Antôn nói, Chúa chứng duyệt (1-6)

275

Antôn nói, Chúa chứng duyệt (1-6)

Trích sách Tiểu sử Thánh Antôn Pađua, Françoise Bouchard, nxb. Salvator 

Trao đổi riêng với giáo hoàng

Kỷ niệm hạnh phúc ở Sicile 

Chúng ta biết Antôn đã đến Sicile một lần. Dù không phải tất cả các nhà viết tiểu sử đều nhắc đến giai đoạn này, nhưng có một số nhà nói đến lần đi Sicile thứ nhì của Antôn. Các dấu vết của lần đi thăm này khá thật để chúng ta xem xét. Lý do đầu tiên là do có lời than phiền của các tu sĩ Dòng Phanxicô ở Messine, họ phải nhọc nhằn đi xa trên con đường triền dốc để lấy nước uống hàng ngày. Antôn rời đan viện và dừng lại ở một chỗ gần đó, ngài đưa mắt lên trời và nói với họ:

– Đào ở đây, tôi tin Chúa sẽ ban nước cho chúng ta.

Một người trong số họ nói:

– Nhưng vô ích thôi, chúng tôi đã đào, không có một giọt nước nào ở đây.

Antôn không trả lời phản bác này, thậm chí còn như không nghe thấy. Ngài khuyên anh em đào ngay. Tất cả ngạc nhiên thấy có nước trong vắt và nguồn nước không bao giờ cạn.

Ở Sicile, ít nhất có ba cơ sở do Antôn xây. Ở Cefalù, các tu sĩ đầu tiên đến đây muốn đặt tên Antôn cho nóc chuông nhà thờ của họ. Ngay lập tức tiếng chuông này nổi danh, vì làm hạ ngay các cơn giông bão khi được gióng lên. Tương truyền cây cam Antôn trồng giữa tu viện kín cho trái có tác dụng chữa bệnh.

Ở Tarantino, có một người thợ làm việc trên công trường xây dựng bị thương nặng vì đá từ dàn xây rớt xuống. Các đồng bạn thấy ông nằm bất động trong vũng máu, họ xác nhận ông đã chết. Antôn đến gần, với giọng nói đầy quyền uy dõng dạc, ngài nói: “Cậy vì công đức của Thánh Phanxicô Assisi và nhân danh Chúa Kitô, anh hãy trở về với sự sống.”

Người đàn ông đứng dậy, mạnh mẽ như trước và không để lại vết thương nào.

Nơi thứ ba có dấu vết Antôn đi qua là Noto. Ở đó Antôn đã giảng cho đám đông. Khi Antôn đến, giám mục, các giáo sĩ và giáo dân đã rước Antôn về tận tu viện Dòng Phanxicô. Giai đoạn Antôn đi qua ở đây là ngày đan viện Patti được xây. Từ đó Antôn phải đi về Rôma. 

Giáo hoàng lắng nghe Antôn

Khi Antôn đến Rôma, giáo hoàng Honorius III đã qua đời từ ngày 18 tháng 3 năm 1227 và vị kế nhiệm được bầu ngay ngày hôm sau. Đó là hồng y Hugolin, bạn thân của Thánh Phanxicô khi ngài còn sống và rất thân với các tu sĩ Dòng Phanxicô. Ngài lấy tên là giáo hoàng Grêgôriô IX. Ngài đã biết tài hùng biện của Antôn, kiến thức thiêng liêng và sức thuyết phục mạnh mẽ trên người nghe dù đó là giáo dân hay tu sĩ, người có học hay người không biết chữ, người thành phố hay thôn quê, người trẻ hay người già và cả những người không tin. Giáo hoàng Grêgôriô IX giao cho Antôn nói trước hai cử tọa:

– Các hồng y đang còn ở lại trong kỳ mật nghị bầu mình;

– Các đám đông về Rôma hàng năm để nghe giảng Mùa Chay và hưởng ơn toàn xá được ban vào dịp Phục Sinh.

