Đức Phanxicô và các người đồng tính
lemonde.fr, Ariane Chemin Rome, 2018-10-18
Đức Phanxicô gặp lại Yayo Grassi (người mặc áo ca-rô đằng sau) trong chuyến đi Washington ngày 23 tháng 9 năm 2015. Marisa Marchitelli
Jorge Bergoglio thực sự là người như thế nào? Nữ ký giả Ariane Chemin báo “Le Monde” có loạt bài về tiến trình của ngài. Đây là bài thứ tư trong năm bài Theo dấu vết của Giáo hoàng Phanxicô.
Món mì xào Ý, món ra-gu đùi cừu, món gà muối gừng và anit, rạm cua xào hành ngò… Yayo Grassi là người bán thức ăn đặt tiệc, đúng mốt người Mỹ nhưng sinh trưởng ở Buenos Aires. Các món ăn của ông pha trộn đặc nét Argentina, Ý và toàn cầu được giao trong vùng Washington và các công thức nấu ăn của ông được hào phóng đăng trên Instagram.
Trên hình, Yayo người đàn ông hiền lành và liến thoắng, hết lòng đãi bạn bè, hàng xóm láng giềng và gia đình đông đảo của ông. Yago đồng tính. Ông không giấu giếm nhưng cũng không tỏ lộ.
Một buổi sáng tháng 9 năm 2015, điện thoại cầm tay reo khi ông đang tưới cây ngoài vườn, nhà ông ở gần trung tâm Washington. Một số lạ, “Có phải Obdulio đó không?”. Yayo sững sờ. Ở Argentina, ai cũng có một tên lóng. Nhưng tên “Obdulio” là tên 50 năm trước đây ở Argentina, người giáo sư văn chương trẻ, linh mục Dòng Tên Jorge Bergoglio đã đặt cho ông. Từ một nửa thế kỷ nay không ai gọi ông tên này.
Chúng ta cùng mở album kỷ niệm. Yayo lúc đó 16 tuổi, anh học ở trường danh tiếng Đức Mẹ Vô Nhiễm Santa Fe, trên bờ biển Rio Salado cách Buenos Aires khoảng 500 cây số. Các tòa nhà xây kiểu thuộc địa với từng hàng cây cam chạy dài là ngôi trường lớn nhất nước.
Năm 1965, sau khi có bằng kỹ thuật viên hóa học và cao học triết, Jorge Bergoglio dạy môn văn chương và tâm lý, môn học rất thịnh hành ở Argentina. Khi đó giáo hoàng tương lai mới 29 tuổi, các học trò chỉ thua thầy mười hai, mười ba tuổi. Không thể nào chơi đá banh với thầy, phải giữ một khoảng cách tôn trọng. Nhẹ nhàng, cả lớp gọi ngài là “bộ mặt mùa chay” (Carucha). Phải nói là thời đó ngài cũng đã nghiêm trang như một giáo hoàng.
Câu nói sẽ đi khắp thế giới
Một ngày nọ giáo sư Bergoglio muốn gọi học sinh Grassi lên bảng, nhưng giáo sư không thể nào nhớ tên Yayo của anh. “Và thật khôi hài, ngài gọi tôi là ‘Obdulio’, một tên riêng Tây Ban Nha rất xưa cổ, tên đã hết mốt từ hơn cả thế kỷ nay.”
Giáo hoàng tương lai – người luôn có khía cạnh siêu hiện thực và Nam Mỹ, người thích các chùm sao chữ – khi nào cũng thích sáng chế chữ mới. “Chủ thuyết công chức”, biến chữ ‘thương xót, miséricorde là một danh từ thành động từ ‘miséricordier’… Ở Rôma, người ta gọi những chữ này là chữ “kiểu bergoglio’, nửa ‘kiểu phản quy tắc’, nửa từ mới. Và Obdulio cũng vậy! “Cả lớp bật cười, còn ngài thì không bao giờ gọi tôi tên khác.” Biệt hiệu này, giọng thầm thầm, nửa thế kỷ sau ở đầu dây: không nghi ngờ gì nữa, đây là giáo sư của mình, Jorge-Phanxicô.
