Đức Phanxicô, nữ tu Geneviève và bóng ma của chế độ độc tài Argentina
Nữ tu Geneviève trong chiếc xe ca-ra-van ở chợ phiên Ostia (Ý) ngày 27 tháng 6. Giovanni Cocco, Le Monde
lemonde.fr, Ariane Chemin, 2018-10-17
Nữ ký giả Ariane Chemin báo “Le Monde” có loạt bài về tiến trình của Đức Phanxicô. Đây là bài thứ ba trong năm bài Theo dấu vết của Giáo hoàng Phanxicô. Nhưng vì sao Đức Phanxicô không thể từ chối gì với nữ tu Geneviève, người Pháp sống ở khu chợ phiên gần Rôma này?
Ngày 3 tháng 5 năm 2015, ngay cả ông Domenico Giani, chỉ huy trưởng đội hiến binh Tòa Thánh cũng không hay biết gì. Ngày chúa nhật mùa Phục Sinh, giáo dân chờ Đức Phanxicô ở nhà thờ Nữ Vương Hòa Bình, cách Rôma 30 cây số. Chuyến đi được dự trù trước, an ninh đã bố trí dọc đường đi. Nhưng còn cách nhà thờ 100 mét, Đức Phanxicô xin dừng xe ở góc Lunapark, nơi có khu chợ phiên nhỏ Foire du Trône, loại chợ phiên ở Ý của những năm 1950 với tiếng cười của các anh hề trong phiên chợ bình dân. Đức Phanxicô đi vào chợ theo lối đi dành cho các người biểu diễn các trò chơi. Ngài đi vào đó và mất hút.
Phía cánh cửa gỗ bên kia, một phụ nữ chờ ngài: Geneviève Jeanningros, người nữ tu mảnh mai người Pháp 75 tuổi với nụ cười tươi tắn, đôi mắt trong xanh và mái tóc bạc. Từ năm mươi năm nay, người phụ nữ này bỏ kẹp tóc để mang khăn voan xanh của Dòng Tiểu Muội Chúa Giêsu. Tôn chỉ của Dòng dựa trên tinh thần của chân phước Charles de Foucauld: làm việc, cầu nguyện, tình anh em, sống giữa những người mà Giáo hội công giáo ít gặp, những người mà ngày nay Đức Phanxicô gọi là những người bị bỏ quên “vùng ngoại vi.” Nữ tu Geneviève chọn thành phố Ostia, cảng ngày xưa trở thành nơi trú ẩn cho các gia đình đến từ Istria, Dalmatia và những người Ý từ Libya, một ngoại ô xa của Rôma nổi tiếng bị Mafia thống trị.
Nữ tu dắt Đức Phanxicô đến đoàn xe ca-ra-van. Lối đi hẹp đến mức dây thắt lưng của ngài bị móc vào đinh – “Chính xác là đây”, nữ tu Geneviève chỉ cho chúng tôi xem vật gây cản trở, như thử đây là thánh tích thiêng liêng! “Giáo hoàng Phanxicô! Giáo hoàng Phanxicô!” Với mười mấy gia đình những người buôn bán trong chợ thì đây là một sự hiện ra: giáo hoàng ở đây bằng xương bằng thịt, mặc áo tuyền trắng. Điện thoại của họ quay phim từng cảnh, từng lời trao đổi của ngài với nữ tu Geneviève, từng trẻ em ngài bồng lên, từng em bé trong bụng mẹ được ngài ban phép lành: “Con sẽ đặt cho em bé tên gì?, ngài vừa hỏi vừa đặt tay trên bụng bầu của cô Leonella Livero, người làm bánh bột rán cho một tiệm bánh gần đó.
– Oscar, cô Livero trả lời.
– Tên Oscar là tên hay, đó cũng là tên của em út của cha. Cha xin chúc lành cho hai mẹ con (Tanti auguri a te!).
“Tốt, cha phải trừ quỷ cho ai đây?”
Từng giây phút đã được lên lịch, ban an ninh sốt ruột, giáo dân chờ dự thánh lễ. Đức Phanxicô từ từ phen một lối đi để đến chiếc ca-ra-van của xơ Geneviève Jeanningros.
