Những lợi ích ẩn dấu của Cô đơn (4/8)
Trích sách Quả tim thao thức, The restless heart, Ronald Rolheiser
Nếu được lắng nghe, tâm trạng cô đơn sẽ đặt một áp lực thúc đẩy chúng ta trả giá cho tình yêu, cụ thể là, hành động tự tận hiến.
Tâm trạng cô đơn tạo cho chúng ta một áp lực liên tục thúc đẩy chúng ta trả giá cho tình yêu thật sự. Tình yêu thật sự đó là – tình yêu vị tha, kiểu tình yêu được mô tả trong lời của Chúa Giêsu và trong Tân Ước – không tự nhiên xảy đến với chúng ta. Không một ai tự nhiên rơi vào tình yêu! Tình yêu luôn luôn là kết quả của một số nỗ lực và một vài hy sinh, một vài rạn nứt và than khóc. Đó là kết quả của ý chí con người chấp nhận rời bỏ để chịu treo trên thập giá và chết đi phần nào. Chỉ có ba dạng người nghĩ rằng tình yêu chân thật là điều dễ dàng: những người thực sự là thánh đã qua nhiều năm rèn luyện đau đớn biến tình yêu thành điều quen thuộc với mình; những người khéo lèo lái lẫn lộn tự thỏa mãn với tình yêu đích thực; và những người mơ mộng vô thực không biết họ đang nói cái gì. Vì nhuốm vết dơ tính ích kỷ, nên rất khó có tình yêu đích thực và được rất khó giữ tình yêu.
Dù vậy trải nghiệm về tâm trạng cô đơn có thể là một hỗ trợ mạnh mẽ cho chúng ta để đấu tranh rời bỏ cái tôi của mình và hướng đến người khác – với một tình yêu vị tha. Thường thường là do chúng ta đã đau khổ vì cô đơn nên chúng ta sẵn lòng cố gắng và hy sinh cần thiết khi tiếng gọi mãnh liệt của tình yêu đòi hỏi.
Ví dụ chẳng hạn, tưởng tượng một cậu bé nhỏ chơi bóng với bạn trên bãi cỏ. Là đứa trẻ được nuông chiều đến hư hỏng, nó không chịu chơi theo luật, bắt mọi thứ phải theo ý định bất chợt của nó. Cuối cùng, chán nản vì tính tự cho mình là trung tâm vũ trụ của nó, các em bé khác bỏ mặc nó một mình đi chỗ khác chơi. Cay đắng và bị tổn thương, nó ngồi hờn dỗi một lúc, đổ lỗi cho mấy đứa trẻ khác để nó trong tình trạng tội nghiệp này. Nhưng ngồi hờn dỗi một lúc, nó cảm thấy khá cô đơn (như tất cả chúng ta đã từng thấy như vậy), rồi cuối cùng nó dẹp tự ái (và có thể nó còn khóc nữa) đi trở lại chơi với các bạn. Tuy nhiên lần này, nó bớt ích kỷ và chơi theo luật. Nó đã học một ít bài học về yêu thương và có lẽ học bài học kinh nghiệm bị ruồng bỏ và cô đơn mà trước đó nó chưa bao giờ học.
Nếu chúng ta chưa từng cô đơn, thì có thể chúng ta sẽ dễ dàng ích kỷ. Bất cứ lúc nào thích hợp, chúng ta cũng có thể đi vào vỏ cay đắng, kiêu ngạo, tự thương thân, ích kỷ, đại loại những thứ như vậy. Tuy nhiên, kinh nghiệm về cô đơn làm cho chúng ta không biến những thứ này thành chiếc kén bọc kín mình. Cô đơn làm cho chúng ta đau đớn và khó chịu, như thế nó giúp chúng ta thúc bách phá vỡ bất kỳ hàng rào cản nào của tính ích kỷ và kiêu ngạo ngăn không cho chúng ta gắn kết với Thiên Chúa và với tha nhân trong một tình yêu đích thực.
Đi ngược đến tận nguồn cội, tâm trạng cô đơn không gì khác hơn là tình trạng đói khát tình yêu. Vì quá mạnh mẽ và không dập tắt được, cơn đói khát này gây nên một thúc bách liên tục buộc chúng ta phải chấp nhận trả giá để có được thông hiệp và tình yêu. Nó chính là động năng hiệu lực trong chúng ta, bắt chúng ta phải hành động để làm cho chính mình đáng yêu hơn.
J.B. Thái Hòa dịch
Xin đọc thêm: Lời nói đầu sách Quả tim thao thức
Những lợi ích ẩn dấu của Cô đơn (1/8)