Dự án chống nghèo đói của Đức Phanxicô sẽ đến thăm Madagascar

275

Dự án chống nghèo đói của Đức Phanxicô sẽ đến thăm Madagascar

americamagazine.org, Gerard O’Connell, 2019-09-05

 

Linh mục Pedro Opeka Dòng Thánh Vinh Sơn Phaolô đón các em bé sống ở trung tâm Akamasoa, Madagascar ngày 27 tháng 8 năm 2019. (Ảnh CNS / Baz Ratner, Reuters)

Khi đến Madagascar ngày chúa nhật 8 tháng 9, Đức Phanxicô sẽ đến Antananarivo, thủ đô có 27 triệu dân và ngài sẽ đến thăm Trung tâm Akamasoa. Linh mục Pedro Pablo Opeka, 71 tuổi, linh mục truyền giáo người Argentina thuộc Dòng Thánh Vinh Sơn Phaolô, là con của một người di dân, cha đã làm một công việc phi thường để chống nạn nghèo khổ cùng cực ở đất nước này.

Mặc dù cả hai được sinh ra và chịu chức ở Buenos Aires nhưng cả hai chỉ mới gặp nhau vào tháng 5 năm 2018, khi linh mục Opeka đến thăm Đức Phanxicô ở Vatican và kể cho ngài nghe câu chuyện đầy cảm hứng của mình.

Trước chuyến thăm của Đức Phanxicô, báo America Magazine có cuộc phỏng vấn linh mục Opeka qua điện thư về Madagascar, người dân ở đây, về tình trạng xã hội và chính trị ở một trong những nước nghèo nhất thế giới và công việc của linh mục trong thành phố này.

Bắt đầu cuộc phỏng vấn, cha nhắc lại địa dư hòn đảo ở ngoài khơi Ấn Độ dương, miền đông-nam Phi châu, cha đến đây ngày 26 tháng 10 năm 1970 và hòn đảo này đã lôi cuốn cha ngay. Cha kể: “Lúc đó tôi 22 tuổi và tôi muốn tìm hiểu người dân Madagascar … tôi mong sau này tôi sẽ là nhà truyền giáo của cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Phaolô, cộng đoàn năm 1648 đã gởi các linh mục truyền giáo đầu tiên đến ‘đảo đỏ’”.

Dù Đức Phanxicô và linh mục Pedro cả hai được sinh ra và chịu chức ở Buenos Aires nhưng hai người chỉ mới gặp nhau vào tháng 5 năm 2018 khi linh mục Opeka đến thăm Đức Phanxicô ở Vatican kể cho ngài nghe câu chuyện đầy cảm hứng của mình.

Linh mục Opeka cho biết, đảo quốc Madagasca là hòn đảo quý giá với rất nhiều tài nguyên thiên nhiên, có một dân tộc rất hạnh phúc, sống trong tinh thần đoàn kết tương trợ với sự tôn trọng tuyệt vời.

Linh mục nói: “Ngay từ đầu, tôi rất ngạc nhiên trước minh triết của tổ tiên người dân ở đây, với các câu châm ngôn khôn ngoan, cũng như văn hóa phong phú của họ, tôi luôn thấy sự hiện diện của Đấng Sáng Tạo ở đây. Người dân Madagascar rất sùng đạo và sự gắn kết của họ rất nhanh.”

Linh mục cho biết nhiều chuyện đã thay đổi từ ngày cha đến đây: “Khi tôi đến hòn đảo này, đây là một khám phá phi thường, tôi được sống giữa một dân tộc có một sức sống vĩ đại để sống, để tồn tại và để chia sẻ. Họ tôn trọng con người và của cải, gần như không có tội phạm, không có cướp của hay bạo lực.”

Nhìn lại quá khứ, linh mục cho biết Madagascar giành được độc lập năm 1960, tình trạng chính trị kinh tế xã hội bắt đầu xấu đi, trong khi đó dân số ngày càng gia tăng. “Từ năm này qua năm khác, chúng tôi chìm trong cảnh nghèo khổ nhưng chính quyền không phản ứng gì. Tất cả những ai lên nắm chính quyền rồi cuối cùng cũng lường gạt người dân.”

