Trích từ sách Tên tôi sẽ là Phanxicô, Je m’appellerai François, Pierre Lunel, Albin Michel. Chương 3, Giám mục của tranh đấu.
Tháng 12-2007, đánh dấu ngày nữ Tổng thống Argentina, Cristina Kirchner lên nắm quyền lực. Chồng của bà, Nestor Kirchner, chỉ còn là một nghị viên thường. Có thể vì bà là phụ nữ nên bà thích đối thoại tay đôi hơn là đấu kiếm: từ nay giữa Tòa giám mục và dinh Tổng thống Casa Rosada có đối thoại với nhau. Họ gặp nhau. Họ trao đổi lịch sự các quan điểm với nhau. Nhưng kiểu ngoại giao này không che được các rạn nứt: trên thực tế, mỗi người giữ quan điểm riêng của mình. Một cuộc đình công của các người làm nghề nông đã làm rung động cả nước, tổng giám mục đấu tranh cho những người đình công trong một cuộc họp báo nổi tiếng, ngài nghiêm khắc chất vấn nữ Tổng thống. Trong khoảng thời gian nghỉ giữa hai lần đình công: hai bên bắt tay nhau, cười với nhau – họ chờ đến lần chạm trán tiếp. Khi đó người ta bắt đầu nói qua nói về “những câu nho nhỏ”. Giống như những ngày “mục vụ xã hội” năm 2009, khi Jorge đả kích “những người tự kỷ thu mình lại và không đến nơi hẹn. Còn tệ hơn nữa: Chính quyền không xem xét đến các vấn đề nghiêm trọng. Nạn nghèo đói đã thắng. Những lời này như những mũi dao đau đớn đâm vào cạnh sườn nữ Tổng thống, người ý thức vai trò và trách nhiệm của mình.
Thời kỳ cao độ của cuộc chiến tranh nội bộ xảy ra vào tháng 7-2010 khi bà Cristina ủng hộ bộ luật “hôn nhân cho tất cả mọi người”. “Chúng ta đừng làm thiên thần! Đây không phải đơn thuần là cuộc đấu tranh chính trị. Đây là ý đồ hủy diệt chương trình của Thiên Chúa”, hồng y công kích mạnh. Cristina co rúm lại. Nhân vật tôn giáo này can thiệp vào chuyện này làm gì đây? Đối với bà, đây chỉ là chấp nhận một thực tế đã có trong các sự kiện… Chính lúc này mà chồng bà, ông Nestor chết, ngày 27-10-2010. Hai nhân vật chính tạm ngưng đấu tranh. Jorge dâng thánh lễ tưởng niệm người quá cố: “Đứng trước cái chết, các khác biệt phải để qua một bên. Phải cầu nguyện cho Nestor”, ngài kết luận trong bài điếu văn nói trước đông đủ các chính trị gia tham dự để tiển đưa người quá cố lần cuối cùng.
Điều tệ nhất cho bà Cristina sắp xảy ra… Vì khói trắng bốc lên ở Nhà nguyện Sixtine ngày 13-3-2013 đã làm cho kẻ thù lớn nhất của bà thành người nổi tiếng nhất lịch sử, kể từ nhà giải phóng San Martin của nước bà. “Ở Quốc hội, nhóm thân Kirchner kinh ngạc nghe tin Bergoglio được bầu chọn! Họ nghe giống như nghe tin tang lễ!” Cristina khéo léo. Vô ích để có bộ mặt đưa đám ma khi toàn dân hân hoan mừng rỡ: sẽ không có một ai hiểu phản ứng này. Bà quyết định làm một việc trái lòng: xếp vali vội vã bay qua Rôma để bày tỏ lòng vui mừng với Đức Thánh Cha Phanxicô. Một chuyến đi từ Canossa của người đàn bà kiêu ngạo này! Bà sẽ đến uống trà với kẻ thù của mình ở Nhà trọ Thánh Mácta. Ở đây, tân giáo hoàng để trong đĩa ăn của bà hồ sơ Aparecida, tiếng kêu phẫn nộ để bênh vực người nghèo. Đúng là cả một khiêu khích. Nhưng Cristina sẽ uống chén đắng đến giọt cuối cùng: bà quá lão làng trên trường chính trị để không hiểu là không được đấu kiếm với một pho tượng… Dưới chiếc áo chùng trắng “Phanxicô”, Jorge là người bất khả xâm phạm.
