Trích sách Phanxicô, Giáo hoàng giữa lòng thế gian, François, un pape parmi les hommes, Christiane Rancé, Albin Michel
Mọi câu chuyện đều có phần bịa đặt của nó, mọi số mệnh đều có các truyền thuyết bao chung quanh. Có thể đây là dấu hiệu của một cuộc đời gương mẫu khi có không biết bao nhiêu dấu hiệu báo trước, một vầng hào quang của điều siêu nhiên bao chung quanh những dấu hiệu này. Việc bầu chọn Jorge Mario Bergoglio không tránh được các ước mong muốn biết thêm về những chuyện này. Từ khi Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm, ba tia chớp tiếp nhau xoẹt trên Đền Thờ Thánh Phêrô ngay ngày 11-2-2013. Hình ảnh được nhiếp ảnh gia Filippo Monteforte ghi lại. Một giờ sau, bức hình này được loan ra khắp thế giới. Một dấu chỉ cho sự ngạc nhiên của mọi người khi nghe tin giáo hoàng từ nhiệm, dấu hiệu được xem như lời cảnh báo từ Trời, một trong những cảnh báo mà Thánh Kinh và sách Khải Huyền giữ bí mật. Ở nước Anh, tờ báo The Sun khẳng định Chúa đã mặc khải cho biết. Ở Úc, tờ Sydney Morning Herald đặt câu hỏi làm mọi người thắc mắc: có phải đó là dấu hiệu của Phía Bên Kia không? Còn Cơ quan thông tấn Pháp AFP thì nói đây là “một cú sấm sét từ trời”. Chắc chắn phải có cái gì đó mới làm cho người ta bàn tán xôn xao về những chuyện dị đoan này: sấm sét, đập ba lần, vào giữa mùa đông, trên nóc Đền Thờ Thánh Phêrô, đền thờ mà chính Đức giáo hoàng Jules II đã dựng lên để khẳng định uy quyền tối cao của Giáo hội Công giáo, một Giáo hội bị chia rẽ vì Cải Cách, và điều này, vào lúc này, là điều hết sức đặc biệt trong lịch sử của Vatican.
Cú sốc do Đức Bênêđictô XVI quyết định để trống ngai tòa chưa qua thì năm ngày sau, ở vùng Oural thuộc nước Nga, một thiên thạch giáng xuống thành lửa có sức tàn phá khủng khiếp. Mười ngàn tấn đá, hơi khí và băng nổ tung với một cường độ mạnh ba mươi lần hơn cả bom nguyên tử dội xuống Hiroshima. Người ta nghe những tiếng nổ cực mạnh, những tia sấm chớp sáng lóe mù mắt, những hiện tượng làm người dân chỉ nghĩ tới ngày tận thế. Thành phố Tcheliabinsk bị giáng xuống. Có những người bị thương, dân chúng cuồng hoảng, các tòa nhà bị phá toang vì cơn địa chấn. Trời mưa lửa, người dân run rẩy nhìn trời, các nhà quan sát trên thế giới chăm chú theo dõi. Tiểu hành tinh 2012 DA14, hành tinh lớn nhất chưa bao giờ đến gần mặt đất như thế, liệu nó có đè bẹp Quả Đất Xanh này không? Nhưng – có nhờ Chúa không? -, hành tinh này có thể làm biến mất trọn quả đất đã tiếp tục đường đi của nó trong thiên hà vô tận.
Đối với nhiều người, dấu hiệu liên hệ là hiển nhiên. Phải là mất trí mới không thấy điềm thiêng dấu lạ. Trời giáng xuống ba cú cảnh cáo và Quả Đất xứng đáng nhận. Trong nỗi day dứt của toàn cầu hóa, trong những vụ hiếu chiến gây chết chóc khắp nơi và gần với chúng ta là vấn đề môi sinh, quả đất bị khai thác đến tận cùng, phí phạm trơ trẽn, sự giải tán của các ban bộ đầu ngành mà con thuyền Giáo hội từ nay không có người lái, dân Chúa không có người chăn. Tệ hơn nữa, nước chảy tràn vào thuyền, con thuyền sắp đắm. Thánh của các vị thánh, giáo triều ngập dưới đủ chuyện. Các nhóm thế lực gây sức ép, lạm dụng tài chánh ở Ngân hàng Vatican trong khi có không biết bao nhiêu người đang chết đói, tu sĩ phạm tội ấu dâm, phong tục hủ bại được che giấu. Cả một thể chế có vấn đề, từ Rôma cho đến thế giới, urbi et orbi. Bản kết toán đen tối đến mức chính Đức Bênêđictô XVI cũng tuyên bố là không biết làm sao chỉnh đốn.
