Dụ ngôn cánh cửa của quả tim hay làm thế nào để gặp Chúa?
Trích sách 15 Dụ ngôn quy về điều chủ yếu, Linh mục René-Luc, nxb. Plon
Ngày 19 tháng 3 năm 1981, tôi 14 tuổi và tôi vừa nghe chứng từ của mục sư Nicky Cruz ở hội trường thể thao René-Bougnol, Montpellier. Mục sư Nicky là người Mỹ. Ông không được nuôi dạy trong đức tin kitô giáo, ngược lại là đàng khác. Ông lớn lên ở Bronx, New York. Một ngày nọ, ông trải nghiệm một kinh nghiệm thiêng liêng, và kinh nghiệm đó đã làm thay đổi đời ông. Từ đó ông đi khắp thế giới để làm chứng cho đức tin của mình. Ông chia sẻ cho nhiều người nhất có thể, để họ mở lòng ra với Chúa.
Chiều hôm đó, trong số những người này có tôi. Tôi chưa biết cha ruột mình là ai, còn cha dượng của tôi, người tham gia một băng cướp, vừa tự tử trước mặt tôi, ông đã bắn một phát vào tim mình. Các lời của mục sư Nicky như chạm đến tâm hồn tôi. Nếu ông thoát ra được thì tôi cũng thoát ra được. Vào cuối buổi nói chuyện, mục sư Nicky mời chúng tôi làm một hoạt động, cùng lên bục giảng với ông. Tôi có thể ngồi tại chỗ nhưng tôi nghe lời kêu gọi của ông. Tôi tiến đến gần và trong người tôi, tôi cảm thấy tình yêu của Chúa đến với tôi chính xác ngay lúc đó. Tôi, một trẻ vị thành niên lạc hướng, tôi mở tâm hồn ra. Chúa đi vào, và từ lúc đó, Ngài không bao giờ đi ra nữa.
Rồi đến lượt tôi, tôi đi khắp nơi trên thế giới để làm chứng cho cuộc gặp cá nhân của tôi với Chúa Kitô, đôi khi tôi gặp những người hoài nghi. Đối với một số người, Chúa là một thực tế quá xa vời với đời sống của họ, nên họ không thể làm sao kết bạn với Chúa được. Với một số người khác, Chúa hiện diện trong đời sống của họ từ khi họ còn nhỏ qua giáo dục, qua gia đình, nhưng Chúa chỉ ở mức độ là một khái niệm. Khó cho họ để sống mật thiết với Chúa như một người bạn.
Năm 2003, Đức Gioan-Phaolô II đã gởi cho các bạn trẻ sứ điệp “Đây là Mẹ con”, một sứ điệp rất mạnh mẽ. Ngài viết như sau: “Gặp Chúa Giêsu, yêu Chúa và làm cho người khác yêu Chúa: đó là ơn gọi của người kitô hữu.” Câu này trở thành châm ngôn của CapMissio. Tất cả tóm gọn trong vài dòng chữ này. Vì trước hết đó là cuộc gặp với Chúa Kitô.
Gặp Ngài
Từ vài năm nay, tôi ở trong nhóm những người giảng lễ sáng chúa nhật trên kênh truyền hình France 2. Đây quả là một thách thức, vì vừa phải nói với các thính giả đã quen với thánh lễ này, vừa phải cố gắng kéo sự chú ý của những người đã xa Giáo Hội nhất, nhưng vẫn để truyền hình mở suốt ngày khi họ làm các chuyện khác. Tháng 6 năm 2016, tôi muốn lặp lại câu châm ngôn này của Đức Gioan-Phaolô II, vì thế tôi mở đầu bài giảng như sau:
“Chúng ta đang ở mùa tranh cúp Euro, tôi muốn hỏi quý vị một câu: quý vị có biết Didier Deschamps là ai không? Là huấn luyện viên của đội tuyển Pháp!” Quý vị biết ông ấy nhưng quý vị đã gặp ông ấy chưa? Quý vị đã có dịp nói chuyện với ông ấy, hay đã ăn cơm với ông ấy chưa? Đối với Chúa Giêsu cũng vậy, nhiều người ở Pháp biết, nhưng chưa thật sự gặp Ngài, chưa tạo được một quan hệ cá nhân với Ngài.”
Câu mở đầu đã tạo một tiếng vang trên mạng. Các ký giả rất vui vì thấy một linh mục đưa nhà huấn luyện Didier Deschamps vào bài giảng của mình. Nhưng lý do của việc đó thì nghiêm túc hơn. Nếu các kitô hữu người Pháp gặp được Chúa Kitô, thì chắc chắn Giáo Hội chúng ta sẽ thay đổi rất nhanh.
