culturebox.francetvinfo.fr, Laurence Houot, 2018-03-23
Ở Ai Len từ 40 năm nay, nhưng chính tại Paris, ở Nhà Alsace, vùng nơi ông sinh ra mà tác giả Tomi Ungerer đã chọn để đến nói chuyện về quyển sách mới nhất của ông “Không trả lời có, cũng không trả lời không” (Ni oui ni non), quyển sách gom lại các câu trả lời mà các em bé đã đặt ra cho ông trong vòng bốn năm, và đã được đăng trong Nguyệt san Triết lý.
Ông đến tòa soạn cùng với cô con gái Aria của ông, tóc xinh, mắt xinh, mặt trong sáng. Ông Tomi Ungerer mặc màu đen từ đầu đến chân, mũ đen, gương mặt rạng rỡ, dáng cao lớn của ông choán cả căn phòng tràn ngập ánh sáng ở tầng cuối Nhà Alsace ở Paris. Y hệt như tranh minh họa của tác giả Tomi Ungerer.
“Ba tướng cướp”, Tomi Ungerer © Tomi Ungerer / Trường giải trí
Có cần phải giới thiệu ông không? Tomi Ungerer sinh ngày 28 tháng 11 – 1931 ở Strasbourg, nhà khổng lồ của văn chương tuổi trẻ. “Ba tướng cướp”, “Người khổng lồ Zéralda”, Jan của mặt trăng”, “Otto”, “Không có nụ hôn cho mẹ”, “Flix”, “Mây xanh”… Sách của ông, tất cả đều được xuất bản tại Pháp ở nhà xuất bản Trường giải trí (L’école des loisirs), đã nuôi dưỡng tuổi thơ của nhiều thế hệ và bây giờ các quyển sách này đã trở thành các quyển sách cổ điển. Họa sĩ, nhà tạc tượng, văn sĩ, họa sĩ vẽ bích chương, người yêu thiên nhiên, yêu phụ nữ, ông cũng vẽ các tranh khiêu dâm. Đa số các tranh vẽ của ông bây giờ được lưu trử ở viện bảo tàng Tomi Ungerer ở Strasbourg.
“Không trả lời có, cũng không trả lời không”
“Trước hết xin chào!” Ông đứng dậy và vui vẻ nói: “Quý vị xem chiếc áo rơđanhgô của tôi thật đẹp. Con gái của tôi mua cho tôi hôm qua, chỉ 30 âu kim”. Câu chuyện bắt đầu. Ông Tomi Ungerer, 86 tuổi, ông không bao giờ bỏ lỡ dịp nói đùa để xóa tan bầu khí trang nghiêm. Đó là thương hiệu của ông, luôn bật lên một chuyện gì đó bất ngờ, luôn làm người khác ngạc nhiên.
Tomi Ungerer, trong buổi họp báo về quyển sách “Không trả lời có, cũng không trả lời không” ngày 30 tháng 3 – 2018 © Laurence Houot / Culturebox
Ở Ai Len từ lâu, “xứ duy nhất không có ngạo nghễ”, ông hiếm khi về Paris nên dịp này đã có nhiều ký giả đến đây chờ ông. Ông yên vị, vui tính. Mọi người đến đây để nghe ông giới thiệu quyển sách mới nhất của ông “Không trả lời có, cũng không trả lời không”, một tuyển tập các câu trả lời cho các câu hỏi của các trẻ em đã được Nguyệt san Triết lý đăng bốn năm qua.
“Phải cho trẻ em biết, người lớn không trả lời tất cả mọi câu hỏi được”
Chữ triết lý làm cho tôi hơi bực mình một chút. Khi còn trẻ, tôi cố gắng đọc Kierkegaard, hay Kant. Và tôi không hiểu gì hết. Tôi phải thú nhận tôi không có trí thông minh trong lãnh vực này. Giống như các lỗ hỗng đen. Tôi không hiểu gì hết. Tôi luôn nói, não bộ của tôi ở đầu ngón tay. Tôi suy nghĩ với hai bàn tay”.
Dù vậy khi Nguyệt san Triết lý đề nghị ông trả lời các câu hỏi của trẻ em, ông nhận lời không do dự một giây. Ông nói đùa: “Quý vị phải hiểu, buồn ngủ mà gặp chiếu manh, với tên học trò lười như tôi mà có bài đăng trên nguyệt san Triết lý là chuyện số dách! Như con thú đã rình mồi lâu, tôi chụp ngay cơ hội, vì với trẻ con, mỗi câu hỏi là một cuộc đi săn”.
Theo ông Alexandre Lacroix, chủ bút Nguyệt san Triết lý thì nhà văn Tomi Ungerer là người “hoàn toàn thích hợp để trả lời một cách triết lý cho trẻ em qua các hình ảnh minh họa, qua các câu chuyện hay qua các bài viết bông lông”.
Tại sao có tiền? Ai là Chúa? Người ta có thể chết vì tình không? Người ta có thể suy nghĩ khi người ta chết không? Thời gian là gì? Ông Alexandre Lacroix cho biết, rất nhiều câu hỏi của các em có thể làm đề luận cho kỳ thi tú tài.
“Đôi khi ông Tomi Ungerer trả lời rất nghiêm túc, đôi khi ông trả lời hoàn toàn bông lông”. Ông Tomi Ungerer lắc đầu, đôi mắt lung linh. “Đúng, đôi khi tôi buộc phải trả lời mông lung… Phải cho trẻ con biết, người lớn không có câu trả lời cho tất cả mọi câu hỏi. Mình không thể biết hết, dù mình tỏ ra rất là nghiêm. Không phải vì mình lớn hơn mà mình láu ỉnh hơn. Phải đối xử ngang hàng với trẻ em”.
Một điệp khúc của ông, là trong các quyển sách của ông dành cho trẻ em, không có chủ đề nào bị cấm. Không có đề tài cấm kỵ, không có chữ rắc rối (phải khuyến khích các em tra tự điển) cũng không có hình ảnh vì có thể làm cho các em bị sốc. Ông nói: “Đừng quên tôi là tác nhân khiêu khích. Theo tôi, khiêu khích cũng là một hình thức giải trí”.
“Phải gây chấn động cho con cái bạn”
Ông Tomi Ungerer thích nói: “Phải gây chấn động cho con cái bạn, phải làm cho chúng sợ, nếu không, tất cả chúng sẽ trở thành các chuyên gia kế toán”, ông được biết đến là tác giả “lật đổ”. Các sách của ông bị cấm trong các thư viện và trường học Mỹ trong 40 năm và đó là một ‘vinh dự cho tôi’! Ông công nhận các câu hỏi của ông có thể làm cho trẻ con sợ, thậm chí là kinh hoàng… Ông nói: “Nhưng sau đó là thực tế, mà rốt cùng có thể tệ hơn… Các yêu tinh, các người khổng lồ thuộc về lãnh vực tưởng tượng. Nhưng cuộc sống có tệ hơn không? Dĩ nhiên cuộc sống không nhất thiết phải kỳ cục”.
Minh họa quyển sách “Không trả lời có, cũng không trả lời không”của tác giả Tomi Ungerer © Tomi Ungerer / Trường giải trí
“Khi còn nhỏ, chiến tranh đã ghi dấu ấn sâu đậm trên tôi, và một khi bị in dấu là in suốt đời. Như một loại xâm thiêng liêng. Tuổi thơ của tôi đã bị xâm đậm. Tôi muốn nói với trẻ con: ‘Tư tưởng của các con thuộc về các con’. Và các nhân vật trong các quyển sách của tôi không bao giờ sợ. Chúng giống như tôi, chúng không bị lạnh mắt, trừ khi mùa đông!”
Theo ông Arthur Hubschmid, giám đốc nhà xuất bản Trường Giải trí và là người đã khám phá ra nhà minh họa Tomi Ungerer trong những năm 60, thì tác giả biết cách làm “các quyển sách hoàn toàn thích hợp” cho trẻ con. Ông Louis Delas, giám đốc nhà xuất bản Trường Giải trí hoàn toàn đồng ý với ý kiến trên: “Đôi khi tác giả biến đổi các nhân vật dữ với một tinh thần hài hước và dịu dàng vô cùng”.
Ông Tomi Ungerer nhắc lại: “Tất cả các quyển sách của tôi là những quyển sách dấn thân. Trước hết tôi dùng tất cả các súc vật đáng ghét, tôi tái phục hồi chúng. “Những con bạch tuộc, con rắn, con chuột, con dơi, con kên kên. Bắt đầu là như vậy. Tôi muốn chứng tỏ cho trẻ em thấy, tất cả chúng ta bằng nhau và khác nhau. Và ở sự khác biệt này có một cái gì thêm nữa mà người khác không có”. Tác giả cũng là người dấn thân trong việc xây dựng Âu châu và tình hữu nghị giữa nước Pháp và nước Đức.
Ông nhấn mạnh: “Quan trọng là phải có một mục đích cho cuộc sống của mình, mang đến cho tài năng của mình một định hướng. Tôi là người tự nguyện dấn thân!”, ông cho biết quyển sách sắp tới của ông là quyển sách viết về người tị nạn.
“Người mê các chữ”
Từ tận cuối chân trời, ông ở cực tây của nước Ai Len, ông gởi các câu trả lời cho các câu hỏi của trẻ em. “Chúng tôi nhận các bài viết của ông, khi nào ông cũng gởi bằng fax”. Ông cười: “Đúng, tôi không dùng máy điện tử nào!” Ông Alexandre Lacroix, chủ bút Nguyệt san Triết lý cho biết: “Nghe tiếng động của máy fax chạy là chúng tôi biết, chúng tôi sắp nhận bài của Tomi, lúc nào cũng là các bài viết thật hay, những phác thảo, các tranh minh họa”.
Ông nói: “Đúng, rồi sau đó phải cắt bớt. Tôi lúc nào cũng viết quá nhiều. Nhà xuất bản Thụy Sĩ nhắc tôi hoài, nếu anh vẽ bầu trời xanh thì anh không cần viết trời đẹp. Trong văn chương, càng cắt bớt thì văn càng hay. Như cây táo, phải tỉa cành”.
“Không trả lời có, cũng không trả lời không”, trang 136 © Tomi Ungerer / Trường giải trí
Câu hỏi nào ông thích nhất? “Đó là câu hỏi của một em bé trai hỏi tôi, mấy con chí khi nó chết, nó có được chôn ở nghĩa trang hay không. Đó là một câu hỏi thật tuyệt vời. Ngay cả triết gia André Breton và các nhà siêu hiện thực cũng không nghĩ đến”, ông vừa nói vừa cười. Tomi Ungerer thích chơi với các ý tưởng, với chữ. Ông nhớ lại: “Cha tôi chết khi tôi mới 3 tuổi. Và anh tôi thay thế cha. Một ngày nọ, anh dạy cho tôi chữ ‘anthropophage’”, ông lặp lại, thích thú đánh vần từng âm như khi được đọc lần đầu tiên: “AN-THRO-PO-PHAGE”.
“Người khổng lồ Zéralda”, Tomi Ungerer © Tomi Ungerer / Trường giải trí
Ông vui vẻ nói: “Ngày hôm đó, tôi bắt đầu mê chữ. Tôi dùng chữ để mang đến cho chúng một chức vụ mới. Từ vựng là để chúng ta cho nó một chức vụ mới. Và khi chúng ta bị chứng loạn đọc (dyslexique) thì từ vựng có thể giúp. Tôi làm lỗi chính tả, chẳng hạn ‘orthogriffes’ hoặc ‘orthograves’. Trò chơi chữ ở nhà tôi trở thành một chứng bệnh. Tôi thích nói ngược!”
“Ngày nay người ta thích giải thích hết mọi sự, nhưng làm như thế là hết nên thơ”
“Mục đích của tôi là kích động trẻ con, mài cho chúng sắc bén. Nếu một em bé hiếu kỳ, nó sẽ đặt nhiều câu hỏi, nó sẽ tích tụ hiểu biết, nó sẽ bắt đầu so sánh và như thế nó có phân bón để nuôi dưỡng trí tưởng tượng của nó. Ngày nay người ta muốn giải thích hết mọi sự, nhưng làm như thế là hết nên thơ. Tôi nghĩ chúng ta có thể nói tất cả mọi chủ đề với trẻ con, tinh luyện nó và đặt mình ở địa vị trẻ con”.
Qua các bài viết của tác giả Tomi Ungerer, quyển sách “Không trả lời có, cũng không trả lời không” là quyển sách triết lý hay nhất của trẻ em, vừa nên thơ, vừa thông minh và vừa khôi hài.
“Không trả lời có, cũng không trả lời không” – Một trăm câu hỏi triết lý của trẻ em -, Tomi Ungerer.
Marta An Nguyễn dịch