Cuối cùng, vào ngày 12-3-2013, 115 vị hồng y cũng phải đóng cửa mật viện lại để bầu vị giáo hoàng thứ 266 kế vị Thánh Phêrô. Chắc chắn chưa bao giờ giáo dân vừa hy vọng vừa lo lắng khi chờ tân giáo hoàng cho bằng lúc này. Các hồng y có được khả năng nhận định cần thiết để đọc dấu chỉ thời đại cho thời buổi này không? Giữa họ, có được một người nào có khả năng cứu tình thế này không? Trên sân Đền Thờ Thánh Phêrô, mắt hướng về ống khói mong một làn khói trắng bay lên, lòng giáo dân ngập tràn hy vọng. Ngày 16-10-1978, khi xuất hiện ở ban-công, đã chẳng có một con chim bồ câu bay chung quanh Đức Gioan-Phaolô II đó sao? Ngày 13-3 dấu hiệu này đã xảy ra: một con chim mòng biển đậu trên ống khói của Nhà nguyện Sixtine. Người ta viết về con chim này rất nhiều, thậm chí con mở cho nó một tài khoản twitter. Các ký giả muốn thấy đây là dấu chỉ sẽ có một giáo hoàng ngoại hạng, giáo dân thì muốn thấy đây là dấu hiệu của Đức Chúa Thánh Thần. Trong những giây phút ngắn ngũi của nhịp đập đôi cánh của con chim mòng biển có một cái gì như sự Thương Khó của Con Thiên Chúa và sự hiện xuống của Đức Chúa Thánh Thần nhập lại. Rồi con chim mòng biển này bay, con chim khác đến. Người ta tìm cách giải thích vì sao con chim mòng biển chọn nơi này để đậu, chẳng êm ái chút nào so với các cột Bernin, các pho tượng khổng lồ ở gần đó, vì sao nó không đến đậu. Con chim có lẽ cảm thấy lạnh và muốn tìm ở đó một chút hơi ấm sao? Đường dẫn ống khói có ấm không để nó tìm chỗ đậu? Lý Lẽ cứu những người ranh mãnh; Hy Vọng cứu các tín hữu, những người mà khi họ tin, họ tin tất cả những gì giáo lý đã dạy họ: Đức Mẹ Đồng Trinh và Ma Quỷ, Đức Chúa Thánh Thần muốn thổi ở đâu thì thổi và dưới hình thức nào Ngài muốn. Con chim thứ nhì vừa bay lên thì khói trắng đã không bốc lên trời đó sao?
Rồi thì có những dấu chỉ khẳng định cho việc bầu chọn: Jorge Mario Bergoglio được bầu vào ngày 13, con số đã là một biểu tượng, nhưng còn hơn nữa 13-03-2013. Ngài được bầu lúc 7 giờ tối ở Rôma, tức là 3 giờ ở Buenos Aires. Và hồng y phó tế Jean-Louis Tauran tuyên bố câu truyền thống Chúng ta đã có giáo hoàng, Habemus Papam lúc 8 giờ 13 phút… Ở Argentina, ngay lập tức người ta nhớ lại cũng ngày 13 là ngày Jorge Mario Bergoglio chịu chức linh mục, 13-12-1969, 3 ngày trước ngày sinh nhật 33 tuổi của ngài và… dấu chỉ quá đỗi ngạc nhiên cho người dân ở Buenos Aires là vào ngày 13-3, ngày ngài được bầu chọn, vé số trúng của xổ số quốc gia là số 8235, số thẻ hội viên hội bóng đá San Lorenzo d’Almagro yêu chuộng của ngài.
Những dấu hiệu đã xảy ra trước các dấu hiệu ở La Mã này có vẽ như điềm báo trước cho Jorge Mario Bergoglio về số phận của mình. Câu trả lời lạ lùng, buộc ra khỏi miệng ngài hoàn toàn không cố ý, đó là linh tính hay do tính hài hước của ngài? Ngày 12-11-2011, câu trả lời làm cho cả ngài lẫn người đối thoại chưng hửng, sau này được đăng lại trên báo Noticias. Jorge Mario Bergoglio muốn từ bỏ công việc ở tòa giám mục vì vài tuần sau, ngày 17-12 là ngày ngài 75 tuổi, tuổi theo giáo luật được về hưu mà ngài thì mơ được về hưu. Ngài sốt ruột muốn có thì giờ hơn để cầu nguyện, để dẹp các công việc bàn giấy càng ngày càng nhiều, dù rất đau lòng. Ngài vừa dâng thánh lễ ở Quảng trường Constitution và đi bộ về tòa giám mục. Ngài đi một mình và xách chiếc cặp đen cố hữu của ngài. Ký giả Diego Genoud nhận ra bóng dáng quen thuộc của ngài trong đám đông: “Kính thưa hồng y, hồng y sẽ đề nghị ai kế vị hồng y?”, ông nằn nỉ hỏi vì những người ủng hộ nữ Thủ tướng Cristina Kirchner ngại vị kế nhiệm ngài cũng sẽ tiếp tục chống đối mãnh liệt các đường lối trệch hướng của chính phủ. Và Bergoglio nhìn trời hồn nhiên trả lời: “Đức giáo hoàng”. Câu này đã làm tốn hao nhiều giấy mực hai năm sau khi giám mục sắp về hưu được chọn làm giáo hoàng. Người ta còn ngạc nhiên hơn khi biết rằng, trong lần mật nghị trước, dù bí mật không được lộ ra, Bergoglio đã làm nản chí những người ủng hộ ngài khi ở những lần bầu đầu tiên, số phiếu của ngài xấp xỉ số phiếu của hồng y Ratzinger, ngài xin họ bỏ phiếu cho hồng y Ratzinger.
Cuối cùng còn có một sự kiện lạ lùng vào ngày Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm. Theo lệ thường, ở Buenos Aires, Bergoglio dâng thánh lễ ở Nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Bỗng nhiên vào cuối thánh lễ, giáo dân đứng dậy hô to: “Cha sẽ là giáo hoàng!” Linh mục Ricardo Crislogo Fiat kể cho tôi nghe chuyện này, cha nhớ giám mục của cha đã tỏ ra bối rối khi kể cho ngài nghe chuyện này. “Tôi không biết ngài có nghĩ như vậy không, nhưng ngài tỏ ra rất sợ. Từ hơn một năm, ngài chờ Đức Bênêđictô XVI cho phép về hưu vì ngài đã được 75 tuổi. Ngài đi Rôma mà lòng không hăng hái một chút nào, đi chỉ vì làm bổn phận của một hồng y cử tri bầu chọn một giáo hoàng mới.
Marta An Nguyễn dịch