Trích sách Tiểu sử Thánh Antôn Pađua, Françoise Bouchard, nxb. Salvator
Tìm hiểu nhà hùng biện thiêng liêng
Sau khi theo Thánh Antôn trong các công việc đầu tiên của ngài như người đọc sách thiêng liêng, bây giờ chúng ta xem ngài trong vai trò người rao giảng.
Bí ẩn của ngôn ngữ
Trước khi theo Thánh Phanxicô trong cuộc chiến chống người lạc giáo cathar, chúng ta có câu hỏi: ngài giảng bằng ngôn ngữ nào? Các sử gia đưa ra nhiều giả thuyết:
– Ngài giảng bằng tiếng Bồ Đào Nha là tiếng mẹ đẻ của mình. Để thính giả hiểu thì Thần Khí làm công việc còn lại, như các thánh tông đồ sau lễ Hiện Xuống. Cuộc tranh luận gần như không thuyết phục vì khó mà hình dung Chúa làm phép lạ, vậy thì có giả thuyết khác.
– Ngài giảng trong một loại ngôn ngữ hỗn hợp của hai phương ngữ vùng bán đảo Ý nơi ngài cư ngụ: Sicile và Monte-Paolo. Cử tọa của ngài có thể hiểu ý nghĩa của một số chữ và các thành ngữ quan trọng đủ để nắm ý nghĩa lời của ngài. Lập luận này có thể được chấp nhận cho các bài giảng ở Forli và ở Bologne. Nhưng không phải cho tất cả địa phương có phương ngữ khác nhau, nơi ngài sẽ đến sau này.
– Ngài nói tiếng la-tinh bình dân, không phải tiếng la-tinh trong văn học, vì thời đó ai cũng hiểu tiếng la-tinh bình dân này. Điều có thể xảy ra là trong mỗi vùng, mỗi bang, hoặc có thể mỗi nước, ngài có thể minh họa bài giảng của mình qua các thành ngữ lấy từ văn nói của địa phương. Chúng ta giữ lại giả thuyết này.
“Người đọc sách” đầu tiên của “bục seraphin”
Sau khi rời tĩnh viện Monte-Paolo để đi Bologne, Antôn là “thầy đọc sách” đầu tiên, cũng có thể gọi là giáo sư thần học của Dòng. Trung thành với lời khuyên của Thánh Phanxicô, ngài khuyên Antôn phải nuôi dưỡng đời sống hương nguyện của mình, Antôn đã biến bục giảng là trường học của hiểu biết và thánh thiện. Học trò của Antôn không phải chỉ là các tu sĩ Dòng Phanxicô nơi Antôn ở: “Một số đông thanh thiếu niên trẻ ham hiểu biết đổ xô đến lớp học của ngài”. Trong một thời gian ngắn, sự ngưỡng mộ của họ đã làm cho Antôn nổi tiếng trong giới trí thức và thần học gia.
Vì sao nhiều người tìm đến học với Antôn? Chúng ta đã biết tài năng của Antôn về thần học, về hùng biện và trí nhớ phi thường giúp cho Antôn có thể trích thuộc lòng bất cứ bản văn nào của Thánh Kinh, sách của các Tổ phụ…
Với tất cả các tài năng được công nhận này, cọng thêm Antôn đưa vào các sự thật của Giáo hội, không phải chỉ giới hạn trong các khái niệm bắt buộc hay cấm đoán nhưng bằng cách dùng đến trí thông minh, lý trí và cảm xúc của con người. Như chúng ta đã thấy, Antôn đã thành lập một hệ thống các so sánh, các hòa hợp, tương đồng và các ẩn dụ khác để làm sáng tỏ các bài giảng của mình và chạm đến tâm hồn cử tọa. Nhưng không phải chỉ có thế. Vì tất cả tiến trình này nhằm tham dự vào cuộc sống hàng ngày của mỗi người để họ tìm thấy ở đây là nguồn đức hạnh, một con đường đưa họ đến với Chúa qua tình yêu vô hạn của Con của Ngài. Một tình yêu có nguồn cội trong quả tim bị lưỡi đòng đâm thấu và vẫn còn hiện diện trong Giáo hội, trong các bí tích chúng ta nhận và qua Lời Chúa mà các thừa tác viên của Ngài truyền cho chúng ta. Chúng ta lấy ví dụ cụ thể rút từ một trong các bài giảng của Antôn, tài liệu tham khảo trích từ sách tiên tri I-saia: “Ngày ấy trong xứ Ai Cập sẽ có năm thành nói tiếng Ca-na-an và một trong năm thành đó sẽ được gọi là Thành Mặt Trời.” Trong chú giải của mình, Antôn ví năm thành phố này với năm vết thương của Chúa Kitô nơi mà toàn thể nhân loại tội lỗi có thể đến trú ẩn. Và Antôn tiếp tục: “Nếu năm vết thương của Chúa Kitô là thành phố lánh nạn thì vết thương Trái tim Chúa là thành phố của mặt trời, tâm điểm vĩnh cửu của ánh sáng và hơi ấm siêu nhiên. Qua cánh cửa mở ra của Chúa Giêsu, cửa thiên đàng đã mở cho chúng ta…” Trong một bài học khác dành cho các học sinh của mình, Antôn trở lại chủ đề với các hình ảnh khác: “Các con hãy giống như con chim bồ câu, nó làm tổ của mình khắc sâu trong lõ rỗng của đá. Nếu Chúa Giêsu là đá, lỗ rỗng của đá là nơi tâm hồn chúng ta phải đến trú ngụ, đó là vết thương bên cạnh sườn Ngài. Vết thương dẫn đến quả tim của Ngài…”
Và ở nơi khác: “Chúa Giêsu Kitô là hai bàn thờ được nói đến trong luật cổ: một bàn thờ bằng đồng trong cơ thể đẫm máu, một bàn thờ bằng vàng trong quả tim yêu thương nóng bỏng của Chúa… Suy gẫm về các đau khổ bên ngoài của Chúa Giêsu là thánh thiện và xứng công. Nhưng nếu chúng ta muốn tìm vàng nguyên chất, chúng ta phải đi vào bàn thờ bên trong, trong tận trái tim của Chúa Giêsu và học hỏi sự phong phú tình yêu của Ngài.” Các trích đoạn này giúp chúng ta hiểu hơn lý do vì sao các lớp học của Antôn được thành công trong hai năm Antôn dạy thần học ở Bologne. Chúng ta ghi nhận ở đây Antôn tôn trọng các ước muốn của Thánh Phanxicô: dạy cho các anh em mình sự hiểu biết thần học và duy trì với họ (và trong mình) tinh thần hương nguyện dẫn họ đến đỉnh cao của đức ái thiêng liêng và trong tinh thần huynh đệ. Do đó trường phái “trường seraphin” được mở ra, lấy cảm hứng từ Thánh Phanxicô Assisi, và Antôn là người giảng dạy đầu tiên, người đã rời Bologne sau khi ở đó hai năm, đã đào tạo ít nhất được sáu thầy đọc kế vị mình.
Một nhà rao giảng thành công
Ngoài chức vụ thầy đọc, Antôn còn đi giảng bất cứ đâu có yêu cầu, nhất là ở Romagne. Antôn đã giảng ở Forli, Faenza, Imola, Bologne, Rimini… Các nhà viết tiểu sử không đưa ra nhiều chi tiết về các bài giảng của Antôn ở các địa phương khác nhau, ngoại trừ Rimini như chúng ta sẽ thấy sau. Nhưng chúng ta biết được năng khiếu giảng thuyết của Antôn, cấu trúc và nội dung các bài giảng, kết quả nơi các người nghe là bằng chứng.
Lời nói của lửa
“Ngài có tài năng đặc biệt của người rao giảng thiêng liêng: ân sủng thu hút, ngọn lửa truyền cảm, sức mạnh chinh phục, hiểu biết tâm hồn con người và Sách Thánh… Một sức thổi khởi động nơi Antôn, sức thổi thần thánh ở các nhà tiên tri.” Lịch sự, dễ mến, thoải mái tự nhiên, dễ gần (không phải là chuyện bình thường thời đó), giọng nói to, rõ ràng, linh hoạt để truyền đạt tốt hơn cảm xúc Antôn muốn truyền: “Đó là sứ giả Tin Mừng không mệt mỏi đi từ thị trấn này qua thành phố khác; người gieo giống, gieo hạt tốt của Chân lý trên luống cày mỗi ngày; là anh hùng của Tin Mừng, đầy khôn ngoan, trí tuệ nói với quyền uy cho tín hữu.” Với tất cả năng khiếu và phẩm chất, cọng thêm vào đó là đức tính dũng cảm và trung thành với đức tin: “Không có gì có thể làm cho Antôn mềm lòng; không suy yếu cũng không ngụy trang sau các câu của Tin Mừng; Antôn loan báo Tin Mừng cho người lớn cũng như cho trẻ em với cùng một sức mạnh và lòng nhiệt huyết.”
“Không phân biệt, Antôn truyền cho họ các mũi tên sự thật. Với những người không tin, Antôn lập luận và thuyết phục họ với lô-gích của mình. Với những người tin, Antôn dịu dàng và năn nỉ họ. Với những người báng bổ, Antôn cảnh báo họ và làm cho họ đỏ mặt vì hạnh kiểm không tốt của họ.”
Antôn có một khả năng thích ứng với hoàn cảnh và con người mà học thuyết cứu rỗi được đem ra phục vụ cho cử tọa như thức ăn trên bàn tiệc.
Sau cái nhìn tổng quan về cách làm việc của Antôn trong các bài giảng của mình, chúng ta hiểu hơn các khuyến nghị Antôn nhắn với học sinh:
“Tất cả công việc của một nhà hùng biện kitô giáo là cố gắng trong mục đích duy nhất: cứu rỗi các linh hồn. Nhiệm vụ của họ là nâng những người đã ngã, an ủi những ai đang khóc, trong khiêm nhường trọn vẹn và hoàn toàn bất vụ lợi, để ban phát kho tàng ơn thiêng liêng như mây từ trời đổ nước mưa xuống cho trái đất được màu mỡ. Phải cầu nguyện trong yêu thích, suy gẫm phải là thức ăn của tâm hồn. Nếu được như vậy, Lời của Thiên Chúa, Lời của sự thật, sự sống, của tình yêu, của ân sủng sẽ xuống trên người cầu nguyện và lấp đầy người đó bằng sự huy hoàng rực rỡ của Chúa.”
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc thêm: Lời nói đầu sách Tiểu sử Thánh Antôn Pađua