“Yayo, có hai chuyện, có khía cạnh ở cương vị con người và có khía cạnh ở cương vị mục tử của giáo hội. Anh đồng tính, anh đến với cha, cha là ai mà phán xét?”
Hồng y Bergoglio, giáo hoàng tương lai nói với Yayo Grassi, học trò cũ của mình
Ông Yayo ngưỡng mộ nói về thầy của mình: “Cha Bergoglio vẫn giữ trí nhớ của một người làm chính trị.” Còn ông, ông nhớ các kỷ niệm của nhóm thời đó. Ở tuổi 69, ông không quên lối dạy của người tông đồ truyền giáo Dòng Tên của trường Đức Mẹ Vô Nhiễm.
Bergoglio chiếu phim Dấu ấn thứ bảy (Le Septième Sceau) hay Nguồn (La Source) của điện ảnh gia Thụy Điển Ingmar Bergman cho học trò xem. Ngài dựng các vở kịch kể các vở kịch có các vai phụ nữ, đây là chuyện đầu tiên ở trường các cha Dòng Tên. Ngài truyền cho họ lòng nhiệt thành say mê tác phẩm của các tác giả Julio Cortazar, Ernesto Sabato và cả văn hào Jorge Luis Borges, ngài đã thuyết phục ông “ngồi ròng rã tám giờ trên xe buýt, vượt 500 cây số” để đến Santa Fe đọc sách cho học sinh. Ông Yayo Grassi kể: “Lúc đó văn hào Borges đã rất lớn tuổi, ông gần như mù… Tôi còn nhớ mãi.”
Học trò và thầy mất liên lạc trong thời kỳ của chế độ độc tài, vì năm 1978 Yayo di dân qua Mỹ. Năm 2008 khi thân mẫu của mình mất, ông bắt liên lạc lại với thầy cũ, thầy là Tổng Giám mục, rồi là hồng y ở Buenos Aires. Hai người gặp nhau ở tòa giám mục, bên cạnh nhà thờ chính tòa.
Yayo vừa bước qua tuổi sáu mươi, Bergoglio đã ngoài bảy mươi, họ ôn lại kỷ niệm và lướt qua thời sự chính trị. Bà Cristina Kirchner vừa kế vị chồng làm tổng thống nước Cộng hòa Argentina, bà mơ hợp thức hóa hôn nhân đồng tính, một thách đố cho một nước có 75 % dân số là người công giáo. Người cựu học sinh không cần phải nhắc đến khuynh hướng đồng tính của mình. Hồng y đã hiểu. Với giọng dịu dàng, hồng y nói: “Yayo, có khía cạnh ở cương vị con người và có khía cạnh ở cương vị mục tử của giáo hội. Anh đồng tính, anh đến với cha, cha là ai mà phán xét?” Đó là bí mật: ngày hôm đó, ở tòa giám mục Buenos Aires, giáo hoàng tương lai vừa nói với người học sinh cũ của mình câu mà sau ngày được bầu chọn, câu này đã lan khắp toàn thế giới.
Những chữ sấm sét
Bây giờ là năm năm sau, chúng ta đang ở mùa hè 2013. Trên máy bay từ Ba Tây về Rôma, Đức Phanxicô trả lời các câu hỏi của báo chí, một công việc ít phù hợp với ngài hơn một trong các vị tiền nhiệm của ngài, Đức Gioan-Phaolô II. Một ký giả hỏi ngài về việc có “vận động hành lang” đồng tính ở Vatican không. Với kỹ năng biện chứng như tài nghệ của một nghệ sĩ đu dây trong gánh xiếc, Phanxicô bẻ lại bằng một câu hỏi khác. “Nếu một người đồng tính và họ có lòng thành đi tìm Chúa, tôi là ai mà phán xét họ?”