Khi tôi đến hòn đảo này, đây là một khám phá phi thường, tôi được sống giữa một dân tộc có một sức sống vĩ đại để sống, để tồn tại và để chia sẻ.

Linh mục cho biết: “Sự mất mát lớn nhất là tinh thần đoàn kết và tương trợ đã có từ trước khi tôi đến đảo này. Bây giờ tình trạng thật đáng buồn, mỗi người tự xoay xở cách tốt nhất cho mình. Lợi ích chung bị bỏ quên.”

Tuy nhiên kể từ ngày 19 tháng 1 đến nay, linh mục Opeka bắt đầu thấy một tia hy vọng cho quốc gia vì Madagascar có “tân tổng thống trẻ tuổi lên nắm chính quyền, ông tìm cách theo dõi và mang hòa bình, công chính xã hội cho dân của mình.”

Trong bối cảnh này, cha tin “chuyến đi thăm của Đức Phanxicô rất quan trọng vì ngài có thể khích lệ rất nhiều cho quốc gia và cho tân tổng thống Andry Rajoelina, người quyết tâm tấn công vào nạn tham nhũng và tầng lớp đặc quyền làm cản trở sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.”

Linh mục Opeka nói thêm: “Tân tổng thống là người công giáo và ông không che giấu đức tin của mình. Từ nhiều năm nay, lúc nào ông cũng đến dự lễ Giáng Sinh với người nghèo ở trung tâm Akamasoa.”

Mô tả tình trạng của Madagascar, linh mục Opeka ghi nhận, theo Ngân hàng Thế giới thì hiện nay 92% người dân sống dưới mức nghèo khổ: “Chúng ta thấy nạn đói nghèo ở ngoài đường, thành phố bị bỏ hoang, không ai quan tâm hay sửa chữa một cái gì. Nạn suy dinh dưỡng cũng là một vấn đề rất nghiêm trọng cho trẻ em sinh ra ở đây, bị xa mọi tiến bộ. Nhân quyền cũng không được tôn trọng. Tiền có thể mua và làm mọi sự. Dối trá và tham nhũng ở mọi tầm mức quốc gia. 

“Chuyến đi thăm của Đức Phanxicô rất quan trọng vì ngài có thể khích lệ rất nhiều cho quốc gia và cho tân tổng thống Andry Rajoelina”

Tình trạng an ninh và chăm sóc sức khỏe là các thách thức lớn. Giáo dục cũng là một ưu tư lớn trong một quốc gia có 50% dân số dưới 18 tuổi. “Ít nhất 30% trẻ em không đến trường, đặc biệt là bên trong đất nước, không có giao lộ truyền thông và Quốc gia không làm cho người dân tôn trọng luật cũng như không tôn trọng quyền của trẻ em.”

Trả lời câu hỏi về vai trò của Giáo hội công giáo, linh mục Opeka cho biết: “Giáo hội đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử của Madagascar. Đó là chiếc nôi của giáo dục trẻ em trên toàn lãnh thổ. Thật vậy, sự hiện diện của  công việc truyền giáo rất quan trọng vì nó mang lại giáo dục, sức khỏe và phẩm giá cho người dân.”

“Sức mạnh của Tin Mừng đã giữ niềm hy vọng cho những người nghèo nhất. Không có sự hiện diện của giáo hội, Madagascar sẽ nghèo hơn rất nhiều.”

Linh mục cho biết: “Kể từ khi giành được độc lập, các giám mục luôn lên tiếng bảo vệ công lý và quyền của người nghèo, của những người bị bỏ quên trước mọi tiến bộ.” Tuy nhiên linh mục cũng công nhận Giáo hội cần “đổi mới” và không được ngủ quên sau khi “thắng một vài trận chiến chống nghèo khổ.”

“Sức mạnh của Tin Mừng đã giữ niềm hy vọng cho những người nghèo nhất. Không có sự hiện diện của nhà thờ, Madagascar sẽ nghèo hơn rất nhiều.”

Linh mục Opeka tuyên bố: “Cuộc chiến cho công chính và hòa bình luôn tiếp diễn. Chúng tôi không quên, phong trào đại kết lớn lao của các giáo hội ở Madagascar là để bảo vệ người nghèo. Tinh thần đoàn kết theo Tin Mừng giữa các giáo hội ở đây rất cao.”