Làm thế nào để gặp Chúa Kitô? Đối với một số người thì đây là một sự kiện chính xác, một cuộc trở lại giống như Thánh Phaolô, gặp Chúa trong một buổi canh thức làm chứng, trong lần gặp nhau vào những ngày Ngày Thế giới Trẻ với giáo hoàng, trong tuần tĩnh tâm ở Paray-le-Monial hay ở Taizé. Có người không nhớ giây phút chính xác. Nhưng tất cả đều nói Chúa Giêsu là bạn của họ.
Yêu Chúa
Khi chúng ta thật sự gặp Chúa Kitô, thì đúng lý, chúng ta muốn làm sao để Ngài được yêu mến. Không đơn giản để đề cập đến giai đoạn tình yêu này. Chúng ta phải từ bỏ những gì ngăn cản chúng ta yêu thương. Chúng ta hình dung một bạn trẻ tham dự những buổi có tác động mạnh như các Ngày Thế giới Trẻ. Chẳng hạn, họ trải nghiệm giây phút chính xác, trong buổi canh thức với giáo hoàng khi họ nghe Chúa Giêsu nói với họ qua anh em mình, hoặc khi nghe Lời Chúa. Nhưng khi về nhà, họ không tài nào dùng một phương tiện gì để gặp Chúa. Họ không quyết tâm cầm sách lên đọc Lời Chúa, không tham dự vào các Hội Đoàn (nhóm bằng hữu kitô), không từ bỏ một số thói quen xấu trước cuộc gặp gỡ này, họ vẫn dậm chân tại chỗ. Họ không yêu Chúa Giêsu được.
Làm cho Chúa được yêu
Để biết mình có yêu thương Chúa Giêsu không thì có nhiều dấu chỉ không nhầm lẫn được: yêu Lời Chúa, một niềm vui khi tham dự các bí tích nhất là đi lễ và xưng tội, một nhu cầu không thể sống đời sống đức tin một mình cách đơn độc, nhưng cùng sống với anh chị em mình, một quan tâm cho người anh em mình, nhất là cho người nghèo, và nhất là làm cho Chúa được yêu thương. Điểm cuối cùng này là điểm then chốt để biết mình có thực sự yêu Chúa hay không. Nếu mình yêu thì mình mong làm cho Chúa được yêu!
Mười năm sau sứ điệp của Đức Gioan-Phaolô II, năm 2013, trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng đầu tiên của mình, Đức Phanxicô mời gọi chúng ta xin ơn hoặc làm mới lại cuộc gặp gỡ cá nhân này với Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc.
“Tôi mời gọi tín hữu kitô, khi ở bất cứ đâu và hoàn cảnh nào, ngày hôm nay phải làm mới lại cuộc gặp cá nhân của mình với Chúa Giêsu Kitô, hay ít nhất buông mình để Ngài đến gặp, đi tìm Ngài không ngơi nghỉ mỗi ngày.
Không có lý do gì để cho rằng lời mời gọi này không phải của mình, vì không ai bị loại ra khỏi niềm vui mà Chúa mang lại cho chúng ta.
Chúa không làm chúng ta thất vọng và nếu ai dù làm một bước nhỏ đi về với Chúa Giêsu, thì họ sẽ thấy Chúa đã mở rộng vòng tay chờ đón họ từ lâu.”
Điều ngạc nhiên là giữa bản văn của Tông huấn, Đức Phanxicô đề nghị chúng ta ngừng đọc để cầu nguyện cho trải nghiệm gặp gỡ cá nhân này: “Đây là lúc chúng ta nói với Chúa Giêsu Kitô: ‘Lạy Chúa, con đã để cho mình bị lừa cả ngàn cách, con chạy trốn tình yêu của Chúa, con cần Chúa. Xin Chúa cứu chuộc con lại. Lạy Chúa, xin nhận con thêm một lần nữa vào trong vòng tay cứu chuộc của Chúa’. Điều này sẽ mang lại cho chúng ta bao nhiêu là chuyện tốt lành khi trở lại với Chúa, lúc mà chúng ta đã bị lạc hướng!”
Dụ ngôn cánh cửa của quả tim
Tiến trình gặp Chúa không phải dễ. Dù đã nghe chứng từ, dù đã đọc Tông huấn của giáo hoàng, đôi khi chúng ta như đứng trước bức tường. Có lý do nào cho việc ngăn chặn này không? Và đó là điều mà tôi muốn giải thích với các bạn về dụ ngôn cánh cửa của quả tim.
Năm 2002, trong một lần đi truyền giáo ở Anh, tôi nghe một mục tử kể dụ ngôn này trong buổi họp các bạn trẻ, và tôi thêm một ít nét riêng của tôi. Trong sách Khải huyền, quyển sách cuối cùng của Thánh Kinh có viết: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy…” (Kh 3, 20).
