Khi Scorsese trả lời cho vụ tai tiếng của cuốn phim “Cám dỗ cuối cùng của Chúa Kitô”

634

Khi Scorsese trả lời cho vụ tai tiếng của cuốn phim “Cám dỗ cuối cùng của Chúa Kitô”

parismatch.com, Clément Mathieu, 2018-09-30

Martin Scorsese, trong lần cổ động cho cuốn phim “Cám dỗ cuối cùng của Chúa Kitô” ở Toronto, Canada ngày 10 tháng 8, 1988. Andrew Stawicki / Toronto Star / Getty Images

Cách đây 30 năm, cuốn phim “Cám dỗ cuối cùng của Chúa Kitô”  đã gây tranh cãi dữ dội, kéo theo các cuộc phản kháng, thậm chí còn dẫn đến các vụ  tấn công. Đạo diễn

Martin Scorsese giải thích với báo Paris Match.

Khi cuốn phim “Cám dỗ cuối cùng của Chúa Kitô” của đạo diễn Martin Scorsese chiếu lần đầu tiên ở Pháp ngày 28 tháng 9, 1988 thì nó đã nổi tiếng dữ dội rồi. Cuốn phim do diễn viên Willem Dafoe đóng vai chính, mô tả con Thiên Chúa sống như một người đàn ông bình thường và có quan hệ tình dục với Maria-Mađalêna. Cũng như ở Mỹ, cuốn phim tạo làn sóng phản đối nơi người công giáo, họ cho rằng cuốn phim phạm thượng, nhất là cảnh cuối cùng.

Các băng-rôn, biểu tình, cầu nguyện trước các rạp chiếu. Nhiều tuần sau, các vụ chống đối vẫn còn ráo riết với các vụ tấn công bằng bom cháy ở nhiều rạp chiếu bóng trên nước Pháp. Vụ tấn công nặng nhất là ở quảng trường Thánh Mi-ca-e ở Paris.

Đêm 22 rạng 23 tháng 10, 1988, một nhóm người công giáo chủ trương giữ nguyên vẹn đặt chất nổ ở một phòng chiếu bên cạnh (ít được canh phòng hơn) phòng chiếu phim “Cám dỗ cuối cùng của Chúa Kitô”. Vụ tấn công làm 14 người bị thương trong đó có 4 người bị thương nặng. Năm người, trong đó có một vài người thân cận với nhà thờ  Thánh Nicolas-du-Chardonnet bị lên án năm 1990.

Sự hình thành, sản xuất và phân phối phim đã làm cho nhà đạo diễn Martin Scorsese phải chịu đựng rất nhiều khó khăn, tôn giáo là trọng tâm các phim của ông. 

Đây là bài phỏng vấn của nhà đạo diễn Martin Scorsese với báo Paris Match trong thời tranh luận năm 1988 … Bài phỏng vấn của nữ ký giả Katherine Pancol trong số báo 2052 Paris Match ngày 23 tháng 9, 1988 

Martin Scorsese: “Câu chuyện này, đó là cách tôi cầu nguyện, là hành vi đức tin của tôi”

Đạo diễn Martin Scorsese có vẻ nhỏ bé dưới cây đèn chùm khổng lồ ở phòng khách trong dãy phòng khách sạn ông thuê ở Danieli. Mặc chiếc quần jean thẳng nếp với dây nịt mạ vàng rất to, ông nhảy từ chỗ này qua chỗ kia trong phòng, bật dậy từ chiếc ghế vải hoa thấp, nhăn mặt vì đây không phải chiếc ghế tân thời, tịch thu gói thuốc lá của tôi vì ông dị ứng với thuốc lá. Dị ứng với tất cả các vụ biểu tình trên thế giới chống cuốn phim “Cám dỗ cuối cùng của Chúa Kitô” sẽ chiếu ở Pháp ngày 28 tháng 9, 1988. Bất cứ đâu, New York, Los Angeles, Paris, Rôma, Luân đôn, hàng giáo sĩ đều tức tối và lên án cuốn phim phạm thượng. Ngay cả ở Venise, tại quảng trường thánh Mác-cô, chỉ cách khách sạn của ông một trăm mét, các người chủ trương giữ nguyên vẹn, các “lefebvre” biểu tình với băng-rôn “Cuốn phim của Scorsese là ghê tởm” , “Không được nhạo báng Chúa” và họ quỳ gối đọc Kinh Lạy Cha bằng tiếng la-tinh trước sự ngạc nhiên của các con chim bồ câu và du khách. Một người đàn ông đi qua hô “Hoan hô Scorsese”. Các người biểu tình càng hô to: “Chúa Kitô đã chết trên thập giá vì tội chúng ta. Chúng ta cùng cầu nguyện cho thế giới tội lỗi ngày nay”. Họ là những người trẻ và kham khổ. Chắc chắn đạo diễn Scorsese sẽ chờ một cuộc tranh luận dữ dội, nhưng không ngờ lại có vụ tai tiếng lại bùng nổ lớn đến như vậy. Trước hết là buồn, nhưng bây giờ ông “kinh hoàng” trước phản ứng của hàng trăm người mà ông cho là họ chưa xem phim.