Đối với các tu sĩ Dòng Tên, đây chỉ là một cách nói khác của “Bài giảng trên núi” trong Phúc Âm Thánh Mát-thêu, chương 7 câu 1: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán.” Đối với các người khác, câu này là dấu ấn của một giáo hoàng “thân thiện với người đồng tính”. Chẳng hạn với những người như Yayo, họ lên mây.
Thật ra hồi đó ông đã bắt đầu nghi ngờ lòng thành của thầy dạy kịch nghệ của mình. Năm 2010, hai năm sau khi hai người gặp nhau ở tòa giám mục Buenos Aires, ông đọc trên tờ nhật báo Argentina La Nacion, hồng y đã cho việc bảo vệ hôn nhân đồng tính là “chiến tranh chống Chúa”. Trong một thư gởi cho hội dòng Carmêlô, ngài xem bộ luật tương lai là “dự tính của quỷ”. Những lời này như cú sấm sét đối với người học trò cũ. “Theo tôi, luật này rất quan trọng. Tôi không hiểu.”
Từ hai năm nay, hai người có thói quen trao đổi thư từ giữa Washington và Buenos Aires. Ông Grassi nói tiếp: “Trả lời thư của tôi, cha Bergoglio lấy làm tiếc đã làm tổn thương một người bạn. Cha giải thích báo chí đã bóp méo lời của ngài, rằng ác cảm với người đồng tính không có trong công việc mục vụ của ngài, và ngài không muốn tranh luận về một văn bản dân sự, chứ không phải văn bản tôn giáo.”
Được yên tâm, Yayo tiếp tục thư từ với cha Bergoglio, kể cả thư từ đến Vatican sau năm 2013. Cho đến tháng 9 năm 2015 khi “số điện thoại không xác định” hiện lên trên màn hình điện thoại di động: “Obdulio, chúng ta tìm một lúc để gặp nhau khi cha đến Mỹ!”
Tai tiếng ở Washington
Ngày gặp được ấn định vào ngày 23 tháng 9, ngày hôm sau khi Đức Phanxicô đến Washington, nơi ngài sẽ đến Nhà Trắng, rồi đến Thượng viện. Obdulio đến tòa sứ thần với nhiều cô bạn và người bạn của ông thời đó, một thanh niên người Nam Dương 19 tuổi.
Đức Phanxicô biết thanh niên trẻ này: trước đó vài tháng hai người đã đến quảng trường Thánh Phêrô, Rôma. Trao đổi quà và vài lời nói đùa – Yayo tặng ngài quyển thơ Ba Tây và tài liệu Landfill Harmonic, câu chuyện của một ban nhạc do các em bé người Pa-ra-goay lắp ráp các nhạc cụ được thu hồi từ bãi rác. Một cô bạn quay cảnh gặp gỡ ở một trong các phòng khách.
“Giáo hoàng và các người đồng tính, câu chuyện của một ngộ nhận. Các kẻ thù của Đức Phanxicô đồng loạt đứng lên tóm lấy chủ đề đồng tính”
Laurent Lemoine, tu sĩ Dòng Đa Minh
Hai ngày sau đó, khi Đức Phanxicô chưa rời đất Mỹ, một vụ tai tiếng khác bùng ra. Buổi tiếp tân chính thức do tòa sứ thần ở thủ đô Washington đã tạo tranh cãi. Theo sự lèo lái của Đức ông Carlo Maria Vigano, một giám mục người Ý mà cả cuộc đời phục vụ trong ngành ngoại giao Tòa Thánh, giám mục thích các trò chơi trong bóng tối hơn là các lời tuyên bố chính thức dưới ánh sáng ban ngày. Đức Phanxicô ít tin tưởng người nhỏ nhen đơn độc và nóng tính này hơn là Đức Bênêđictô XVI. Như nhiều người khác ở Tòa Thánh, giám mục Vigano đưa ra các lời nói tán tỉnh với ác ý, nhưng riêng giám mục, có vẻ như ngài bị ám ảnh bởi vấn đề đồng tính. Chính giám mục đã lên danh sách mời mười mấy khách trong buổi dạ tiệc tổ chức ở tòa sứ thần ngày 24 tháng 9 – 2015.
