Mai táng gặp vấn đề (1-3), Thánh Antôn Pađua 

255

Mai táng gặp vấn đề (1-3), Thánh Antôn Pađua

Trích sách Tiểu sử Thánh Antôn Pađua, Françoise Bouchard, nxb. Salvator

 Đồng minh kết hiệp

Một bí mật chóng được khám phá

Các tu sĩ đan viện Arcella rất mừng với đặc ân được ở bên cạnh Antôn trong những giây phút cuối, được săn sóc về cả thể xác và tinh thần cho người sắp chết. Họ muốn giữ thi thể ngài trong đan viện của mình nhưng lại sợ các tu sĩ đan viện Đức Mẹ Maria với lý do đến tôn kính ngài sẽ đưa thi thể ngài đi. Như thế điều quan trọng là không tiết lộ tin ngài đã qua đời để họ có thể chôn ngài trong nhà thờ sau buổi lễ hoàn toàn trong vòng tuyệt đối riêng tư. Họ tính như vậy mà quên trẻ con của khu vực “Tête-du-Pont”, khi chơi trong các con đường lân cận, chắc chắn các em sẽ thấy ‘xe bò’ chở Antôn đến đây trong tình trạng sắp chết không giấu ai được. Và danh tiếng người làm phép lạ các em đã nghe gia đình kể làm cho các em thấy mình có bổn phận phải loan báo cho mọi người biết, không những trong khu phố của mình mà cho cả thành phố. Và các em họp lại với nhau như đàn chim, đi khắp thành phố và ở các nơi công cộng của thành phố Pađua vừa đi vừa la hét: “Cha Thánh Antôn đã qua đời! Cha Thánh Antôn đã qua đời!”. Như thế trẻ con tự phát loan tin Antôn qua đời cho mọi người biết. Cũng chính các em là người đầu tiên “phong thánh” cho Antôn, không chờ Giáo hội phong thánh chính thức!

Những người khách tự phát

Ngay ngày hôm sau, tất cả người dân từ làng mạc, thị trấn, thành phố bên cạnh đều biết tin Antôn qua đời. Từ khắp nơi, người dân đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi môi trường tụ họp trước cửa đan viện Arcella. Suốt ngày, họ thay phiên nhau cầu nguyện, dâng phó ý chỉ của mình cho Thánh Antôn. Họ không ra về mà không có thánh giá, khăn tay, nhẫn, dây thắt lưng đã được chạm vào thi thể của ngài. Những người không vào được vì quá đông thì móc vật dụng của mình vào một cây dài thòng qua cửa sổ để vẫy trên giường Thánh Antôn… Rất nhiều vật dụng được cho là thánh tích xứng đáng với lòng nhiệt thành của họ. Không phải vì giá trị nội tại cho họ nhưng cho sứ thấm nhập, qua tiếp xúc này họ như được thấm nhập vào sự thánh thiện của Thánh Antôn. Vì thế lòng mộ đạo của cả một dân tộc đã vượt thời gian qua các thể thức quen thuộc này, biểu lộ lòng tin tưởng vào lời cầu bàu các thánh. Khi cầu nguyện trước thánh tích, các người dân giàu lòng can đảm này tin tinh thần của các thánh khi gặp Chúa, các ngài sẽ xin Chúa cho mình ơn mình mong muốn. 

Máu nóng tăng lên

Ngôi nhà thờ đan viện nào sẽ giữ thi thể của Thánh Antôn? Các tu sĩ đan viện Arcella nghĩ vinh dự này thuộc về họ vì Thánh Antôn đã qua đời ở nhà họ. Và Dòng “Nữ tu Khó nghèo” cũng đồng ý với họ vì hai Dòng thân nhau. Trong mục đích này, các bề trên hai Dòng cử một phái đoàn đến nhà cầm quyền dân sự của thành phố xin làm áp lực trên giám mục của họ. Và các tu sĩ đan viện Đức Mẹ Maria cũng làm như vậy. Đối với họ, Thánh Antôn đã chọn đan viện của họ là nơi cuối cùng trong sứ mạng rao giảng và ngài cũng mong về đây để chết.

Giám mục đã rất bối rối, vì quyết định của mình sẽ làm cho một bên vui, một bên buồn. Thêm nữa ngài ý thức người dân ở Tête-du-Pont – đã quên các cuộc cãi vã của tổ tiên -, họ quyết tâm ngăn chặn mọi xâm nhập vào đan viện, thậm chí họ còn bố trí những người có vũ trang chận mọi ngõ ngách vào đan viện. Còn các tu sĩ thì đóng ván vào cửa lớn, cửa sổ để làm rào chắn. Cẩn thận họ còn để thi thể Thánh Antôn vào quan tài và giấu trong một hố phủ đất lên.

Những người của phía đan viện Đức Mẹ Maria cũng quyết thực hiện mục đích của mình. Họ cũng dùng vũ khí để cố chiếm lại thi thể. Ban đêm họ cố gắng ba lần nhưng không được. Với tình trạng này, nếu máu nóng tăng lên thì sẽ rất nguy hiểm, máu có thể đổ. Chúng tôi sẽ không đi vào chi tiết việc cãi cọ này. Để làm dịu hai bên, giám mục đề nghị hoãn một thời gian chờ bề trên Tỉnh dòng về quyết định, ngài đang vắng mặt ở Bologne. Đề nghị này được cả hai bên đồng ý.

Một bài học chừng mực

Tuy nhiên các tu sĩ đan viện Arcella bắt đầu ý thức phần trách nhiệm của mình trong các vụ lộn xộn này. Dòng “Nữ tu Khó nghèo” cũng cảm thấy mình có tội. Vì họ là chứng nhân của một việc y như bài học của Thánh Antôn. Ngày hôm sau ngài qua đời, sơ Olivia, một trong các nữ tu của Dòng đã đến quỳ trước thi thể ngài. Sơ xin ngài cho mình ơn được chịu ở đời này tất cả đau khổ vì tội mà theo lẽ sơ phải chịu vào đời sau. Ngoài mong chờ của sơ, lời xin của sơ được nhận lời ngay lập tức, sơ cảm thấy toàn cơ thể bị đau, một cơn đau tột cùng đến mức dù cố gắng hết sức sơ cũng không đứng dậy được. Mẹ bề trên hoảng sợ thấy sơ đau như vậy phải gởi sơ vào bệnh xá.

Suốt ngày hôm sau cơn đau cũng không giảm. Khi đó sơ nhớ lại lời cầu xin của mình với Thánh Antôn. Sơ hiểu ngài cho sơ bài học khiêm nhường và chừng mực để đừng có thành kiến về sức của mình và năng lực của mình. Lúc đó sơ chỉ có một ước mong: xin ngài chữa lành cho mình. Vì không thể đứng dậy, sơ xin sơ y tá về phòng mình lấy một mẫu áo của Thánh Antôn mà sơ đã lén lút cắt một mảnh. Sơ để mẫu áo này trên người và mọi đau đớn biến mất, sơ trở lại cuộc sống bình thường trong cộng đoàn.

Hướng đến thoa dịu

Sự kiện này đã thuyết phục được các sơ Dòng “Nữ tu Khó nghèo” hiểu sự chiến đấu của họ là không phù hợp. Các tu sĩ đan viện Arcella đồng ý với quyết định khôn ngoan của các sơ. Bây giờ họ tìm cách làm sao thuyết phục người dân thuận theo, vì người dân đã sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ quan điểm của các tu sĩ. Sau ba ngày chiến đấu, cuối cùng bề trên Tỉnh dòng đến Pađua, cha đồng ý với lập luận của các tu sĩ đan viện Mẹ Maria. Cha ấn định ngày tang lễ vào ngày thứ ba 17 tháng 6 là ngày di chuyển thi hài Thánh Antôn về đan viện Mẹ Maria. Để tránh mọi nguy cơ đụng độ, quan tổng trấn áp dụng các biện pháp nghiêm nhặt, còn tất cả những ai dùng vũ khí phải nộp phạt rất cao. Ông bắt người dân khu phố Tête-du-Pont không được ra khỏi nhà trong thời gian tang lễ và đe dọa tịch thu tài sản của họ nếu họ nổi loạn. Một biện pháp có hiệu quả ngay. Sau khi tình trạng được ổn định, giám mục chấp nhận cử hành buổi lễ và hẹn tất cả trước cổng đan viện Arcella. 

Một và chỉ một quả tim

Sáng thứ ba 17 tháng 6, đám đông tụ họp như giờ đã định. Tất cả người dân Pađua và các vùng lân cận cùng có mặt, cùng đập một nhịp đập của trái tim. Và khi các tu sĩ lấy quan tài từ đất ra, họ đặt quan tài trước cổng. Mọi người vui mừng chào đón và đoàn rước bắt đầu. Quan tài được chính quan tổng trấn và những người có chức vị trong thành phố khiêng đi đầu. Sau đó là giám mục và hàng giáo sĩ, bề trên Tỉnh dòng, các tu sĩ đan viện Arcella, các tu sĩ các đan viện trong thành phố, các Dòng, các học sinh của trường Đại học danh tiếng…

Cuối cùng là đám đông, người giàu người nghèo trong cùng một tinh thần anh em vừa đi vừa hát thánh ca và thánh vịnh. Họ mang nến nhiều nhất có thể, họ vét hết các cửa hàng đến mức đoàn rước như một biển lửa khổng lồ. Suốt đường đi, những người có tuổi, những người bệnh không thể đi theo đoàn thì họ ở trước nhà vỗ tay khi đoàn rước đi qua. Trong thành phố, người dân trang hoàng mặt tiền nhà của mình đủ loại hoa màu trắng, màu tượng trưng cho sự tinh tuyền của Thánh Antôn. Các người đi theo đoàn rước hoặc những người đứng xem đều ngạc nhiên ngửi thấy mùi nước hoa dịu ngọt bàng bạc trong không gian cho đến khi buổi lễ chấm dứt. Sự kính mến còn tăng gấp bội với người bệnh, thậm chí cả những người nặng nhất cũng hét lên vui mừng vì họ được lành bệnh. 

