Ronald Rolheiser, 2019-10-21
Một người bạn của tôi chia sẻ câu chuyện sau. Cùng với năm anh chị em, cô lớn lên với một người cha nghiện rượu. Chứng nghiện rượu của người cha đã hủy hoại cả gia đình. Và cô kể thế này: Khi cha tôi chết, chứng nghiện rượu của ông đã tàn phá cả gia đình. Không một ai trong chúng tôi có thể nói chuyện với nhau nữa. Chúng tôi ở xa nhau trong các vùng khác nhau của đất nước và không liên lạc gì với nhau. Mẹ tôi là bà thánh, qua năm tháng, bà cố gắng giải hòa chúng tôi, mời chúng tôi về gặp nhau ăn lễ Giáng Sinh, lễ Tạ Ơn nhưng chẳng bao giờ được. Mọi cố gắng đều vô ích. Chúng tôi ghét nhau. Rồi, khi mẹ tôi sắp chết vì ung thư trong nhà hưu dưỡng, bà nằm liệt giường và bị hôn mê, chúng tôi ở bên đầu giường nhìn bà chết, còn bà thì không thể nói, nhưng lại có thể làm những gì bà còn có thể làm, mà trước đây qua bao nhiêu năm tháng khi bà còn nói được bà đã không thể làm. Khi nhìn bà chết, chúng tôi giải hòa với nhau.
Tất cả chúng ta đều biết các câu chuyện tương tự của những người đang chết, khi họ không còn có thể nói hay hành động gì, thì tác động của họ lại rất mạnh, mạnh hơn cả khi họ có thể nói, có thể làm cho người thân chung quanh mình, đổ tràn ân sủng cho những người thân yêu của mình. Dĩ nhiên đôi khi đây không còn là giải hòa nhưng là tăng sức mạnh cho một gia đình đã hiệp nhất. Đó là trường hợp câu chuyện gia đình được bà Carla Marie Carlson chia sẻ trong quyển sách Mỗi ngày là một ân sủng, Everyday Grace. Gia đình của bà đã rất gắn kết nhưng bà Carlson kể, làm sao mà cái chết của mẹ đã củng cố thêm sợi dây gắn kết gia đình và chúc phúc cho những người chứng kiến bà chết: “Những người có dịp ở với mẹ tôi trong chuyến đi cuối cùng này cho biết, cuộc sống của họ từ nay mãi mãi thay đổi. Đó là giai đoạn đáng kể mà tôi luôn trân trọng. Các bài học về sự chấp nhận và can đảm mà mẹ tôi chống chọi với cơ thể đang hấp hối. Thật là đau thương và sâu đậm, nhưng lại tràn ngập bình an và ân sủng.” Đa số những người ở bên cạnh người thân đang hấp hối đều có thể chia sẻ câu chuyện tương tự.
Ở đây ta có một bài học và một bí ẩn. Bài học là chúng ta không phải chỉ làm những chuyện quan trọng cho nhau nhưng chúng ta có tác động trên đời sống của nhau ngay cả khi chúng ta ở trong tình trạng thụ động, bất lực. Đó là bí ẩn của sự thụ động chúng ta thấy một cách nghịch lý nơi Chúa Giêsu, với những gì Ngài đã làm cho chúng ta.
Là kitô hữu, chúng ta nói Chúa Giêsu đã hiến mạng sống của Ngài cho chúng ta, đã chết cho chúng ta, nhưng chúng ta thường có xu hướng nghĩ điều này chỉ là một và cùng một chuyện. Thật sự không phải như vậy. Chúa Giêsu ban sự sống của Ngài cho chúng ta qua hành động của Ngài, Ngài chịu chết vì chúng ta qua sự thụ động của Ngài. Đó là hai việc khác nhau. Như người phụ nữ nói trên, trong nhiều năm tháng bà đã cố gắng giải hòa các con qua hành động, qua lời nói mà không được, nhưng cuối cùng lại được nhờ sự bất lực, nhờ sự thụ động trên giường chết của bà, Chúa Giêsu cũng vậy. Trong vòng ba năm, bằng đủ mọi phương tiện, Ngài làm cho chúng ta hiểu tình yêu, giải hòa và đức tin, nhưng không có hiệu quả đầy đủ. Và rồi chỉ trong vòng 24 giờ, trong sự bất lực, khi Ngài không thể nói được, trong cái chết của Ngài, chúng ta nhận được bài học. Chúa Giêsu và Mẹ Maria, trong sự bất lực và thụ động, đã ban cho thế giới một điều vốn không thể thực hiện hiệu quả khi mạnh mẽ và chủ động.
Đáng tiếc thay, đây không phải là những gì mà nền văn hóa của chúng ta hiện nay có thể hiểu nổi, một nền văn hóa chỉ nhấn mạnh đến sức khỏe, năng suất, thành tích và quyền lực. Chúng ta không còn hiểu và đánh giá cao giá trị của ân sủng nơi một người chết vì bệnh nan y, hay ân sủng nơi người khuyết tật và ngay cả trong cơ thể khiếm khuyết của chúng ta. Chúng ta cũng không hiểu nhiều về những gì chúng ta có thể mang đến cho gia đình, cho bạn bè, cho đồng nghiệp khi chúng ta bất lực, khi phải chấp nhận sự thờ ơ, khi phải đương đầu, khi bị ngộ nhận. Khi một nền văn hóa bắt đầu nói đến trợ tử, đó là dấu chỉ không sai lầm rằng chúng ta không còn hiểu gì nhiều về ân sủng trong thụ động.
Trong các bài viết của mình, Linh mục Henri Nouwen phân biệt cái chúng ta gọi là “thành tựu” và “sinh hoa kết trái”. Các thành tựu trực tiếp đến từ các hoạt động của chúng ta: Chúng ta hoàn tựu cái gì một cách tích cực không? Chúng ta có làm việc cho người khác không? Và các thành tựu chúng ta dừng lại khi chúng ta không còn hoạt động. Trái lại, sinh hoa kết trái thì vượt lên những gì chúng ta hoàn tựu một cách tích cực, cả về những gì chúng ta làm một cách thụ động cũng như tích cực làm. Gia đình trong câu chuyện trên giải hòa không phải do các thành tựu của bà mẹ, nhưng do sự sinh hoa kết trái của bà. Đó là bí ẩn của sự thụ động.
Pierre Teilhard de Chardin, trong tác phẩm thiêng liêng kinh điển, Cảnh vực thần linh, The Divine Milieu, nói với chúng ta rằng chúng ta được định để giúp người khác qua những hoạt động và thụ động của chúng ta, qua những gì chúng ta cho đi một cách chủ động và cả những gì chúng ta thấm nhận một cách bị động.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc thêm: Đau buồn như một bài tập thiêng liêng