Trong số khách mời có bà Kim Davis, người thuộc giáo phái tin lành hiện xuống từ Kentucky miền trung-đông Mỹ đến, bà là thư ký lục sự làm việc ở tòa án. Chỉ trong một mùa hè, người đàn bà mang mắt kiếng có mái tóc dài này trở nên khuôn mặt tiêu biểu cho phong trào chống hôn nhân-đồng tính và phong trào “kháng chiến” tôn giáo với các cải cách xã hội của tổng thống Barack Obama.
Bà từ chối cấp giấy chứng nhận kết hôn cho các cặp cùng giới, dù các cặp này đã được Tòa án Tối cao cho phép, và vì vậy bà phải ngồi tù sáu ngày. Văn phòng báo chí Tòa Thánh giải thích, ngày hôm đó Đức Phanxicô đã chào bà nhưng không biết bà. Ngược lại, các trang mạng cực kỳ bảo thủ của Mỹ thì cho rằng, ngài “đã cám ơn bà vì lòng can đảm của bà” trước khi ôm chào và tặng bà tràng chuỗi.
Các nhà bình luận quay vòng vòng
Cuộc tranh cãi trở nên dữ dội ở Vatican, đến mức khác với lệ thường, Vatican đưa ra một thông báo nhanh chóng mà chỉ có Vatican mới làm một cách lão luyện. Cái ôm chào với bà Davis, “thành viên của giáo phái Tông đồ Kitô, Apostolic Christians” (một giáo phái tin lành, không phải là công giáo) không được xem như “như một hình thức hỗ trợ” của giáo hoàng đối với đương sự.
Phần thứ hai của bản thông báo dành cho ông Yayo Grassi, nhưng không nêu tên ông. Sau xúc động gây ra trong cuộc gặp ở tòa sứ thần, hình ảnh của cuộc gặp gỡ tối hôm trước được đăng trên các trang mạng xã hội (‘mà không có sự đồng ý của tôi’, bây giờ ông Yayo cho biết). Các người Mỹ cực kỳ bảo thủ và các người chống hôn nhân đồng tính vui mừng khi thấy giáo hoàng chụp bên cạnh cặp đồng tính.
Ông Yayo Grassi thở dài nói: “Tôi không gặp giáo hoàng vì những lý do chính trị hay đấu tranh, tôi gặp một người bạn, một người thầy mà tôi kính phục và ngài có hẹn với tôi, chứ ngài không có hẹn với một cặp”, ông vẫn còn choáng váng trước cơn lốc giáng xuống ông lúc đó.
Giữa vòng ôm choàng với bà Kim Davis và vòng ôm choàng với người bạn cũ, các người công giáo bị lạc hướng. Tin ai bây giờ? Nghĩ gì bây giờ? Báo chí và các nhà bình luận quay vòng vòng. Từ ngày ngài được bầu chọn, ngài luôn giữ một sự quân bình đáng kể. Tùy theo bối cảnh hay tùy người đối diện, tùy theo ngày giờ để ngài thay đổi ý kiến của mình.
Đức Phanxicô không bao giờ quên đám cháy Đức Gioan-Phaolô II làm bùng lên năm 1989, khi ngài cho việc dùng bao cao su là “làm tổn thương đến nhân phẩm con người”.
Từ đầu triều giáo hoàng của mình, Đức Phanxicô cố gắng thoát bẫy truyền thông, một cái bẫy mà từ ba mươi năm nay làm mù mờ các sứ điệp giáo hoàng: cái bẫy đạo đức tình dục. Nhưng khi vụ ấu dâm nổ ra hoặc khi thảo luận khuynh hướng đồng tính thì ngài khó mà im. Ngày thì ngài cấm “phán xét”, ngày thì ngài khuyên nên nhờ “khoa tâm thần” nếu một em bé có “khuynh hướng đồng tính”. Câu nói, trích từ một ngữ cảnh dài uyển chuyển, bị báo chí cắt cụt, thế là tạo ra một tai tiếng mới.