Sau khi chịu chức năm 1975, linh mục Opeka được gởi đến làm việc ở một giáo xứ nông thôn ở miền đông-nam Madagascar, nơi cha thấy nạn nghèo khổ cùng cực. Tuy nhiên, chỉ khi các bề trên chỉ định cha đứng đầu một chủng viện ở Antananarivo năm 1989 thì cha mới có một kinh nghiệm làm thay đổi đời của cha. Chuyện xảy ra khi cha thấy nhiều người, kể cả trẻ con đi nhặt rác để kiếm thức ăn, tranh ăn cả với chó hoang và heo tại một trong các bãi rác của thành phố. Bị lay động tới tâm can, đêm đó cha cầu nguyện xin Chúa cho cha biết cách nào để giúp các trẻ em. Ngày hôm sau cha quyết định nói chuyện với một số người dân địa phương trong túp lều tồi tàn và thuyết phục họ hợp tác với cha để thay đổi hoàn cảnh của họ và cho con cái họ có một tương lai. Sau đó, cha mượn 1.000 đô la từ các sứ vụ địa phương và lên một dự án có tên “Akamasoa” có nghĩa là “người bạn trung thành và tốt.”

Thân phụ của cha Pedro sinh tại Slovenia đã dạy cho cha xây nhà, cha chia sẻ kỹ năng này với người dân địa phương để thực hiện dự án Akamasoa. Đức Phanxicô sẽ thấy kết quả: Trung tâm đã xây hơn 3.000 ngôi nhà bằng gạch ở 18 ngôi làng (họ gọi đây là thành phố) cho khoảng 4.000 gia đình. 10 000 trẻ em hiện đang được đi học ở 37 trường học được xây trong 30 năm qua. Dự án Akamasoa cũng xây các phòng khám, tạo công ăn việc làm và cung cấp thực phẩm, quần áo tại các trung tâm tiếp nhận cho gần một triệu người. Đóng góp đến từ khắp nơi trên thế giới, nhiều nhất là ở Argentina và Slovenia.

Dự án Akamasoa cũng xây các phòng khám, tạo công ăn việc làm và cung cấp thực phẩm, quần áo tại các trung tâm tiếp nhận cho gần một triệu người.

Dù bây giờ trung tâm Akamasoa tự túc được 75% nhưng cha Cha Opeka nhấn mạnh đến sự việc, “không phải nhờ tiền bạc mà chúng tôi mới xây dựng được làng Akamasoa. Nhưng nhờ tình yêu, niềm tin, sự kiên trì và tình huynh đệ mà chúng tôi sống từng ngày để giúp đỡ nhau. Ở giữa người nghèo, chúng tôi không có chiến lược lý thuyết. Chúng tôi chỉ có trái tim, sự thấu hiểu và cam kết lâu dài.” Cha nhấn mạnh, đó là hoa quả của sức mạnh sống cụ thể hàng ngày theo Tin Mừng.”

Linh mục Opeka tuyên bố: “Chúng tôi đã xây một thành phố với các tòa nhà và các căn nhà cần thiết, nhưng chỉ có Chúa mới biết các bộ khung mà chúng tôi phải xây cho mỗi người cũng như cho mỗi gia đình để họ có thể đứng trên đôi chân của mình, để họ không bị rơi vào ma túy, rượu chè hoặc mại dâm thêm một lần nữa. Nói về sự việc có khoảng 10.000 người tham dự thánh lễ chúa nhật ngoài trời mà ngài cử hành ở Akamasoa, cha Opeka cho biết: “Sức mạnh Bí tích Thánh Thể ngày Chúa nhật gắn kết chúng tôi trong những lúc khó khăn nhất, những lúc bi thảm nhất để tiếp tục cuộc đấu tranh này và vì cuộc đấu tranh này không bao giờ kết thúc được.

Linh mục Opeka người năng động, có hàng râu quai nón trắng xóa, cha từ chối không nói đến thành công: “Chúng tôi chỉ có thể nói chúng tôi đã đi đúng hướng. Những người trước đây ăn xin ngoài đường phố, bây giờ họ có việc làm và có một đời sống có phẩm giá. Các trẻ em trước đây đi bươi rác để sinh sống, bây giờ các em được đi học. Những người trước đây nói chung họ sống trong tình trạng hỗn độn, bây giờ họ sống trong cộng đồng và tôn trọng lẫn nhau. Họ đã có lòng tự trọng và lòng tự trọng giúp họ tiến bộ. Bình yên đã được thiết lập trong các khu vực trước đây có nhiều bạo lực và lăng mạ, dẫn đến đánh nhau không bao giờ ngưng.”