Nếu có một cuộc cạnh tranh cho thương hiệu Padre Jorge thì vị hồng y này không giống ai, ngài sẽ nhờ những người nghèo nhất vận động cho mình. Mọi lúc, mọi nơi, ngay từ khi ngài còn là linh mục, ngài đã quan tâm đến những khu phố nghèo nàn, những nơi này là vầng quang gai góc ở vùng ngoại biên của những thành phố lớn. Lịch sử của những nơi này là một thảm kịch, đó là câu chuyện của đau khổ và của tử thần. Một nơi đóng kín, nơi ma túy, nơi bạo lực, nơi buôn bán bất hợp pháp ngự trị – nhưng cũng là nơi mang hy vọng. Có bao nhiêu người sống lây lất ở ven Buenos Aires? Có thể có từ 400.000 đến 500.000 người… Những người nghèo không bao giờ có con số thống kê chính xác. Trong những đô thị sa sút này cũng còn có tình thương. Không có tình thương thì các cha xứ villeros, tên gọi các cha xứ đến đây ở, sẽ không thể nào thực hiện được công việc tông đồ của họ cho những người yếu đuối nhất. Các cha xứ này có các vị tiền phong của họ. Trong số những người dẫn đường, ngoài các nhà truyền giáo lớn ngày xưa, thì có cha Daniel de la Serna, người bắt tay làm việc từ năm 1976 trong các khu phố Barracas hay cha Carlos Mugica, cha xứ ngoại hạng này ở một mình ở khu phố villa 31, Retiro, trước khi những tổ chức bán quân sự đã hèn hạ ám sát ngài năm 1973, ngài chết trong tay các bạn của ngài, một vị thánh trong các vị thánh.
Bergoglio thành lập Giáo Hạt cho “mục vụ ở các khu phố nghèo”, trải rộng trên tất cả các khu phố của thủ đô và mang số: 21, 3, 6, 19, 26… Các cha xứ của họ là Gustavo Carrara, Francisco Punturo, Zamoro, Alejandro Seijo, Enrique Evangelista, Rodrigo Valdez, “Toto”. Dưới thời hồng y Quarracino, khi công việc mới bắt đầu, họ có tổng cộng là 8 người; bây giờ dưới sức thổi của Padre Jorge, họ có trên ba mươi linh mục. Đó là những linh mục xung kích; họ từ 30 đến 40 tuổi. Họ vững mạnh và có sức khỏe bằng đồng để đảm đương sứ vụ này.
Jorge đối xử với họ như một người cha. Ngài dặn họ, “Các con phải làm việc với từng người một, nhất là với những người trẻ… Bởi vì cuộc đời của mỗi người đều khác nhau, mỗi người là một thực thể duy nhất”. Đối với ngài, người nghèo là hình ảnh của Chúa Kitô chịu đau khổ. Jorge Bergoglio tin chắc nơi các khu phố nghèo này ẩn giấu một kho tàng: kho tàng đức tin nơi Chúa Giêsu. Lòng mộ đạo bình dân tự phát, nguyên thủy. Ở đây, tin vào Chúa không phải là chuyện hảo huyền. Người nghèo có một đức tin như “than hồng”. “Ngài đi xe buýt đến thăm chúng tôi. Ngài cư xử như một cha xứ, chúng tôi như có thêm một cha xứ.”