Ngài nói đùa dưới mái che bằng tôn lượn sóng: “Tốt, cha phải trừ quỷ cho ai đây?”. Chắc chắn ngài đang nghĩ đến Villa 21, khu phố ổ chuột danh tiếng của Buenos Aires, nơi có 45 000 người dân mà gần như nhà nào cũng treo chân dung của ngài. ngài được đón nhận như một vị thánh. “Tôi mơ một Giáo hội nghèo cho người nghèo”, từ khi ngài sống ở Rôma, ngài hay lặp lại câu này.
“Giáo hoàng Phanxicô, Giáo hoàng Phanxicô” được reo suốt căn bếp nhỏ và tủ lạnh của nữ tu Geneviève, giữa chiếc giường nhỏ và văn phòng bé xíu là nhà nguyện nhỏ xíu, nơi mỗi ngày, nữ tu thâu lại các bài giảng buổi sáng của Đức Phanxicô”, xơ nói: “Tôi rất thích. Ngài cầu nguyện đơn sơ, không cần phải dùng tự điển.” Đức Phanxicô thinh lặng cầu nguyện, ngài làm dấu thánh giá trên trán một vài bà, hôn lên má một vài ông và ngài ban phép lành cho mọi người trước khi ra về.
Làm thế nào giải thích cái móc dính của những chiếc xe ô-tô húc nhau ở chợ phiên Ostia một chúa nhật mùa Phục Sinh? Vì sao Đức Phanxicô không từ chối gì với “tiểu muội Geneviève này?”. Các người ở chợ phiên và ban an ninh của Đức Phanxicô không biết gì về xơ. “Người bạn thân của giáo hoàng” như tên gọi thân yêu của những người ở Lunapark, xơ không phải là người Argentina, cũng không phải là người Ý.
Xơ lớn lên ở Longechaux (Doubs), gần thành phố Besançon, nước Pháp, trong một gia đình “công giáo khuynh tả”, mọi người đều dấn thân theo cách của mình. Trong những năm 1970, anh của xơ là Michel Jeanningros, một trong các công đoàn viên của nghiệp đoàn y tế xã hội CFDT, cùng với ông Charles Piaget đã lo giải quyết các vụ đình công ở Lip. Dì của xơ đi tu Dòng Các Nữ tu Truyền giáo Nước ngoài. Tên của dì nổi tiếng ở Argentina: Léonie Duquet, một trong hai nữ tu Pháp bị ám sát dưới chế độ độc tài quân sự Argentina (1976-1983).
Mỗi mùa hè “dì Léonie” về thăm gia đình một thời gian ngắn ở Doubs. Đời sống của dì bên cạnh Thổ dân Mapuche hoặc ở các khu phố nghèo villa miseria, các khu phố ổ chuột Buenos Aires làm mê hoặc các cháu của dì. Năm 1966, Xơ Geneviève 23 tuổi vào Dòng Tiểu Muội Chúa Giêsu. Dòng gởi xơ đến ở với những người buôn bán chợ phiên ở Versoix, gần Genève, Thụy Sĩ. Xơ rất thích bầu khí láng trại, dầu mỡ chiên xào và các trò chơi đủ loại ở chợ phiên: thế là mở đầu cho đời sống du mục. Đứng trước gian hàng câu cá xơ trông nom từ 6 giờ chiều đến 1 giờ sáng, xơ kể: “Tôi thích vui, tôi thích lễ hội.”
Phải cứu thư viện
Trong thời gian dì của xơ dạy giáo lý ở ngoại ô Buenos Aires và bị bị bắt cóc thì xơ Geneviève chưa về Ý sống. Dì Léonie không phải là người đầu tiên bị bắt cóc. Từ cú đảo chính quân sự ngày 24 tháng 3 năm 1976, Argentina ở dưới trướng cai trị của ba nhà độc tài quân sự cấp cao trong đó có đại tướng Videla, một làn sóng bách hại khủng khiếp giáng xuống đất nước.
Con trai, con gái, người trẻ, người già, người chống đối thật, người tình nghi chống đối, người Argentina hay người nước ngoài bị các nhóm nhỏ nhiều ít chính thức bắt cóc, theo lệnh của nhóm đảo chính quân sự, và họ mất tích, không ai biết họ sống chết như thế nào. Argentina sống trong cảnh kinh hoàng. Các trung tâm giam giữ chui mọc lên khắp nước, tại các trung tâm này người bị giam giữ bị hiếp, bị tra tấn.
