Chứng từ của một chủng sinh trẻ người Bỉ ở chủng viện Wigratzbad, Bavière, nước Đức
belgicatho.hautetfort.com, Alice Schneider, 2018-05-14
“Ơn gọi đến từ Chúa chứ không đến từ tôi”
Anh Alexis Piraux đồng ý kể chứng từ của mình, anh là chủng sinh trẻ ở chủng viện Wigratzbad, vùng Bavière nước Đức. Là người Bỉ, trước hết anh học thần học ở Đại học công giáo Louvain nước Bỉ, sau đó anh vào chủng viện Huynh đoàn Thánh Phêrô (FSSP) ở Wigratzbad.
Khi nào thì anh biết mình sẽ trở thành linh mục? Có một cái gì như một bước ngoặt không?
Chắc chắn là có một cái “clic”, ngày mà lần đầu tiên tôi ý thức tôi mang trong lòng ước ao thành linh mục. Nhưng tôi không nhớ ngày đó là ngày nào. Tuy nhiên chắc chắn một chuyện, thời gian càng trôi đi thì xác tín Chúa gọi tôi vào chức thánh càng in sâu đậm trong đầu tôi.
Các giai đoạn lớn trong tiến trình của anh?
Tôi muốn vào chủng viện ngay khi học xong trung học. Lúc đó cha mẹ tôi khuyên tôi nên vào đại học trước. Tôi học thần học năm năm ở trường Đại học Louvain-la-Neuve. Tôi không giấu, trong những năm này, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do đời sống sinh viên và thiếu đào tạo về mặt thiêng liêng, ước mong làm linh mục của tôi khi mạnh khi yếu. Tuy nhiên tôi phải công nhận, dù trải qua một cơn khủng hoảng thiêng liêng khủng khiếp, một hình thức xuống tinh thần nhưng rồi xác tín gọi tôi vào chức thánh vẫn thắng. Lúc đó tôi mới hiểu ơn gọi này đến từ Chúa chứ không phải từ tôi. Sau khi học xong, tôi quyết định vào chủng viện liên địa phận Namur.
Chính trong thời gian thử nghiệm ở Namur và sau khi tham khảo sách vở, tôi quan tâm đến phụng vụ truyền thống, một hình thức phi thường theo nghi thức Rôma. Thỉnh thoảng tôi tham dự thánh lễ truyền thống trong tuần, một đôi khi thì vào ngày chúa nhật, nhanh chóng tôi cảm nhận ơn gọi của tôi bám rễ và phát triển trong khung phụng vụ truyền thống.
Thời gian thử nghiệm ở chủng viện kết thúc sau vài tháng, tôi đi dạy một năm, tôi là giáo sư môn tôn giáo trong giảng dạy chuyên ngành; cùng một lúc tôi học một năm thạc sĩ ở Đại học Công giáo Louvain. Năm này là năm “chuyển tiếp” tôi có dịp đào sâu không những về kiến thức, về sự gắn bó của tôi về phụng vụ truyền thống mà còn đào sâu về đức tin và đời sống cầu nguyện. Tôi biết nhiều hơn về sự phong phú của đức tin và linh đạo công giáo. Tôi cũng đặt lại một vài vấn đề. Tôi hơi mất thăng bằng sau khi kết thúc giai đoạn thử nghiệm ở chủng viện. Chúa có thật sự muốn tôi làm linh mục không? Thêm nữa, vào thời đó tôi có quen các cô công giáo sốt sắng và nghiêm túc… Tôi thật sự nghĩ đến việc lập gia đình! Với sự giúp đỡ của vị hướng dẫn thiêng liêng, tôi làm một nhận định và đi tĩnh tâm một tuần ở đan viện Barroux ở Pháp. Sau đó tôi đi thăm chủng viện Huynh đoàn Thánh Phêrô ở Wigratzbad, vùng Bavière, nước Đức, nơi tôi có thể gặp các linh mục đào tạo và các chủng sinh. Tôi làm hồ sơ xin vào chủng viện… Và bây giờ tôi đang ở năm thứ ba. Nhờ ơn Chúa, mọi sự trôi chảy.
Gia đình của anh phản ứng như thế nào trước quyết định của anh?
Một cách tích cực. Có thể nói tôi luôn được gia đình hỗ trợ và bây giờ vẫn còn được. Dĩ nhiên khi tôi bắt đầu vào chủng viện ở Bavière, do xa cách và cũng do gia đình tôi không biết nhiều về Huynh đoàn Thánh Phêrô nên cha mẹ tôi hơi e sợ; nhưng khi họ đến thăm và gặp các nhà đào tạo và các chủng sinh thì họ không còn ngại nữa. Chắc chắn đôi khi vẫn còn một vài chuyện không thấu hiểu… Ơn gọi chức thánh vẫn là một bí ẩn!
Theo anh, cái gì có thể giải thích vì sao các bạn trẻ xa lánh Giáo hội?
Theo tôi, một phần là ở Giáo hội và một phần là ở chính các bạn trẻ. Về Giáo hội, dĩ nhiên là tôi chỉ góp ý, tôi không có ý “dạy đời”; Giáo hội là Nhiệm thể của Chúa Kitô, được xây dựng và trường tồn từ 2000 năm nay… Khiêm tốn là phải nhận tôi không phải là người đầu tiên muốn cho Giáo hội bài học! Tuy nhiên tôi có thể nói, nếu các người trẻ xa Giáo hội là vì Giáo hội không cho thấy tất cả thực tế và sức mạnh thiêng liêng của mình. Chúng ta thấy một ước muốn nơi người trẻ, họ mong mở ra với một đường lối đích thực của đời sống tâm linh. Chính vì vậy phải loan báo đức tin trực tiếp cho họ, đề nghị các thời khóa biểu rộng hơn cho các bí tích, chăm sóc việc cử hành các bí tích; với những chuyện này, đề nghị với họ một sáng kiến phụng vụ và giáo lý. Theo ý kiến khiêm tốn của tôi, cũng phải luôn sẵn sàng với họ, như trong một gia đình thiêng liêng: có uy quyền phụ tử, có tình mẫu tử, có tình anh em luôn sẵn sàng giúp đỡ.
Còn đối với người trẻ, họ xa Giáo hội vì họ thường bị mù quáng với những lôi kéo của thế giới này. Khối truyền thông và internet đã chiếm hết tâm trí họ với các tiếng động ồn ào, các trò giải trí, thường là phù phiếm làm cho họ bị cản trở để trả lời cho các câu hỏi nền tảng của cuộc hiện sinh của mình, và đôi khi lại làm cho họ bị hoang mang. Bị chận đứng bởi chủ nghĩa vật chất, họ có khuynh hướng nhìn hạnh phúc trong của cải giàu có, trong địa vị tốt; trong thú vui nhục dục, trong sản phẩm khiêu dâm, trong các quan hệ không có ngày mai. Một cản trở khác: chủ nghĩa cá nhân làm cho chúng ta biến đời mình, hạnh phúc của mình chỉ quy về chính mình. Đa số các bạn trẻ bị tổn thương sâu đậm bởi các cản trở này, các cản trở chận đứng sự phát triển một đời sống kitô sâu đậm. Cũng may là điều này không đúng cho tất cả các bạn trẻ; một gia đình có đời sống đạo sâu đậm, một đời sống giáo xứ thân tình là hỗ trợ không thể thay thế được để vui vẻ kiên trì, ước muốn trung thành với bí tích rửa tội đã nhận lãnh.
Cuối cùng, Giáo hội có sứ vụ mang lời giảng dạy của Chúa Kitô Sống Lại và kêu gọi các tâm hồn hoán cải thì lại đứng trước các người trẻ ngần ngại không muốn đón nhận Tin Mừng, vì yếu đuối hay hèn nhát trước các từ bỏ cần thiết. Nếu họ có được trải nghiệm chỉ có chân lý của Chúa Kitô mới làm cho họ được tự do và chỉ có nơi Ngài họ mới có được niềm vui, và niềm vui dồi dào, thì chắc chắn họ sẽ có can đảm đi theo Chúa Kitô. Để được như vậy, họ cần các gương mẫu, các người hướng dẫn, những người có một đời sống thiêng liêng vững vàng và có khả năng làm chứng cho sự thật trong đức ái.
Một ngày ở chủng viện của một chủng sinh trẻ như thế nào?
Ở chủng viện, chúng tôi thức dậy lúc 6 giờ sáng. Kinh sáng lúc 6h25. Sau đó là nửa giờ hương nguyện thinh lặng, rồi dự thánh lễ chung với cộng đoàn. Thánh lễ đôi khi được hát, trong các ngày lễ thì thánh lễ được cử hành long trọng. Sau khi tạ ơn là ăn sáng trong thinh lặng từ 8h đến 8h30. Tiếp đó là tùy theo tuần, chúng tôi có giờ học từ một đến bốn môn học từ 8h40 đến 12h.
Đến 12h15, cộng đoàn tụ họp ở nhà nguyện chủng viện để có giờ kinh trưa. Chúng tôi ăn trưa lúc 12h30; thường là ăn trong thinh lặng cho đến lúc ăn tráng miệng, trong khi ăn, một chủng sinh đọc một đoạn sách. Sau đó chúng tôi có giờ ra chơi từ 13h đến 14h: đi dạo với bạn bè, chơi bài hay chơi bi-da ở phòng chơi, v.v. Sau giấc ngủ trưa ngắn, buổi chiều chúng tôi có môn học hoặc học riêng. Chúng tôi có bữa ăn xế lúc 16h đến 6h15. Kế đó là giờ Kinh chiều 17h30; trước giờ kinh chiều chúng tôi có nửa giờ hương nguyện. Ngày thứ tư, chúng tôi lần chuỗi cùng với cộng đoàn thay cho kinh chiều, ngày thứ năm chầu Thánh Thể.
Sau kinh nguyện, chúng tôi còn một chút thì giờ tự do. Ăn tối lúc 19h và cũng trong thinh lặng. Kế đó là giờ giải trí buổi chiều cho đến 20h10, sau đó cộng đoàn tụ họp lại để hát kinh tối. Ngày thứ hai và thứ năm, trước giờ kinh tối, có một buổi giảng thiêng liêng do một trong các linh mục của chủng viện hay do cha khách đến thăm chủng viện. Sau giờ kinh tối là thinh lặng cho đến sáng hôm sau.
Đó là một ngày sinh hoạt bình thường trong chủng viện. Chiều thứ tư chúng tôi được tự do cho đến giờ lần chuỗi lúc 18h30; một vài người chạy bộ hay đá banh. Ngày chúa nhật chúng tôi có giờ tự do sau thánh lễ sáng 9h15 cho đến giờ Kinh chiều; chúng tôi có thể đi dạo trên núi hay ở lại chủng viện… Tóm lại, một ngày bình thường ở chủng viện là cố gắng quân bình giữa cầu nguyện, học hành, đời sống huynh đệ … và nghỉ ngơi lành mạnh! Ngoài giờ học hành, chúng tôi còn làm nhiều công việc được giao phó như bảo trì, chuẩn bị trại hè v.v.” những việc chúng tôi tận tâm làm để phục vụ cộng đoàn.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc: Các chủng sinh của chúng ta là ai?