“Bị xuống thành giáo dân”, một thành ngữ không hay và lỗi thời

481

“Bị xuống thành giáo dân”, một thành ngữ không hay và lỗi thời

 

la-croix.com, Jean-Charles Descubes, 2019-03-26

Đức Giám mục Jean-Charles Descubes, nguyên Tổng Giám mục giáo phận Rouen, chủ tịch Quỹ Jean Rodhain thảo luận về giáo quyền.

Khi một giám mục, linh mục, thầy phó tế từ bỏ sứ vụ vì lý do cá nhân hay do quyết định tư pháp, thì chúng ta vẫn còn nghe hoặc đọc, người đó bị giáng xuống tình trạng giáo dân.

Thành ngữ này không hay và lỗi thời. Nó phản ánh nạn giáo quyền mà Đức Phanxicô thường cảnh báo, vì đó là nguyên nhân của nhiều vụ lạm dụng mà Giáo hội đang trải qua ngày nay.

Thành ngữ này cho thấy Giáo hội luôn chia làm hai đẳng cấp bất bình đẳng, giáo dân và giáo sĩ. Tất nhiên lịch sử làm chứng, hai đẳng cấp này đã dần dần thành lập trước khi được biện minh về mặt thần học và thiêng liêng vào thời điểm Chống-Cải cách.

Tuy nhiên hiến chương về Giáo hội của Công đồng Vatican II (Lumen gentium số  10) nhắc, nếu có một sự khác biệt ở mức độ giữa chức tư tế chung (giáo dân đã rửa tội) và chức tư tế thừa tác của các giám mục, linh mục (được phong chức) thì trên thực tế, mỗi người theo cách riêng của mình tham dự vào chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô.

Từ đó đức tin và các bí tích đức tin tồn tại giữa tất cả tín hữu của Chúa Kitô, các người đã được rửa tội có phẩm giá bình đẳng và không có nền tảng nào để có sự vượt trội giữa người này và người kia.

Vì vậy để thanh tẩy Giáo hội công giáo về các chức năng và suy nghĩ nuôi dưỡng cho tình trạng giáo quyền, đã đến lúc phải tránh các thành ngữ đáng tiếc.

Đặc biệt là cố gắng làm rõ các quyền, dĩ nhiên đi theo với nghĩa vụ, giúp  thể hiện được trong thực hành sự bình đẳng phẩm giá này của tất cả tín hữu kitô: có được sự thông minh của đức tin và được nâng đỡ về mặt thiêng liêng, có các sáng kiến và liên kết để thực hiện chúng, tham dự vào việc quản trị các công tác mục vụ, nhận trách nhiệm và nhận sứ vụ.

Khi đó trong bối cảnh chính trị, xã hội, văn hóa của thế kỷ 21, Tin Mừng của Chúa Kitô mới tỏa rạng với ánh sáng của nó, để mỗi người khám phá hoặc tái khám phá là họ có thể yêu thương vì họ biết họ được Chúa yêu thương.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch