Tiến về Panama: Các bạn trẻ Pháp vượt Đại Tây Dương để đi dự Ngày Thế giới Trẻ ở Panama
lavie.fr, Sixtine Chartier, 2018-09-03
Các bạn trẻ Pháp vượt Đại Tây Dương để đi dự Ngày Thế giới Trẻ ở Panama © Jean-Marie Heidinger
Đối với một số người, Ngày Thế giới Trẻ còn xa (22 đến 26 tháng 1 – 2019) nhưng với 17 bạn trẻ người Pháp thì bây giờ họ đã lên đường. Họ giăng buồm vượt Đại Tây Dương!
Không thể nào đi về phía tây bằng đường bộ. Ở tận mũi của đảo Crozon, trong một vùng gọi là vùng Finistère, có ngôi nhà nguyện nhỏ ở một khoảng đất trước cảng. Đó là nhà nguyện Đức Mẹ Rocamadour, Đức Mẹ Đen được tôn kính trong đền thánh Lot, trong nhiều thế kỷ qua Mẹ cầu bàu cho các thủy thủ trên biển cả. Ngày thứ sáu 31 tháng 8 vừa qua, 17 bạn trẻ sắp giăng buồm đi Panama đã tham dự thánh lễ ở đây, họ sẽ đến bên Đức Phanxicô trong Ngày Thế giới Trẻ tháng 1 – 2019 tại Panama.
Năm tháng vượt biển, với các trạm dừng chân ở cảng Iberic Phi châu, ở vùng Antilles và ở Châu Mỹ La Tinh, như thế là họ vượt Đại Tây Dương bằng buồm, không kể khi về, một vài người sẽ đi tàu từ tháng 5-2019. Họ sẽ đến Tây Ban Nha và từ đó cùng đi với một gia đình, gia đình này đi thuyền buồm vòng quanh thế giới và cùng đi theo họ đến Panama.
Sau thánh lễ, các bạn trẻ đã xin Đức Mẹ: “Xin Mẹ giúp chúng con sống lòng nhiệt thành, ngông cuồng, vẫn giữ được hồn nhiên, tự do vì chúng con bị xem là người vô lý”. Chắc chắn, sự ngông cuồng không lạ gì với dự án này. Họ là các sinh viên trẻ, những người trẻ đã ra nghề giữa độ tuổi 20 và 28, họ đến từ nước Pháp và từ các chân trời khác nhau, họ có một lý tưởng cao lớn. Tất cả đều muốn đi tìm một cuộc phiêu lưu ngoại thường và một chiều kích thiêng liêng sâu đậm. Ba phần tư trong số họ là những người mới tập tễnh vô nghề… thuyền buồm. Nhưng họ không hoảng sợ, họ được hai người có kinh nghiệm đi thuyền buồm đi cùng: ông Jean-Yves Robert, ngoài sáu mươi, cựu phi công chuyển qua lái tàu buôn hàng hải, bây giờ ông về hưu và là người thân cận với cơ quan bác ái Tressaint, và ông Thierry Pichon, ngoài năm mươi, cựu nhân viên hàng hải quốc gia.
Ở cảng Camaret-sur-mer, Ker Maï và phía bên kia là Exultet. © Jean-Marie Heidinger
Với giọng bình thản, Giám mục Dognin, giám mục giáo phận Quimper giảng trong thánh lễ: “Đại dương là nơi thanh lọc. Với sự mãnh liệt của đại dương, đại dương nhắc chúng ta nhớ đến sự nhỏ bé của mình. Tính kiêu ngạo của con người nhường bước trước biển cả”. Khó tìm được sự lo lắng nơi các người trẻ phiêu lưu này, may ra tìm được một chút lo lắng ở một vài cha mẹ có mặt trong ngày con mình ra đi này. Một người cha thì thầm: “Chúng tôi hơi cảm động”. Một người mẹ tin tưởng, nhưng không khỏi không lo: “Chúng tôi hỗ trợ con hết mình, dù trong bụng cũng có lo, làm sao không lo khi để con mình ra đi đến một nơi mình không biết. Tôi cố gắng giữ bình thản”. Một người cha trấn an: “Mấy người lái tàu rất kinh nghiệm”.
“Tôi nghĩ trong hai tuần nữa thì biết tay, không chừng mình sẽ không chịu đựng được. Như thế để mình học để thương người mà mình không muốn thương. Và mình sẽ đặt để vào bàn tay Chúa để Chúa hướng dẫn mình”.
Về phía các bạn trẻ, Tristan, 28 tuổi, nhân viên phòng thí nghiệm ở Saint-Brieuc, ngày hôm trước hơi lo một chút vì có những bất ngờ vào phút chót – rất nhiều và lại là những bất ngờ lớn (sửa chữa lòng tàu, máy khử muối bị hư, động cơ gió không chạy…). Có thể anh biết nhiều hơn các bạn khác cùng đi trên tàu. Phụ cho ông Jean-Yves trên chiếc Ker Maï, chiếc thuyền buồm dài 13,5 mét, võ tàu màu vàng và chiếc buồm lớn có hình Đức Mẹ, anh sẽ chèo “như đa số người dân miền Breton”. Anh cho biết: “Khi đến Panama có thể chúng tôi sẽ rất mệt vì cơ thể chúng tôi phải thích ứng với nhịp sống trên biển. Tất cả tùy thuộc chúng tôi sẽ ăn, ngủ như thế nào”.
