Hướng đến một con đường thiêng liêng cho tâm trạng cô đơn (5/8)
Trích sách Quả tim thao thức, The restless heart, Ronald Rolheiser
Nắm vững “Huyễn hoặc”: Tìm kiếm Sự thật
Chúng ta sẽ bớt cô đơn hơn khi chúng ta làm giảm cách biệt giữa những huyễn hoặc chúng ta có về thực tế và thế giới thật. Làm sao để giảm bớt sự bất tương đồng này? Bằng cầu nguyện. Chúng ta sẽ sống cuộc sống thực tại tốt hơn khi để cho cầu nguyện có tiếng nói cho những huyễn hoặc của chúng ta.
Đơn giản, tiến trình đó như thế này: Cầu nguyện làm cho chúng ta liên hệ sâu sắc hơn với Thiên Chúa, và vì Thiên Chúa là Đấng định hình hiện thực sâu đậm nhất, nên càng hòa hợp với tư tưởng của Thiên Chúa, chúng ta càng hòa hợp với thực tại. Cầu nguyện phá tan huyễn hoặc. Để hiểu rõ điều này tôi dùng một ví dụ tương tự. Một bức tượng được định hình chính xác là do người sáng tạo ra nó. Theo đó, nếu muốn hiểu cho trọn bức tượng, chúng ta phải biết đôi điều về ý định của nghệ nhân. Càng hiểu ý định, chúng ta càng hiểu chính xác bức tượng. Giống như vậy, nếu muốn hiểu được hiện thực, chúng ta phải hiểu ý định của Thiên Chúa, nghệ nhân tạo thành hình tượng đặc biệt này. Càng biết về tư tưởng của Thiên Chúa, chúng ta càng hiểu chính xác hơn về thực tại. Qua việc cầu nguyện, chúng ta nhận thức được tư tưởng và ý định của Thiên Chúa. Vì thế, cầu nguyện sẽ dẫn chúng ta vào mối dây liên kết với nhận thức sâu sắc nhất về hiện thực. Chính việc cầu nguyện trao cho chúng ta cơ hội thắng vượt huyễn hoặc để đạt tới sự thật. Sống trong sự thật sẽ làm cho chúng ta vơi bớt cô đơn.
Bởi vậy, một mặt, Chúa Giêsu là người kiên vững nhất trên thế gian này. Tình mật thiết của Ngài với Chúa Cha đã không cho bất kỳ huyễn hoặc không lành mạnh nào lớn lên trong Ngài. Những năm tháng dài cầu nguyện không đơn thuần để Ngài chìm trong cô tịch sáng tạo; mà xua tan tất cả mọi huyễn hoặc và bất thực khỏi sự tự nhận thức và khỏi nhận thức của Ngài về thế giới này. Trong cầu nguyện, Chúa Giêsu không chỉ biết Thiên Chúa, mà còn biết chính Ngài và thế giới. Và đương nhiên Ngài biết chân lý. Nhưng thật oái oăm, Ngài giữ thinh lặng khi Philato hỏi Ngài về ý nghĩa của chân lý.
Cầu nguyện là con đường để thoát khỏi huyễn hoặc tha hóa của chúng ta. Tuy nhiên, kiểu cầu nguyện đưa chúng ta đến với chân lý sâu đậm không ở dạng cầu nguyện hình thức, các lời cầu nguyện dài mạch lạc, suy niệm, chiêm niệm, Kinh Lạy Cha, lần hạt, và những dạng cầu nguyện phụng vụ khác. Các lời cầu nguyện này rõ ràng có một vai trò quan trọng giúp chúng ta đến với sự thật. Nhưng ý nghĩa của việc cầu nguyện còn rộng lớn hơn thế. Thiên Chúa nói với chúng ta ở mọi nơi. Chúng ta cũng vậy, cầu nguyện ở mọi nơi, khi đọc và học hỏi kinh thánh, khi học giáo lý Kitô căn bản, khi học về quan điểm của những người thông thái trong lịch sử, khi lắng nghe ý kiến của người thân cận, khi đọc ra lời Thiên Chúa trong các sự kiện thế tục, và khi lắng nghe sự khôn ngoan chân thực trong khoa học và nghệ thuật. Khi Ngài nói với chúng ta qua tất cả những điều này, chúng ta phải để Thiên Chúa đưa chúng ta ra khỏi huyễn hoặc và ảo tưởng. Khi lắng nghe Thiên Chúa qua cầu nguyện, chúng ta sẽ tháo bỏ được nhiều nỗi cô đơn gây nên bởi huyễn hoặc của chính mình.
Cũng như tất cả những biến chuyển khác để thoát nỗi cô đơn, biến chuyển từ huyễn hoặc để có một đời sống thực tế hơn là việc làm lâu dài. Không có cách thức nào có được kết quả đầu hôm sớm mai, nó chỉ có được sau nhiều giờ, nhiều tháng nhiều năm kiên nhẫn và đấu tranh. Hy vọng khi lớn hơn, chúng ta sẽ khôn ngoan hơn và bớt cô đơn hơn, khi chúng ta biết để cho cầu nguyện dần dần làm xóa tan huyễn hoặc để có thể sống với hiện thực.
J.B. Thái Hòa dịch
Xin đọc thêm: Lời nói đầu sách Quả tim thao thức
Hướng đến một con đường thiêng liêng cho tâm trạng cô đơn (1/8)
Hướng đến một con đường thiêng liêng cho tâm trạng cô đơn (2/8)
Hướng đến một con đường thiêng liêng cho tâm trạng cô đơn (3/8)
Hướng đến một con đường thiêng liêng cho tâm trạng cô đơn (4/8)