Sống đời sống truyền giáo ở Nhật
laciviltacattolica.it, Adolfo Nicolas, 2014-09-20
Đức Phanxicô trong một lần gặp cựu Bề trên Tổng quyền Dòng Tên Adolfo Nicolas
Năm 1549, Thánh Phanxicô Xavier đã viết năm bức thư từ Nhật Bản nhưng có lẽ bức thư thứ nhất là bức thư nổi tiếng nhất, trong thư ngài bày tỏ ấn tượng của mình về người dân Nhật. Ngài viết: “Đây là những người tốt nhất chúng tôi chưa từng gặp trong những người chúng tôi đã nói chuyện từ trước đến nay, và trong số những người ngoại đạo, chúng tôi sẽ không tìm thấy ai khác ngoài người Nhật”. Ngài ngưỡng mộ tính lịch sự, trung thực và ý thức danh dự của người Nhật.
Có lẽ sẽ không quá “nói cho vừa lòng” để nói điều gì đó tương tự ngày hôm nay, nhưng tôi xin lặp lại lời Thánh Phanxicô. Tôi đã được đặc ân sống và làm việc ở Nhật trong hơn 30 năm và tôi thực sự tin người Nhật là một trong những người suy nghĩ, có học thức, sâu sắc và hòa đồng nhất mà tôi từng gặp. Họ được biết là những người yêu thích trật tự, tổ chức và tuân thủ pháp luật. Nhưng trong những tình huống khủng hoảng, khẩn cấp và đau khổ, họ đã phản ứng với lòng lân tuất và có tình người như chúng ta đã thấy trong cuộc khủng hoảng Fukushima gần đây.
Tôi không có thời gian để kể lại các thời kỳ nhưng chúng ta có thể nhớ, cả thế giới kinh ngạc về phẩm giá, kỷ luật và tinh thần hy sinh mà người Nhật đã đối phó với cuộc khủng hoảng.
Lòng tôn kính
Điều quan trọng là chúng ta bắt đầu suy tư từ một thái độ thiết yếu, mà chúng tôi có thể nói đó là “sự tôn kính”, một xác tín cơ bản theo đó, trước khi Giáo hội hoặc nhà truyền giáo đến một nơi nào đó, Thiên Chúa đã làm việc trong các dân tộc và văn hóa. Đây cũng là xác tín cơ bản cho Công đồng Vatican II và đáng để nhắc lại, vì trong quá khứ, lịch sử truyền giáo của chúng ta không phải lúc nào cũng bắt đầu từ giả định này, và hiện tại của chúng ta, nơi luôn không khoan dung và thiếu tôn trọng người khác, tôn trọng những người khác chúng ta.
Thật tốt khi nhớ đến Tự sắc về hoạt động truyền giáo của Công đồng Vatican II, trong đó khẳng định “sự thật và ân sủng đã có trong các quốc gia khác nhau, gần giống như một sự hiện diện ẩn giấu của Thiên Chúa” (số 9). Trong một số từ đẹp nhất của tự sắc (số 11), các nhà truyền giáo được mời gọi để hòa nhập sâu vào các nền văn hóa mà họ được gửi đến, “để hiểu sâu sắc truyền thống dân tộc và tôn giáo bản xứ” và “khám phá với niềm vui và tôn trọng hạt giống của Lời tiềm ẩn”, để “thông qua một đối thoại chân thành và kiên nhẫn, biết các điều phong phú mà Chúa quảng đại đã ban cho dân chúng”.
Cần lưu ý tất cả các từ được sử dụng trong tự sắc này khuyến khích một quan điểm tôn kính: “niềm vui”, “tôn trọng”, “đối thoại chân thành và kiên nhẫn”, một ý chí muốn “biết”. Bất cứ điều gì chúng ta có thể nói hoặc thảo luận, tôi hy vọng thái độ cơ bản tôn trọng công việc của Chúa trong các nền văn hóa của các dân tộc Nhật Bản và châu Á sẽ luôn hiện diện.
