Phân tích của Linh mục Stéphane Joulain về vụ ấu dâm Chi-lê
Đức Phanxicô gặp các giám mục Chi-lê ngày 17 tháng 5-2018 tại Vatican
pelerin.com, Agnès Chareton, 2018-06-01
Linh mục Stéphane Joulain, nhà tâm lý gia trị liệu, từ 15 năm nay Linh mục làm trong lãnh vực phong chống lạm dụng tình dục, cha phân tích tác động của vụ từ chức tập thể của các giám mục Chi-lê, một vụ đã làm cho Giáo hội có một bước ngoặt trong việc chiến đấu với nạn ấu dâm trong Giáo hội.
Phản ứng của cha như thế nào khi nghe tin các giám mục Chi-lê từ chức tập thể sau vụ bùng ra ánh sáng cách quản trị tai hại về các vụ lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ ở nước này?
Đây đúng là ngạc nhiên. Sự kiện tất cả giám mục từ chức vì quản trị không đúng các vụ lạm dụng tình dục là chuyện chưa từng có. Cho đến nay vẫn còn khó để biết động lực nào đã làm cho cả tập thể từ chức. Có hai giả thuyết khả dĩ có thể. Giả thuyết thứ nhất – giả thuyết lạc quan nhất – các giám mục Chi-lê ý thức họ có trách nhiệm tập thể trong vấn đề này. Giả thuyết thứ hai, chúng ta có thể hình dung họ từ chức tập thể là cách để giải trách nhiệm của từng người. Và có thể làm cho dư luận nghĩ, họ giao banh qua phía Giáo hoàng: “Cha muốn bắt bí chúng tôi thì bây giờ cha tự xoay xở lấy”. Một điều chắc chắn: với tầm mức quảng bá rộng rãi về mặt truyền thông báo chí thì với chứng từ của các nạn nhân ở Chi-lê và trên thế giới, áp lực đã trở nên rất mạnh, Đức Giáo hoàng không thể nào không làm.
Các giám mục Chi-lê có thể bị phạt không?
Vấn đề là phải xem tòa mà Đức Giáo hoàng loan báo thành lập năm 2015 để phán xét các giám mục xử lý không đúng các hồ sơ lạm dụng tình dục có hoạt động hay không. Tòa này có thể là dịp để xét xử các giám mục Chi-lê. Dù sao, Đức Giám mục Charles Scicluna, người được Đức Phanxicô gởi đi Chi-lê điều tra đã làm hồ sơ 2300 trang tố cáo các trường hợp quản trị sai quấy trầm trọng này. Các trách nhiệm của người này người kia bắt buộc phải có trong bản báo cáo này. Đức Phanxicô cá cược trên uy tín của mình với vấn đề “không nhân nhượng” đối với các vụ ấu dâm.
Làm sao giải thích việc Đức Phanxicô xét lại, mới đầu ngài tin các giám mục thay vì tin các nạn nhân trước khi đổi ý?
Tôi nghĩ ngài chân thành nhận thấy – dĩ nhiên là dưới áp lực báo chí – mình đã làm một chuyện sai lầm ở Chi-lê, vì là người thông minh, ngài có khả năng hướng nội để nhìn lại vấn đề. Ngài cũng ý thức đau khổ của các nạn nhân mà ngài gặp ở Vatican: ngài quay trở lại. Bản báo cáo của Đức Giám mục Scicluna –một trong các chuyên gia giỏi nhất trong lãnh vực này, người không nhân nhượng khi đứng trước sự dữ – đã gây một cú sốc mạnh cho ngài. Mặt khác, Đức Phanxicô cũng ý thức những việc này là chứng dối xấu nhất cho việc loan báo Tin Mừng. Đối với ngài, đây cũng là thách thức về mặt mục vụ.
Các nạn nhân thường có cảm nhận Giáo hội chỉ phản ứng dưới áp lực của báo chí và quần chúng. Cha nghĩ gì về điểm này?
Dù là Giáo hội hay Giáo dục Quốc gia, tất cả thể chế đều rất khó để thay đổi. Để hệ thống thay đổi thì phải có cơn khủng hoảng, một cái gì như cơn lốc làm xoáy mọi chuyện. Nhưng khi áp lực chỉ đến từ bên ngoài thì thể chế không đụng đậy. Thể chế chỉ tiến hóa với áp lực bên ngoài và có được thuận lợi từ bên trong. Chính vì vậy mà áp lực của các nạn nhân là cần thiết, cũng như công việc của báo chí, nhưng chưa đủ để làm Giáo hội nhúc nhích. Vì thế tác động của con người để làm cho mọi sự đi tới từ bên trong là cần thiết.
Đối với Đức Phanxicô, chủ nghĩa giáo quyền là gốc rễ của tai ương lạm dụng tình dục. Chuyện này như thế nào?
Một mặt, chủ nghĩa giáo quyền mở đường cho lạm dụng quyền lực của linh mục trên các tín hữu, trên trẻ em, mặt kia, chủ nghĩa giáo quyền gây ra các phản xạ có tính cách cơ quan: người này người kia bảo vệ tội ác cho nhau. Đây là cả một văn hóa cần phải thay đổi. Nhưng theo tôi, sẽ không có thay đổi đáng kể về mặt văn hóa cho đến khi nào Giáo hội không bắt đầu một suy tư thần học để hiểu thế nào là ý nghĩa của cơn khủng hoảng lạm dụng tình dục này. Ngày nay người ta không còn đặt câu hỏi, điều này Chúa nói gì, Giáo hội nhìệm thể Chúa Kitô nói gì, tha thứ, lòng thương xót, công lý nói gì… Công việc này là cần thiết, Giáo hội phải làm công việc này với các nạn nhân.
Sau Chi-lê, có thể nào lời được giải thoát cho các nơi khác trên thế giới không?
Rất khó để nói. Có rất nhiều nước vẫn còn phủ nhận. Tôi nghĩ đến Phi châu, nơi tôi thường hay đến. Có thể sau Châu Mỹ La Tinh, lục địa Phi châu sẽ là một trong những nơi mà lời cần phải giải thoát. Dù sao, sau vụ Chi-lê thì Giáo hội không thể nào đi lui được nữa.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc: Phỏng vấn Giám mục Charles Scicluna về sự nghiêm nhặt của Giáo hội trước vấn nạn ấu dâm