Trong khu phố số 21 ở Barracas, nơi tôi đến vào tháng 11-2013, ai cũng biết ngài và xem ngài như người anh cả. Ngài gọi tất cả những người ở đây bằng tên riêng của họ. Giống như mẹ Têrêxa đã nói, thương giáo dân là như vậy: quan tâm đến số phận của từng người, từ người bệnh đến trẻ con, từ người tàn tật đến các bà nội ngoại, cười với họ, chia sẻ niềm vui nỗi buồn với họ. Từ khi cha Pepe Di Paola đi đến nơi khác – cha xứ tiền phong của khu phố này – , họ còn bốn linh mục ngày đêm lo cho người nghèo (bốn người lo cho 45 000 giáo dân!): Lorenzo de Vedia mà người ta biết qua tên “Toto”, “Charly”, Juan Isasmendi và Beretta Lauria. Phải rất cứng cựa mới đáp ứng được tất cả đòi hỏi, tất cả khốn cùng ở nơi này.
Jorge đến khu phố 21 nhiều lần một năm để gặp họ. Không bao giờ ngài không đến vào ngày 8-12, ngày lễ Đức Mẹ Đồng Trinh và cũng là ngày lễ Đức Bà Caacupé, Trinh Nữ Paraguay, Đấng bảo vệ khu phố nghèo… Bây giờ, khi những người này xem truyền hình, họ thấy đám đông chen chúc nhau để được tới gần Đức Phanxicô, họ sẽ không hiểu được vì hồi đó họ có thể đến gần ngài, chạm vào ngài, hôn ngài, nói chuyện với ngài thật dễ dàng. “Ngài đi chuyến xe buýt 77 đến đây, ngài nói chuyện với chúng tôi, vào nhà chúng tôi, uống trà với chúng tôi”, Julia và Adelina, hai nữ giáo dân ở giáo xứ Đức Bà Caacupé kể. Các cha xứ này là con của ngài. Ngài giúp họ tất cả. Họ có một dự án? Jorge sẽ can thiệp để họ thực hiện được. Họ có ưu tư gì? Ngài lắng nghe và tìm giải pháp… Ngài lặn lội ở các khu phố này giống như ngài là người ở đó.
Cha Toto, ngoài bốn mươi tuổi, đầu sói như quả trứng gà, nét nghiêng ngiêng giống con phượng hoàng, lúc nào cũng di động, cha tiếp tôi giữa muôn vàn giáo dân đến xin này xin kia. Điện thoại reo không ngừng. Gần như cuộc sống không bao giờ ngưng ở những khu phố này. “Toto” đã là cha xứ 22 năm trước khi đến với cha Di Paola, hồi đó là cha xứ của villa 21. Cùng nhau họ thực hiện cả ngàn chuyện cho giáo dân: trường dạy nghề, trường huấn luyện dịch vụ xã hội, nhà nguyện, sân thể thao – như sân đá banh tí ti được cha Rodolfo Ricciardelli xây-, các trung tâm cao niên, các nhà đón người nghiện ngập. “Jorge? Cha nói với tôi. Đó là người xây cầu! Sự giúp đỡ của ngài ở đây thì không bao giờ có thể thay thế được. Trước ngài, chung chung các giám mục không đặt chân đến đây. Còn ngài thì ngược lại, ngài ở đây như cá gặp nước. Lần cuối cùng ngài gọi điện thoại cho tôi là 10 phút trước khi ngài bay đi dự mật nghị…”
Thường thường, Jorge đến và đi bằng xe buýt, lúc nào cũng vậy. Ngài không báo trước: ngài không muốn được đón tiếp như một khách mời sang trọng. Ngài là người anh về thăm nhà. Không hơn không kém. Nhất là đừng gọi ngài là “Đức hồng y” hay “Đúc tổng giám mục”! Ngài rất ghét. Ngài là “Cha Jorge”, chấm hết. Ngài đến với cái cặp cố hữu, để thăm “Toto”, rồi ngài rảo bộ khắp xóm, gõ cửa nhà giáo dân, ngồi nói chuyện với họ, những chuyện trên trời dưới đất, uống ly trà maté với họ. Khi ngài uống trà với những người nghiện paco (một loại ma túy địa phương), ngài không uống giả bộ. Ngài không sợ gì hết. “Thật là lạ lùng, có người đến, cởi giày cho tôi, rửa chân cho tôi rồi hôn chân tôi…”, một cô cựu nghiện ngập kể. Ngài rất ghét người ta hôn tay ngài. Khi nào ngài cũng kết thúc buổi nói chuyện bằng câu “Xin cầu nguyện cho cha”. Ngài thích ngồi ăn chung với người nghèo. – “Nơi bàn ăn của người nghèo, tôi thấy tâm hồn của họ, ngài nói. “Ngài không nói nhiều nhưng ngài lắng nghe. Ngài để tay lên đầu tôi, ngài làm dấu thánh giá rồi ngài nghe tôi”. Như thế kéo dài cả hàng giờ: thật khó cho những vấn đề của người nghèo…
Ma túy là tai họa của những khu phố này. Nó đã làm cho cha Pepe Di Paola xém chết, cha xứ villeros có đôi mắt màu xanh, trong văn phòng cha có tấm hình của một em bé ngoài đường được cha cứu. Khi tôi đến đây, tôi không gặp cha. Một viên đạn vừa đưa cha vào bệnh viện… Tháng 3-2009, một cuộc tranh luyận dữ dội ở đài truyền hình về dự luật không phạt tội xử dụng ma túy. Các cha xứ ký một tài liệu để bày tỏ nỗi phẫn nộ của họ: “Thực tế ở chỗ chúng tôi, tiêu thụ ma túy đã không bị phạt. Vấn đề không phải ở các khu phố nghèo, vấn đề ở nạn buôn ma túy!” Đêm 20-4, khi Pepe đạp xe đạp về nhà, một người lạ mặt dọa cha: “Đi ra khỏi chỗ này, nếu không chúng tôi sẽ giết ông!… Khi tất cả mọi chuyện ma túy này không còn trên truyền hình thì lúc đó họ sẽ hạ mình!”
Ngày hôm sau Pepe điện thoại cho Jorge. Ngài tiếp cha ngay lập tức: cửa văn phòng ngài luôn luôn mở ra cho các cha xứ villeros. Hồng y lắng nghe cha Pepe, hai tay bưng đầu, ngài nói với cha Pepe: “Trước hết chúng ta phải có bình an vì mình phải làm theo tinh thần Phúc Âm và cha xin Chúa, nếu phải có một người chết thì người đó là cha, không phải con!” Ngày hôm sau, trong thánh lễ, bài giảng của cha thật mạnh: “Những người buôn ma túy là những nhà buôn có quyền uy cực mạnh của bóng tối, họ mạnh đến mức mà ngày hôm qua, một cha xứ đã bị họ đe dọa giết, và chúng tôi tất cả đều biết, những lời đe dọa này không phải là những lời đe dọa suông… Đây không phải là vấn đề riêng của các linh mục. Nó là vấn đề của tất cả mọi người, của quý vị và của tôi…”
Vài ngày sau, ngài đến villa 21 mà không báo trước. Ngài muốn tất cả mọi người thấy ngài với cha Pepe. Ngài đã vào nhà nguyện Đức Bà Caacupé để cầu nguyện với cha Pepe. Một thời gian ngắn sau, ngài chỉ định cha Pepe Di Paola là phụ tá giám mục cho “mục vụ của những khu phố nghèo”. Lời nói của ngài rõ ràng: “Phải đi ra, ngài nói với các linh mục. Nếu làm cho Chúa Giêsu và Giáo hội thì các con phải làm. Dù có uổng công ngàn lần nhưng trên con đường này các con phải chỉnh cho thẳng tâm hồn các con…. Hành động là tốt, còn hơn không làm gì!” Cha Mugica đã không nói vài ngày trước khi bị giết “Nỗi sợ duy nhất của tôi là phải chết ngoài Giáo hội” đó sao?