Nhạy cảm
Bắt đầu với định hướng đầu tiên không thể thiếu này, tôi muốn đề xuất một viễn cảnh truyền giáo thứ hai cho Nhật Bản và Châu Á, có thể được gọi là “sự nhạy cảm”, một nhận thức về các chiều kích “ẩn giấu” và sâu sắc nhất của sự tồn tại của con người. Tôi muốn nói gì ở đây? Người Nhật là một trong những dân tộc có khiếu âm nhạc nhất trên thế giới. Nhà phê bình âm nhạc người Anh Ivan Hewett khẳng định: “Trung tâm thần kinh của âm nhạc cổ điển trong những năm đầu của thế kỷ 21 không phải ở Vienna, Berlin, London hay New York, nhưng ở Tokyo, vì ‘lòng tận tụy say mê’ âm nhạc cổ điển với thực tế thành phố này có nhiều phòng hòa nhạc hơn bất kỳ thành phố lớn nào trên thế giới, Tokyo có tám dàn nhạc – nhiều hơn một so với Berlin!. Khán giả lắng nghe trong một im lặng chỉ có thể được mô tả là sốt sắng”. Ông Hewett viết tiếp: “Trong một buổi hòa nhạc ở Tokyo, người bên cạnh tôi ngồi bất động hoàn toàn, mắt nhắm lại, trong suốt ba giờ ngồi nghe Cuộc khổ nạn theo Thánh Mátthêu của Bach, chỉ với một cử động nhịp nhàng nhỏ của ngón tay út cho thấy anh vẫn còn sống” (The Telegraph, 20 tháng 5 năm 2006).
Tất cả những điều này có liên quan gì đến truyền giáo? Tôi tin rằng tôn giáo, trước hết, giống với “ý nghĩa âm nhạc” là một hệ thống hợp lý của giảng dạy và giải thích. Trước hết, tôn giáo liên quan đến một sự nhạy cảm, cởi mở với các chiều kích siêu việt, chiều sâu, nhưng không, về vẻ đẹp làm nền tảng cho những trải nghiệm của con người chúng ta. Nhưng, tất nhiên, đây là một sự nhạy cảm ngày càng bị đe dọa bởi một não trạng thuần túy về kinh tế hoặc vật chất, ngăn cản chúng ta tiếp cận đến các chiều sâu hơn của thực tế.
Thật thú vị khi ghi nhan một đại diện quan trọng trong nền âm nhạc Nhật Bản, Yazawa Takaki, người đứng đầu Milo Art Tower, nơi có một trong các dàn nhạc thính phòng lớn nhất thế giới, lo ngại rằng người Nhật đánh mất cảm giác âm nhạc. Bên trong phòng hòa nhạc lớn này, ông nói với nhà phê bình âm nhạc Ivan Hewett: “Sự im lặng có ngự trị trong căn phòng này không? Đây là những gì âm nhạc thực sự cần, nhưng chúng ta có rất ít sự im lặng trong cuộc sống. Tôi tự hỏi không biết các thế hệ trẻ sẽ có thể nghe nhạc không”.
Như thế, dường như Yazawa viện dẫn khái niệm “ma” cổ xưa của Nhật, theo đó âm nhạc “chỉ sống trong cuộc đối thoại liên tục với sự im lặng”. Khi cảm giác âm nhạc này bị xói mòn và suy yếu bởi tiếng ồn ào, tốc độ, hình ảnh bản thân của thế giới hiện đại và hậu hiện đại, đây là điều xảy ra với “sự nhạy cảm tôn giáo”, sự nhạy cảm với các chiều sâu nhất của thực tế, nơi có thể gặp gỡ Chúa.
Nhưng cũng giống như “cảm giác âm nhạc” có thể bị mất, giống như cách nó có thể được phục hồi hoặc được dạy. Trên YouTube, chúng ta có thể xem một bài phát biểu đáng chú ý trong một sự kiện của chương trình Ted (Technology, Entertainment and Design) của một người có tên là Benjamin Zander, người dạy cho một nhóm các nhà điều hành thích âm nhạc cổ điển [1]. Đó là một bài học đáng kinh ngạc, kết thúc với một nhóm thính giả nhiệt tình, có thể đánh giá cao các bản nhạc của Chopin mà trước đây họ không thể “nghe” để thực sự gọi là nghe. Theo cách tương tự, tôi đề nghị nhiệm vụ ngày nay ở Nhật Bản và châu Á trước hết phải giúp mọi người khám phá hoặc khám phá lại “cảm giác âm nhạc” này, “sự nhạy cảm tôn giáo” này, sự nhận thức và đánh giá cao các chiều kích của thực tế, sâu sắc hơn là lý do công cụ hoặc quan niệm duy vật về cuộc sống.