Biểu tình trước phòng chiếu phim “Cám dỗ cuối cùng của Chúa Kitô” ở New York ngày 13 tháng 8, 1988. © Barbara Alper/Getty Images

– Tôi không hiểu! Họ phải xem phim trước rồi sau đó hẳn thảo luận. Nhưng họ chưa xem phim đã lên án!

Ông bứt rứt trên chiếc ghế đệm thấp, hai mắt đen bừng cơn giận.

– Tôi phạm thượng vì tôi nói Chúa vừa là người vừa là Thiên Chúa! Nhưng nếu Chúa Kitô chỉ là Chúa, thì sẽ dễ cho Ngài để cự lại cám dỗ và chết trên thập giá! Như thế Ngài biết bản chất và đau khổ của con người không? Khi đưa ra Chúa Giêsu cũng là một người, Ngài yêu cuộc sống và Ngài từ bỏ cuộc sống để chết trên thập giá, tôi dẫn chứng khi Ngài chết trên thập giá, chúng ta cùng đau khổ với Ngài! Người ta không thấy đó là bình thường sao!

Ông lắc đầu và nói thêm:

– Giáo hội trở nên một nghiệp đoàn khổng lồ bảo vệ quyền lợi của mình. Vì thế Giáo hội buộc phải lên án cuốn phim. Vì tổ chức của họ, an toàn của họ bị đặt vấn đề. Họ sợ tất cả những gì có thể đặt lại vấn đề.họ chỉ chấp nhận cái nhìn phơn phớt nhẹ nhàng, tô màu như các phim làm trước thời các đạo diễn Rossellini hay Pasolini, nhưng một Giêsu nghi ngờ, một Giêsu là người thì họ không chấp nhận. Tôi không làm phim theo giáo điều, tôi đưa ra cái nhìn của tôi về Chúa Giêsu. Tôi không khởi đi từ quyển Thánh Kinh nhưng khởi đi từ quyển sách của một lương dân! Cuốn phim này là cách tôi cầu nguyện. Là hành vi đức tin của tôi!

Hai tay của ông khoác trên không. Ông đung đưa trước sau, vẻ tức tối.

– Tôi không thích Giáo hội ngày nay. Tôi không thích giáo điều quảng cáo nhiều hơn là nói về tình yêu. Tôi, tôi thích quan hệ trực tiếp với Chúa.

Sau khi đọc kịch bản, diễn viên Stallone tuyên bố: “Giêsu này xoàng quá”.

– Nhưng điều này có làm cho ông bực mình khi thấy có nhiều người trẻ trong số các người đi biểu tình không? 

– Những người trẻ ngày nay, họ không còn một hy vọng nào. Họ có các vấn đề rượu, ma túy, bạo lực. Vì thế, để muốn thoát ra, họ bám vào tôn giáo. Hoặc như vậy, hoặc tự tử. Và nếu mình đặt lại vấn đề Giêsu của họ, họ sợ. Sợ phải hoài nghi, sợ phải quay về các thói quen cũ của mình… 

Biểu tình trước phòng chiếu “Cám dỗ cuối cùng của Chúa Kitô”  ở Paris ngày 28 tháng 9, 1988. © William STEVENS/Gamma-Rapho via Getty Images

– Còn ông, khi ông còn trẻ?