Họa sĩ trẻ người Anh William Holman Hunt đã minh họa câu này trong bức tranh có tên Ánh sáng Thế giới (Light of the World), nhưng bức tranh thường được biết đến qua tên Chúa Giêsu ở ngoài cửa (Jésus at the Door), được vẽ năm 1854, hiện nay bức tranh được lưu giữ ở đền thánh Thánh Phaolô, Luân Đôn.
Năm 2009, tôi xin anh bạn họa sĩ trẻ Jean-Pierre Kolasinski vẽ một bức tranh lấy cảm hứng từ bức tranh này, nhưng có thêm vài chi tiết. Tôi đặt tên cho bức tranh là Cánh cửa của trái tim.
Cánh cửa vẫn còn khép
Chúng ta thấy Chúa Giêsu gõ cửa từng một căn nhà. “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ.” Căn nhà là mỗi cuộc đời chúng ta, cánh cửa là trái tim chúng ta. Mới nhìn chúng ta có cảm tưởng như căn nhà bị bỏ hoang, cỏ mọc lên cao trước cổng, cây cỏ um tùm từ trên mái nhà rớt xuống. Dù vậy căn nhà này có người ở, chúng ta thấy ánh sáng ở bên trong. Rõ ràng cánh cửa Chúa đang đứng từ lâu chưa được mở. Có thể các cánh cửa khác thông ra đường đã được mở. Các cánh cửa đẹp như cánh cửa của nghệ thuật, của thể thao, của chia sẻ. Các cánh cửa ít đẹp hơn như cánh cửa ích kỷ, ghen tương, thờ thần tài. Dù sao, điều đáng nói với chúng ta là cánh cửa mở ra con đường thiêng liêng từ lâu chưa được mở.
Chúa Giêsu không nản chí, Ngài tiếp tục gõ nhè nhẹ. Ngài mời gọi chúng ta làm chứng. Ánh mắt của Ngài như hỏi chúng ta: “Con thấy cánh cửa này sẽ được mở không?”
Xoay chìa khóa
Trên cánh cửa, tôi xin anh họa sĩ trẻ vẽ thêm ổ khóa. Có thể cánh cửa được khóa trái. Bao nhiêu người khóa trái lòng họ. Khóa vì cha mẹ đã ly dị. Khóa vì người duy nhất nói cho tôi nghe về Chúa là bà ngoại thì bà đã qua đời, dù tôi đã cầu nguyện cho bà. Khóa trái vì thử thách, bệnh tật, học hành, vì công việc thất bại. Khóa trái vì người tôi yêu bỏ tôi. Khóa trái vì Chúa hầu như không nghe lời tôi cầu nguyện. Khóa trái vì Ngài hầu như bất lực trước biết bao nhiêu chuyện tai tiếng xấu xa. Khóa trái vì dù sao cứ sống thoải mái, xem như Chúa chẳng có đó thì tốt hơn.
Chúng ta phải nhận diện xem các vụ khóa trái này có làm chúng ta bỏ qua các tiếng gọi nào mà chúng ta không biết không. Nhận diện được các lý do là chúng ta đã xoay chìa khóa một vòng, là cửa đã bắt đầu được mở.
Nắm cửa ở phía mình
Trên bức tranh có một chi tiết lạ lùng. Chi tiết này đã có ở tác phẩm gốc của William Hunt. Trên cánh cửa không có tay nắm. Nhưng cửa thì phải có tay nắm, nếu không cánh cửa thành một bức tường. Thật ra tay nắm ở phía trong… Tay nắm phải ở phía chúng ta! Và đó là cách Chúa Giêsu hành động với từng người chúng ta: Ngài gõ cánh cửa tâm hồn chúng ta, nhưng Ngài không bao giờ đặt tay vào nắm cửa để mở.
Không có chuyện tông cửa xông vào, Ngài tế nhị, hoàn toàn tôn trọng tự do của chúng ta. Chính chúng ta là người phải nghe Ngài, chính chúng ta mở cửa cho Ngài. Tiếng gõ “cốc, cốc” của Chúa nhân lành phải được thể hiện trong đời sống chúng ta qua nhiều cách: một phong cảnh đẹp, một lời chứng từ, một cuộc gặp gỡ, một quyển sách, một bộ phim, một sự kiện vui vẻ, nhưng có khi cũng là một biến cố đau thương… Nếu chúng ta nghe tiếng Ngài, thì chúng ta chỉ cần mở cửa ra và nói: “Lạy Chúa, xin đến với con, xin ở lại nhà con…”
Lúc nào Chúa cũng hiện diện trong đời sống các bạn. Con người đã quá lâu không mở cửa cho Ngài, nhưng khi chúng ta chân thành gõ cửa thì Ngài sẽ nhanh chóng mở cửa, trung thành với lời hứa của Ngài: “Ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho!” (Mt 7, 7).
Marta An Nguyễn dịch
Dụ ngôn cánh cửa của quả tim hay làm thế nào để gặp Chúa?