Duy trì “sự nhạy cảm” này là mối quan tâm đặc biệt của Đại học Sophia. Có lẽ giáo dục là biên giới cuối cùng, cơ hội cuối cùng để gìn giữ “sự nhạy cảm tôn giáo” này của người Nhật. Thật không may, “ngày nay, nhiều nhà văn và học giả nói về một cuộc khủng hoảng trong giáo dục đại học trên toàn thế giới. Một số nhà phê bình nói rằng các trường đại học chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu thị trường, họ đã trở thành nơi mà người trẻ tuổi được đào tạo đơn giản để làm việc, để kiếm tiền nhiều, để có một địa vị do thị trường quyết định. Nghiên cứu cũng theo định hướng kinh tế, duy nhất chỉ phục vụ cho công nghiệp và thương mại. Sự cạnh tranh, mong muốn tạo nên sự nghiệp, muốn có lợi ích kinh tế nhiều nhất đã trở thành động lực của chính một số thể chế”.
Sẽ là một thảm kịch nếu các trường đại học của chúng ta giới hạn trong việc đi tìm tính hợp lý và sự hiểu biết của con người trong thế giới thế tục và vật chất. Các lý do để thực hiện một tiến trình đào tạo giáo dục là hoàn toàn khác nhau. Chúng ta không tham gia vào giáo dục theo chủ nghĩa chiêu dụ nhưng là để biến đổi. Chúng ta muốn đào tạo một loại nhân loại mới là “âm nhạc”, duy trì sự nhạy cảm đó với cái đẹp, lòng tốt, biết đau khổ với người khác, với lòng trắc ẩn. Chúng ta đề nghị một “nền giáo dục Kitô” vì chúng ta tin Chúa Kitô đưa ra các chân trời vượt ra ngoài những lợi ích hạn chế của nền kinh tế hoặc sản xuất vật chất; tin Chúa Kitô đưa ra tầm nhìn về một nhân loại triển nở hơn, đưa con người vượt lên chính mình để quan tâm và lo lắng cho người khác; tin Chúa Kitô không chỉ cung cấp thông tin mà thế giới đã có đầy, nhưng Chúa Kitô mang đến sự khôn ngoan, minh triết, sự sâu sắc nhân bản qua đó người dân Nhật mang một truyền thống nhạy cảm sâu sắc.
Làm thế nào để chúng ta thúc đẩy một “sự nhạy cảm tôn giáo”, cái mà tôi đã định nghĩa là một loại “cảm giác âm nhạc”? Tôi nghĩ đây là một thách thức cơ bản trong sứ mệnh của chúng tôi ở Nhật Bản và Châu Á ngày nay: một thách thức đòi hỏi một suy tư thần học và mục vụ sáng tạo. Tôi nghĩ Đại học Sophia có thể đưa ra những gì họ đang làm để giúp sinh viên và giáo sư của mình duy trì và đào sâu sự nhạy cảm này với các chiều kích thiết yếu của sự hiện sinh.
Điều này rất đáng quan tâm và cho thấy qua nhà thơ Nhật đa tài Arai Man, trong cuốn sách nhỏ Sinfonia di Dio, được xuất bản nhân dịp kỷ niệm 100 năm của Đại học Sophia, khi nói về lời cầu nguyện của thánh Phanxicô Assisi “Xin cho con là khí cụ bình an của Ngài” thì ông viết “xin cho con là nhạc cụ ‘gakki’. Theo cách này, ông kết hợp hai thuật ngữ vừa trình bày là “sự tôn kính” và “sự nhạy cảm” (theo ý nghĩa âm nhạc), để chúng ta có cơ hội mới ‘cùng đàn’ bản Giao hưởng của Thiên Chúa với những người khác chúng ta.
Hy vọng
Điểm thứ ba và cuối cùng là “hy vọng”. Tôi biết ngày nay ở Nhật có nhiều mối quan tâm, vì sự “xám xịt” của Giáo hội Nhật Bản: thực tế là, sau một trăm năm truyền giáo, Giáo hội vẫn là một thiểu số nhỏ đang nhanh chóng già đi. Trong số các điều khác, tôi đã có nhiều dịp nghe một bản án gần như tuyệt vọng rằng “việc truyền giáo đã thất bại ở Nhật”.