“Đó là cách hành động của ngài. Ngài cũng làm như thế với các người đình công, ngài giúp đỡ, nhưng đằng sau”
Cựu linh mục Carlos Saracini, giáo xứ Santa Cruz
Từ ba năm nay, “Cha Bergoglio” là cha bề trên tỉnh dòng của Dòng Tên, có nghĩa là có trách nhiệm toàn quốc. Cha 36 tuổi, như các đồng hương của mình, mỗi ngày cha đều gặp các gia đình sống trong phập phồng lo âu, sống trong hoang mang. Đó là trường hợp các bà con của bà Esther Ballestrino de Careaga, cựu giáo sư hóa học của ngài. Bà là chiến sĩ cánh tả (bà không dính gì với Đảng cộng sản, không như người ta thường hay nói về bà), là nhà sáng lập phong trào nữ quyền ở Pa-ra-goay, trước khi bà trốn nước vào năm 1949, con gái của bà là cô Ana-Maria bị bắt cóc trong vòng bốn tháng.
Jorge Bergoglio biết rất rõ về bà Esther Ballestrino de Careaga. Vào đầu những năm 1950, trong vòng ba năm, Jorge Bergoglio đến học ở phòng thí nghiệm của bà trong khu phố Recoleta, ngài chuẩn bị lấy bằng hóa học kỹ nghệ.
Mười lăm năm sau, trong những ngày đen tối của năm 1977, bà xin ngài một ân huệ. Nhà của bà đầy cả sách vở, cô Ana-Maria con gái bà năm nay 58 tuổi nhớ lại: “Sách chất đầy cả tường.” Bà sợ có ngày các sách “mác-xít” này sẽ làm hại bà. Người cựu sinh viên của mình bây giờ là bề trên cao cấp Dòng Tên, có thể nào cha đem sách của mình vào cất ở một trong các trường của cha không? Jorge Bergoglio đồng ý. Giai đoạn này là một trong các giai đoạn chủ chốt trong các phim, các sách nói về ngài. Theo sử gia công giáo Austen Ivereigh, tác giả quyển Phanxicô, nhà cải cách (François le réformateur, nxb. Emmanuel, 2017) thì chính giáo hoàng tương lai đích thân đi “xe cam-nhông” đến chở sách.
Khó xử trong những năm xung đột
Vào thời đó, dì nữ tu Léonie Duquet cũng không được an toàn. Xơ Geneviève cháu của dì kể: “Ai tỏ ra mình gần người nghèo đều bị cho là cộng sản, như thế là kẻ thù của chế độ.” Xơ Léonie, cũng như nhiều nam nữ tu sĩ khác đã quen đi giúp người nghèo ở các khu phố ổ chuột, họ thường bị một chiếc xe Ford Falcon theo dõi – loại xe của những người đi tra tấn -, họ theo dõi xơ đến tận nhà xứ Buenos Aires, nơi xơ ẩn trốn trong đó.
Họ cũng đi lùng các Bà Mẹ Quảng trường Tháng Năm, các bà mẹ can đảm mất tin con, từ tám tháng nay họ tụ tập ở chung quanh Quảng trường Tháng Năm gần các cơ sở chính quyền, họ làm gai mắt chế độ. Một vài bà trong số họ ở lại đêm ở nhà thờ Santa Cruz, trung tâm thành phố. Đó là trường hợp của bà Esther Ballestrino de Careaga, cựu giáo sư hóa học của Jorge Bergoglio.
Xơ Geneviève kể chi tiết: “Ngày 8 tháng 12 năm 1977, các quân nhân bắt mười hai bà của phong trào các Bà Mẹ Quảng trường Tháng Năm lên xe, hai ngày sau họ thấy xơ Léonie Duquet ở nhà xứ, họ cưỡng bức bắt xơ lên xe Ford Falcon.”
Bốn mươi năm sau, dì Léonie của xơ Geneviève vẫn là một trong các biểu tượng của 20 000 đến 30 000 sống ngoài lề, những người “bị mất tích” của chế độ độc tài. Như nhiều đồng hương của mình, dĩ nhiên Giáo hoàng Phanxicô nhớ đến vụ bắt cóc của nữ tu người Pháp và bạn của xơ là bà Alice Domon, một câu chuyện làm rúng động Châu Mỹ La Tinh, nhưng cũng làm rúng động ở Paris và Rôma.
