Đức Phanxicô khen ngợi cha Pedro, “vị thánh sống”, nhà vô địch của người nghèo ở Madagascar
uk.reuters.com, Philip Pullella, Hereward Hollang, 2019-09-08
Đức Phanxicô đến cộng đồng Akamasoa cùng với linh mục Pedro Opeka ở Antananarivo, Madagascr. REUTERS / Yara Nardi
Ngày chúa nhật 8 tháng 9, Đức Phanxicô khen ngợi linh mục Pedro, một trong các cựu học sinh của ngài, đôi khi linh mục còn được gọi là “thánh sống” ở Madagascar vì cha đã thay đổi đời sống của hàng ngàn gia đình nghèo sống nơi ngày xưa là bãi rác.
Hàng ngàn học sinh ở thành phố ổ chuột, trong số đó đa số là trẻ em nhỏ đã “ngây ngất” đón Đức Phanxicô, làm cho ngài như bị choáng ngợp trước trải nghiệm sống này của các em. Trước đó vài giờ, trong bài giảng thánh lễ sáng chúa nhật ở ngoài trời rộng mênh mông ngài đã hết lòng lên tiếng bảo vệ người nghèo.
Đức Phanxicô đã dạy thần học cho linh mục Pedro Opeka tại trường Colegio Máximo, San Miguel ở Buenos Aires năm 1968, khi đó Đức Phanxicô vừa học xong để chịu chức.
Trong vòng 30 năm, một cơ sở đã được cha Opeka thành lập, cha mẹ ngài di cư từ Slovenia đến Argentina và tại Madagascar, linh mục Opeka đã xây dựng nhà cửa cho 25 000 người dân, 100 trường học, 6 bệnh xá, 2 sân vận động đá banh khắp trên đảo quốc. Sang năm tới, cha dự trù xây một trường cao học cho các nhân viên y tế.
Cha Opeka, 71 tuổi, người có râu quai nón trắng, tính tình vui vẻ, được người dân Madagascar xem là “thánh sống” theo hình ảnh của Mẹ Thánh Têrêxa, vì công việc của cha ở một trong các nước nghèo nhất thế giới. Cha đã được đề cử nhận giải Nobel Hòa bình.
Đức Phanxicô đã gặp các gia đình sống ở làng Akamasoa, một trong các ngôi làng đầu tiên được linh mục Opeka xây trên triền núi của thủ đô Antananarivo, để tái định cư cho những người sống trong các bãi rác thành phố ở thung lũng bên dưới.
Trước sự hiện diện của Tổng thống Andry Rajoelina, linh mục Opeka nói với Đức Phanxicô: “Ở đây, tại trung tâm Akamasoa, chúng tôi cho thấy nghèo đói không phải là một định mệnh không thể tránh khỏi, nhưng là một cái gì thiếu sót từ sự thiếu trách nhiệm xã hội của các nhà lãnh đạo chính trị, họ đã quên và quay lưng lại với người nghèo, với những người bị gạt ra bên lề xã hội.”
Đức Phanxicô rất cảm động khi xem các trẻ em hát và nhảy múa, trước trải nghiệm này ngài tuyên bố: “Cộng đồng với các căn nhà có màu sắc rực rỡ gọn gàng này cho thấy, đời sống có thể có ở nơi mà người ta chỉ nói đến cái chết và hủy hoại.”
Người dân cư ngụ ở đây kiếm vào khoảng 50 000 ariary (13 đôla) mỗi tuần, họ làm việc đâp đá bằng tay hay tham dự vào các công trường xây dựng. Trẻ em thường giúp đỡ trong những ngày nghỉ học.
Tất cả được thuê một căn nhà với giá tượng trưng xét theo hoàn cảnh của họ. Đức Phanxicô tuyên bố: “Mỗi góc của khu phố này, mỗi trường học, mỗi bệnh xá là một bài hát hy vọng, chứng minh cho những người bi quan thấy, không có gì là không thể được”.
Một phần lớn đá dùng xây cất các tòa nhà này được lấy từ mỏ đá granit khổng lồ mà linh mục Opeka dâng thánh lễ tại đây ba lần một năm. Linh mục Opeka là con của một người thợ nề, cha gọi mỏ đá khổng lồ này là “nhà thờ chính tòa của tôi”.
Sau đó Đức Phanxicô đến thăm mỏ đá và đọc lời cầu nguyện cho các người thợ trên toàn thế giới.
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc thêm: Cha Pedro, tông đồ của người bị ngoài lề ở Madagascar
Trung tâm Akamasoa cứu các trẻ em lao động ở Madagascar
Hình ảnh Đức Phanxicô đến thăm trung tâm Akamasoa ngày chúa nhật 8 tháng 9-2019
Đức Giáo Hoàng Madagascar-Gặp Thành Phố Tình Bạn – Đừng bao giờ đầu hàng nghèo đói