– Tôi có hai đam mê: Chúa và phim ảnh. Tôi học ở trường các nữ tu. Tôi cũng đã vào tiểu chủng viện. Tôi muốn làm linh mục. Nhưng từ thời đó, tôi đã phản ứng lại. Tôi muốn có đức tin của một đứa bé nhưng tôi không muốn ngây ngô như đứa bé. Tôi đặt một lô các câu hỏi. Chẳng hạn, tôi sốc với số phận dành cho Giuđa. Đó là tông đồ duy nhất xuống địa ngục! Như thế là không đúng!

– Và bây giờ ông tin ở Chúa?

– Tôi ám ảnh bởi ý tưởng về Chúa, nhưng tôi không giữ đạo, tôi không đi lễ. Tôi có cây thánh giá để ở đầu giường. Tôi không hề xem tôn giáo là nhẹ. Ngược lại là khác. Tôi mãi mãi bị đè bêp bởi mặc cảm tội lỗi. Chẳng hạn khi Thánh Phaolô nói: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi”…

Ông rùng mình.

– Câu này đi theo tôi. Thánh Phaolô rất láu lỉnh. Đó là một tay buôn ngoại hạng. Chính Thánh Phaolô là người dàn xếp mọi sự cho Giáo hội, người đã đưa ra khái niệm mặc cảm này, đã tra tấn và buộc xích người công giáo…

– Ông có cầu nguyện không?

– Có, tôi cầu nguyện để Chúa chỉ cho tôi con đường. Con đường của cuộc đời tôi. Chẳng hạn chú ý đến những người chung quanh tôi. Yêu họ hơn… tôi bị ám ảnh bởi ý tưởng đau khổ và cứu rỗi. Đó cũng là chủ đề các phim của tôi… Rốt cùng, tôi thấy Chúa Giêsu là một nhân vật tuyệt vời. Ngài mang đến cho thế giới một sứ điệp phi thường, sứ điệp tình yêu: “Anh em hãy thương yêu nhau. Thương người như mình vậy.”

– Ông sẽ nói gì với Chúa Giêsu bây giờ nếu ông gặp Ngài?

–  Trước hết tôi sẽ xin Ngài xem phim của tôi…

Ông bật cười và thư giãn. Ông nằm trên ghề dài rồi co lại.

– Không, nghiêm túc là không như vậy… Tôi sẽ hỏi Ngài sứ điệp tình yêu bây giờ trở nên như thế nào? Đó là câu hỏi lớn. Và đó cũng là giới hạn lời giảng dạy của Ngài. Ngày nay nếu mình yêu kẻ thù và đưa má kia cho họ tát thì mình sẽ chết! Chỉ cần đi dạo ngoài đường ở thành phố New York là biết! Chúng ta sống trong một thế giới bị cai trị bởi bạo lực và súng ống… 

Biểu tình trước phòng chiếu “Cám dỗ cuối cùng của Chúa Kitô”  ở Nantes ngày 24 tháng 9, 1988. © Alain LE BOT/Gamma-Rapho via Getty Images

– Nhưng tại sao ông làm phim này?

– Trước hết vì tôi bị ám ảnh bởi quyển sách của Kazantzakis. Không phải chỉ có một mình tôi. Trước tôi có Sidney Lumet, Elia Kazan và Ingmar Bergman cũng đã mua bản quyền sách này. Tiếp đó là tôi không thích hai cuốn phim trước đó của tôi: “Mùi của tiền bạc” và “Sau những giờ”. TTôi không muốn chúng là phim của tôi. Phim ảnh là cuộc sống của tôi, và tôi không muốn xem nhẹ nó. Làm một cuốn phim, là một dấn thân cá nhân. Mỗi lần đều như vậy. Tôi muốn khám phá những gì thiết thân đối với tôi. Tôi không tìm cách thu hút đám đông nhiều nhất có thể. Tôi làm phim trước hết là cho một mình tôi. Quần chúng, là tôi.

– Và với cuốn phim này, ông hoàn toàn “khám phá” được Giêsu?