Đối với Giáo hội Argentina, bảy năm dưới chế độ độc tài là những năm sống trong bạo lực. Nhóm đảo chính thao túng hệ thống, bảo thủ và tuần phục, nhưng bủa vây các linh mục thợ thuyền, các cha xứ lo cho người nghèo, xem họ là những người “đỏ”.
Các linh mục Dòng Tên bị nghe lén, đại tướng Videla ra lệnh tịch thu một trong các tạp chí của họ. Ngay cả trong nội bộ các linh mục cũng đã có chia rẽ. Như thế, dù biết sẽ gặp nguy hiểm, có nên tiếp tục dâng thánh lễ ở các khu phố nghèo, nơi cũng có các người chiến đấu Montoneros, một phong trào cánh tả theo Peron không? Đó là một trong các chuyện khó xử đặt ra cho cha Jorge Bergoglio.
Đức Phanxicô bắt mọi người phải tuân theo
Tháng 3 năm 1976 sau khi phe quân sự thiết lập chế độ độc tài, giáo hoàng tương lai bắt mọi người phải tuân theo. Ngài tập hợp các học sinh của trường San José ở Buenos Aires lại, chấm dứt phát hành các ấn phẩm của Dòng Tên, chọn lọc kỹ càng các giáo sư của mình, giải tán các cộng đoàn, lấy lý do cần có các cuộc tĩnh tâm quan trọng, ngài triệu các linh mục mà ngài cho là những người muốn “lật đổ” về.
Nhưng ngày 23 tháng 5 – 1976, một đặc công bắt cóc hai tu sĩ Dòng Tên mà ngài đã cấm hai tu sĩ này không được đến các thành phố ổ chuột. Ngài đã có thể tránh được vụ bi thảm này không? Có, một vài người như nhà báo nổi tiếng Argentina Horacio Verbitsky cho biết: “Ngài đã không còn bảo vệ hai linh mục”, nhà báo Verbitsky là tác giả quyển sách El Silencio, 2005, điều tra về Giáo hội trong thời chế độ độc tài. Nhưng theo linh mục Juan Carlos Scannone thì cha Bergoglio không bảo vệ được: “Là bề trên tỉnh dòng, dĩ nhiên Bergoglio không muốn một tu sĩ Dòng Tên nào bị bắt cóc”, linh mục Scannone là người sống bên cạnh Đức Phanxicô trong những năm “chiến tranh bẩn thỉu” này.
“’Cám ơn xơ’. Đó là cách mình phải làm giữa anh chị em, nói chuyện với nhau” Đức Phanxicô nói với xơ Geneviève
Sau năm tháng bị giam giữ và tra tấn, hai linh mục được thả ra. Còn “dì Léonie” thì không được may mắn này. Chiếc xe Ford Falcon của những người tra tấn đưa dì đến Esma, trường Hải quân là trung tâm giam giữ chính của nhóm đảo chính ở Buenos Aires. Tòa nhà này bây giờ là nơi tưởng niệm lạnh giá. Trên bức tường của tầng cuối cùng, người xem còn thấy, bên cạnh cây thánh giá nhỏ có hàng chữ nhỏ xíu: “69 FE.” Xơ Geneviève giải thích: “Đó là các số cuối điện thoại của dì tôi”, chắc chắn đã được khắc giữa hai lần tra tấn. Sau đó xơ Léonie Duquet bị đưa lên một chiếc máy bay và bị vứt sống xuống lòng biển Đại Tây Dương ngày 14 tháng 12 năm 1977.
Trong gần ba mươi năm, xơ Geneviève lên án những người trong Giáo hội Argentina đã không bao giờ lên tiếng chống chế độ độc tài, một chế độ táng tận lương tâm âm thầm ám sát các nam nữ tu sĩ. Như nhiều người khác, xơ không biết thi thể của những người mất tích này bây giờ ở đâu. Cho đến năm 2005, xơ được biết qua báo chí, nhờ ADN của gia đình nên có thể nhận diện được một vài thi thể. Các thi thể này ở trong hố chôn tập thể của một thành phố ven biển, cách Buenos Aires 400 cây số. Bị đẩy xuống máy bay ngoài khơi năm 1977, thi thể của dì Léonie Duquet và các phụ nữ khác trôi dạt vào bờ và sau đó được đem chôn. Xương của họ bị gãy vụn từng mảnh vụn do va đập mạnh với biển, dấu vết của “chuyến bay tử thần”.
“Một hành vi cắt dứt”
Khi gần đến ngày tang lễ tổ chức vào tháng 9 năm 2005, xơ Geneviève quyết định vượt Đại Tây Dương. Các người buôn bán ở chợ phiên Lunapark chuẩn bị cho xơ phong bì với một ít tiền “để xơ mua hoa”. Khi đến Buenos Aires, xơ ngạc nhiên khi biết dì sẽ được chôn cất dì ở khu vườn bên cạnh nhà thờ Santa Cruz chứ không phải ở nghĩa trang. Linh mục Carlos Saracini, cựu cha xứ cho chúng tôi biết: “Các gia đình mong những người “mất tích” của mình ở đây, vì đây là nơi cuối cùng họ được tự do.”
Chỉ một mình tòa giám mục là có quyền cho phép chôn trong khuôn viên nhà thờ những người chống đối chế độ, trong số này có những người vô thần. Và từ năm 1998, Tổng Giám mục Buenos Aires không ai khác là cha Jorge Bergoglio.
Sau một thời gian dài đi trong sa mạc, cựu bề trên tỉnh dòng Dòng Tên trở về lại Buenos Aires. Sau cuộc bầu cử tổng thống Raul Alfonsin và sau khi nước Argentina tái lập lại chế độ dân chủ vào năm 1983, các nhà lãnh đạo tôn giáo đề cử ngài vào chức vụ hiệu trưởng Trường San Miguel, sau đó gởi ngài đi Đức học trước khi “đày” ngài đi làm cha xứ ở Cordoba, một thành phố ở cách thủ đô Buenos Aires 700 cây số. Cho đến khi Đức Gioan-Phaolô II phong cho ngài làm giám mục phụ tá, rồi tổng giám mục, rồi hồng y. Giám mục Bergoglio trả lời cho cha Saracini khi cha xin phép được chôn những người mất tích ở nhà thờ Santa Cruz: “Đến đây ngay, tôi đang soạn cho cha một bức thư.” Khi cha xứ đến thì bức thư đã viết xong.
Tang lễ tổ chức ở Santa Cruz trước 2000 người là cả một sự kiện. Nhà báo điều tra viên Horacio Verbitsky viết: “Việc chôn cất trong khuôn viên nhà thờ là một hành vi cắt đứt với thái độ nhỏ nhen của nhà cầm quyền thời đó”. Đối với các gia đình, đối với cộng đoàn của nữ tu Léonie Duquet, đối với các Bà Mẹ Quảng trường Tháng Năm thì đây là một biểu tượng mạnh. Trong một sứ điệp của tổng thống Pháp Jacques Chirac thời đó, ông đòi “những người phạm tội phải bị trừng phạt”. Sau thánh lễ, những người tham dự được mời đến tưởng niệm trước các tấm bia dựng lên trong vườn. Đây là nghi thức của lễ tưởng niệm ở Argentina, mọi người kêu lên “Hiện diện!” sau mỗi tên của người mất tích được xướng lên. Khoảng 1500 bông hồng đỏ được dâng lên trong sự kiện này.
Giám mục vắng mặt
Chỉ thiếu sự hiện diện của một người: Giám mục Jorge Bergoglio của Buenos Aires, người cho phép được chôn ở nơi đặc biệt này. Nhưng không một ai đại diện cho tòa giám mục nghĩ là tốt để họ có mặt ở đây. Linh mục Carlos Saracini hiện nay ở Uruguay giải thích: “Đó là cách ngài hành động, ngài cũng làm như vậy với các vụ đình công. Ngài giúp, nhưng ở đằng sau”.
Sự vắng mặt của ngài làm các hiệp hội bảo vệ nhân quyền và các Bà Mẹ Quảng trường Tháng Năm không bằng lòng, vì trong số các nạn nhân được chôn hôm đó có nữ tu Léonie Duquet và cũng có cả cựu giáo sư hóa học Esther Ballestrinos, trưởng phòng thí nghiệm hóa học, người mà Đức Phanxicô tôn trọng cũng ngang như bà nội Rosa của mình.