Cuộc chiến đấu của Jorge bên cạnh những người yếu nhất trên mãnh đất này mau chóng lan rộng ra trên khắp các phương vị. Người ta thấy ngài tố cáo các xưởng làm chui – người khai thác người – các ông chủ tịch thu hộ chiếu của những người Paraguay, Bolivia, Péru, bắt họ làm việc 18 giờ một ngày với đồng lương chết đói… Tổ chức Phi Chính Phủ La Alameda đấu tranh chống loại buôn người này dù họ bị đe dọa thường xuyên. Jorge nâng đỡ họ không chỉ bằng lời: ngài còn đến tận địa bàn làm việc của họ, tham dự vào các buổi họp của họ, làm cho mọi người biết ý chí và cuộc chiến đấu của tổ chức La Alameda cũng là của ngài. Ngài bênh vực các người thợ khốn cùng, họ lượm từng thùng các-tông ngoài đường. Ngài là nhân vật hiệp sĩ Robin Rừng Xanh của tất cả những người bị khai thác, tất cả nô lệ, tất cả các cô gái mãi dâm cũng như các trẻ em bụi đời.
Các bài giảng của ngài thì khủng khiếp: “Xin tha thứ cho tôi, khi tôi thấy những cảnh này, tôi khóc, tôi khóc vì bất lực không làm được gì… Đâu là người anh em nô lệ mà quý vị giết mỗi ngày, đâu là các em bé mà quý vị bắt đi ăn mày, bắt nghiện ma túy? Với họ, ngài dâng thánh lễ ngoài đường để mọi người biết những gì đang xảy ra bên trong các đại lộ nở hoa của thành phố. Cảnh sát báo động: “Với các thánh lễ làm ngoài đường như thế này, thưa hồng y, ngài sẽ dễ là mục tiêu cho các cuộc ám sát…” Ngài phản pháo: “Nếu các ông muốn giết tôi thì cứ giết, tôi không im miệng!” Jorge không bao giờ muốn mặc áo chắn đạn: ngài phó thác vào Chúa, chỉ một mình vào Chúa! Ngài còn công kích mạnh hơn: “Những em bé gái đã ngừng chơi búp bê rất sớm để đi vào các quán rượu làm điếm, các em bị bán, bị bỏ rơi!” “Người ta nói với tôi nạn nô lệ không còn. Sai. Trong thành phố này nạn nô lệ vẫn luôn luôn còn. Có những người đàn ông làm tiền trên cơ thể người khác. Với thân thể của tất cả những nô lệ này. Vì thân thể này mà Chúa Giêsu đã chết, và thân thể này không đáng giá bằng thân thể một con vật của họ. Người ta săn sóc con chó còn hơn các nô lệ của chúng ta!” “Hỡi những quý vị làm giàu bằng cách buôn người, tôi nói cho quý vị biết: ‘Tại sao quý vị lại làm như vậy? Không những quý vị xuống hỏa ngục với bàn tay dính máu nhưng quý vị sẽ lãnh đạn của đồng đội cạnh tranh của quý vị, vì những người mafia đều làm như vậy!” “Các em bé gái tuổi từ 11 đến 14 bị bán cho những người lái xe sang trọng chỉ có 3 đồng peso. Sau đó các em chạy như bay để đi mua paco (một loại ma túy địa phương)”.
Kể từ đầu năm 2012, Jorge tin chắc mình sẽ ngưng hoạt động, ngài bắt đầu dọn văn phòng và căn hộ. Căn phòng ở Flores đang chờ ngài, Flores là khu phố tuổi ấu thơ của ngài, căn phòng ở nhà hưu dưỡng của các tu sĩ rất nhỏ; ngài phải cho sách, sách là gia tài duy nhất của ngài, hàng chục quyển. Có người hỏi ngài, ngài làm gì với bức hình lớn chụp ngài với Đức Bênêđictô XVI… “Cha cho con với điều kiện: con hứa là không được đem nó đi treo đâu khác!”, ngài trả lời với nụ cười láu lỉnh. Ai kế nhiệm ngài trong chức vụ Hồng y trưởng Giáo hội Argentina? Chính ngài cũng không có một ý tưởng nào trong đầu và điều này ít quan trọng đối với ngài. “Sẽ là Aguer, Sarlinga hay Lozano?”, một người thân hỏi ngài. Jorge cười: “Kệ! Cha mong là không có ai trong mấy người này…” ngài cắt đứt câu chuyện. Đã đến giờ cầu nguyện. Đó là chuyện ngài quan tâm đến duy nhất. Ngài sắp được 75 tuổi.
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc: “Các con đừng đánh mất hy vọng!”