Một và chỉ một niềm vui

Giữa vô số dấu hiệu cho thấy sức mạnh làm phép lạ của Thánh Antôn vẫn còn sau khi ngài qua đời là trường hợp của bà Cunizza. Bà Cunizza là một phụ nữ nghèo, bà bị gù lưng và dị dạng, bà phải đi sát đất. Khi nghe tin Thánh Antôn qua đời, bà cố gắng đi theo đám tang. Bà chỉ đi theo quan tài một chút, đủ giờ để xin Thánh Antôn chữa lành. Bỗng khối u trên lưng bà biến mất, cơ thể duỗi ra, các khớp dây thần kinh được nối lại và các khớp xương mềm lại. Bà hét lên vì mừng và không ngớt lời cám ơn “vị thánh.” Chẳng mấy chốc tin vui được lan truyền từ hàng này đến hàng kia trong đoàn rước vô tận này, mọi người tung hô Thánh Antôn.

Một và chỉ một lòng mến mộ

Sau thánh lễ, giám mục đặt thi thể của Thánh Antôn vào trong một quan tài vừa khám phá sáng hôm đó khi đào đất. Theo một số người, hòm này chứa xương các vị tử đạo. Như thế, Antôn được xem như người tử đạo vì ao ước, được chôn trong ngôi mộ thánh hóa của các vị tử đạo bằng máu. Tang lễ chỉ là bước khởi đầu của một loạt thăm viếng vô tận trước mộ Thánh Antôn. Đúng vậy, ngay ngày hôm sau tất cả người dân Pađua đều muốn đến cầu nguyện bên mộ ngài. Để tránh lộn xộn, chính quyền quyết định làm theo tua. Mỗi ngày cho mỗi nhóm, mỗi khu phố, mỗi Dòng, mỗi tổ chức, cho trường Đại học, cho người dân trong thành phố, cho người dân vùng lân cận, cho người nước ngoài… Tất cả đi từng đoàn băng qua thành phố, họ đi chân đất và đội thánh giá trên đầu kể cả giám mục và quan tổng trấn. Các ngọn nến được thắp lên tạo thành khối lửa khổng lồ, đôi khi khối nến còn được chạm trỗ tuyệt đẹp trong sáp. Khách hành hương mang trên vai hoặc quá nặng thì để trên xe bò. Khu phố đầu tiên đến viếng mộ là phố Tête-du-Pont. Giám mục muốn dành vinh dự cho khu phố này. đặc biệt là các tu sĩ Dòng Phanxicô vì họ đã vượt lên đau buồn khi không giữ được thi thể Thánh Antôn như lòng họ mong ước. Và các tu sĩ đan viện Đức Mẹ Maria cũng biết ơn anh em mình, họ cùng đến gặp nhau trong đoàn rước này.

Một đức tin đổi mới

Từng ngày, đoàn hành hương này nối tiếp đoàn hành hương kia. Tất cả những ai đến viếng, dù là người có đạo hay người hiếu kỳ đều cảm thấy bình an và hân hoan. Họ cầu nguyện, họ khóc lóc. Họ cảm thấy đức tin được đổi mới và thế nào họ cũng quay về với chính mình, đi xưng tội và có một cuộc sống kết hợp với Tin Mừng. Vì thế ngay cả sau khi qua đời, Thánh Antôn vẫn tiếp tục cải hóa các tâm hồn và đưa họ về với Chúa. Các phép lạ đã đánh dấu trong suốt cuộc đời của Antôn đã không ngừng lại sau khi ngài qua đời, ngược lại là đàng khác. Người ta càng nhắc đến phép lạ thì đám đông càng chạy đến mộ ngài. Và càng cầu nguyện thì càng được phép lạ do lời cầu bàu của ngài. Chúng tôi không thể nêu lên ở đây, vì như thế danh sách sẽ vô tận. Nhưng chúng ta biết có rất nhiều loại phép lạ: lành bệnh, trở lại, được che chở, gặp phải tình huống không thể giải quyết được, sinh con khó khăn, ơn tha thứ… đó là không kể các trường hợp không thể giải thích được vẫn nằm trong tận sâu thẳm lòng họ.

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc thêm: Về trời (1-2) Thánh Antôn Pađua

Về trời (2-2), Thánh Antôn Pađua

Lời nói đầu sách Tiểu sử Thánh Antôn Pađua