Mơ ước chức đại sứ Pháp tại Tòa Thánh tại Villa Bonaparte
Triết gia và là chuyên gia về thần học chính trị Nicolas Tenaillon, tác giả quyển Trong đầu Giáo hoàng Phanxicô (Dans la tête du pape François, nxb. Actes Sud, 2017) cho biết: “Thái độ của giáo hoàng đối với vấn đề đồng tính chắc chắn là thái độ cho thấy khía cạnh phức tạp nhất trong cá tính của ngài”. Một mặt ngài có kinh nghiệm riêng ở Buenos Aires, chân thành lắng nghe những người sống trong hoàn cảnh tế nhị về tình dục và đau khổ về chuyện này; mặt khác là tuân thủ theo quá trình đào tạo lâu dài của Dòng Tên và lưu tâm suy nghĩ đến cách hành xử thực tế của con người khởi đi từ tiêu chuẩn của Giáo hội công giáo, mà đối với ngài, sự hợp pháp là không nghi ngờ gì. Giáo sư Tenaillon trả lời báo “Catho” ở Lille: “Sự đào tạo này làm cho ngài tuyên bố những lời lẽ cứng cỏi và thường bị cho là lỗi thời”.
Theo ký giả Henri Tincq, nhà báo kỳ cựu phụ trách mục tôn giáo của báo Le Monde: “ ‘Tôi là ai mà phán xét’ là câu rõ ràng nhất của triều giáo hoàng của ngài, từ hai trăm năm nay, Giáo hội đã lên án đồng tính. Ngay cả Đức Phaolô-VI, người bị cho là “Hamlet” vì ngài thay đổi ý kiến mỗi ngày, thì ngài vẫn là người mang sự thật.”
Tuy nhiên câu chuyện của giáo hoàng và người đồng tính là như một ngộ nhận. Linh mục Laurent Lemoine Dòng Đa Minh cho rằng: “Trên thực tế, Đức Phanxicô còn đi xa đến mức có thể, với cặp mắt kiếng của người ở thế hệ của ngài, với phần mềm riêng của ngài. Ngài thực hành phiên bản hiện đại của lòng thương xót mà ngài gọi là “bao gồm” (không loại trừ một ai, bao gồm tất cả) và từ năm 2015 đã làm cho các kẻ thù cực kỳ bảo thủ của ngài nhảy đựng. Năm đó là năm đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử triều giáo hoàng… Linh mục nhà phân tâm và cựu nhà xuất bản công giáo Lemoine nói tiếp: “Các kẻ thù của Đức Phanxicô đồng loạt đứng lên tóm lấy chủ đề đồng tính.”
Ngành ngoại giao Pháp không phải là không biết tuyến đầu này. Đầu năm 2015, và đây là cái bẫy của một túi xắc không hẳn là không có đầy nút thắt. Từ vài tháng nay, tại Pháp, phủ thủ tướng báo cho phủ tổng thống, mùa xuân này ông Bruno Joubert đại sứ Pháp tại Tòa Thánh sẽ về làm việc ở Tòa án cấp Kiểm toán ở Paris. Địa vị của ông ở Rôma làm cho bất cứ nhà ngoại giao nào cũng phải mơ ước. Với công viên râm bóng mát ở ngay thủ đô Ý, tòa đại sứ Villa Bonaparte chỉ cách công viên Villa Borghèse hai bước, còn dễ chịu hơn là dinh Farnèse, trụ sở của đại sứ quán Pháp ở Ý. Nhưng trên tất cả, công việc rất thú vị. Ngoại giao Vatican, một trong những nơi có nhiều thông tin nhất thế giới, cho phép đại sứ Pháp ở Tòa Thánh đưa tin tức quý báu về Paris.
Các đường lối quanh co và các cú bẫy của Vatican
Trong số các ứng viên chức đại sứ có ông Laurent Stefanini, 55 tuổi, trưởng ban nghi thức ở Điện Elysée. Con người uyên bác, nhã nhặn và dè dặt, biết các phức tạp và cạm bẫy của Vatican: dưới triều Đức Gioan-Phaolô II, ông đã là nhân vật thứ hai của đại sứ Pierre Morel ở tòa đại sứ Villa Bonaparte từ năm 2001 đến năm 2005 và ông đã để lại đó một kỷ niệm đẹp.