Sự vắng mặt của giám mục Bergoglio, người mà xơ Geneviève chưa bao giờ gặp, để lại trong lòng xơ một hương vị cay đắng. Xơ rời buổi lễ lòng còn rất khó chịu. Khi về Ý, xơ viết thư cho gia đình: “Điều làm cho chúng con đau khổ nhất trong những năm vừa qua là sự im lặng của một số người trong Giáo hội”.Một tháng sau, tháng 10 năm 2005 có thượng hội đồng các giám mục tổ chức ở Rôma. “Nữ tu nhỏ nhắn” của chợ phiên, dù địa vị của mình rất khiêm tốn nhưng xơ cũng nhân cơ hội này để nói lên sự tức giận của mình với hồng y Jorge Bergoglio. Ở dưới bức thư gởi cho ngài, xơ để lại số điện thoại của mình. Ngày hôm sau chuông điện thoại reng.
“Cha xin cám ơn bức thư của con, maxơ tiểu muội. Nhưng cha muốn nói với con, chính cha đã cho phép chôn dì của con ở bên cạnh nhà thờ Santa Cruz. Cha nghĩ hành vi này đã là rất mạnh.”
Không, xơ Geneviève vững chãi trả lời, hành vi này chưa đủ. Người dân đã quá đau khổ. Họ chờ một chuyện khác.
Một phút im lặng thật lâu ở đầu giây bên kia, rồi Bergoglio nói tiếp: “Cám ơn xơ. Đó là cách mình phải làm giữa anh chị em với nhau, nói chuyện với nhau. Con biết là cha không phải là không đau khổ trong chuyện này, vì cha có một người bạn cũng mất tích trong thời gian này.”
“Tôi có thể làm gì cho bà?”
Trong vòng tám năm, xơ Geneviève không nghe ai nói về ngài. Xơ đi thăm người bệnh, chăm lo quầy của mình ở chợ phiên Lunapark. Từ năm 2012, xơ theo dõi vụ án của hung thần tra tấn Alfredo Astiz, người được mệnh danh là “Thiên thần của tử thần”, ông là người bách hại nhóm Bà Mẹ Quảng trường Tháng Năm, ông có vai trò quyết định trong số phận bi thảm của hai nữ tu Pháp Léonie Duquet và Alice Domon. Ông bị kết án chung thân.
Và rồi đến ngày 13 tháng 3 – 2013. Ngày hôm đó, dưới làn mưa bụi lạnh giá của thành phố Rôma, cùng với đám đông có mặt ở quảng trường Thánh Phêrô, xơ Geneviève kiên nhẫn chờ khói trắng bốc lên từ Nhà Nguyện Sixtine. “Chúng ta đã có giáo hoàng, Habemus papam…” Khi nghe xướng tên Bergoglium, xơ hiểu người kế vị thứ 266 của Thánh Phêrô không ai khác là hồng y mà năm 2005 xơ đã dám thẳng thắn nói với ngài những gì mình nghĩ.
Một tháng sau, ngày 20 tháng 4, câu chuyện của xơ tiến nhanh. Thư ký riêng của tân giáo hoàng cho xơ biết, xơ được mời đến dự thánh lễ của giáo hoàng ở Nhà nguyện Thánh Marta, nơi ngài ở. Ba ngày sau, đại sứ Argentina ở Tòa Thánh gọi cho xơ: trong buổi tiếp kiến chung, Đức Phanxicô sẽ chào hai “bà mẹ“ của nhóm Bà Mẹ Quảng trường Tháng Năm khi họ đến Rôma. Một chỗ ở hàng đầu được dành cho xơ – “la prima linea” -, nơi Đức Phanxicô sẽ dừng để bắt tay những người ở đây.
Ngày hôm đó, một trong các “bà mẹ” Argentina, bà Estela de Carlotto trút hết sự giận dữ và đau khổ của mình lên Đức Phanxicô. Từ trên xe giáo hoàng, Đức Phanxicô cúi xuống trả lời: “Tôi có thể làm gì cho bà?”. Câu trả lời tuôn ra: “Mở văn khố.” Như rất nhiều cha mẹ của các nạn nhân, bà Estela de Carlotto muốn biết, cấp cao nhất của Giáo hội thời đó biết gì về chế độ độc tài và đâu là thái độ của Giáo hội đối với những người mất tích. Xơ Geneviève vui mừng: “Giáo hoàng Phanxicô đã cho mở hồ sơ của Vatican, của Tòa Sứ thần, của Hội đồng giám mục Argentina cho gia đình và cho các tu sĩ”, sau các thiện chí này của Đức Phanxicô, xơ Geneviève đã nguôi giận.