– Ồ không! Tôi không trả lời được tất cả các câu hỏi mà tôi tự đặt cho mình về Chúa Giêsu. Tôi chưa xong gì hết và bây giờ tôi còn bị ám ảnh nhiều hơn là trước khi bắt đầu làm phim này!

Tôi nghĩ phim này sẽ giúp nói một cái gì khác hơn là tôn giáo 

– Không phải Robert De Niro đóng vai Chúa Giêsu sao?

– Không. Không bao giờ có dự tính để Bob đóng vai này. Đó là do lỗi của tùy viên báo chí đã để lọt tên ông mà không biết. Trước hết, Bob không thích chủ đề này. Dù chúng tôi rất hợp nhau nhưng cũng có lúc phải xa nhau để cả hai cùng lớn lên. Nhưng cũng tốt… Sau khi tên của De Niro được loan ra, tôi đi Paris gặp ông và tôi nói đó là vì lầm. Tôi hoàn toàn không nghĩ gì về ông khi dựng vai Giêsu. Chúng tôi cùng thảo luận và cuối cùng ông nói với tôi: “Nếu anh có vấn đề, nếu anh không tìm ra ai khác, anh gọi tôi, tôi sẽ đóng cho anh.” Sau đó, kịch bản được luân lưu ở Hollywood và một lầm lẫn thứ nhì, kich bản rơi vào tay Sylvester Stallone!

Bật cười trên ghế. Scorsese tiếp tục bắt chước giọng Ý của Sylvester.

– Khi Sylvester đọc kịch bản, ông gọi cho đại diện của ông và nói: “Nhân vật Giêsu này quá xoàng. Kịch bản này bị thối, không có chuyện tôi đóng phim này”. Vậy là tốt vì tôi thích nhờ Victor Mature hơn là Sylvester! Và rồi tôi gặp Willem Dafoe, tôi thấy Dafoe là một diễn viên lớn. Một Giêsu phi thường!

Ông cười, vẻ nghĩ ngợi, ông cột lại giây giày.

– Khi tôi quay phim xong, tôi nghĩ Giáo hội sẽ hỗ trợ tôi… Rằng tầm nhìn về Giêsu của tôi sẽ làm cho Giêsu gần với người dân, rằng tôi làm tươi sáng nhân vật Chúa Kitô. Tôi nghĩ cuốn phim sẽ giúp nói lên cả ngàn chuyện khác hơn, những chuyện không dính gì với tôn giáo. Các vấn đề mà tất cả chúng ta đều gặp trong cuộc sống… 

Biểu tình trước phòng chiếu “Cám dỗ cuối cùng của Chúa Kitô” ở Paris ngày 28 tháng 9, 1988. © Patrick Robert/Sygma/CORBIS/Sygma via Getty Images

Ông có lý. Cuốn phim không những chỉ nói về đời sống của Chúa Kitô mà còn nói đến quyền lực, tiền bạc, dục tính. Về sự hèn nhát, về phản bội. Giữa chọn lựa sống tốt và hoàn thiện. Giữa ung dung thoải mái hay tự vượt lên.

– Tôi nghĩ tôi sẽ khơi dậy các thảo luận say sưa như Chúa Giêsu đã có các cuộc thảo luận với các tông đồ của Ngài… Thay vì vậy cuốn phim lại bị tai tiếng… Tai tiếng chỉ vào một chuyện, một cảnh của phim, cảnh của giấc mơ phạm thánh khi Giêsu thông dâm với Maria-Mađalêna.

Tai tiếng làm xóa đi các tiến trình có tinh thần rất kitô trong phim của nhà đạo diễn Scorsese. Bây giờ, vì cứ bị đóng đinh và bị “Pater Noster”, Martin Scorsese buồn và giận. Ông đến Âu châu để nói chuyện với những người đã xem phim. Và họ chưa xem phim đã lên án ông, cũng như ở Mỹ, ông đụng phải bức tường không khoan nhượng. Ông nói: “Ở Mỹ tôi hiểu, đó là tiếng hót của con thiên nga dưới chế độ Reagan. Nhưng còn ở đây?”

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc: Dựng “Im Lặng”

Đi tĩnh tâm thinh lặng một tuần để đóng vai các nhà truyền giáo Dòng Tên

Linh mục Dòng Tên James Martin khóc khi xem phim «Im lặng»