Đọc khía cạnh này theo chuyển động tâm hồn trong các Bài tập Linh Thao thì chúng ta có thể nói đến “sầu khổ giáo hội” mà một số người ngày nay đang thấy ở Nhật. Nhìn chuyển động theo hướng này, chúng tôi nhận ra đòi hỏi của phân định và hành động. Trong các bài tập linh thao, Thánh I-Nhã cho chúng ta khôn ngoan để đối diện với sầu khổ. Ngài nhắc chúng ta khi ở trong tình trạng sầu khổ thì sự “giúp đỡ thiêng liêng luôn tồn tại, ngay cả khi chúng ta không thấy rõ ràng” (số 320). Ngài khuyên “những ai ở trong tình trạng sầu khổ phải cố gắng kiên nhẫn” (số 321) và tất cả là món quà và ân sủng của Thiên Chúa. Nó nâng đỡ chúng ta chịu đựng sầu khổ, vì đó là cách để thanh tẩy tình yêu của chúng ta, để chúng ta cố gắng đi tới trong công việc phục vụ Chúa và ngợi khen Chúa.
Theo nhiều cách, Thánh I-Nhã khuyên người đang sầu khổ hy vọng vào một tầm nhìn rộng lớn hơn trong chương trinh hoạch định của Chúa. Và có lẽ đây cũng là một thái độ quan trọng cần có khi nói về sứ mệnh ở Nhật và Châu Á.
Cách đây vài năm, cố thần học gia nổi tiếng người Nhật Kosuke Koyama viết quyển sách có tựa đề gây tò mò “Thiên Chúa đi ba dặm một giờ”. Ông Koyama nói về sự thiếu kiên nhẫn của chúng ta, về mong muốn đi nhanh theo tốc độ của công nghệ tối tân nhất, ngay cả những gì liên quan đến sứ mạngtruyền giáo của chúng ta. Chúng ta muốn thành công nhanh, có kết quả ngay lập tức. Tuy nhiên, ông khẳng định, nó không phải là như vậy. Thiên Chúa đi ba dặm một giờ, đó là tốc độ của một người đi bộ. Thần học gia Koyama giải thích, đây là tốc độ của Chúa, vì đó là tốc độ của tình yêu. Ông viết: “Tình yêu có tốc độ của nó. Đó là tốc độ của tâm linh. Một loại tốc độ khác với tốc độ công nghệ mà chúng ta đã quen. Tình yêu đi vào chiều sâu cuộc sống chúng ta, với tốc độ ba dặm một giờ, dù chúng ta có nhận ra hay không. Đó là tốc độ chúng ta bước đi, và đó là tốc độ của tình yêu mà Chúa đi”.
Đã có một thời người châu Âu dành cho cái gọi là “thám hiểm châu Phi”. Một trong những người châu Âu này đã thuê một nhóm đàn ông châu Phi mang các thiết bị nặng vác trên vai đi qua các đồng bằng và các ngọn đồi rộng lớn. Đến một lúc nhóm này dừng lại, họ đồng loạt nghĩ trong khi người châu Âu muốn họ tiếp tục đi nhanh hơn. Khi người châu Âu hỏi họ đang làm gì, một người trong số họ trả lời: “Chúng tôi ngừng lại để tâm hồn chúng tôi có thể bắt kịp cơ thể của chúng tôi.” Họ biết đúng tốc độ của con người, và điều gì tốt cho họ.
Tôi hy vọng rằng sứ mạng ở Nhật Bản và Châu Á có thể được thực hiện với sự tôn trọng sâu sắc công việc của Chúa đối với các dân tộc và văn hóa, cố gắng đánh thức sự nhạy cảm tôn giáo của mọi người, với lòng kiên nhẫn và hy vọng [2].
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
[1]. B. Zander, Sức mạnh biến đổi của âm nhạc cổ điển.
[2]. Bài đọc của Bề trên Tổng quyền Dòng Tên ngày 14 tháng 3 năm 2014 tại Giáo hoàng Học viện Gregoria Rôma tại Hội nghị quốc tế “Giữa quá khứ và tương lai, sứ mệnh của Giáo hội Công giáo ở Châu Á: sự đóng góp của Đại học Sophia” nhân dịp kỷ niệm một trăm năm ngày thành lập Đại học Sophia ở Tokyo.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch :
Đức Phanxicô, nước Nhật và Giáo hội trên con đường truyền giáo
Linh mục Adolfo Nicolas cựu Bề trên Tổng quyền Dòng Tên