Antôn đã rất thành công ở cả hai cử tọa, các hồng y đến nghe Antôn nói chuyện với khách hành hương và người dân Rôma. Giáo hoàng cũng đích thân đến nghe với họ. Với kiến thức hiểu biết, am tường thần học, nhớ thuộc lòng Kinh Thánh mà theo Antôn, đó là “Vòm Tân ước” và “Kho tàng Sách Thánh.”

Cuộc nói chuyện riêng giữa giáo hoàng và Antôn đề cập đến nhiều vấn đề. Một trong các điểm thiết yếu là tìm người kế vị Thánh Phanxicô. Không làm ảnh hưởng đến kết quả bỏ phiếu dự trù sẽ tổ chức vào ngày lễ Assise, Antôn lưu ý Giáo hoàng về các dự định của thầy Élie đang giữ chức vụ bề trên Tổng quyền. Antôn cho Giáo hoàng biết, thầy Élie muốn giảm nhẹ mức độ khó nghèo của các tu sĩ Dòng Phanxicô và muốn tiến hành các cải cách mà theo Antôn thì có hại cho sự sống còn của Dòng. 

Một bản song ca với loài chim

Antôn rời Rôma để đến Assise. Trời rất nóng. Tuy mới 32 tuổi nhưng hai chân của Antôn ngày càng nặng nên buộc tu sĩ tháp tùng theo Antôn phải nghỉ chân thường xuyên. Như Thánh Phanxicô, Antôn thích ngồi dựa thân cây để quan sát mặt đất, xem côn trùng bay tới bay lui, hoặc ngắm mấy con chim bay ra bay vào tổ nuôi con. Đặc biệt Antôn thích bắt chước tiếng chim hót, nhất là chim ngói, ngài có tài năng đặc biệt đáng nể này. Trước khi rời đi, Antôn chào các bạn động vật của mình, ngài khen ngợi chúng biết ca ngợi Đấng Tạo Dựng. Lòng hân hoan, Antôn lên đường đầy sức lực, vừa đi vừa hát thánh vịnh với bạn đồng hành. Khi đi đường nếu Antôn gặp người nông dân hoặc người chăn chiên, Antôn không quên khuyến khích họ kiên trì trong công việc tốt đẹp của mình và tìm sức mạnh và an ủi trong bí tích Thánh Thể.

Một cuộc bầu cử căng thẳng

Khi đến Assise, việc đầu tiên Antôn đến cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ trong nhà nguyện Mẹ Maria-Thiên thần. Rồi ngài đến cầu nguyện ở mộ Thánh Phanxicô trong nhà thờ Thánh-Georges. Antôn tham dự nhiều buổi họp tổng tu nghị cùng với các bề trên Tỉnh dòng, các bề trên thay thế Tỉnh dòng, các bề trên tu viện. Antôn dùng ảnh hưởng của mình với đồng hữu để ngăn họ không bầu cho thầy Élie và hướng họ bầu cho thầy Jean Parent của tỉnh Florence, bề trên Tỉnh dòng Tây Ban Nha. Ngài nêu cao sự liêm chính của thầy Jean Parent trong việc giữ luật Dòng, đức khiêm tốn, tận tụy với Dòng vô vụ lợi và có khả năng khôi phục lại kỷ luật Dòng ở những nơi buông thả. Vì vậy thầy Jean Parent đã có đa số phiếu bầu vào chức vụ bề trên Tổng quyền. Cuộc bầu này do sức thuyết phục của Antôn bên cạnh các đồng hữu hay do sự can thiệp kín đáo của giáo hoàng Grêgôriô IX?…

Việc đầu tiên của bề trên tổng quyền là viết đơn thỉnh cầu gởi đến Đức Giáo hoàng để xin sớm phong thánh cho Thánh Phanxicô. Lập luận của ngài là một danh sách dài các phép lạ được nhà cầm quyền địa phương công nhận không những khi ngài còn sống mà cả trên mộ của ngài.

Và đơn thỉnh cầu đã có hiệu quả. Chỉ một năm sau giáo hoàng tuyên bố phong thánh, ngược với thủ tục bình thường chậm chạp lâu dài và tẻ nhạt.

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc thêm: Lời nói đầu sách Tiểu sử Thánh Antôn Pađua