Chết cho đúng

236

Chết cho đúng 

Ronald Rolheiser, 2018-10-29 

Tôi không muốn chết vì bệnh, tôi muốn chết vì chết!

Ivan Illich đã viết thế. Vậy nghĩa là gì? Chẳng phải ta đều chết vì chết sao? Dĩ nhiên, thực sự chúng ta đều chết vì chết, nhưng trong quan niệm của chúng ta, thường chúng ta chết vì bệnh, hay vì xấu số, do ung thư, bệnh tim, tiểu đường hay do tai nạn. Đôi khi do cách nghĩ của mình, mà chúng ta thấy ta chết vì bệnh.

Đó là điều mà Ivan Illich đang cố nhấn mạnh. Phải đối diện và tôn trọng cái chết như một cảm nghiệm nhân sinh bình thường, chứ không phải như một thất bại về mặt y khoa. Chết là chuyện không thể nào tránh và phải hiểu đó là một mốc trưởng thành cần thiết, một sự mà chúng ta được định về mặt hữu cơ và tinh thần, chứ không phải là sự bừa bãi sai sót trong vòng đời, không phải là một sự bất thường có thể tránh được. Chúng ta cần hiểu cái chết như người phụ nữ đang lâm bồn chờ đứa con ra đời, không phải một chuyện bất thường hay một can thiệp y khoa nguy hiểm mà là như một sự triển nở trọn vẹn của tiến trình sống.

Chúng ta trả giá cho quan niệm sai lầm của mình về cái chết, một cái giá đắt hơn chúng ta tưởng. Khi xem cái chết là sự thất bại của y khoa hay một vận rủi, thì nó biến thành một bóng ma đe dọa và một bóng tối đáng sợ mà chúng ta không dám đương đầu cách ý thức và không dám tìm hiểu nó.

Ernest Becker có nói về một thứ mà ông gọi là “chối bỏ cái chết” và cho rằng khi từ chối đối diện và tôn trọng cái chết như một tiến trình tự nhiên thay vì một chuyện bất thường, là chúng ta đang tự bần cùng hóa mình vô cùng. Khi sợ hãi một cách sai lầm đối với cái chết, thì ý thức mơ hồ về sự khả tử của chúng ta trở thành một góc tối mà chúng ta tránh xa. Chúng ta phải trả giá cho điều này, ngược đời thay, khi sợ cái chết là chúng ta không thể sống cho đúng đắn.

Trong nhận thức về sự sống, Martin Heidegger cũng xác nhận như thế. Ông cho rằng mỗi chúng ta là “hữu thể hướng đến cái chết”, nghĩa là từ lúc sinh ra chúng ta đã có một tình trạng mãn tính gọi là cuộc đời, và chúng ta chỉ có thể gạt đi nỗi sợ sai lầm kia nếu mình sống đời mình với sự thật không thể bàn cãi đó. Chúng ta đang chết. Cách nói của ông có thể khiến ta thấy phức tạp, nhưng như Illich, ông nêu ra một điểm tích cực. Với Heidegger, xét cho cùng, chúng ta không chết vì bệnh hay vì vận rủi. Chúng ta chết vì tự nhiên có tiến trình của nó và tự nhiên điều hành tiến trình đó, và chúng ta sẽ tận hưởng cuộc sống của mình hơn nếu như biết tôn trọng tiến trình tự nhiên đó, vì khi chấp nhận là mình  biết trân quý hơn các thời khắc sống và yêu.

Mỉa mai thay, việc trợ tử, với mọi luận điệu phức tạp của nó cho rằng nó giúp chúng ta kiểm soát cái chết, lại là thứ khiến chúng ta chết vì bệnh chứ không phải chết vì chết.

Dĩ nhiên, muốn chết vì chết chứ không phải vì bệnh, không có nghĩa là chúng ta không xem trọng y khoa và tác dụng của nó với sức khỏe và cứu mạng cho mình. Chúng ta bị cưỡng bách bởi bản chất, bởi những người thân yêu, bởi thường thức, và bởi một nguyên tắc không thể thay đổi trong luân lý, đòi chúng ta phải thực hiện mọi biện pháp y khoa thông thường có thể để gìn giữ sức khỏe. Y khoa hiện đại thật tuyệt vời, và nhiều người trong chúng ta, kể cả tôi, được sống đến hôm nay chính là nhờ y khoa hiện đại. Nhưng chúng ta cũng phải làm rõ rằng khi chúng ta chết, không phải vì thất bại y khoa, mà vì cái chết là cùng đích tự nhiên của chúng ta. Khi vừa sinh ra khỏi lòng mẹ, là đã xác định sẽ có một lúc chúng ta cần được sinh ra lần nữa từ lòng đất.

Hơn nữa, đón nhận cái chết như thế không phải là kiểu khắc kỷ tiêu cực xóa bỏ mọi vui thú trong đời. Ngược lại, như bất kỳ ai từng rơi vào tình trạng cận tử, họ sẽ cho chúng ta biết cái chết sẽ làm cho mọi thứ trong đời càng quý giá hơn bao giờ hết, bởi họ không còn xem chúng là thứ mặc nhiên.

Cần chú ý điểm này. Không cần nói chuyện này với giới trẻ, những người chối bỏ cái chết dữ dội, và với nguyên do tốt. Dù người trẻ không nên cố ý lờ đi sự khả tử hoặc sống như thể mình sẽ không bao giờ chết, nhưng người trẻ chưa nên tập trung vào cái chết. Việc của họ là xây dựng tương lai cho mình và cho thế giới. Họ có thể đối diện với cái chết sau. Nói một cách ẩn dụ, là họ cần tập trung hơn vào việc nuôi dưỡng bào thai hơn là lo chuyện lâm bồn.

Và trong những lời dạy của Chúa Giêsu có một điều nghịch lý vô cùng. Ai cố giữ mạng sống mình thì sẽ mất, và ai thí mạng sống mình thì sẽ tìm được nó. Hẳn Ivan Illich sẽ đồng ý như thế.

J.B. Thái Hòa dịch