng liêng, đời sống thiêng liêng cộng đoàn, đặc biệt là đời sống thiêng liêng kitô giáo, không bao giờ làm một mình được. Cộng đoàn là một phần bản thể cốt lõi của đời sống kitô giáo nên cũng là cốt lõi của đời sống thiêng liêng. Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở thành môn đệ của Ngài, không đơn độc nhưng là một cộng đoàn. Thêm một lần nữa, bản văn Thánh Kinh đủ để chỉ dẫn chuyện này.

Trong bốn phúc âm, phúc âm nào cũng có một mô hình: lời rao giảng của Chúa Giêsu thu hút một số lớn đám đông. Dân chung ùa nhau đến nghe, thần tượng Người, muốn tôn Người lên làm vua. Tuy nhiên lại xảy ra một chuyện khác, rò rỉ một cách hiểu lời Chúa khác, Ngài không còn được dân chúng mến chuộng, đến độ họ muốn giết Ngài. Phúc âm thánh Gio-an đã khai mở ở đây lý do vì sao, dân chúng không còn ảo tưởng và giận Chúa Giêsu. Đâu là điểm bứt, phúc âm thánh Gio-an nói gì?

Trong phúc âm thánh Gio-an, Chúa Giêsu được nhiều người biết đến qua phép lạ cái bánh và con cá. Lúc này, Chúa Giêsu phải trốn đám đông vì họ muốn tôn Ngài lên làm vua. Tuy nhiên, sau đó khi Ngài giải thích sâu xa thế nào là bánh hằng sống, thì chính điều đó làm cho Ngài bị rắc rối. Ngài nói với đám đông: “Thật, tôi bảo thật các ông: Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.” Và phản ứng của họ thật kinh dị. Sau đó, họ rời Người và nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?”

Điều gì đã làm Chúa Giêsu nói một cách mạnh mẽ và sắc bén với những người muốn tôn Chúa lên làm vua, rồi muốn giết? Làm sao chỉ dựa trên một bài giảng của một người không mời mà đến lại thu hút quần chúng nhiều như vậy?

Câu Chúa Giêsu nói “nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.” Câu này có nghĩa là gì?

Các tranh luận gay gắt về những dòng này, và một số nhà phân tích cho rằng điều làm cho người nghe lúng túng là việc ăn thịt người. Ai cũng giận khi bị đề nghị ăn thịt người. Những người khác đọc bản văn về Thánh Thể cũng lúng túng vì Chúa Giêsu nhập thể về mặt thể lý, máu và thịt, hiện diện trong Thánh Thể và rước Mình Thánh là giống như ăn thịt Chúa Giêsu.

Rốt cùng, cả hai chú giải đều thiếu một điểm. Nó đúng chỉ ở khía cạnh nhiệm thể Chúa Kitô hơi có vấn đề tranh luận ở đây. Tuy nhiên, những gì được nói đến không phải là chuyện ăn thịt người hay rước bánh lễ mà là cái gì muốn ngụ ý nói đến. Cái gì làm tách lúa mì khỏi vỏ trấu không phải là có khả năng hay không có khả năng đến nhà thờ rước lễ, vấn đề ở đây đòi hỏi hơn thế rất nhiều. Đó là gì?

Chìa khóa để hiểu đòi hỏi của Chúa Giêsu ở đây là chữ mà Chúa Giêsu chọn để dùng. Chúa dùng chữ sarx để nói đến nhiệm thể Ngài. Một cách chọn từ ngữ đáng ngạc nhiên. Nguyên ngữ Hy Lạp của Tân Ước dùng hai từ để chỉ thân xác, cho con người toàn diện, đó là: sarx và soma. Soma nói đến con người trong chừng mực là con người tốt hay bình thường. Chẳng hạn, nếu câu thơ nổi tiếng của Robert Burns “một thân xác gặp một thân xác/đến nhờ lúa mạch…” được các tác giả Tân Ước Hy Lạp hát lên, thì họ sẽ hát với giọng điệu thế này:

“Một soma gặp một soma/đến nhờ lúa mạch…” Còn sarx, trái lại, luôn nói về con người theo nghĩa xấu, tiêu cực. Nó quy chiếu về một người theo nghĩa xấu. Chẳng hạn, tôi là sarx khi tôi bị đau ốm, thân thể hôi hám, tội lỗi, chết chóc, nhưng tôi là một soma khi tôi khỏe mạnh, hấp dẫn, làm điều lành, và được cất lên khỏi sự chết.

Trong bối cảnh này, sự kiện nhiệm thể Chúa Kitô không chỉ mang ý nghĩa là con người lịch sử của Chúa Giêsu và sự hiện diện của Ngài trong bí tích Thánh Thể, mà còn là thân xác lịch sử, cụ thể của các tín hữu trên trần thế này – một cách rõ ràng hơn, chúng ta thấy Chúa Giêsu muốn nói điều gì ở đây và tại sao nó lại mạnh và gây chia rẽ như thế. Vì khi dùng từ sarx, Chúa Giêsu nói đến nhiệm thể Ngài, vốn là một thân xác không tỳ vết tội nhơ, vinh hiển trên trời, là tấm bánh trắng tinh tuyền của Giáo Hội. Chúng ta được mời gọi để “ăn” là ăn phần khác trong nhiệm thể Ngài, đó là cộng đoàn, là thân thể còn thiếu sót của các tín hữu đang sống trên trần gian này.

Cốt lõi, Chúa Giêsu muốn nói: “Nếu các con không liên kết với cộng đoàn đang còn bất toàn, còn ghen ghét, còn bất tri ở dưới đất này, thì làm sao các con có thể liên kết với Thiên Chúa toàn năng, toàn ái, vị tha, và toàn tri trên trời được. Nếu các con từ chối liên kết với gia đình hữu hình, thì làm sao các con liên kết với Thiên Chúa vô hình được. Sự thật hiển nhiên này có thể nhanh chóng làm cho mọi người tàn rụi. Khi ấy, người ta thấy “lời này nghe chướng tai” và lời ấy tới ngày nay vẫn còn nghe chướng tai.

Cụ thể hơn, chúng ta tưởng tượng ví dụ sau: Bạn đang tham dự vào một cộng đoàn giáo xứ. Buổi đầu gặp gỡ mọi người trong cộng đoàn, bạn thấy cộng đoàn tốt và bạn thích. Bạn có ấn tượng mạnh, bạn tham gia vào hội đồng giáo xứ và cả ca đoàn nữa. Tuy nhiên, dần dần khi bạn hiểu biết mọi người sâu đậm hơn, bạn bị vỡ mộng. Bạn thấy cha sở cũng có tật xấu, còn hội đồng giáo xứ sao mà bần tiện và nhỏ nhen quá, còn cộng đoàn giáo xứ chỉ nghĩ đến cộng đoàn mình mà không nghĩ đến cộng đoàn khác. Mọi chuyện đi đến đỉnh cao vào buổi chiều họp hội đồng giáo xứ, khi đó mọi người kết tội bạn là tự cao tự đại. Giờ thì bạn hiểu vấn đề, bạn bước ra khỏi buổi họp và tự nhủ: “Không thể chịu được! Tôi không cần phải đối đầu với mấy chuyện này. Tôi ra khỏi đây!”.

Bạn chỉ rời sarx… cụ thể vì đây là thể xác Chúa Kitô ở trần gian này. Khi nói: “Tôi không cần phải đối đầu với chuyện này!” là đi ngược với lời dạy của Chúa Kitô, vì chính Chúa Kitô đã nói điều này: “Nếu anh em không ăn thịt và uống máu Thầy, anh em không thể có sự sống nơi mình.” Chúa Giêsu nói rõ ràng như vậy, ít nhất trong phúc âm thánh Gioan. Chúng ta không thể phớt lờ gia đình bất toàn ở trần thế này để cố gắng có tương giao với Thiên Chúa toàn năng trên trời được. Cộng đoàn thực tế là một yếu tố bất di dịch trên bước đường tìm kiếm đời sống thiêng liêng, vì chúng ta là kitô hữu, chứ không phải là người hữu thần. Thiên Chúa không chỉ ngự ở trên trời, Ngài đang ở dưới thế này.

Rất khó đạt các hệ quả ở đây. Trong các hệ quả này, một ý niệm lầm lẫn phổ biến khá quan trọng (lạc giáo nguy hiểm) khơi lên, có ảnh hưởng tiêu cực khá phổ biến xuyên suốt cho đến ngày hôm nay.

Hiểu biết lầm lạc này có nhiều cách diễn đạt, nhưng có thể tóm lại trong cụm từ đơn giản sau: “Tôi là kitô hữu tốt, tôi chân thành, tôi phục vụ Thiên Chúa, nhưng tôi không cần đến Giáo Hội – Ở nhà tôi cũng cầu nguyện sốt sắng vậy.”

Đúng, nếu bạn là người hữu thần, nhưng nếu bạn là kitô hữu (hay theo bất cứ đạo nào) thì không bao giờ đúng cả. Một phần cốt lõi kitô giáo là phải liên kết với một cộng đoàn cụ thể, với tất cả các thiếu sót vốn có nơi bản chất con người và các căêng thẳng từ cộng đoàn mang lại cho chúng ta. Đối với kitô hữu, đời sống thiêng liêng có thể không bao giờ là một cuộc đi tìm mang tính cá nhân, tìm Chúa mà lại ở ngoài cộng đoàn, ngoài Giáo Hội. Thiên Chúa nhập thể nói cho chúng ta biết rằng ai nói mình yêu mến Thiên Chúa vô hình ở trên trời mà không muốn đối đầu với những người thân cận ở trần thế này là người nói dối, vì không ai có thể yêu mến Thiên Chúa Đấng mà họ không nhìn thấy nếu không yêu mến người thân cận mà họ có thể thấy được.

Vì thế, đời sống thiêng liêng của người kitô là luôn luôn tương quan sâu đậm với người chung quanh mình cũng như với Chúa.

Nguyễn Kim Long dịch 

Xin đọc thêm:  Kết quả của Nhập Thể trong đời sống thiêng liêng (1/6)

Kết quả của Nhập Thể trong đời sống thiêng liêng (2/6)

Kết quả của Nhập Thể trong đời sống thiêng liêng (3/6)

Lời nói đầu sách Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô