Cựu đại tướng Marescaux, phó tế vĩnh viễn giúp các cô gái điếm

351

Cựu đại tướng Marescaux, phó tế vĩnh viễn giúp các cô gái điếm

fr.zenit.org, 2006-06-20

Cựu đại tướng Henri Marescaux, thầy phó tế vĩnh viễn, người cha gia đình, người ông các cháu được Giám mục giáo phận Versailles nhờ giúp cho các cô gái điếm. Hội Công giáo Pháp có bài phỏng vấn cựu đại tướng ngày 30 tháng 6 – 2006. 

Hội Công giáo Pháp: Hai sự kiện thời sự trùng với cuộc gặp của chúng ta: Cúp bóng đá Đức đã làm cho các ống kính để ý đến các ổ điếm ở Đức và bà Ségolène Royal thuộc Đảng Xã hội Pháp yêu cầu Quân đội giải quyết các vấn đề tội phạm… 

Cựu đại tướng Henri Marescaux: Đúng là có các vấn đề này, nhưng tôi muốn trả lời trong tư cách thầy phó tế và là người làm việc tại chỗ để nói chuyện..

Làm thế nào thầy thành lập hội “Cippora” để đón tiếp các cô gái điếm (Cippora là tên vợ của ông Môsê)?

Tôi là người dạy giáo lý từ hơn hai mươi năm nay và cha xứ nói với tôi về việc làm phó tế. Và thế là tôi học hàm thụ và năm 2002, tòa giám mục giải thích cho tôi biết họ cần người lo cho các cô gái điếm… 

Thầy được đào tạo như thế nào?

Trước hết tôi đến gặp hai linh mục Marc Bonenfant và Patrick Giros, họ có kinh nghiệm làm việc với các cô gái điếm. Tôi phải mất một năm để được đào tạo ở Phong trào Tổ Ấm (Mouvement du Nid), họ tìm một nhóm để thành lập trước khi bắt đầu hoạt động ở vùng Yvelines.

Chúng tôi đi thăm nhiều cơ quan liên hệ khác nhau trong công việc này. Chúng tôi quan sát công việc của các Hội như “Từ bị giam đến Giải thoát” và hội “Altar”, chúng tôi đi thăm các sinh hoạt hội nhập của hội “Bằng hữu Tổ Ấm” hay “Bàn tiệc Cana” là các đối tác làm việc. Và tháng 9 năm 2003, chúng tôi có chuyến đi ở Rừng Saint-Germain.

Phương pháp làm việc là đi hai người, một đàn ông và một phụ nữ để gặp các cô gái điếm. Chúng tôi đậu xe, chúng tôi xuống xe, chúng tôi chào, chúng tôi bắt tay và nói tên riêng của mình; chúng tôi cũng nói chúng tôi không phải là cảnh sát mặc thường phục nhưng là thành viên của một hội giúp những người làm điếm, và chúng tôi đi thăm mỗi tuần. Việc đón tiếp lúc nào cũng tốt. Chúng tôi cho biết chúng tôi có lớp học tiếng Pháp miễn phí và chúng tôi để lại thiệp của Hội, có tên người phụ trách, có địa chỉ và số điện thoại. 

Ai là những người làm điếm ở Paris?

Các người chúng tôi gặp toàn là người nước ngoài. Ở Rừng Saint-Germain là nơi tập trung nhiều cô làm điếm ở vùng Yvelines, điều làm chúng tôi ngạc nhiên là gần như tất cả đều đến Pháp bằng xe lửa RER. Như thế rõ ràng là họ đi rất nhiều và họ không biết đến biên giới phân chia các vùng Île-de-France của nước Pháp. Chúng tôi đi đến giải pháp là phải tiếp tục đón nhận họ, dạy tiếng Pháp và giúp họ hội nhập vào đời sống Paris. Chính vì vậy chúng tôi thành lập hội Cippora với sự hỗ trợ của Giáo xứ Chúa Ba Ngôi.

Cách đây hai năm chúng tôi chỉ có hai phụ nữ đến từ Đông Âu. Các cô ở độ tuổi 23 và 25. Bây giờ đa số là người Phi châu đến từ Nigeria, tuổi từ 22 đến 28, và cũng có các cô đến từ Châu Mỹ La Tinh, chủ yếu là vùng Xích đạo, các cô làm điếm ở Bois de Boulogne hay ở rừng Saint-Germain; trong số này có người chuyển giới. Cũng có vài cô người Hoa, họ ngoài bốn mươi và các mạng lưới cho họ hai chọn lựa, hoặc làm việc nhà chui cho chủ người Hoa hoặc làm điếm.

Thầy mang lại gì cho họ?

Chúng tôi đón tiếp họ từ 16h30 chiều thứ ba hàng tuần ở trụ sở Hội, 65 đường Clichy, trên lầu của nhà nguyện Thánh Rita. Chúng tôi mời họ ăn bánh ngọt, uống cà-phê, thường có từ 50 đến 75 người đến trong một buổi chiều và có mười thiện nguyện viên giúp họ. Hội Cippora có bốn mươi thiện nguyện viên.

Bắt đầu buổi gặp là lắng nghe trong tình bạn. Rất nhiều người nói họ muốn thay đổi đời sống. Chúng tôi nói với họ, trước hết họ phải quay về nước họ với sự trợ giúp của nước Pháp. Sau đó chúng tôi nói, nếu họ không muốn quay về, họ có thể có một đời sống bình thường ở Pháp và chúng tôi có thể giúp họ. Chúng tôi nói rõ, đây là một con đường lâu dài và khó khăn. Phải có giấy tờ hợp lệ (95% ở trong tình trạng không hợp lệ). Chúng tôi nhấn mạnh cho họ hiểu, họ là nhân vật chính trong việc thay đổi đời sống này. Chúng tôi không làm “thay” cho họ, nhưng “với” họ.

Một trong các việc đầu tiên là phải học tiếng Pháp, đó là bằng chứng cho thấy họ quyết tâm hội nhập và muốn tìm việc làm. Các lớp học tiếng Pháp từ thứ hai đến thứ bảy, được khoảng hai mươi thiện nguyện viên dạy các lớp từ 2 đến 6 người, có hai lớp mỗi tuần.

Chúng tôi hướng họ đến các dịch vụ y tế và các dịch vụ xã hội mà họ rất cần. Chúng tôi cũng có dịch vụ pháp lý và nhà ở để giúp họ. Chúng tôi tháp tùng họ trong rất nhiều tiến trình. Vì làm với tính cách thiện nguyện, chúng tôi không thay thế các tổ chức đã có. Chúng tôi cố vấn, chúng tôi mở cánh cửa, chúng tôi tháp tùng và chúng tôi khuyến khích. 

Nhà nguyện có đóng một vai trò quan trọng không?

Có, các người ở vùng Xích đạo tất cả đều công giáo, họ thường đến cầu nguyện với Thánh Rita… Các cô Phi châu khi nào cũng có quyển Thánh Kinh trong người! Khi tôi biết chuyện, tôi thảo luận với các cô hay nhóm nào muốn đọc Tin Mừng và chia sẻ Tin Mừng. Như vậy, trong vòng 15 tuần, nhóm này sẽ có buổi họp chiều thứ hai để cùng nhau đọc một đoạn Tin Mừng Thánh Máccô. Và đã có nhiều người ghi tên cho khóa tới.

Tôi theo phương pháp của “Lớp Alpha”, cùng ăn buổi tối nhanh với nhau, sau đó là đọc và chia sẻ nhóm. Cũng giống như thời Chúa Thánh Thần hiện xuống, mỗi người đọc theo ngôn ngữ của mình: Anh, Pháp, Tây Ban Nha… Tôi, người dạy giáo lý già đời trong nghề mà cũng ngạc nhiên khi lần đầu tiên thấy một cô người Nigeria đọc lời cầu nguyện bằng tiếng Anh trước bữa ăn!

Thầy có nói với họ về chuyện người thâu thuế và các cô đĩ điếm sẽ lên thiên đàng trước không?

Phải nhớ là động từ “lên trước” là ở thì hiện tại. Ngay từ hôm nay, các người đĩ điếm đã ở trong nước Chúa trước chúng ta, và đây không phải là một lời không quan trọng của Chúa Giêsu nói để khiêu khích! Câu này làm chúng ta suy nghĩ khi nó được thực hiện.

Tôi nghĩ dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu là tấm gương cho công việc của chúng tôi: người Samaritanô băng bó ngay, ông làm việc với nhà trọ và sau đó ông nói ông sẽ trở lại.

Chúng tôi cố gắng đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp và thiết yếu. Sau đó, nếu họ muốn, chúng tôi mới nói đến đức tin. Tông huấn “Thiên Chúa là tình yêu” của Đức Bênêđictô XVI giải thích rất rõ điều này.

Khi tôi hỏi một người làm điếm họ có theo một đạo nào không, rất hiếm khi họ trả lời không. Có nhiều cô người Albania, người Bungaria, người Rumania theo đạo hồi, còn các cô người Phi châu thì đa số theo kitô giáo, thường là theo giáo phái Hiện Xuống, một vài cô theo tin lành hoặc công giáo. Còn các cô Châu Mỹ La Tinh thì công giáo và hay đi nhà thờ cầu nguyện. 

Có bao giờ thầy nản lòng không?

Chúng tôi thấy mình hữu ích khi gặp những người sống trong hoàn cảnh bị cô lập hoàn toàn. Nhưng chính khi tháp tùng những người đến xin chúng tôi giúp mà chúng tôi thấy mình được hạnh phúc nhất… nhất là khi thấy họ có tiến bộ, thấy có một tình trạng đang ở ngõ bí mà có lối thoát. Và chúng tôi cũng thấy được sự thành công đích thực của hội nhập: tôi nghĩ đến các cô bây giờ đang bán hàng ở tiệm thuốc, tiệm áo quần, tiệm thực phẩm hoặc làm trong các tiệm ăn, và những người chuyển giới rửa bát đĩa trong tiệm ăn, vv. Năm vừa qua chúng tôi đã giúp cho 37 người có được giấy tờ: 26 người đã có việc làm hoặc thực tập có lương trong các chương trình hội nhập.

Tôi phục sự can đảm của những người này. Trong hơn ba năm làm việc ở đây, tôi chưa bao giờ nghe một ai than phiền. Và thật ấm lòng khi nghe họ mơ có thể dậy buổi sáng, đi ngủ buổi tối, làm việc trong ngày và nuôi dạy con cái. Các khát nguyện đơn giản này làm cho chúng ta phải đặt lại đúng chỗ các tham vọng của chúng ta.

Vợ của thầy có cùng làm việc với thầy không?

Nhà tôi có các sinh hoạt của bà. Nhưng cũng có các cô trở thành bạn và chúng tôi có mời một vài cô về nhà ăn với chúng tôi.

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc: Henri Marescaux: Đại tướng và các cô gái điếm

Bốn lời khuyên của cựu đại tướng Henri Marescaux để chống thành kiến