Bulgari: Chuyến thăm của giáo hoàng, một khích lệ mạnh mẽ cho người dân Bulgaria
fr.zenit.org, Marina Droujinina, 2019-04-30
Giáo sư Kiril Kartalov, tùy viên của Hội đồng giáo hoàng về khoa học lịch sử mong chuyến đi này sẽ là động lực cho tất cả mọi người về “các mối quan hệ anh em và đoàn kết luôn sâu đậm và khích lệ mạnh mẽ cho dân tộc Bulgaria kiên trì trong mục đích xây dựng cho công chính và hoà bình”.
Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News tiếng Ý ngày 30 tháng 4-2019, giáo sư Kiril Kartaloff nói lên “các gốc rễ kitô của dân tộc Bulgaria” và “giúp chúng tôi khẳng định tình bằng hữu giữa Tòa Thánh và nước Bulgaria, được hỗ trợ do lòng kính mến đặc biệt các Thánh Cyrille và Méthode, những người kết nối gốc rễ kitô giáo trong tâm hồn người dân Bulgaria”.
Ông nói tiếp: “Nước Bulgaria được gọi để cổ động và làm chứng cho gốc rễ kitô giáo từ các lời giảng dạy của hai Thánh Cyrille và Méthode, luôn sát với thời buổi này và cần thiết hơn bao giờ hết: công việc của hai thánh vĩ đại trong việc rao giảng Tin Mừng ở Đông Âu góp phần đáng kể cho việc đào tạo gốc rễ kitô giáo chung của Âu châu”.
“Tìm những gì hiệp nhất, không tìm những gì làm chia rẽ”
Chủ đề chuyến đi của Đức Phanxicô là “Hòa bình trên thế gian” cũng là chủ đề của một thông điệp của Đức Gioan XXIII, vị sứ thần đầu tiên đến đất nước Bulgaria. Đức Giám mục Angelo Roncalli (giáo hoàng Gioan XXIII tương lai) được bổ nhiệm làm sứ thần ở Bulgari sau khi ngài nhậm chức giám mục ngày 19 tháng 3 năm 1925 tại Rôma.
Ông Kiril Kartaloff kể: “Chuyến thăm Thánh hội đồng Chính thống giáo đầu tiên của ngài rất sớm, vào tháng 8 năm 1925. Vị giáo hoàng tương lai nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tìm cái gì hợp nhất, chứ không tìm những gì chia rẽ.”
Giáo sư Kiril Kartaloff nói tiếp: “Ngay những ngày đầu đến Bulgaria, Đức Roncalli đã bắt đầu tìm hiểu các tín hữu chính thống giáo, người anh em bị chia cắt và tin rằng con đường phía trước là con đường phát triển các quan hệ bằng hữu giữa các tín hữu kitô”. Trong thời gian ngài ở Bulgaria (10 năm), Đức Roncalli đã đặt nền móng cho nền tảng của một phái đoàn tông đồ, mà ngài được bổ nhiệm làm đại diện đầu tiên năm 1931. Ngài đã thành công, không phải là không gặp khó khăn để tái tổ chức Giáo hội công giáo, thiết lập quan hệ bằng hữu với chính quyền và Nhà Hoàng gia Bulgaria, thành lập các quan hệ đáng kể đầu tiên với Giáo hội chính thống giáo Bulgaria.
Ông Kiril Kartaloff giải thích: “Thời gian ngài ở Bulgaria góp phần vào việc ngài lưu tâm đến vấn đề đại kết, sau này ngài có dịp phát triển hơn trong những năm ngài ở Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp cho đến khi ngài triệu tập Công đồng Vatican II” và “thông điệp đức tin này đã là và vẫn là mục đích tìm kiếm để tín hữu Đông phương và Tây phương có thể kết hiệp trọn vẹn với nhau, làm cho Tin Mừng được tỏa sáng”.
Công tác chuẩn bị cuối cùng đang được tiến hành cho chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô. Giáo xứ Belene, giáo phận Nicopoli đã chuẩn bị một món quà đặc biệt: một bức tượng với bốn chân phước Bulgari Kamen Vicev, Pavel Dzidzjov và Josaphat Sisikov, các linh mục dòng Thăng Thiên, tử đạo, bị tàn sát trong chế độ cộng sản và được Đức Gioan-Phaolô II phong chân phước ngày 26 tháng 5 năm 2002 ở Plovdiv. Cùng với ba vị này có thêm chân phước Eugene Bossilkov (1900-1952), giám mục giáo phận Nicopoli, đã chết như một vị tử đạo dưới chế độ cộng sản và được phong chân phước vào ngày 15 tháng 3 năm 1998 tại Rôma.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc thêm: Có ít hơn 1% người công giáo ở Bulgaria và Bắc Macedoina
Đến thăm Bulgaria và Macedoina, Đức Phanxicô theo bước chân của Đức Gioan XXIII và Mẹ Têrêxa