Đức Phanxicô, nước Nhật và Giáo hội trên con đường truyền giáo
vaticannews.va, 2019-09-13
Đức Jorge Mario Bergoglio khi còn là linh mục trẻ
Ngày thứ sáu 13 tháng 9, ông Alessandro Gisotti, phó giám đốc-biên tập Vatican News loan báo chuyến tông du thứ 32 của Đức Phanxicô. Tháng 11 năm nay, ngài sẽ đi Thái Lan và Nhật, đất nước đặc biệt thân yêu với trái tim Dòng Tên của ngài.
Đức Hồng y Jorge Mario Bergoglio đã nói với tạp chí El Jesuita: “Với thời gian, tôi cảm thấy khao khát muốn đi truyền giáo ở Nhật, nơi các tu sĩ Dòng Tên luôn làm một công việc rất quan trọng.” Chúng ta đang ở năm 2010. Tổng Giám mục Buenos Aires sắp 75 tuổi, tuổi từ bỏ vụ mục vụ.
Nói chuyện với các nhà báo Argentina Sergio Rubin và Francesca Ambrogetti, ngài chịu nói đến ‘bản kết toán’ đầu tiên cuộc đời mình. Nhớ lại tuổi trẻ và tâm trạng khi ngài quyết định vào Dòng Tên, ngài cho biết tầm mức truyền giáo quan trọng như thế nào trong chọn lựa của mình, một phần không thể thiếu trong ADN của Dòng Tên.
Khao khát của chủng sinh trẻ Jorge Mario Bergoglio bây giờ sẽ được thực hiện qua chuyến tông du sắp tới, khi ngài sẽ là người hành hương nhưng cũng là nhà truyền giáo ở đất nước Nhật Bản, sau khi ngài đã đến thăm đất nước này năm 1987.
Với các tu sĩ Dòng Tên, nước Nhật luôn có một lôi cuốn đặc biệt kể từ năm 1549 khi Thánh Phanxicô Xaviê đến đất nước này. Trong vòng năm thế kỷ, Dòng Tên không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để làm nổi bật dân tộc và văn hóa Nhật bản.
Sự quan tâm này được nhấn mạnh trong hai thập niên vừa qua với hai Bề trên Tổng quyền Dòng Tên, Linh mục Pedro Arrupe và Adolfo Nicolás, các ngài đã sống ở Nhật nhiều năm. Ngoài ra còn có linh mục Giuseppe Pittau, người đóng vai trò quan trọng trong đối thoại văn hóa giữa nước Nhật và phương Tây. Một cố gắng kiên nhẫn trong việc hội nhập văn hóa như trong một bài báo của Linh mục Adolfo Nicolás đăng ở tạp chí Văn minh Công giáo (La Civilttà Cattolica) năm 2014 đã viết: “Một kiên nhẫn không nhằm có thành công nhanh chóng và kết quả tức thì vì Thiên Chúa luôn đi theo nhịp của con người”.
Nhưng cái gì ở đất nước xa xuôi này đã đánh động mạnh nơi Đức Phanxicô? Câu trả lời là của chính ngài trong bài giảng ở Nhà nguyện Thánh Marta ngày 17 tháng 4 năm 2013 vào đầu triều giáo hoàng của mình.
Ngài nói đến với một tấm lòng ngưỡng mộ chứng từ của Giáo hội Nhật bản, một Giáo hội vẫn sống động dù bị bách hại từ thế kỷ 16 đến 17. Điều đánh động ngài nhất là tinh thần của các giáo dân, của những người đã được rửa tội và tinh thần này đã giúp Giáo hội vượt lên bão tố. Khi các nhà truyền giáo trở lại, họ thấy lại được “tất cả các cộng đoàn vẫn còn, tất cả đã được rửa tội, tất cả đã được học giáo lý, tất cả đều làm phép cưới ở nhà thờ”.
Một suy tư mà hai năm sau, được đào sâu và mở rộng khi ngài tiếp Hội đồng giám mục Nhật Bản trong chuyến đi ngũ niên Ad Limina của họ. Ngài nói đến di sản của Giáo hội Nhật Bản dựa trên hai cột trụ: các nhà truyền giáo mà sau Thánh Phanxicô Xaviê “đã cống hiến đời mình để phục vụ Giáo hội và dân tộc Nhật Bản”, và chính xác là các “tín hữu kitô ẩn mình”. Ngài nhận xét, khi các nhà truyền giáo và các linh mục bị trục xuất ra khỏi đất nước, “đức tin của cộng đoàn công giáo đã không bị nguội lạnh. Trái lại âm điệu đức tin của Chúa Thánh Thần đã thắp sáng qua lời giảng của các nhà truyền giáo vẫn còn an toàn nhờ các giáo dân ghi khắc lại”. Vì thế Giáo hội Nhật Bản nhắc cho chúng ta nhớ, qua lịch sử khó khăn của họ, qua ân sủng phong phú, các tín hữu kitô là những nhà truyền giáo tự bản chất. Đức Hồng y Bergoglio đã làm việc với một tinh thần dấn thân và đam mê trong Tài liệu Aparecida có tựa đề “Các môn đệ và nhà truyền giáo của Chúa Kitô”, tài liệu trong lần Hội đồng giám mục Châu Mỹ La Tinh và vùng Caraibe họp năm 2007. Chính Giáo hội truyền giáo này, truyền giáo bằng sức hấp dẫn mà Đức Phanxicô đã rao giảng và làm chứng từ đầu triều giáo hoàng của mình và trong nước Nhật mà ngài tìm thấy mảnh đất màu mỡ cho hạt giống Tin mừng nhỏ này.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc thêm: Đức Phanxicô sẽ đi Thái Lan và Nhật vào tháng 11-2019
Logo và khẩu hiệu chuyến tông du của ĐTC Phanxicô tại Nhật Bản