Ông có thể tin cậy vào sự hỗ trợ của vài hồng y: hồng y Philippe Barbarin, Tổng Giám mục giáo phận Lyon và là đồng minh đầu tiên của Đức Phanxicô ở Pháp; Tổng Giám André Vingt-Trois, giáo phận Pháp, người đơn độc mà bình thường rất ghét can thiệp vào công việc của Rôma. Nhưng nhất là ông Stefanini có thể dựa vào sự hỗ trợ của hồng y Jean-Louis Tauran, người mà dù bị bệnh Parkison đã loan báo việc bầu chọn Đức Phanxicô trên ban-công Thánh Phêrô chiều ngày 13 tháng 3 – 2013.
Ngày 5 tháng 1 – 2015, một ngày trước cuộc tấn công hồi giáo vào ban biên tập tuần báo Charlie hebdo, trong buổi họp với các bộ trưởng, tổng thống Pháp François Hollande đã đề cử người trưởng ban nghi lễ của mình vào chức vụ đại sứ Pháp tại Tòa Thánh. Ngay khi sứ thần Tòa Thánh tại Paris Luigi Ventura viết báo cáo về ứng viên được Tổng thống chọn và được Tòa Thánh chấp nhận, thì Nhật báo Chính thức (Journal officiel) sẽ công bố chứng chỉ bổ nhiệm. Trong các lời chúc sau buổi họp, có người đã chúc ông trưởng ban nghi lễ phủ tổng thống có một tương lai hứa hẹn.
Rồi ngày qua ngày, tháng qua tháng, một tháng trôi qua, rồi hai, rồi ba… Bản báo cáo đã được gởi đến giáo hoàng nhưng lời chúc của Tòa Thánh thì chờ đến vô tận. Rồi có tiếng vang từ tuần báo Các giá trị hiện nay (Valeurs actuelles), rồi một bài báo trong tờ Con Vịt Buộc (Canard enchaỵné) đăng ngày 1 tháng 4 năm 2915 giải thích khuynh hướng đồng tính của đại sứ tương lai, dù chưa bao giờ lộ rõ, sẽ tạo một số vấn đề. Ai? Những người ghen tuông? Các người cực kỳ bảo thủ? Hay chính giáo hoàng?
“Đức Mẹ tháo gỡ nút thắt”
Trong thời gian ở tòa đại sứ Pháp Villa Bonaparte ở Vatican, từ năm 2001 đến năm 2005, Laurent Stefanini biết rõ các bí quyết của giáo triều la mã. Để hiểu bên trong hành lang, ông có vài chuyến đi.
Ông tìm gặp hồng y Tauran (ngài vừa qua đời mùa hè vừa qua), thăm người “đồng hương” đảo Corse giống mình, hồng y Dominique Mamberti, trước khi được hồng y Angelo Becciu phủ Quốc Vụ Khanh đích thân tiếp. Ngày 17 tháng 4- 2015, trong lần gặp hồng y Becciu, ông hiểu hồ sơ dễ cháy của mình đã ở cấp cao, và chính giáo hoàng đang giữ trong tay. Hồng y Becciu nói với ông: “Đức Phanxicô muốn gặp ông tối nay”.
17 giờ chiều hôm đó, ông Laurent Stefanini đến cổng Nhà Thánh Marta, nơi thường trú của Đức Phanxicô. Ông biết cuộc gặp không chuẩn bị này là để nói về việc bổ nhiệm ông.
Ông đoán đây là cuộc gặp quyết định cho địa vị của ông và một phần cũng là cho sự nghiệp của ông. Kiên nhẫn chờ bên phòng phụ của giáo hoàng, nơi có bức tranh Đức Mẹ tháo gỡ nút thắt thân thiết của ngài. Ông Stefanini nhớ lại để trấn an, trong lần cuối khi chúc giáo triều, Đức Phanxicô đã lên án “các cú móc”. Lần này ngài có tháo gỡ các âm mưu có thể có và Đức Mẹ trên tường có gỡ rối cho mối bòng bong ngoại giao này không…
Có phải kinh nghiệm về chế độ độc tài ở Argentina đặt gián điệp vào nhà thờ và nghe lén linh mục không mà cuộc gặp này không có nhân chứng, Đức Phanxicô không có thông dịch viên. Ngài ngồi đối diện với người khách Pháp, khuôn mặt khép kín, đầu óc của những ngày không vui như ngày đầu gặp tổng thống Pháp François Hollande hay sau này khi gặp Donald Trump. Người đang chờ địa vị đại sứ ở Tòa Thánh lấy hết gan dạ và xin Đức Phanxicô đọc Kinh Lạy Cha với mình. “Lạy Cha chúng con ở trên trời” (Padre nostro che sei nei cieli…” Đức Phanxicô đọc tiếng Ý, khách đọc tiếng Pháp.
Cầu nguyện với Thánh Giuse
Trong bốn mươi phút, hai người nói từ thứ tiếng này qua thứ tiếng kia, từ đề tài này qua đề tài kia. Ông Laurent Stefanini bắt đầu nói với Đức Phanxicô quá trình của mình. Nhà ngoại giao nói mình đã được rửa tội, đã “thêm sức” và cuối cùng nói đến khuynh hướng đồng tính của mình trong căn phòng lạnh giá của Nhà Thánh Marta.
Thêm một lần nữa, Đức Phanxicô nói câu chủ chốt của mình, dấu ấn triều giáo hoàng của mình: “Tôi là ai mà phán xét?” Ngài thư giãn khi ông Stefanini nói đến các chuẩn bị cho cuộc họp COP21, cuộc họp quốc tế 21 nước về khí hậu sẽ được tổ chức vào mùa đông năm đó ở Paris -, đề tài mà Đức Phanxicô đang chuẩn bị cho thông điệp về môi sinh của ngài.
Để kết thúc buổi nói chuyện, Đức Phanxicô đề nghị khách của mình cầu nguyện với Thánh Giuse, “người có thể làm chuyện không thể thành chuyện có thể” và làm nhẹ bớt “những lúc khó khăn và tuyệt vọng”, đó là lời cầu nguyện ở mặt sau tượng Thánh Giuse mà ngài tặng nhà ngoại giao ngày 17 tháng 4 – 2015 ở Nhà Thánh Marta. Một ít bí ẩn, Đức Giáo hoàng nói: “Một lời cầu nguyện khiêm tốn.”
Ông Laurent Stefanini kể: “Tôi quỳ xuống. Ngài ban phép lành cho tôi. Tôi để bức ảnh trong túi, bây giờ bức ảnh tôi để trong sách lễ trên đầu giường của tôi, ngài ôm chặt tôi trong vòng tay của ngài và tôi ra về”.
Chiều hôm đó khi ông rời Nhà Thánh Marta thì đêm đã xuống, quảng trường bên cạnh vắng vẻ thinh lặng, đá cuội lát đường bóng loáng dưới ánh đèn. “Tôi đi bộ trên con đường nhỏ dọc treo trạm xăng. Trạm hiến binh Tòa Thánh trống. Vì tôi phải về tòa đại sứ để lấy xe, tôi không hiểu tại sao tôi lại quay trở lại. Đức Phanxicô còn ở ngoài cửa. Ngài dễ thương cười với tôi và ra dấu bằng tay. Tôi cảm thấy ấm lòng và thầm nghĩ: ‘Buổi gặp đã diễn ra tốt đẹp, ngài sẽ nói với nhân viên của mình, không có lý do gì để không tiễn tôi’”. Nhưng phê duyệt thì không bao giờ đến Paris. Bây giờ ông Laurent Stefanini là đại sứ Pháp ở Unesco (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc). Ông vẫn không biết Đức Giáo hoàng nghĩ gì trong đầu ngày thứ sáu mùa xuân năm 2015 này.
Marta An Nguyễn dịch