“Đức Phanxicô đang mạo hiểm đời mình cho Amazon”

174

 “Đức Phanxicô đang mạo hiểm đời mình cho Amazon”

cruxnow.com, Inés San Martín, Quito, Ecuador, 2016-11-17

 Gregorio Diaz Mirabal, nhà lãnh đạo các sắc dân bản địa cho biết: “Người anh em Phanxicô” đang mạo hiểm đời mình cho vùng Amazon.

Ông Gregorio Diaz Mirabal, điều phối viên của tổ chức COICA, một nhóm gồm hơn 4 500 cộng đoàn của vùng Amazon. (Hình: Crux / Ines San Martin.)

Theo ông Gregorio Diaz Mirabal, “Người anh em Phanxicô” đang mạo hiểm đời mình “cho vùng Amazon vì Nga, Trung quốc, Mỹ và châu Âu, các cường quốc toàn cầu không hài lòng với các nỗ lực của ngài để làm sáng tỏ tình hình trong khu vực.”

Theo người được cho là nhà lãnh đạo quan trọng nhất của vùng bản địa Amazon thì khi tổ chức Thượng hội đồng về Amazon tại Rôma vào tháng 10 sắp tới, Đức Phanxicô đang mạo hiểm đời mình khi bảo vệ vùng rừng nhiệt đới cũng như quyền của những người sống ở đó.

Đức Phanxicô không ở một mình. Theo ông Diaz Mirabal, nhiều hồng y, giám mục, linh mục cũng mạo hiểm đời mình khi bảo vệ chúng tôi và cứu hành tinh.

Ông Diaz Mirabal là điều phối viên của tổ chức COICA gồm một nhóm hơn 4 500 cộng đoàn sống trong vùng Amazon, ước lượng có 500 dân tộc bản địa khác nhau sống trong một vùng có khoảng 4 triệu dân.

Dù đánh giá của ông có vẻ quan trọng hóa, nhưng nó khó tách ra khỏi bối cảnh. Cho đến bây giờ là năm 2019, có khoảng 200 lãnh đạo các sắc dân bản địa bị giết vì họ tố cáo các thiệt hại gây ra do các dự án khai thác và các công ty hầm mỏ.

Ông Diaz Mirabal sẽ tham dự Thượng hội đồng sắp tới ở Rôma, ông tuyên bố sự hiện diện của những người sắc tộc ở đây không phải “để chụp hình với giáo hoàng.” Nhưng ông cho biết: “Đây là dịp để nghe một giáo hoàng nói sự thật, một thực tế lịch sử của vấn đề người bản địa. Ngài đảm trách với một lòng dũng cảm cao lớm. Chúng tôi có bổn phận tinh thần phải giúp đỡ ngài trong cuộc chiến này. Để ngài một mình bây giờ là đảm bảo cho sự hủy diệt của thế giới”.

Dù ông Diaz Mirabal không phải là người công giáo nhưng ông khẳng định có mối dây liên kết chặt chẽ với Giáo hội và vinh dự được tham dự cuộc họp thượng đỉnh này.

Ngày thứ sáu 23 tháng 9, ông tuyên bố với một nhóm nhà báo ở Quito: “Đức Phanxicô rất dũng cảm và có một sự nhạy cảm vô song. Chúng tôi muốn đến thượng hội đồng không phải để chụp hình với giáo hoàng, nhưng chúng tôi phải đề nghị các giải pháp ngắn hạn và dài hạn để cứu hành tinh, vì chúng ta cứu vùng Amazon là chúng ta cứu nhân loại”.

Theo ông Diaz Mirabal, các công ty tư nhân, các chính quyền, các người dân của chín nước trong vùng Amazon không xem vùng này như một vùng rừng nhiệt đới ẩm ướt, nhưng họ xem đây là vùng đất để khai thác dầu hỏa, vàng, nước hoặc quặng coltan.

Ông Diaz Mirabal đã gặp Đức Phanxicô vào tháng 6 vừa qua ở Rôma trong một sự kiện của Liên Hiệp Quốc. Ông cho biết, ngài đã nói với ông, ngài nâng đỡ các sắc dân bản địa vì họ là “những người duy nhất muốn cứu hành tinh”. Ngài cũng nói với ông, các cộng đoàn bản địa hiểu mô hình kinh tế hiện nay có hại cho hành tinh và người dân như thế nào.

Và ông cũng nói với Đức Phanxicô, tổ chức COICA đã hợp tác với REPAM, mạng lưới Giáo hội tập hợp nhiều tổ chức công giáo khác nhau hoạt động trong vùng Amazon và với CELAM, hội đồng các giám mục Châu Mỹ La Tinh, Caritas, nhóm điều phối các tổ chức từ thiện công giáo và nhiều giáo hội địa phương khác.

Một giờ trước khi nói chuyện với các nhà báo, nhóm do ông Diaz Mirabal điều khiển đã ký một thỏa thuận với cô Greta Thunberg, thiếu nữ người Thụy Điển nổi tiếng trong việc cảnh báo cho thế giới về hiểm nguy của việc thay đổi khí hậu. Ngày 20 tháng 9, cô sẽ dẫn đầu một cuộc biểu tình ở New York và ông Diaz Mirabal sẽ có mặt.

Dù với rất nhiều hy vọng cho thượng hội đồng sắp tới nhưng ông Diaz Mirabal cho biết, điều ông thật sự quan tâm là những gì xảy ra sau thượng hội đồng, bởi vì nếu tất cả vẫn ở tại Rôma, thì đó sẽ là một thất bại.

Ông tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng chúng ta sẽ cùng nhau cam kết để tạo một chương trình làm việc toàn cầu, được Đức Phanxicô và các dân tộc bản địa củng cố, để hy vọng đánh thức hành tinh này bởi vì có quá nhiều nhẫn tâm với những gì đã xảy ra và chúng ta phải lay động để thế giới hành động”.

Khi được hỏi quan điểm của ông đối với Giáo hội Công giáo, biết Giáo hội đã đóng vai trò then chốt trong việc thực dân hóa khu vực của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, nhà lãnh đạo bản địa cho biết điều thiết yếu ngày nay là phải vượt lên các sai lầm trong quá khứ, và dù điều này vẫn còn trong ký ức của người dân, nhưng bây giờ Giáo hội là chìa khóa trong việc bảo vệ quyền và nhà của họ.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết, có một “tiếng gọi lịch sử cho “đạo quân” qua đó Giáo hội phải hành động: “Đúng chúng tôi cần lời cầu nguyện của quý vị, nhưng chúng tôi cũng cần hành động của quý vị. Tất cả chúng ta phải hợp lại để cứu hành tinh.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: Một thượng hội đồng để cứu Amazon và Giáo hội (1/3 

Một thượng hội đồng để cứu Amazon và Giáo hội (2/3)

Ở Amazon, các câu trả lời mục vụ “táo bạo và hiệu quả”