“Không phải nhờ tiền bạc mà chúng tôi mới xây dựng được làng Akamasoa. Nhưng nhờ tình yêu, niềm tin, sự kiên trì và tình huynh đệ mà chúng tôi sống từng ngày để giúp đỡ nhau.”

Cha kể tất cả những chuyện này trong lần cha gặp Đức Phanxicô ở Vatican vào tháng 5 năm 2018, và cha đã mời ngài đến thăm Akamasoa. Trong khi chờ đợi chuyến thăm này, cha Opeka cho biết: “Sự hiện diện của Đức Phanxicô trong thành phố chúng tôi xây cho người nghèo là một sức mạnh và niềm khích lệ lớn lao vô cùng cho tất cả những gì chúng tôi đã làm việc trong hơn 30 năm nay… ngài sẽ đi trên các con đường mà ngày xưa là nơi của chết chóc, của đánh nhau, của hận thù, của ghen tị, sự hiện diện của ngài xác nhận Chúa Giêsu ở với chúng tôi từ khi bắt đầu và cho đến ngày nay.”

Linh mục cho biết, “người dân Madagascar rất kính trọng Đức Phanxicô. Họ biết ngài là mục tử cởi mở, bảo vệ cho người nghèo và ngài mong muốn một Giáo hội nghèo mở ra cho người nghèo… Ngài được người dân Madagascar yêu mến kể cả những người không cùng chia sẻ đức tin với chúng tôi.

Linh mục Pedro nói: “Người dân hy vọng một tinh thần mới cho cả nước và các tân lãnh đạo mới lên nắm chính quyền sẽ tôn trọng lời hứa của mình để đất nước thoát được cảng đói nghèo.”

Linh mục Opeka cũng hy vọng Đức Phanxicô sẽ nhấn mạnh đến sự cần thiết “hoán cải tất cả giáo hội địa phương để tinh thần Tin Mừng thấm nhập vào tâm hồn của họ”.

Cha tuyên bố: “Chúng ta thường tìm cách thả lỏng mình trong hệ thống và chúng ta ngủ yên, để mặc đức tin và Lời Chúa cũng ngủ yên, trong khi chúng cần phải kêu gọi các nhà lãnh đạo phải đưa đất nước thoát cảnh bất công, loại trừ và nạn nghèo khổ cùng cực, tạo đau khổ cho người dân Madagascar bị bỏ quên.”

Khi được hỏi cá nhân cha, cha nghĩ gì về Đức Phanxicô, linh mục Opeka trả lời: “Ngài là ngôn sứ của thời đại chúng ta”.

Linh mục Opeka nói: “Đức Phanxicô đi trước chúng ta và thuyết phục chúng ta từ chối tất cả những gì là tầm thường như nạn thăng quan tiến chức, bề ngoài, ham vinh quang và đặc quyền. Ngài khuyên chúng ta nên khiêm tốn, trung thực với chính mình, với giáo hội và giữa anh em với nhau để chúng ta có thể là chứng nhân thực sự cho tình yêu của Chúa với tất cả mọi người ở đất nước chúng tôi đang sống.”

Cha Opeka kết luận: “Đức Phanxicô là mục tử độc đáo trong phong cách của ngài, người mà chúng tôi mong chờ rất nhiều và là người có thể làm cho các bạn trẻ yêu mến Tin Mừng vì tính xác thực và lòng can đảm của ngài.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: Đức Phanxicô khen ngợi cha Pedro, “vị thánh sống”, nhà vô địch của người nghèo ở Madagascar 

Cha Pedro, tông đồ của người bị ngoài lề ở Madagascar 

Trung tâm Akamasoa cứu các trẻ em lao động ở Madagascar

Một số hình ảnh trong buổi Đức Phanxicô đến thăm trung tâm Akamasoa ngày chúa nhật 8 tháng 9-2019