Một phần thủy thủ đoàn trên Exultet. © Jean-Marie Heidinger
Cô Manon 20 tuổi, người miền Coutances cho biết: “Tôi không lo, có thể khi ra xa ngoài khơi thì khi đó lại là một chuyện khác!” Còn Pierre, sinh viên kiến trúc ở Paris thì không úp mở: “Tôi nghĩ trong hai tuần nữa thì biết tay, không chừng mình sẽ không chịu đựng được. Tôi hy vọng mọi người hiểu được điều này”. Nhưng anh bình tĩnh: “Như thế để mình học để thương người mà mình không muốn thương. Và mình sẽ đặt để vào bàn tay Chúa để Chúa hướng dẫn mình”.
Và sẽ tốt thôi vì Chúa hiện diện trong chuyến phiêu lưu này. Các bạn trẻ lặp đi lặp lại, đây là chuyến đi hành hương, chứ không phải chỉ là một chuyến đi chơi trên du thuyền. Trên chiếc tàu Ker Maï có nhà tạm để luôn có sự hiện diện của Chúa trên tàu và các linh mục sẽ thay phiên nhau, trong khả năng có thể được để dâng lễ, các linh mục ở trên tàu Exultet, một chiếc thuyền buồm 18 mét khác. 15 ngày đầu là linh mục Philippe Néri (thuộc Cộng đoàn Thánh Gioan), một cộng đoàn quen thuộc với các chuyến đi hành hương trên tàu. Linh mục sẽ dâng thánh lễ trên tàu nếu thời tiết cho phép. Một tượng Đức Mẹ Santa Maria la Antigua, Đức Mẹ được người dân Panama tôn kính cũng sẽ đi theo họ. Giám mục Ulloa, giáo phận Panama đã giao phó đoàn hành hương Pháp cho Đức Mẹ.
Khó khăn nhiều nhất của chuyến du hành trên biển là yếu tố tâm lý: trong nhiều tuần lễ liền, mọi người chờ để thấy đất liền và họ có cảm tưởng như chẳng nhích được bao nhiêu.
Bây giờ là giờ thu xếp trên tàu. Phải thu xếp từng mili-mét vì không có chỗ. Cô Blandine bật cười: “Ba người ngủ trong một phòng ngủ tí tẹo!” Ông Thierry với nhịp nói nhanh như gió, ông nhắc lại lệnh phải tuân theo: “Sạch sẽ, ngăn nắp, tận tâm, quan tâm đến người khác…” Thierry là người lái tàu với đôi mắt xanh, tóc cắt ngắn, chạy lui chạy tới trên tàu, ông không giấu lòng nhiệt thành của mình: “Tuổi 20-30 là tuổi lý tưởng, họ uyển chuyển, đầy thiện chí, đi tìm sự tuyệt đối, không chán chường… Những người trẻ này muốn vượt lên chính mình, phải tháp tùng họ trên con đường này”.
Tượng Đức Mẹ Santa Maria la Antigua, Đức Mẹ được người dân Panama kính mến.
Tượng Đức Mẹ do Giám mục Ulloa tặng. © Jean-Marie Heidinger
Một giọng bên trong tàu la lên: “Thierry! Khoang máy tàu đầy nước”. Thierry biến mất vào hầm tàu. Mười mấy phút sau chúng tôi mới gặp lại ông: “Đúng là điên! Nhưng chuyến đi này vẫn là có lý. Trong suốt 15 năm, tôi đã lái tàu trên khắp các biển trên thế giới. Có nhiều nguy hiểm khi dẫm phải hòn đá cuội ở Bretagne hơn là vượt Đại Tây Dương. Khó khăn nhiều nhất của chuyến du hành trên biển là yếu tố tâm lý: trong nhiều tuần lễ liền, mọi người chờ để thấy đất liền và họ có cảm tưởng như chẳng nhích được bao nhiêu. Phải tính đến từ 15 đến 20 ngày cho chiếc Exultet và ít nhất 20 ngày cho chiếc Ker Maï.
Đứng trước sự chậm trễ cứ dồn lại, nhóm thủy thủ đoàn Exultet quyết định chiều hôm sau lên đường. Nhưng với chiếc Ker Maï thì thuyền trưởng Jean-Yves dứt khoát. Đôi mắt kiếng trên trán, râu bạc xám ba ngày chưa cạo, ông quyết định: “Chúng tôi lên đường”. Đang chuẩn bị trên boong tàu, chúng tôi không tin. Nhưng sau một vòng rà soát từ trong ra ngoài để gom lại các vật dụng còn thiếu, bây giờ là giờ từ giã… rất ngắn! Sẵn sàng lên đường, 7 thành viên thủy thủ đoàn thả neo. Sau 3 hoặc 4 ngày trên biển, hai chiếc tàu sẽ gặp nhau ở Tây Ban Nha để cùng ghé Saint-Jacques de Compostelle.
Ker Maï rời hải cảng Camaret-sur-mer. © Jean-Marie Heidinger
Đầu đuôi tích sự của chuyến đi… điên rồ này…“Đó là nhờ nghe một lời nhận xét đầy hứng khởi của một cô vừa đi dự ngày Thế Giới Trẻ ở Krakow về, cô là một người trẻ mới tốt nghiệp. Cô nói ngày Thế Giới Trẻ lần sau ở Panama sẽ không có sự tham dự của người Pháp vì nhằm vào mùa đông và ở tận bờ bên kia bờ Đại Tây Dương. Nhưng chính tháng 1 mới là tháng tốt nhất để vượt Đại Tây Dương. Ý tưởng đó cứ ở trong đầu tôi. Tôi gặp một thuyền trưởng thiện nguyện khác. Rồi chúng tôi bắt đầu truyền nhau trên internet”. (Jean-Yves Robert, thuyền trưởng chiếc Ker Maï.)
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc: Một chuyến hành hương kỳ thú đang chuẩn bị!
100 000 bạn trẻ đã ghi tên Ngày Thế giới Trẻ Panama
1,5 triệu tràng chuỗi: “Tạo việc làm cho người nghèo ở Bê-lem”