Lời cám ơn cảm động của Đức Tổng Giám mục giáo phận Tanger, Marốc 

148

Lời cám ơn cảm động của Đức Tổng Giám mục giáo phận Tanger, Marốc 

Đức Tổng Giám mục giáo phận Tanger có lời cám ơn cảm động gởi Đức Phanxicô

fr.zenit.org, Anita Bourdin, 2019-03-30

Tại Trung tâm Caritas giáo phận Rabat, Tổng Giám mục Santiago Agrelo Martínez, giáo phận Tanger “cám ơn Đức Phanxicô đã thương chúng con”.

“Nơi họ, Thiên Chúa của chúng ta run vì lạnh và cô đơn”

“Xin cám ơn cha vì cha đã thương chúng con” : đó là tiếng kêu từ quả tim của Tổng Giám mục Santiago Agrelo Martínez khi ngài đón Đức Phanxicô đến thăm trụ sở Caritas giáo phận Rabat chiều thứ bảy 30 tháng 3-2019. “Một buổi gặp người di dân” trong chuyến đi đến Marốc hai ngày của ngài.

“Trọng kính Đức Thánh Cha, trong căn phòng khiêm nhường này, lòng bác ái của giáo dân Marốc được thể hiện qua việc họ lo cho các thiếu thốn, các nhọc nhằn, các cô đơn, các hành trang hàng ngày của người nghèo.”

Đức Tổng Giám mục nhấn mạnh, đây là nơi giáo dân sống kinh nghiệm Giáo hội “là mẹ”: “Với lòng yêu thương của chúng con đối với cha, với lòng biết ơn của chúng con với các công việc cha làm cho dân Chúa, với lời cầu nguyện chúng con dâng lên Chúa mỗi ngày cho cha, với tấm lòng dấn thân mang Tin Mừng đến cho người nghèo của chúng con, Giáo hội chúng con giới thiệu cho cha hôm nay là Giáo hội của các buồn phiền, các lo âu, các niềm vui, các hy vọng của người di dân, họ mong muốn được quan tâm nhiều hơn, được Giáo hội giúp đỡ nhiều hơn, Giáo hội là mẹ của tất cả.”

Nước Marốc có khoảng 80 000 người di dân vùng cận sa mạc Sahara, trong số này có 4000 người được Trung tâm Caritas giúp đỡ”, Tổng Giám mục nhấn mạnh: “Người di dân nghèo không đòi hỏi quyền, nhưng họ có quyền. Người di dân nghèo không đòi hỏi công lý, nhưng công lý phải có cho họ. Như thể trong sự cùng quẩn tận cùng của họ, họ chỉ xin được phép sống. Như thử họ chỉ muốn nói với chúng ta, họ tồn tại, họ ở đó, họ khát khao được gần chúng ta, với cái nhìn ấm áp của chúng ta.”

Tổng Giám mục Martínez mô tả sự cùng quẩn vô tận và khó khăn cùng cực của những người không giấy tờ. “Đó là những người đàn ông, đàn bà, trẻ con vùng cận sa mạc Sahara, vùng Ma-grép Bắc Phi, họ thiếu nguồn lực, thiếu cơ hội, họ là những người khổ suốt đời. Bây giờ, ở đây, họ ở với chúng tôi, một số người đã có được giấy tờ, giúp cho họ có được quy chế hợp pháp như họ mong muốn. Nhưng chúng tôi cũng lo cho những người khác, họ chưa có giấy tờ, họ chẳng có gì; những người thường bị cho là bất hợp pháp hoặc bất bình thường, những người vừa bất hợp pháp, vừa bất bình thường thậm chí họ cũng không có niềm an ủi được ở đây hôm nay.”

Đối với Tổng Giám mục, những người “dễ tổn thương nhất này” là hình ảnh của Chúa Kitô vì họ “mang trong cơ thể họ dấu ấn của Chúa Kitô. Nơi họ, chính Chúa Giêsu Kitô bị đói ăn, bị khát công lý; nơi họ, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta đang run vì lạnh, vì cô đơn”.

Ngài nhấn mạnh đến sự hiện diện sống động của Chúa Kitô: “Như sự hiện diện của Chúa Kitô, sự hiện diện của người tận cùng nhất trong những người tận cùng, sự hiện diện này là có thật và huyền ẩn, đáng yêu và nhiệt thành, được mong muốn và bình an. Tất cả, trọng kính Đức Phanxicô, tất cả chúng con mong tìm được trong lời của cha ánh sáng đức tin để hướng dẫn chúng con, đảm bảo hy vọng để chúng con quyết tâm đi tới trên đường đời, sức mạnh của tình yêu sẽ không suy yếu trên con đường. Chúng con xin cám ơn cha đã yêu thương chúng con.”

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc thêm: Đức Phanxicô đến thăm Trung tâm Caritas Rabat, Marốc

Hình ảnh Đức Phanxicô ở Trung tâm Caritas ngày thứ bảy 30 tháng 3-2019