Cắn rứt lương tâm
Ngay cả cô Ana-Maria Carreaga, con gái của cựu giáo sư hóa học bị mất tích, bây giờ cô là nhà phân tâm, cô vẫn tiếp tục chiến đấu để duy trì ký ức về mẹ mình, cô rất xúc động với sứ điệp WhatsApp mà Giáo hoàng Phanxicô gởi cho cô ngày 14 tháng 4, nhân kỷ niệm bốn mươi mốt năm những lời nói đầu tiên của Quảng trường Tháng Năm.
Mùa hè năm 2015, cô gặp Đức Phanxicô ở Paraguay. Cô nói: “Các mối dây liên hệ với mẹ tôi, tôi không nhớ: khi mẹ tôi mất tích, tôi mới 17 tuổi. Giáo hoàng nhớ mẹ tôi có kể cho ngài nghe câu chuyện của cặp vợ chồng cộng sản người Mỹ Rosenberg (bị hành quyết năm 1953). Ngài nói với tôi: ‘Chính mẹ con đã dạy cho cha suy nghĩ.’” Khi hỏi cô về các quyển sách mẹ cô kín đáo gửi ngài năm 1977, cô im lặng một chút. Cô nói: “Trong những năm 1980, cha tôi nhờ tôi đến hỏi ngài, nhưng ngài nói ngài không còn nữa.” Một chút ngập ngừng và cô Ana-Maria hé cho biết, ngài đã đốt chúng.
Bốn mươi năm đã trôi qua. Ích gì để khui lại quá khứ, để biết Bergoglio đã làm – hay không làm – trong những năm đen tối này? Trong cuốn phim tiểu sử “Xin gọi tôi là Phanxicô, Appelez-moi François” của Netflix, cựu bề trên tỉnh dòng của Dòng Tên từ nay được giới thiệu như “anh hùng của thời kháng cự, đương đầu với chế độ độc tài.” Việc nhìn lại lịch sử này đã làm cho nhà báo Horacio Verbitsky bực mình, ông là người sáng lập nhật báo khuynh tả Pagina 12. Argentina đã tạo ra một biểu tượng cho thế giới, “giáo hoàng Châu Mỹ La Tinh đầu tiên”. Cuộc chiến chống “bạo ngược” của chế độ dân chủ đã làm cho một số người chống đối ngài ở Argentina im lặng. Ngài chọn ưu tiên cho chương trình làm việc của mình là “lo cho người nghèo”, thừa hưởng của thần học giải phóng quần chúng. Vì sao phải đánh thức các hồn ma dậy?
Xơ Geneviève Jeanningros chia sẻ cùng ý kiến này. Ở Ostia, lối đi chật hẹp ở Lunapark mà Đức Phanxicô đã đi qua được đặt tên là “Đại lộ Giáo hoàng Phanxicô” để kỷ niệm chuyến thăm nổi tiếng của ngài. Ngày 3 tháng 5 – 2015, ngài đã vinh danh “tiểu muội” thanh lịch và tận tâm, cháu của dì nữ tu Léonie Duquet. Lối đi bây giờ mang tên ngài trong mùa Phục Sinh cũng giống như đàng thánh giá cho ý xấu vẫn còn hằn lại của một quá khứ đau đớn. Em bé Oscar bây giờ 3 tuổi, em đạp chiếc xe đạp vòng vòng, và cứ mỗi dịp lễ hội, em hóa trang mặc y phục Giáo hoàng Phanxicô quý mến, dưới ánh mắt nhìn dịu dàng của xơ Geneviève.
Marta An Nguyễn dịch
Đức Phanxicô trong chuyến thăm giáo xứ Ostia Nữ Vương Hòa Bình, Ostia ngày 3 tháng 5-2018
“Đại lộ Giáo hoàng Phanxicô”
Đức Phanxicô và các nữ tu Dòng Tiểu Muội Chúa Giêsu
Xin đọc: