Với Đức Phanxicô, tôi cho nước mắt của tôi

193

Với Đức Phanxicô, tôi cho nước mắt của tôi

Phỏng vấn độc quyền với nữ ca sĩ Patti Smith. 

Linh mục Massimo Granieri và ca sĩ Patti Smith 

osservatoreromano.va, Linh mục Massimo Granieri, 2019-06-14

Gặp ca sĩ Patti Smith nhân dịp lễ hội âm nhạc Medimex Taranto quan trọng nhất ở châu Âu. Bà đợi tôi ở một căn phòng của trường đại học Apulian, thanh thản và  nồng hậu, sau khi nói chuyện về âm nhạc và thi ca với hàng người ở giảng đường đại học. Với một đám đông đáng kinh ngạc của những người lịch sự chờ đợi để chào, để xin chữ ký hoặc để chụp selfie. Ngày hôm trước buổi hòa nhạc, chúng tôi đã nói chuyện nhiều về môi sinh và về đức tin kitô giáo, về bí tích Thánh Thể, về cái chết và người trẻ. Ở tuổi cuối những năm bảy mươi, Patti Smith ca sĩ hát nhạc hỗn loạn, ca ngợi chủ nghĩa hư vô, bà tin vào sức mạnh của âm nhạc. Bà đã trích dẫn Thánh Phaolô Tông đồ trong các biên niên của mình vì đó là chữ nghĩa sáng tạo chứ không phải phá hoại, không phải ngẫu nhiên bà có cảm hứng từ Sách Thánh trong các bài hát rock nổi tiếng nhất như People Have The Power Dancing Barefoot, trong đó lời của tiên tri I-saia và câu chuyện phục sinh được đề cao. Trong đĩa Wave của bà, hình ảnh giáo hoàng Luciani, Đức Gioan-Phaolô I xuất hiện với một bài vinh danh ngài. Bà cũng đã sáng tác một bài cho Đức Phanxicô, These Are The Words được dùng trong bộ phim tài liệu của điện ảnh gia Wim Wender Người của lời (A Man Of His Word). Bà viết nhiều bài thơ trích dẫn Chúa Giêsu: tiếng nói của bà ca ngợi nhà tiên tri đã thúc đẩy cuộc cách mạng tình yêu. Bà cầm trên tay cây thánh giá nhỏ đã được Đức Phanxicô làm phép, bà tự hào cho biết mình không bao giờ xa cây thánh giá này. Tôi nói với bà, tôi cám ơn âm nhạc của bà, nó đã cứu tuổi thanh xuân của tôi. Với lòng khiêm tốn hiếm có, bà trả lời, dù sao tôi cũng sẽ được tự cứu và bà giúp tôi một chút để điều này được thực hiện.

These Are The Words

Chúng ta bắt đầu bằng album đầu tiên của bà, album “Ngựa”. Đó là năm 1975, trong “Gloria” bà đã hát “Chúa Giêsu đã chết vì tội lỗi của người khác, không phải của tôi.” Năm ngoái trong một buổi hòa nhạc ở Rôma, khi kết thúc bài hát, bà đã ngước mắt lên trời tạ ơn Chúa Giêsu. Trong nhiều năm, bà hát, tội lỗi của bà là của riêng bà, bà không thấy mình có trách nhiệm trong cái chết của Chúa Giêsu. Buổi tối đó trên sân khấu chuyện gì đã xảy ra?

Trong album Gloria tôi hát “Chúa Giêsu đã chết vì tội lỗi của người khác, không phải của tôi”. Nhiều người nghĩ rằng bài hát được viết vì tôi vô thần hoặc phạm thượng. Thực tế đó đơn giản chỉ để nói lên sự độc lập của tôi khỏi các giáo điều tôn giáo. Đó là một cái gì nhiều hơn là lời tuyên bố chống lại các đại diện của Chúa Kitô. Tôi còn trẻ và đã phạm rất nhiều sai lầm và tôi không nghĩ Chúa Kitô chịu trách nhiệm những gì tôi làm, Chúa chết vì các sai lầm của một thiếu niên. Tôi luôn ngưỡng mộ Ngài và bây giờ tôi có một hiểu biết sâu sắc hơn về Chúa qua Pier Paolo Pasolini. Khi tôi xem bộ phim Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu, Chúa Giêsu là hình ảnh nhà cách mạng theo nghĩa rộng nhất của từ này và tôi thường viết và hát về Chúa trong các tác phẩm của tôi. Một cuộc cách mạng bắt đầu trong lòng tôi hai ngàn năm sau, đó là lý do tại sao tôi dành cho Ngài trong các tác phẩm của tôi. Trên sân khấu ở Rôma, tôi cảm thấy như mình già đi vì lần đầu tiên tôi viết những lời này cách đây khoảng 52 năm, khi đó tôi mới ngoài hai mươi. Tôi nhận thức được thực tế câu đó có thể ảnh hưởng đến người nghe. Tôi không muốn chỉ nhắc lại cảm nhận sự độc lập của tuổi trẻ, tôi muốn nói: “Cám ơn, cám ơn Chúa Giêsu vì sự hy sinh của Chúa đã cứu những người đang cần đến Chúa, đang đi tìm Chúa”. Tôi có một người chị rất đạo hạnh, và tôi cảm thấy buồn khi hát bài hát này. Tôi đã hứa với chị, tôi sẽ không còn hát bài này ở bất cứ đâu để gây phiền muộn cho người nghe và tôi sẽ tìm các phương cách mới hơn để mở rộng suy tư về Chúa Kitô và làm cho chị tôi hạnh phúc. Tôi chưa bao giờ hát Gloria trong nhà thờ thánh hiến. Khi tôi còn trẻ, tôi thiếu tôn kính, nhưng đồng thời tôi ý thức trách nhiệm với khán giả của mình và tôi nghĩ đến nhu cầu của những người đến nghe tôi, về những điều họ tin tưởng, về hy vọng của họ. Tôi không nghĩ rằng chỉ có một hệ thống tôn giáo duy nhất, tôi không tin vào chỉ một hệ thống, tôi tin vào hệ thống tình yêu. Đương nhiên tất cả những điều này được Chúa Giêsu trao ban cho chúng ta.

Trong cuốn sách “Tôn kính” viết về chuyến viếng thăm tu viện Biển Đức ở Saint-Germain-des-Prés ở Paris khi dâng thánh lễ. Trong nhật ký của bà, bà có viết cảm nhận bà mong muốn gia đình nhận Mình Thánh Chúa trong nghi lễ này. Mối quan hệ của bà với bí tích Thánh Thể là gì?

Tôi nghĩ đó là một suy nghĩ đẹp. Đúng vậy, một trong những đoạn Kinh thánh yêu thích của tôi là câu Chúa Giêsu nói: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn: vì này là Mình Thầy, tất cả các con hãy nhận lấy mà uống: vì này là chén máu Thầy sẽ bị nộp vì các con”. Đó là câu tôi thích nhất trong Thánh Kinh. Nếu cha hỏi tôi, tôi thường làm gì trong nhà thờ, tôi thường thắp một ngọn nến và cầu nguyện. Tôi hay vào nhà thờ và thấy nhiều người nhận bí tích Thánh Thể, một phần trong người tôi muốn làm điều đó, nhưng tôi tôn trọng các quy tắc của Giáo hội. Đối với tôi, hiệp thông Thánh Thể là biểu tượng của Chúa Kitô hiến mình cho chúng ta, Mình Chúa ở trong bánh thánh. Tôi thấy nghi thức thánh lễ rất đẹp, chúng ta có thể tiếp xúc thiêng liêng với Chúa dù chúng ta không rước lễ.

Trong công việc của tôi ở trường, tôi gặp các người trẻ không có động lực, không có mục đích để chiến đấu, để sống, họ tuyệt vọng vì thiếu công ăn việc làm, họ buộc phải rời vùng Calabre là vùng nghèo nhất Âu châu để đi tìm vận may ở chỗ khác. Làm thế nào để đánh thức các bạn trẻ, những người có tài năng, có phẩm chất phi thường? Làm thế nào để thuyết phục họ rời nhà và đeo đuổi giấc mơ của mình?

Bản thân tôi cũng xuất thân từ một gia đình nghèo, tôi thất nghiệp, tôi không có việc làm. Để sinh sống, tôi hái dâu, tôi làm trong công xưởng. Tôi ở vùng nông thôn, và khi tôi lên New York, tôi luôn nghĩ đến việc làm, đến nghề nghệ sĩ của tôi. Tôi chưa bao giờ đánh giá hoặc thể hiện bản thân qua tiền bạc tôi kiếm được, hoặc qua danh tiếng của tôi. Không có gì trong các chuyện này thể hiện tôi dù nó rất đẹp. Không có gì có thể so sánh được với một việc làm tốt, viết một bài thơ. Tôi không có gì nhiều để ăn, tôi không có áo đẹp nhưng tôi làm thơ hay. Tôi giúp một người nào đó, tôi trồng cây. Thế giới vật chất của chúng ta rất khó cho người trẻ sống ở thời kỳ tiêu thụ nhất của thế kỷ 21 này. Các nam thanh niên có thể bằng cách nào đó tập trung và tìm phương tiện để nâng cao giá trị nội tâm của mình, chứ không phải qua tư thế mình là người tiêu thụ hay người thành công. Có thể đó là cái gì làm thúc đẩy người trẻ chứ không phải cái gì phải chinh phục bằng mọi giá. Giá trị của họ không tùy thuộc vào những vật họ có được. Greta Thunberg là cô gái để lại một cái gì. Cô rời ghế nhà trường để huy động người lớn nghĩ đến môi sinh, để làm một cái gì và chúng ta không để bỏ mặc cô một mình. Cô làm một mình, không tiền bạc, không có gì, không hy vọng thành công. Bạn có thể bị khuyết tật, nhưng bạn có thể huy động hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu người trẻ. Khi nói đến vấn đề môi sinh, chúng ta biết đây là vấn đề chính của mọi người, là nghĩa vụ của mọi người. Đó cũng là nghĩa vụ của Thánh Phanxicô Assisi, Đức Phanxicô, Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tất cả những người thiện tâm đều muốn cứu quả đất và giống loài. Mỗi người trẻ cảm thấy không có tương lai đều có thể dấn thân vào cuộc chiến này. Dù họ là người như thế nào, họ có thể có tác động trên xã hội, cũng như thế hệ chúng tôi đã huy động trong thời chiến tranh Việt Nam. Chúng tôi đã đón nhận người nghèo, và tất cả những gì đã cho chúng tôi một ý tưởng văn hóa sâu đậm. Tôi nghĩ người trẻ là ưu tiên của thế giới mà chúng ta đang cần. Chúng ta cần những người có ơn gọi trong công việc, và tôi nghĩ người trẻ thật sự họ có thể thay đổi thế giới. Chúng ta hãy nói với họ: họ có thể tham gia vào cuộc cách mạng này và một lần nữa… cuộc cách mạng này là gì? Tình yêu. Đó là tình yêu cho người khác, cho loài vật, cho cây cối, cho muông chim, cho nước, cho cá, cho hoa. Tình yêu!

Gặp Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung ngày 10 tháng 4-2013

Trong “Rock’n’Roll Nigger”, bà đứng về xã hội của những người bị loại trừ, bà nghĩ đến một chủ đề thiết thân của Đức Phanxicô: sống ở vùng ngoại vi hiện sinh, ở bên cạnh người nghèo nhất. Bà muốn nói gì với giáo hoàng? 

Tôi chỉ muốn nói với Đức Phanxicô một chữ: cám ơn. Tôi tặng ngài món quà tình yêu của tôi và nước mắt của tôi. Tôi cám ơn ngài vì ngài săn sóc từng người chúng ta, như một người có đạo noi gương Chúa Kitô. Chăm lo để đức bác ái của Thánh Phanxicô Assisi được thực hiện nơi những người thiếu thốn, đặc biệt là những người ăn xin. Cách cao thượng nhất là noi gương Chúa Kitô. Tôi chỉ muốn cám ơn ngài, tôi luôn đi theo ngài. 

Điều gì làm bà ấn tượng về giáo hoàng Luciani (Đức Gioan-Phaolô I)?

Nụ cười của ngài. Tôi không biết gì nhiều về Vatican và các nghi thức của Giáo hội công giáo. Tháng 8 năm 1978 tôi ở Âu châu và Đức Albino Luciani là tân giáo hoàng, tôi nhìn ngài trên truyền hình. Và trên truyền hình tôi thấy tình yêu, tình nhân loại của ngài, và tôi đã khóc, tình yêu này như tỏa chiếu vào tôi. Khi ngài cười, tôi có một tình yêu cho ngài và hy vọng ngài là một người tốt. Tôi nghĩ đó là quả tim thuần khiết và sự thuần khiết này có thể được cảm nhận. Khi nhìn ngài, tôi có cảm tưởng mình được cứu và tôi cảm nhận những gì cao cả sẽ xảy đến: ngài sẽ là một giáo hoàng rất tốt: khi ngài chết sớm, lòng tôi tan nát như một người trong gia đình qua đời. Ngài viết cho Pinocchio trong quyển sách Illustrissimi, ngài có một tình yêu và tôi.. tôi cũng có một tình yêu cho ngài. Đây là một cảm giác thuần khiết âm nhạc, âm nhạc thực sự vì âm nhạc thực sự không có biên giới, không loại trừ ai. Nhưng câu trả lời ngắn cho câu hỏi của cha là nụ cười.

Cái chết đã đến thăm gia đình bà nhiều lần. Chúng tôi, các linh mục, chúng tôi thường nghe nỗi đau của những người không chấp nhận cái chết, khi họ không có đức tin vào Đấng Sống Lại, các goá phụ, các trẻ em gần như không thể an ủi được. Làm thế nào bà sống các kinh nghiệm này? Có một cách nào đó để tái định nghĩa cái chết không?

Trong kinh nghiệm cá nhân của tôi, chuyện duy nhất tôi biết là phải chấp nhận cái chết, đặc biệt là tang tóc. Cái chết không phải là một tình huống có thể nguôi ngoai với thời gian. Tôi luôn cảm nhận cũng một nỗi đau khi tôi mất Fred chồng tôi, anh Todd của tôi, con chó của tôi khi tôi mười một tuổi. Tôi luôn cảm nhận cùng một nỗi đau, nhưng tôi cũng cảm thấy tình yêu của họ luôn ở bên tôi. Nếu mình ôm nỗi đau, mình có thể làm cho nó đẹp nhờ tình yêu. Và nếu mình cố gắng quên nỗi đau hay không cảm nhận nó thì cuối cùng mình sẽ cảm thấy ít yêu hơn. Tôi cảm nhận hơn bao giờ tình yêu của mẹ tôi, của cha tôi, tôi nhớ mẹ tôi rất nhiều. Tôi sẽ không hy sinh nỗi đau này, thay vào đó tôi cảm nhận niềm vui có người chết bên cạnh tôi, cùng đi với tôi. Như Chúa Kitô đã nói: “Và này Ta sẽ ở với các ngươi mọi ngày cho đến tận thế”. Vì thế, cùng với các người chết của mình, chúng ta tất cả cùng ở với nhau, luôn luôn nếu chúng ta biết chọn người nào mở cửa cho chúng ta.

Marta An Nguyễn dịch